Sông lở sông bồi

Nghe nói đường 91 đi Châu Đốc bị Hà Bá cạp mất một khúc, tôi bèn đi coi. Người bán vé xe buýt ở Cần Thơ hỏi tôi đi đâu để xé vé. Cô cầm một bảng vé có đến bốn năm loại, từ vé 2.000 đồng cho chặng đường dưới 4Km, rồi cứ tính thêm Km mà giá tăng lên 5.000, 7.000 … Giá vé cao nhứt cũng không đưa tôi đến chỗ có khúc đường bị sạt lỡ. Tuy nhiên, cô bán vé chỉ cho tôi đi tuyến xe buýt Ô Môn, rồi đi tiếp đến Thốt Nốt, rồi từ Thốt Nốt qua Long Xuyên, tới đó chuyển qua hệ thống xe búyt của An Giang, đi đến phà Năng Gù thì đón xe ôm đi thêm một hai cây số nữa.
Cô soát vé xe buýt cột tóc đuôi gà, tay trái cầm bảng vé xe, tay phải cầm cây viết bi, ký tên hay quẹt ký hiệu gì đó trên tấm vé, chân đứng chàng hãng trên sàn xe để giữ thăng bằng khi chiếc xe chạy lúc nhanh lúc chậm, cứ một lát là thắng gấp một cái. Cô nói luôn miệng: “Đi đâu? Ba ngàn. Ngồi xích vô cho ông cụ này ngồi với. Bà kia, lại đây, có ghế nè. Cầu Bánh Tét có ai xuống không? Khỏi ghé trạm anh ơi. Xuống hả? Sao nãy giờ không nói? Ra cửa lẹ lên. Tới luôn. Anh kia tắt thuốc lá giùm. Không nhịn được thì xuống xe. Qui định của nhà nước chứ tui khó dễ với anh làm gì? Ghé vô. Đi đâu? Xe chỉ chạy tới cách chỗ sạt lỡ một cây số thì quay đầu lại. Đi không? Đi thì lên xe đi chứ Trời!”
Được kêu bằng Trời tôi đâm khoái cô soát vé này. Không hiểu do đâu phần lớn nhân viên soát vé xe buýt là nữ. Mấy bữa nay đi ta bà miền Tây bằng xe búyt tôi thấy công việc các cô không khác gì lơ xe đò, một việc nặng nhọc đòi hỏi sự xốc vác và cả tính bặm trợn, vốn được coi là của đàn ông con trai. Hành khách lên xuống dọc đường có học sinh mặc đồng phục ôm cặp đến trường, dân chúng đi chợ, đi thăm bà con, đi ăn giỗ. Mấy ông đi ăn giỗ thường ngầy ngật hơi men, leo lên xe mà muốn bật ngữa xuống đường, cô nắm cánh tay họ kéo lên, từng ông một. Các bà đi chợ thúng mủng bao bì lớn nhỏ lủ khủ, cô xách từng bao liệng lên sàn xe uỵch uỵch. Một bầy con nít lên xe cự cải nhặng xị, cô nạt cho một tiếng, nín khe hết cả đám. Khi tình hình yên ổn, cô quay lại hỏi tôi: Đi tới chỗ đó làm gì, nắng nôi bụi bặm hiểm nghèo. Tôi nói tôi tới quay phim chụp hình rồi về Sài Gòn nói dóc cho thiên hạ ngán chơi.
Thì nói dóc cho vui vậy mà. Sông Cửu Long chỗ lở chỗ bồi, khi bồi khi lở, bên nây lở bên kia bồi, từ hồi nào tới giờ, đâu phải chuyện lạ lùng mới mẻ. Mấy chục năm trước ông Lê văn Thảo đã viết một truyện ngắn rất hay về vụ này, có tên Làng Lở. Từ sau khi đọc truyện đó hễ gặp lão nông dân nào ở bến xe, ngó những bị bòng tay nải họ mang theo, tôi lại mường tượng cuộc di trú cam go của những kẻ sống nhờ đất mà bị mất đất. Tôi rất muốn nhìn vào những con mắt đăm đăm vòi või về chốn làng quê cũ hay đau đáu hướng tìm một mảnh đất dung thân mới không biết ở đâu. Nhưng có cái gì đó, ở trong tôi hay ở trong những con mắt đó, khiến tôi luôn lảng cái nhìn của mình đi khi chạm vào gương mặt họ. Một cái gì nhức nhối và đáng sợ. Những con mắt đó dường như u uất, dường như nhẫn nại, dường như cam chịu, dường như vô vọng, mà dường như ẩn chứa một sức mạnh…
Mấy chục năm nay sông Cửu Long, cũng như mọi con sông khác ở mọi thời khác, vẫn bồi vẫn lở. Cuộc di trú của những người dân mất đất, dù do Hà bá các loại (nghĩa đen và bóng) nuốt đất, hay do các tác động xã hội khác, bằng nhiều hình thức khác nhau, khiến hình ảnh người (nông) dân ngơ ngác vất vưởng ở những chốn không phải nhà mình, đất mình, làng mình, quê mình, đã trở nên bình thường, thậm chí nhàm chán, khó chịu đối với nhiều người. Thực ra hình ảnh một lão nông mệt mỏi ngồi trên mớ tài sản nhỏ bé chứa trong mấy bao tụng giữa bến xe mịt mù khói bụi bây giờ cũng hiếm gặp. Những người tôi gặp với mỗi một túi xách quàng vai trên hành trình dài dặc tha phương cầu thực hôm nay là những người rất trẻ. Họ chưa kịp là nông dân ở quê mình đã phải trở thành bất cứ thứ gì để tồn tại ở quê người. Tôi gặp họ trên xe buýt, đi từ Rạch giá lên, từ Đồng Tháp qua, từ Tiền Giang xuống. Họ hỏi thăm nhau đường đi nước bước đến những khu công nghiệp ở Bình Dương, Sài Gòn…
Họ nói sao tôi sướng quá, ăn ở không đi coi sông lở sông bồi. Tôi nói hồi tôi 22 tuổi cũng quải một cái ba lô đi làm xa nhà, cũng đánh đu trên xe buýt, cũng hít khói bụi trong nắng rát da ở mấy bến xe. Nhưng nói vậy không phải so bì hay kể khổ. Chẳng qua cuộc sống như dòng sông, đời người cũng như dòng sông, có chỗ lở chỗ bồi, có khi bồi khi lở, miễn sao đừng để cạn dòng chảy – khát vọng sống ở trong mình.

Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222