Đêm
Lúc này tôi cần một người nào đó nắm gáy tôi lôi ra khỏi trạng thái lùng nhùng lơ mơ, cho dù để quăng vô một đống rác. Hay một người cầm roi quất vô lưng tôi không thương tiếc, quất thẳng tay. Hay ai đó quát thẳng vào mặt, đấm vào cũng được, để tôi choáng váng mà nhận ra tôi chỉ là một kẻ vô tích sự, đồ ăn hại đái nát. Tôi ngồi ườn trên ghế bành, chán chường , mệt mỏi, trống rỗng. Nhưng đây chỉ là ác mộng. Tôi hiểu. Chỉ cần ra khỏi cơn ác mộng này. Vấn đề là trong lúc mộng mình không biết làm sao tự thức tỉnh được.
Rồi bỗng nhiên mình thức giấc, và tỉnh ngủ hẳn. Ác mộng rõ ràng không thực, không nhớ, càng không lý giải được. Tâm bình an dần. Nhưng không buồn ngủ nữa. Tôi mở cửa đi ra vườn. Quên xem đồng hồ. Không biết mấy giờ. Bầu trời không một vì sao. Đêm im vắng và lạnh, dường như mưa rất nhẹ, một thứ mưa như bụi, không cảm nhận được giọt mưa chạm vào tóc da, chỉ cảm thấy không khí ươn ướt khi hít sâu. Lẩn trong bụi mưa dường như có phấn hoa. Nghe nhồn nhột mũi, mơ hồ một làn hương bí ẩn.
Tôi đứng yên nhắm mắt và hít thở đều, không tập trung vào cái gì cả. Toàn thân buông lỏng, buông thả cảm xúc lẫn suy nghĩ. Làn hương thoảng lại rồi biến đi. Làn hương chợt nồng rồi chợt tan loãng. Không phải mùi quen thuộc của cỏ mới cắt. Không phải mùi hoa lilac hãy còn là những chùm nụ. Không phải bất cứ mùi gì tôi từng biết. Phó mặc cho giác quan tự định hướng, để trực giác dẫn đường, chân tôi bước chầm chậm. Nếu có ai thấy tôi lúc này hẳn là nghĩ tôi bị mộng du.
Hồi nhỏ tôi thỉnh thoảng bị mộng du. Lớn lên học sư phạm tôi có đọc một ít sách về tâm lý học, tự nhìn lại tuổi thơ “dữ dội” của mình để tự hiểu mình. Thử hỏi có tuổi thơ nào dữ dội hơn? Khoảng tuổi từ 8 đến 12 tôi gần như trẻ em đường phố, khác chăng là đêm về tôi có một cái chòi lá để về ngủ và sáng dậy được cha cho mấy đồng bạc để ra đầu hẻm mua đồ ăn. Rồi cả ngày, ngoài giờ học, tôi lê la lêu lổng khắp hang cùng ngỏ cụt, vì không có người lớn chăm sóc răn đe hay giữ gìn. Mà trong những đường phố và hẻm sâu của Sài Gòn – Chợ Lớn những năm 1965 – 1969 có gì? Cuộc sống tạm bợ lếch thếch của dân tản cư, ngày nào cũng đánh lộn, chửi lộn. Khu Dòn Mé Sán có những sòng bạc, ổ điếm, động hút á phiện. Khu Xóm Cải có những tay anh chị, những kẻ trốn lính, những người chém mướn đâm thuê và chuyên đòi nợ. Khi khổng khi không cũng có thể bị họ bợp tai đá đít. Rồi chiến tranh, ngay trong thành phố.
Hồi ở quê, tôi đã biết sợ khi nghe tiếng súng đạn, biết phân biệt tiếng pháo và tiếng bom, tiếng máy bay trực thăng và máy bay thả bom. Trong nhà đào hầm sâu hơn một mét phía dưới những bộ ván dày cả tấc. Khi chiến sự rộn, bà ngoại ôm cháu ngủ dưới hầm. Tôi nằm rúc trong lòng ngoại, nghe tiếng trái tim người đập, tiếng lầm rầm người niệm Phật tụng kinh, cảm thấy được che chở, an toàn. Trận Mậu Thân xảy ra khi gia đình tôi đã tản cư vào Sài Gòn, ở trong căn chòi mái tôn dựng sát tường bệnh viện Triều Châu (nay đổi tên là An Bình). Ngày lẫn đêm trực thăng bay vần vũ trên trời, dưới mái tôn mỏng, ba chị em côi cút ôm nhau ngủ trên nền xi măng, chốc chốc lại giật mình thức giấc khóc hoảng. Mười một tuổi, tôi hiếu kỳ như bất cứ đứa trẻ nào. Nghe tiếng xe cứu thương là tôi trèo tường qua bệnh viện, xem người ta khiêng kẻ bị thương vô phòng cấp cứu. Có bữa nhiều người bị thương quá, băng ca cứu thương đặt cả ngoài hành lang. Tôi len lỏi giữa những người bận rộn, sợ hãi, đau đớn, rên la, thoi thóp, và chết. Hồi mẹ tôi chết, tôi chỉ thấy cái hòm trong đám tang. Bây giờ tôi thấy người ta giãy chết trước mắt. Tôi thấy cả xác đã chết lâu với vết máu ngưng đọng khô đen ở vết thương trên đầu với đôi mắt không nhắm lại được.
Những người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam sau này thường mắc chứng “chấn thương tâm lý sau chiến tranh”. Ông chồng tôi cho là tôi cũng bị chấn thương đó. Tôi giẩy nẩy gạt đi. Đó là một thứ bệnh tâm thần! Tôi biết, theo như sách tâm lý học tôi đã đọc, bạo lực ở tuổi thơ có ảnh hưởng quan trọng đến nhân cách và lối sống khi trưởng thành, đến cả cuộc đời người ta. Tôi đã vượt qua được những ám ảnh của một tuổi thơ dữ dội, và tin rằng tôi đã “bình thường hóa” cuộc đời mình, khi lớn lên, trên đất nước thanh bình. Đôi khi những xác chết hay những tiếng rên la chửi bới nhập vào ác mộng, nhưng tôi thức giấc là quên đi. 35 năm sau chiến tranh, người ta nói đến lịch sử anh hùng, đặt vấn đề hòa giải dân tộc, khép lại những vết thương, những hận thù. Đâu có ai nói gì đến chấn thương chiến tranh trong lòng những người thưở ấy chỉ là trẻ con không biết gì!
Chỉ có chồng tôi biết tôi thét lên trong giấc ngủ, nửa đêm lặng lẽ bỏ ra khỏi nhà, đi lơ lửng như bóng ma trong vườn. Ông nhẹ nhàng đi theo vợ, dắt vô buồng, dỗ tôi ngủ lại bằng lời xin lỗi: những người có lương tri của đất nước ông cũng thể ngủ yên. Tôi dụi đầu vào vai chồng, thiu thiu ngủ lại. Bỗng tôi vùng ngồi dậy. Tôi nhận ra rồi, cái mùi đó. Mùi ê-te.
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)
Rồi bỗng nhiên mình thức giấc, và tỉnh ngủ hẳn. Ác mộng rõ ràng không thực, không nhớ, càng không lý giải được. Tâm bình an dần. Nhưng không buồn ngủ nữa. Tôi mở cửa đi ra vườn. Quên xem đồng hồ. Không biết mấy giờ. Bầu trời không một vì sao. Đêm im vắng và lạnh, dường như mưa rất nhẹ, một thứ mưa như bụi, không cảm nhận được giọt mưa chạm vào tóc da, chỉ cảm thấy không khí ươn ướt khi hít sâu. Lẩn trong bụi mưa dường như có phấn hoa. Nghe nhồn nhột mũi, mơ hồ một làn hương bí ẩn.
Tôi đứng yên nhắm mắt và hít thở đều, không tập trung vào cái gì cả. Toàn thân buông lỏng, buông thả cảm xúc lẫn suy nghĩ. Làn hương thoảng lại rồi biến đi. Làn hương chợt nồng rồi chợt tan loãng. Không phải mùi quen thuộc của cỏ mới cắt. Không phải mùi hoa lilac hãy còn là những chùm nụ. Không phải bất cứ mùi gì tôi từng biết. Phó mặc cho giác quan tự định hướng, để trực giác dẫn đường, chân tôi bước chầm chậm. Nếu có ai thấy tôi lúc này hẳn là nghĩ tôi bị mộng du.
Hồi nhỏ tôi thỉnh thoảng bị mộng du. Lớn lên học sư phạm tôi có đọc một ít sách về tâm lý học, tự nhìn lại tuổi thơ “dữ dội” của mình để tự hiểu mình. Thử hỏi có tuổi thơ nào dữ dội hơn? Khoảng tuổi từ 8 đến 12 tôi gần như trẻ em đường phố, khác chăng là đêm về tôi có một cái chòi lá để về ngủ và sáng dậy được cha cho mấy đồng bạc để ra đầu hẻm mua đồ ăn. Rồi cả ngày, ngoài giờ học, tôi lê la lêu lổng khắp hang cùng ngỏ cụt, vì không có người lớn chăm sóc răn đe hay giữ gìn. Mà trong những đường phố và hẻm sâu của Sài Gòn – Chợ Lớn những năm 1965 – 1969 có gì? Cuộc sống tạm bợ lếch thếch của dân tản cư, ngày nào cũng đánh lộn, chửi lộn. Khu Dòn Mé Sán có những sòng bạc, ổ điếm, động hút á phiện. Khu Xóm Cải có những tay anh chị, những kẻ trốn lính, những người chém mướn đâm thuê và chuyên đòi nợ. Khi khổng khi không cũng có thể bị họ bợp tai đá đít. Rồi chiến tranh, ngay trong thành phố.
Hồi ở quê, tôi đã biết sợ khi nghe tiếng súng đạn, biết phân biệt tiếng pháo và tiếng bom, tiếng máy bay trực thăng và máy bay thả bom. Trong nhà đào hầm sâu hơn một mét phía dưới những bộ ván dày cả tấc. Khi chiến sự rộn, bà ngoại ôm cháu ngủ dưới hầm. Tôi nằm rúc trong lòng ngoại, nghe tiếng trái tim người đập, tiếng lầm rầm người niệm Phật tụng kinh, cảm thấy được che chở, an toàn. Trận Mậu Thân xảy ra khi gia đình tôi đã tản cư vào Sài Gòn, ở trong căn chòi mái tôn dựng sát tường bệnh viện Triều Châu (nay đổi tên là An Bình). Ngày lẫn đêm trực thăng bay vần vũ trên trời, dưới mái tôn mỏng, ba chị em côi cút ôm nhau ngủ trên nền xi măng, chốc chốc lại giật mình thức giấc khóc hoảng. Mười một tuổi, tôi hiếu kỳ như bất cứ đứa trẻ nào. Nghe tiếng xe cứu thương là tôi trèo tường qua bệnh viện, xem người ta khiêng kẻ bị thương vô phòng cấp cứu. Có bữa nhiều người bị thương quá, băng ca cứu thương đặt cả ngoài hành lang. Tôi len lỏi giữa những người bận rộn, sợ hãi, đau đớn, rên la, thoi thóp, và chết. Hồi mẹ tôi chết, tôi chỉ thấy cái hòm trong đám tang. Bây giờ tôi thấy người ta giãy chết trước mắt. Tôi thấy cả xác đã chết lâu với vết máu ngưng đọng khô đen ở vết thương trên đầu với đôi mắt không nhắm lại được.
Những người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam sau này thường mắc chứng “chấn thương tâm lý sau chiến tranh”. Ông chồng tôi cho là tôi cũng bị chấn thương đó. Tôi giẩy nẩy gạt đi. Đó là một thứ bệnh tâm thần! Tôi biết, theo như sách tâm lý học tôi đã đọc, bạo lực ở tuổi thơ có ảnh hưởng quan trọng đến nhân cách và lối sống khi trưởng thành, đến cả cuộc đời người ta. Tôi đã vượt qua được những ám ảnh của một tuổi thơ dữ dội, và tin rằng tôi đã “bình thường hóa” cuộc đời mình, khi lớn lên, trên đất nước thanh bình. Đôi khi những xác chết hay những tiếng rên la chửi bới nhập vào ác mộng, nhưng tôi thức giấc là quên đi. 35 năm sau chiến tranh, người ta nói đến lịch sử anh hùng, đặt vấn đề hòa giải dân tộc, khép lại những vết thương, những hận thù. Đâu có ai nói gì đến chấn thương chiến tranh trong lòng những người thưở ấy chỉ là trẻ con không biết gì!
Chỉ có chồng tôi biết tôi thét lên trong giấc ngủ, nửa đêm lặng lẽ bỏ ra khỏi nhà, đi lơ lửng như bóng ma trong vườn. Ông nhẹ nhàng đi theo vợ, dắt vô buồng, dỗ tôi ngủ lại bằng lời xin lỗi: những người có lương tri của đất nước ông cũng thể ngủ yên. Tôi dụi đầu vào vai chồng, thiu thiu ngủ lại. Bỗng tôi vùng ngồi dậy. Tôi nhận ra rồi, cái mùi đó. Mùi ê-te.
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)