Giá của học bỗng

Hai năm liền thi đại học đều trượt, bị gia đình rầy rà, Yến tức khí bỏ nhà đi Sài Gòn tìm việc làm ở khu công nghiệp. Buổi tối về nhà trọ chẳng có ti vi xem, chẳng có sách báo đọc, chẳng có người thân chia sẻ, bạn bè sau ngày làm việc mệt nhọc chỉ lăn ra ngủ, Yến cảm thấy cuộc sống buồn chán quá. Giấc mơ vào đại học sống dậy. Giờ đây điều đó không còn là sự áp đặt của gia đình, mà là ý thức của bản thân vươn lên khỏi một cuộc sống nhọc nhằn bế tắc. Yến dành dụm tiền lương, ôn bài vỡ đi thi lại, thi đậu, và ba năm qua Yến vừa đi làm ban ngày vừa đi học ban đêm, học lực trung bình khá. Với mức lương 1,6 triệu đồng, Yến chỉ lo cho bản thân, chứ không phải gởi về giúp gia đình hay nuôi em như nhiều bạn khác, nhưng vật giá ngày một cao, học phí ngày một tăng, Yến được quĩ Hổ trợ công nhân trao học bỗng để có thể hoàn tất năm cuối đại học.
Hai mươi ba công nhân khác cũng nhận được học bỗng tương tự, và mỗi người có một hoàn cảnh riêng: người gặp cảnh gia đình sa sút, đành đi làm để giúp anh hoàn tất việc học, rồi bản thân tiếp tục vừa làm vừa học. Người có cha bệnh tâm thần do di chứng chiến tranh, phải cáng đáng việc nuôi mẹ và em, đi làm thợ đúc nhưng vẫn đeo đuổi việc học. Người đi học rất xa mà chỉ có xe đạp. Người phải học trong căn buồng trọ chật chội ồn ào hoặc thíêu ánh sáng. Có người kể ra hoàn cảnh của mình mà nghẹn ngào, có người không ngăn được nước mắt.
Nhưng khi nhà văn Vu Gia phát biểu, ông nói: “Đi xe đạp 30 phút đến trường mà khó khăn nỗi gì? Tôi ngày còn là sinh viên chỉ mơ ước có chiếc xe đạp mà không được, mỗi ngày đi bộ mười mấy cây số đến trường. Khi nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn, Tôi thấy bà mẹ nhà văn Thạch Lam là một phụ nữ bán hàng xáo chỉ đủ sức nuôi con có ăn có mặc, người con cả học hết cấp hai phải đi làm để nuôi người em kế đi học. Khi người em kế học hết cấp hai cũng đi làm nuôi tiếp người em thứ ba, để cho anh cả tiếp tục học lên cao hơn. Cứ thế, 7 anh em vừa làm vừa học và nuôi nhau đến khi thành đạt, người nào cũng bác sĩ, luật sư, nhà văn tên tuổi, người kém nhứt cũng có bằng tú tài Pháp.” Vu Gia kết luận: “Các em bây giờ thực ra may mắn và sung sướng lắm, hãy cố gắng học hành, làm được điều gì đó có ý nghĩa, chứ đừng vin vào khó khăn mà than nghèo kể khổ.”
Tôi vừa đồng ý vừa không đồng ý với ý kiến trên. Tôi biết (cụ thể) những sinh viên chính qui nhưng ban đêm phải đi làm đến quá nửa đêm để có thể trang trải chi phí cho việc học ban ngày. Họ cũng sống trong những buồng trọ nhếch nhác không có một chỗ để kê bàn học, ăn uống kham khổ, đi lại bằng xe buýt hoặc đi bộ. Nếu học lực trung bình khá hoặc khá, họ rất khó mà cạnh tranh được học bỗng với rất nhiều bạn học có chí tiến thủ mạnh hơn. Một số bạn cuối cùng bỏ cuộc, dốc hết sức kiếm tiền để sống còn, họ đành bỏ học.
Khi mệt và đói, chung quanh u ám hoặc đầy cám dỗ, mọi người buông trôi, thì người nào còn tập trung được đầu óc để đeo đuổi một lý tưởng, tận dụng sức lực để học hành, ắt phải có một ý chí, một nghị lực không tầm thường. Những sinh viên học ban ngày làm ban đêm, hay những công nhân làm ban ngày học ban đêm hiện nay tuy không hiếm, nhưng cũng không có nhiều người làm được. Người nào làm được đáng coi như đã vượt qua cái test về ý chí, chứ không phải là kẻ chỉ biết thở than không hành động. Họ xứng đáng được đầu tư bằng những học bỗng.
Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nhà khoa học và nhà giáo dục Việt Nam nổi tiếng trên thế giới, được trao nhiều giải thưởng uy tín toàn cầu, nguyên hiệu trưởng trường đại học Cần Thơ, người sáng lập và nguyên hiệu trưởng trường đại học An Giang, hiện đang tham gia các dự án thành lập 3 trường đại học quốc tế. Ông cũng có một thời vừa đi học vừa đi làm gian khổ. Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khó ở một làng heo hút giáp biên giới Campuchia, ông phải đi bán báo và làm nhiều việc chân tay khác để tự nuôi mình ăn học, cực khổ đến nỗi ho lao ra máu. Có thể ông vẫn đủ nghị lực để một mình vượt khó và có được đời sống khá giả sau này nếu không có sự giúp đỡ nào hết. Nhưng ông được sự động viên giúp đỡ của một người bạn gái, sau này trở thành vợ ông, và nhận được học bỗng để theo đuổi giấc mơ khoa học, hoàn tất luận án tiến sĩ ở Nhật Bản, trở về phục vụ đồng bào mình và làm vẻ vang đất nước bằng những thành tựu khoa học đưa đất nước từ chỗ thiếu ăn đến chỗ xuất khẩu gạo hàng nhì trên thế giới.
Những con đường đời tương tự không hiếm hoi trên trái đất này, đã được vạch sẵn cho những ai muốn đi theo. Những người giàu nghị lực đó vẫn có thể thành đạt không cần ai giúp đỡ. Nhưng sự giúp đỡ vô giá lúc họ khó khăn có thể là hòn đá làm đòn bẩy khiến họ vọt lên khỏi mức đời thường để làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.


Lý Lan

(bài đăng báo Sinh Viên)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222