Những vì sao
Chuyến bay xuất phát từ lúc nửa đêm, về hướng Tây, vượt qua Thái Bình Dương, hành trình là hơn mười giờ bay trong bầu trời đầy sao. Khi máy bay ổn định ở độ cao mười ngàn mét, bữa ăn đã xong, đèn trong khoang hành khách tắt, chỉ còn đây đó ánh sáng khoanh vùng của những bóng đèn cá nhân rọi xuống ghế những hành khách đang đọc sách, hay từ màn hình gắn trên lưng ghế đang chiếu một bộ phim không còn bán vé ở rạp nữa. Thời gian đủ để xem năm sáu bộ phim. Vì vậy những chuyến bay đi về giữa hai bờ đại dương thường là lúc tôi cập nhật kiến thức về điện ảnh trong năm.
Tôi đang xem một bộ phim Pháp, Cậu bé Nicholas. Phần lớn hành khách đã xoay trở tìm được (hoặc vẫn không tìm được) một thế ngồi-nằm thoải mái để ngủ. Trước đây tôi cũng còn niềm hạnh phúc đó: ngủ trên máy bay. Chong mắt thức đến quá nửa đêm để đi từ nhà ra sân bay, gởi hành lý, làm thủ tục hải quan, chờ đợi lên máy bay … Một khi yên vị là tôi sụp mí mắt ngủ ngay. Có khi ngủ một lèo tới lúc máy bay hạ cánh, chỉ bị đánh thức hai lần để ăn qua loa. Bây giờ thì không thể nữa. Không biết tại sao. Nhưng tôi càng ngày càng khó ngủ, ngay trên giường mình ở nhà, chứ đừng nói là trên cái ghế chật chội trong máy bay.
Cho nên tôi xem phim, hoặc nhìn ra cửa sổ. Ô cửa sổ máy bay nhỏ nhắn, nhưng ịn mũi lên mặt kính lạnh ngắt, mở mắt thao láo nhìn ra màn đêm, thì thấy một không gian đen mênh mông lấm tấm nhưng vì sao, chi chít những vì sao, hàng hà sa số những vì sao… Sáng long lanh, sáng lặng lẽ. Ở độ cao hơn bất kỳ đỉnh núi nào trên mặt đất, dĩ nhiên có thể ngắm những vì sao gần hơn một chút, mặc dù một chút khoảng cách mấy ngàn mét đó hoàn toàn vô nghĩa so với khoảng cách giữa những vì sao và trái đất. Sự khác biệt có lẽ cũng không đáng kể. Ngắm những vì sao từ một đỉnh núi, hay sườn núi, chắc cũng thấy chừng ấy ngôi sao. Khác chăng là sự cảm nhận không gian bị khung trong một ô cửa sổ máy bay. Và nhờ có bóng đèn đỏ ở mút cánh máy bay như một điểm sáng dịch chuyển trong tương quan với những vì sao mà mình ý thức mình đang quan sát từ một vị trí chuyển động trong một không gian có vẻ vĩnh hằng.
Ngắm sao trên núi thì thấy đám rước sao lộng lẫy diểu qua bầu trời … như An-phông Đô-đê miêu tả. A, Những vì sao của An-phông Đô-đê! (*) Có lẽ bộ phim Pháp đang xem khiến tôi liên tưởng đến ông? Cậu bé Nicholas vẫn còn chút lãng mạn đủ khiến tôi chợt rời mắt khỏi màn hình, đau đáu nhìn ra ô cửa sổ máy bay tìm kiếm. Chùm sao lấp lánh kia hẳn là một bầy trẻ nhỏ đang vui đùa, những trò trẻ con vô nghĩa với người lớn mà sao cứ là niềm đam mê bất tận khi người ta chưa vội lớn. Tất nhiên đám rước tưng bừng nhứt trên trời đêm nay, đêm xưa hay đêm mai hay tất cả mọi đêm, vẫn là đám rước dâu trong tưởng tượng của cô thôn nữ và chàng mục đồng. Vì sao lẻ loi tít tận góc trời kia đương nhiên là của thi sĩ.
Không nhớ chính xác ai đã viết rằng ai cũng có một thời làm thơ. “Ai” đây là bất kỳ người nào chứ không chỉ là người Việt ưa tự hào là dân tộc yêu thơ, người làm thơ nhiều hơn người đọc. Người ta nếu không xuất khẩu thành thi thưở lên bốn lên năm khiến mẹ cha sướng ngây ngất, thì cũng vật vã đôi ba dòng trong nhật ký tuổi mới lớn, bay bướm một hai bài trong lưu bút, giấm giúi gởi cho ai đó hay lén lút giấu như một chuyện kín tự xấu hổ. Qua thời “thành nhân, lập thân, bất hoặc, tri thiên mệnh” rồi, mà vẫn chưa từng làm thơ, thì có thể hy vọng bỗng chốc hóa thi sĩ ở tuổi xưa nay hiếm, như nhiều trường hợp tôi thấy đang xảy ra quanh tôi. Nói chơi cho vui. Nhưng sự thực là người ta, người bình thường nhứt, cũng có những phút cảm xúc mạnh mẽ trào dâng, những phút lãng mạn, không để làm gì, có khi mình cũng không nhận thức, có khi mình vô tình trấn áp đi. Thơ, nhạc, họa … là vài hình thái nghệ thuật để bộc lộ. Nhiều khi phút lãng mạn của người ta chỉ vỡ òa như pháo hoa, cho người ta một vài khoảnh khắc vô giá của cuộc sống.
Khoảnh khắc lãng mạn của tôi nhè nhẹ tan đi sau cơn bùng nổ. Đường bay vẫn còn xa, bên trên vẫn là bầu trời đầy sao, bên dưới vẫn là Thái Bình Dương thăm thẳm. Tôi đứng dậy đi quanh cho giãn gân cốt. Chỉ là đi lên đi xuống hành lang hẹp giữa các dãy ghế trong ánh sáng nhờ nhờ, ý tứ không giẫm lên chăn áo hay quẹt trúng chân tay của những người ngủ say buông thả. Người không ngủ được ngồi thừ lừ dán mắt vào màn hình gắn trên lưng ghế trước mặt. Và bên dăm ba ô cửa sổ, có những người ịn mũi vô kính nhìn ra bóng đêm. Không phải là những cô bé mười lăm mười sáu mộng mơ, hay bà già năm sáu chục đang tiếc nuối. Mà là những chàng trai trẻ. Có thể họ không thả hồn theo đám cưới sao, mà đang tưởng tượng những con tàu vũ trụ lao bằng tốc độ ánh sáng trong cuộc chiến tranh các vì sao.
Dù trường hợp nào đi nữa, những vì sao xa xăm vẫn có ảnh hưởng đến những cơn sóng dậy tràn bờ.
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)
(*) truyện ngắn "Les Étoiles" của Alphonse Daudet
Tôi đang xem một bộ phim Pháp, Cậu bé Nicholas. Phần lớn hành khách đã xoay trở tìm được (hoặc vẫn không tìm được) một thế ngồi-nằm thoải mái để ngủ. Trước đây tôi cũng còn niềm hạnh phúc đó: ngủ trên máy bay. Chong mắt thức đến quá nửa đêm để đi từ nhà ra sân bay, gởi hành lý, làm thủ tục hải quan, chờ đợi lên máy bay … Một khi yên vị là tôi sụp mí mắt ngủ ngay. Có khi ngủ một lèo tới lúc máy bay hạ cánh, chỉ bị đánh thức hai lần để ăn qua loa. Bây giờ thì không thể nữa. Không biết tại sao. Nhưng tôi càng ngày càng khó ngủ, ngay trên giường mình ở nhà, chứ đừng nói là trên cái ghế chật chội trong máy bay.
Cho nên tôi xem phim, hoặc nhìn ra cửa sổ. Ô cửa sổ máy bay nhỏ nhắn, nhưng ịn mũi lên mặt kính lạnh ngắt, mở mắt thao láo nhìn ra màn đêm, thì thấy một không gian đen mênh mông lấm tấm nhưng vì sao, chi chít những vì sao, hàng hà sa số những vì sao… Sáng long lanh, sáng lặng lẽ. Ở độ cao hơn bất kỳ đỉnh núi nào trên mặt đất, dĩ nhiên có thể ngắm những vì sao gần hơn một chút, mặc dù một chút khoảng cách mấy ngàn mét đó hoàn toàn vô nghĩa so với khoảng cách giữa những vì sao và trái đất. Sự khác biệt có lẽ cũng không đáng kể. Ngắm những vì sao từ một đỉnh núi, hay sườn núi, chắc cũng thấy chừng ấy ngôi sao. Khác chăng là sự cảm nhận không gian bị khung trong một ô cửa sổ máy bay. Và nhờ có bóng đèn đỏ ở mút cánh máy bay như một điểm sáng dịch chuyển trong tương quan với những vì sao mà mình ý thức mình đang quan sát từ một vị trí chuyển động trong một không gian có vẻ vĩnh hằng.
Ngắm sao trên núi thì thấy đám rước sao lộng lẫy diểu qua bầu trời … như An-phông Đô-đê miêu tả. A, Những vì sao của An-phông Đô-đê! (*) Có lẽ bộ phim Pháp đang xem khiến tôi liên tưởng đến ông? Cậu bé Nicholas vẫn còn chút lãng mạn đủ khiến tôi chợt rời mắt khỏi màn hình, đau đáu nhìn ra ô cửa sổ máy bay tìm kiếm. Chùm sao lấp lánh kia hẳn là một bầy trẻ nhỏ đang vui đùa, những trò trẻ con vô nghĩa với người lớn mà sao cứ là niềm đam mê bất tận khi người ta chưa vội lớn. Tất nhiên đám rước tưng bừng nhứt trên trời đêm nay, đêm xưa hay đêm mai hay tất cả mọi đêm, vẫn là đám rước dâu trong tưởng tượng của cô thôn nữ và chàng mục đồng. Vì sao lẻ loi tít tận góc trời kia đương nhiên là của thi sĩ.
Không nhớ chính xác ai đã viết rằng ai cũng có một thời làm thơ. “Ai” đây là bất kỳ người nào chứ không chỉ là người Việt ưa tự hào là dân tộc yêu thơ, người làm thơ nhiều hơn người đọc. Người ta nếu không xuất khẩu thành thi thưở lên bốn lên năm khiến mẹ cha sướng ngây ngất, thì cũng vật vã đôi ba dòng trong nhật ký tuổi mới lớn, bay bướm một hai bài trong lưu bút, giấm giúi gởi cho ai đó hay lén lút giấu như một chuyện kín tự xấu hổ. Qua thời “thành nhân, lập thân, bất hoặc, tri thiên mệnh” rồi, mà vẫn chưa từng làm thơ, thì có thể hy vọng bỗng chốc hóa thi sĩ ở tuổi xưa nay hiếm, như nhiều trường hợp tôi thấy đang xảy ra quanh tôi. Nói chơi cho vui. Nhưng sự thực là người ta, người bình thường nhứt, cũng có những phút cảm xúc mạnh mẽ trào dâng, những phút lãng mạn, không để làm gì, có khi mình cũng không nhận thức, có khi mình vô tình trấn áp đi. Thơ, nhạc, họa … là vài hình thái nghệ thuật để bộc lộ. Nhiều khi phút lãng mạn của người ta chỉ vỡ òa như pháo hoa, cho người ta một vài khoảnh khắc vô giá của cuộc sống.
Khoảnh khắc lãng mạn của tôi nhè nhẹ tan đi sau cơn bùng nổ. Đường bay vẫn còn xa, bên trên vẫn là bầu trời đầy sao, bên dưới vẫn là Thái Bình Dương thăm thẳm. Tôi đứng dậy đi quanh cho giãn gân cốt. Chỉ là đi lên đi xuống hành lang hẹp giữa các dãy ghế trong ánh sáng nhờ nhờ, ý tứ không giẫm lên chăn áo hay quẹt trúng chân tay của những người ngủ say buông thả. Người không ngủ được ngồi thừ lừ dán mắt vào màn hình gắn trên lưng ghế trước mặt. Và bên dăm ba ô cửa sổ, có những người ịn mũi vô kính nhìn ra bóng đêm. Không phải là những cô bé mười lăm mười sáu mộng mơ, hay bà già năm sáu chục đang tiếc nuối. Mà là những chàng trai trẻ. Có thể họ không thả hồn theo đám cưới sao, mà đang tưởng tượng những con tàu vũ trụ lao bằng tốc độ ánh sáng trong cuộc chiến tranh các vì sao.
Dù trường hợp nào đi nữa, những vì sao xa xăm vẫn có ảnh hưởng đến những cơn sóng dậy tràn bờ.
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)
(*) truyện ngắn "Les Étoiles" của Alphonse Daudet