ấn tượng ruộng đồng
Tôi khởi đầu năm con trâu bằng chuyến đi về đồng ruộng. Cùng đi có chồng tôi và một đồng nghiệp của anh, sử gia kinh tế Peter Coclanis của trường đại học North Carolina. Vợ chồng tôi thì đã quen đi lại vùng đồng bằng sông Cửu Long, coi đó cũng là một quê nhà, đến nỗi lần nào về Việt Nam, cũng kiếm cớ về Cần Thơ, không có công việc thì cũng đi chơi. Riêng Peter, tuy trước đây từng theo các tour du lịch ngắn đến vài nơi thuộc vùng sông nước này, nhưng đây là lần đầu tiên ông thực hiện chuyến đi nghiên cứu chuyên môn dài một tuần lễ, gặp gỡ các nhà khoa học, các giáo sư, đến các viện nghiên cứu, trường đại học, ra đồng ruộng tiếp xúc nông dân. Những dự định hợp tác và xuất bản đã nảy mầm nhưng còn nhiều công sức nữa mới tới mùa gặt hái. Trong lúc trà dư tửu hậu của những bữa ăn dọc đường, chúng tôi nói chuyện lan man về việc và người đã gặp.

Dọc đường qua huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, thấy lúa chín vừa cắt nằm sắp lớp theo hàng đều tăm tắp trên đồng, một cái máy suốt lúa đang phun rơm phèo phèo lên một đống rơm cao ngất, còn hột lúa thì chảy rào rào xuống thúng, được đổ vô bao, từng bao năm chục ký mà người ta vác đi ngờ ngờ trên những bờ đất nhỏ vừa đủ đặt bàn chân trần.
Toàn cảnh trên cánh đồng này không giống như cảnh ngày mùa nhộn nhịp như tôi từng tưởng tượng qua thơ nhạc: không có không khí rộn ràng nhà nhà phơi lúa đầy sân, lúa chín vàng đồng… Cánh đồng này là một mô sa íc màu sắc: chỗ trồng khoai môn xanh tím, chỗ trồng ớt điểm xuyết trái đỏ trái vàng, chỗ vừa gặt xong mấy hôm trước, hôm nay đã sạ đậu nành, nước đang được bơm vào theo mấy con mương nhỏ. Chỗ đang gặt lúa chỉ chừng vài mẫu, bên cạnh cánh đồng trồng dưa bắt đầu có nụ.

Hỏi nông dân, thì chuyện đồng án thực tế hơi kém thi vị: lúa chín thì kêu máy đến cắt lúa, rồi mướn máy suốt lúa, vợ chồng con cái ra đồng gom lúa cho máy suốt, rồi vác lúa về. Đây là lúa 504, gạo nở, làm bột làm bún có lợi, nhưng không ngon cơm, giá bán thấp, được cái năng suất cao, như cánh đồng này, vụ này trúng lớn, được hơn một tấn một công. Đất hiếm, nên được tận dụng, làm hai mùa lúa và hai mùa rau mỗi năm trên một mảnh đất. Như mảnh này, gặt xong là trồng dưa, được năm tuần bắt đầu “bẻ bông”, xong mùa dưa thì trồng bắp đến hết mùa khô, đầu mùa mưa lại sạ lúa. Vậy mà người cũng không đủ việc để làm. Những nông dân có hai công, ba công đất, phải đi làm mướn thêm. Làm gì? Tôi hỏi, họ cười xoà: Thì cũng làm đất làm cỏ, chứ có biết chữ nghĩa hay nghề ngỗng gì khác đâu!

Ở Mộc Hoá, Long An, chúng tôi gặp một nông dân có 4 mẫu đất trồng lúa. Ông Lê văn Bé, một vợ 4 con. Lúa sạ ngay trước Tết, ăn Tết xong, vợ chồng và đứa con trai út đi làm tràm. Mấy năm trước còn nợ bảy tám chục triệu, nên phải làm để trả nợ, nhà cửa chưa sửa sang. Tại sao mắc nợ? Ông Bé im lặng một lúc rồi nói: Tôi nói thật, tôi thất học. Hồi nhỏ bị chiến tranh, tản cư lên quận 8, hoà bình mới về đây, học bổ túc cấp 1. Bởi vậy giá nào tôi cũng ráng cho con học. Đứa con gái lớn vừa học xong kế toán, mới gả. Đứa con gái thứ đang học năm thứ ba đại học ở thành phố. Đứa con trai lớn cũng lên thành phố học nghề đầu bếp, đang lo giấy tờ đi làm nhà hàng bên Úc. Chỉ có mỗi thằng con nhỏ nhứt ở nhà phụ cha mẹ, chắc nó sẽ là đứa nối nghiệp nhà nông.

Lúc dừng xe cho chúng tôi ghé nhà ông Bé, anh tài xế nói: ở nông thôn nhà như vầy là khá. Tuy vách lá mái tôn nhưng nền gạch tàu, ba gian rộng rãi, có điện, có ti vi, tủ lạnh, có cả máy vi tính tuy chưa có internet. Trước đây nhà cửa sơ sài hơn, vì đến mùa lụt thì dân bỏ đi xứ khác. Nay người ta đấp nền nhà cao, nhưng phần lớn đất ruộng cũng chỉ làm mỗi năm một vụ lúa. Ngoài lúa không trồng được gì khác trên vùng đất trũng và phèn này. Nhờ con lộ, người ta lên thành phố làm mướn. Kiếm đủ ăn là khó. Ông Bé xây sắm được nhà cửa như vầy, nuôi con học hành được như vậy, kể như một nông dân thành đạt. Khách không giấu được sự thán phục.

Trước khi tiễn khách, ông Bé nói: “Anh em ở xa đến đây, cũng còn trong ngày Tết cổ truyền, tôi mời anh em uống với gia đình tôi một ly rượu.” Tôi hơi ngán, nhưng hai ông giáo sư Mỹ lại ừ. Thế là mọi người nâng ly, cùng ực một cái cạn ly rượu đế.Ông Bé có vẻ cảm kích. Khách thì cảm động về sự đón tiếp chân tình như đón người thân này. Thực tình, chúng tôi chỉ chạy xe ngoài lộ, ngẫu nhiên dừng lại để chụp hình cánh đồng mạ xanh đầy quyến rũ trong nắng xuân, rồi được mời vào nhà.
.JPG)
Riêng tôi, viết những dòng này để cám ơn. Cám ơn những người nông dân tự nhận mình thất học, nhưng đã khiến cho hai ông giáo sư Mỹ kính trọng.
Lý Lan
(bài đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Dọc đường qua huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, thấy lúa chín vừa cắt nằm sắp lớp theo hàng đều tăm tắp trên đồng, một cái máy suốt lúa đang phun rơm phèo phèo lên một đống rơm cao ngất, còn hột lúa thì chảy rào rào xuống thúng, được đổ vô bao, từng bao năm chục ký mà người ta vác đi ngờ ngờ trên những bờ đất nhỏ vừa đủ đặt bàn chân trần.
Toàn cảnh trên cánh đồng này không giống như cảnh ngày mùa nhộn nhịp như tôi từng tưởng tượng qua thơ nhạc: không có không khí rộn ràng nhà nhà phơi lúa đầy sân, lúa chín vàng đồng… Cánh đồng này là một mô sa íc màu sắc: chỗ trồng khoai môn xanh tím, chỗ trồng ớt điểm xuyết trái đỏ trái vàng, chỗ vừa gặt xong mấy hôm trước, hôm nay đã sạ đậu nành, nước đang được bơm vào theo mấy con mương nhỏ. Chỗ đang gặt lúa chỉ chừng vài mẫu, bên cạnh cánh đồng trồng dưa bắt đầu có nụ.

Hỏi nông dân, thì chuyện đồng án thực tế hơi kém thi vị: lúa chín thì kêu máy đến cắt lúa, rồi mướn máy suốt lúa, vợ chồng con cái ra đồng gom lúa cho máy suốt, rồi vác lúa về. Đây là lúa 504, gạo nở, làm bột làm bún có lợi, nhưng không ngon cơm, giá bán thấp, được cái năng suất cao, như cánh đồng này, vụ này trúng lớn, được hơn một tấn một công. Đất hiếm, nên được tận dụng, làm hai mùa lúa và hai mùa rau mỗi năm trên một mảnh đất. Như mảnh này, gặt xong là trồng dưa, được năm tuần bắt đầu “bẻ bông”, xong mùa dưa thì trồng bắp đến hết mùa khô, đầu mùa mưa lại sạ lúa. Vậy mà người cũng không đủ việc để làm. Những nông dân có hai công, ba công đất, phải đi làm mướn thêm. Làm gì? Tôi hỏi, họ cười xoà: Thì cũng làm đất làm cỏ, chứ có biết chữ nghĩa hay nghề ngỗng gì khác đâu!

Ở Mộc Hoá, Long An, chúng tôi gặp một nông dân có 4 mẫu đất trồng lúa. Ông Lê văn Bé, một vợ 4 con. Lúa sạ ngay trước Tết, ăn Tết xong, vợ chồng và đứa con trai út đi làm tràm. Mấy năm trước còn nợ bảy tám chục triệu, nên phải làm để trả nợ, nhà cửa chưa sửa sang. Tại sao mắc nợ? Ông Bé im lặng một lúc rồi nói: Tôi nói thật, tôi thất học. Hồi nhỏ bị chiến tranh, tản cư lên quận 8, hoà bình mới về đây, học bổ túc cấp 1. Bởi vậy giá nào tôi cũng ráng cho con học. Đứa con gái lớn vừa học xong kế toán, mới gả. Đứa con gái thứ đang học năm thứ ba đại học ở thành phố. Đứa con trai lớn cũng lên thành phố học nghề đầu bếp, đang lo giấy tờ đi làm nhà hàng bên Úc. Chỉ có mỗi thằng con nhỏ nhứt ở nhà phụ cha mẹ, chắc nó sẽ là đứa nối nghiệp nhà nông.

Lúc dừng xe cho chúng tôi ghé nhà ông Bé, anh tài xế nói: ở nông thôn nhà như vầy là khá. Tuy vách lá mái tôn nhưng nền gạch tàu, ba gian rộng rãi, có điện, có ti vi, tủ lạnh, có cả máy vi tính tuy chưa có internet. Trước đây nhà cửa sơ sài hơn, vì đến mùa lụt thì dân bỏ đi xứ khác. Nay người ta đấp nền nhà cao, nhưng phần lớn đất ruộng cũng chỉ làm mỗi năm một vụ lúa. Ngoài lúa không trồng được gì khác trên vùng đất trũng và phèn này. Nhờ con lộ, người ta lên thành phố làm mướn. Kiếm đủ ăn là khó. Ông Bé xây sắm được nhà cửa như vầy, nuôi con học hành được như vậy, kể như một nông dân thành đạt. Khách không giấu được sự thán phục.

Trước khi tiễn khách, ông Bé nói: “Anh em ở xa đến đây, cũng còn trong ngày Tết cổ truyền, tôi mời anh em uống với gia đình tôi một ly rượu.” Tôi hơi ngán, nhưng hai ông giáo sư Mỹ lại ừ. Thế là mọi người nâng ly, cùng ực một cái cạn ly rượu đế.Ông Bé có vẻ cảm kích. Khách thì cảm động về sự đón tiếp chân tình như đón người thân này. Thực tình, chúng tôi chỉ chạy xe ngoài lộ, ngẫu nhiên dừng lại để chụp hình cánh đồng mạ xanh đầy quyến rũ trong nắng xuân, rồi được mời vào nhà.
Riêng tôi, viết những dòng này để cám ơn. Cám ơn những người nông dân tự nhận mình thất học, nhưng đã khiến cho hai ông giáo sư Mỹ kính trọng.
Lý Lan
(bài đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn)