Đồ thừa đồ cũ

Buổi tiệc chưa tàn – món tráng miệng chưa dọn ra – thậm chí món cơm gói lá sen gần như còn nguyên, có vị khách đã cáo lỗi đường xa việc bận… Bữa tiệc đâm mất hứng. Thực ra thì ai nấy đã no, nhìn bàn ăn còn ê hề, cũng áy náy. Một ông bèn gọi nhân viên nhà hàng xin hộp xốp đựng đồ ăn thừa, rồi hỏi người chung quanh có ai muốn “xách phụ” mấy hộp này về không? Ông bảo: Bỏ lại thì đồ ăn thành rác, rác này tạo ra khí mê tan, ảnh hưởng môi trường tệ hơn cả khí cac bô nít. Để làm gương, ông ung dung xách một đùm túi nhựa đựng các hộp đồ ăn bước ra khỏi cái nhà hàng sang trọng giữa đất Sài Gòn. Hỏi ra, ông tên An, giáo sư bộ môn môi trường ở đại học Nông Lâm.
Tôi thành thật nể ông An vô cùng. Tôi có một ông chồng cũng là nhà môi trường. Đi ăn nhà hàng ở Mỹ ít khi nào tôi ăn hết phần của mình, chồng tôi thường hỏi: món đó ngon không,nếu vừa miệng thì đem phần còn lại về nhà để tủ lạnh bữa sau ăn tiếp. Lần đầu tôi giận lắm, tưởng anh keo kiệt. Nhưng anh bảo là thực phẩm ở Mỹ bị lãng phí 50% tính từ nơi sản xuất đến bàn ăn, chẳng hạn bỏ sót khi thu hoạch, hư hao khi vận chuyển, giạt bỏ khi chế biến, rồi bỏ mứa trên bàn ăn, hay để thiu thúi trong kho. Số thực phẩm lãng phí đó không những khiến một nửa nhân loại thíêu ăn, mà còn làm cho môi trường bị ô nhiễm. Mà chỉ cần mỗi người thay đổi thói quen một chút xíu thôi, như ăn hết dĩa của mìnhchẳng hạn. Tôi đồng ý, nhưng vẫn ngượng ngùng mỗi khi phải vét đồ ăn thừa trên bàn.
Có thể là một di chứng từ thời là “cây bút trẻ”. Lần đầu tiên đi dự một buổi họp các nhà văn đủ thành phần tuổi tác, hình như năm 1981, tôi sỉ diện lắm, không dám ăn mấy cái bánh bao bày trên bàn, dù thời đó tôi luôn đói. Họp xong tôi thấy mấy nhà văn lão thành “tên tuổi” nhanh nhẩu quơ mấy cái bánh thừa trên bàn cất vào túi đem về. Thần tượng sụp đổ vĩnh viễn từ đó. Bây giờ tôi đủ già, đủ hiểu biết, và ủng hộ quan điểm tiến bộ của các nhà môi trừơng, nhưng tôi vẫn lo là sẽ luôn có những người trẻ như tôi hồi đó, ngưỡng vọng những điều cao cả thanh thoát hơn miếng ăn phàm tục. Họ có thể tình cờ nhìn thấy tôi hăng hái vét đồ ăn thừa ở nhà hàng!
Nhưng em tôi bảo: Đồ mình không ăn hết, chắc có người khác ăn, nếu không thì sẽ đem nuôi heo gà vịt chó mèo, không bỏ đi đâu mà sợ tội. Em tôi có một niềm tin là cái gì còn ăn được mà bỏ đi là có tội. Nhưng em cũng tin là người ta nên rộng rãi, hưởng vừa đủ phần mình thôi, để còn có cái chừa lại cho người khác. Không biết thời buổi này có mấy người suy nghĩ giống em tôi. Tôi nghĩ nếu có chắc cũng là người lớn tuổi hay tu thiền như em.
Cho đến sáng nay, một bạn trẻ gọi điện thoại hỏi tôi: Cô có quần áo cũ, hay không mặc vừa nữa, cho con xin. Nếu có, con sẽ chạy qua nhà cô lấy. Tôi ngạc nhiên vì bạn này đang là học sinh trường quốc tế, học phí khoảng một ngàn đô một tháng, đâu phải con nhà nghèo. Bạn giải thích ngay: Con vừa xong buổi thảo luận về môi trường trong lớp. Mỗi người phải nghĩ ra một hành động thíêt thực. Con nghĩ bạn bè ba má con bây giờ ai cũng mập ra, chắc quần áo mặc không vừa nhiều lắm, mà nhiều thứ là hàng hiệu. Con xin để phục chế lại, cái nào con không thích thì đem cho người khác. Xài lại cái gì còn xài được là “xanh” đó, cô biết không?

Lý Lan
(bài đăng Café Chủ nhật báo Tuổi Trẻ)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222