Nỗi khắc khoải …

“Trồng dưa được dưa, trồng đậu ra đậu” hình như là tục ngữ, tôi nhớ nghe được hồi còn nhỏ, hiểu đại khái như gieo gì gặt nấy, hẳn là đúc kết kinh nghiệm của nông dân. Nghe rất hợp lý, và tôi đã đinh ninh lẽ tất yếu đó như một chân lý. Đến khi tôi tập làm vườn, thì hiện thực năm đầu tiên như vầy: Tôi trồng dưa được cỏ, trồng đậu không ra gì hết.
Những cây dưa con tôi mua ở trại cây giống có kèm một cái thẻ ghi rõ cây thuộc họ gì, chu kỳ sinh trưởng bao lâu, cần chăm sóc thế nào. Tôi cứ theo hướng dẫn mà trồng cây xuống đất, tính đến ngày hái dưa, lớp ăn tươi lớp muối để dành (vì theo như quảng cáo thì dưa sai trái lắm!) Nhưng hai ba tháng sau trở lại chỗ trồng dưa thì thấy một đám cỏ mọc um tùm. Vạch cỏ ra mới thấy mấy cọng dưa èo uột ráng vươn lên, nách lá nào cũng nảy một chùm bông mà chỉ có mỗi một cái kết quả thành một trái dưa đèo quắt queo. Bài học căn bản của người làm vườn: Trồng dưa thì không để cho bất cứ cây cỏ gì khác mọc chung quanh. Trồng dưa thì phải tạo điều kiện tối ưu cho dưa mọc, chỉ dưa mà thôi, thì mới hòng được mùa dưa.
Còn đậu thì trồng bằng hột mua của công ty hột giống uy tín đựng trong bao bì dán kín, cũng có lý lịch giống đậu và hướng dẫn cách trồng. Sao khi làm đúng bài bản, ngâm hột vài giờ, vùi hột đậu xuống đất, tưới nước, tôi chờ đậu nảy mầm. Tôi dựng sẵn giàn cho dây đậu leo. Chờ một tuần hai tuần ba tuần rồi một tháng mà chẳng thấy cây đậu nào mọc. Tức quá tôi bươi đất chỗ mình gieo hột lên xem, nhưng chẳng tìm thấy hột đậu nào cả. Bèn gieo lứa hột khác và canh me ngày đêm. Trước tiên là lũ sóc và chim (không biết tên gì, to như con quạ, lông ức màu nâu). Sóc bươi chim mổ ăn hết một mớ khi hột đậu chưa kịp nảy mầm. Mớ còn lại vừa nảy mầm thì sên, ốc, côn trùng các loại xúm nhau xơi sạch bách giá đậu. Nhưng biết nguyên nhân thất bại rồi chưa hẳn là bảo đảm được thành công. Đến bây giờ tôi vẫn không biết làm sao cho đậu không bị chim sóc côn trùng ăn.
Bạn cười ngoặt nghoẽo khi thấy tôi chạy quanh vườn xuỵt đuổi lũ sóc, hù dọa lũ chim. Kể cũng vui. Nhưng tôi đâu phải trẻ con chạy vòng vòng đuổi sóc cho vui. Canh đám đậu khi còn là mầm đã cực, đến khi đậu ra hoa thì ngủ một giấc sáng dậy thấy bao nhiêu hoa và nụ và đọt non đã bị nai ăn ráo trọi. Ôi lũ nai rừng từng là cảm hứng thơ ca! “ Dịu dàng mưa xuân mơn cỏ biếc, đôi nai rừng thong thả, thong thả yêu.” Nhưng đêm hôm kéo cả bầy đến dẫm tan hoang đám đậu thì chúng khiến đến cả thi sĩ cũng phát khùng. Mà ở xứ này mình không được làm gì nai hết! Một bữa tôi vác gậy rượt nai, để dọa nó thôi, đã bị hàng xóm chạy ra can.
Bạn thấy đó, muốn trồng đậu ra đậu phải “chiến đấu trên từng cây số” với tất cả “địch họa” của cây đậu, ấy là chưa kể đến “thiên tai”. Ví dụ mình rào chắn cẩn thận, siêng năng bắt sên ốc, suỵt đuổi chim và sóc mỗi ngày, đâu đươm hoa kết trái tử tế; và trái đương còn non, nhỏ như ngón tay út, ngó thấy thương luôn, bỗng dưng trời lạnh đột ngột, lạnh tới độ âm, nhất là gió, vừa buốt vừa dữ, giật sập cả giàn đậu. Cây đang mạnh sân sẩn bỗng chết cóng, hoặc chết giập, te tua. Nhưng thôi, bạn bắt đầu ngán câu chuyện rau cỏ nai sóc của tôi rồi. Bạn đang có những băn khoăn không dính dáng gì tới dưa đậu.
Bạn nói về nỗi cô đơn. Hình như đang có mốt những người trẻ làm điệu bằng sự khắc khoải cô đơn. Nhưng có lẽ ai cũng có một thời nghiền ngẫm cô đơn. Bạn khẳng định tuổi trẻ của bạn cô đơn hơn bao giờ hết. Hồi tôi bằng tuổi bạn tôi cũng ngâm nga “Lũ chúng tôi lạc loài … bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh.” Mà câu thơ đó được một người thuộc thế hệ cha tôi viết ra! Nghe tôi ghẹo, bạn không cụt hứng, cũng không từ bỏ, hay muốn thoát ra khỏi nỗi ám ảnh cô đơn. Có gì đó trục trặc. Sau nhiều lần xích mích chuyện không đâu, người bạn cùng phòng đã dọn ra. Bạn đến lớp lặng lẽ ghi chép rồi lặng lẽ ra về, không hào hứng tham gia thảo luận, cảm thấy những điều người khác tranh cải sao mà nhảm nhí. Không nhớ tự lúc nào bạn không còn nói chuyện với ai ngoài những câu chào hỏi lấy lệ. Nói chuyện – hay trao đổi ý kiến, hay tâm tình, càng lúc càng khó khăn với bạn, dù ngôn ngữ không còn là rào cản nữa. Chẳng qua bạn thấy “không hợp” với ai hết. Chẳng có ai có cùng mối quan tâm, chẳng ai thèm biết đến điều khiến bạn bận lòng. Bạn cảm thấy mình sống giữa những kẻ tầm thường quá, như cát trong sa mạc. Và bạn ngày càng co lại như một ốc đảo lẻ loi.
Bạn đột ngột hỏi làm sao tôi chịu đựng được cô đơn. Tôi chưng hửng. Quả thực là tôi cũng thui thủi một mình. Buổi sáng chồng đi làm rồi, tôi rượt sóc, đuổi chim, canh nai ăn bông đậu… Để tôi ngẫm nghĩ … Như vầy là một mình, nhưng tôi có cảm giác khắc khoải cô đơn không? Câu hỏi của bạn khiến tôi giật mình. Bởi vì cảm giác cô đơn là cảm giác thèm đồng loại, đồng bào, đồng điệu. Nói cho cùng khắc khoải vì cô đơn là một cảm giác lành mạnh. Người ta có cảm giác đó vì còn háo hức sống và tha thiết với xã hội. Trái tim bạn còn đập thì ráng chịu đựng chứ biết sao bây giờ?
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222