Tự học chất lượng cao
Nhằm ngày cúp điện ở nhà, tôi đành vào thư viện quốc gia. Thời sinh viên tôi lê la ở đó, tương tư, mơ mộng trên những ghế đá trong khuôn viên, viết những bài thơ và truyện ngắn đầu tiên, rù rì tâm sự hàng giờ với bạn bè, và ngủ những giấc ngon lành mà sau này nhớ lại còn thèm. Tôi nhớ phòng đọc rộng và mát, tôi chọn vị trí gần cửa sổ, bày sách ra bàn, ngóc nhìn trời mây một lúc, úp mặt vào sách ngủ đến khi tiếng sấm nổ đùng đùng, giật mình thức dậy, thấy mưa đang đổ rào rào. Nói vậy, chứ tôi vào thư viện cũng để đọc.
Mua sách đâu phải là chuyện đơn giản. Cách đây 30 năm nhà văn Trần Thùy Mai có viết một truyện ngắn kiểu O. Henry như vầy: Hai vợ chồng trẻ đều là cán bộ nghiên cứu giảng dạy sống đạm bạc bằng đồng lương bao cấp. Vợ muốn cuối tuần làm một bữa ăn có chất đạm để bồi dưỡng chồng đã quá lao lực, nên sau một cuộc đấu tranh nội tâm khá vất vả chọn lựa giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần, đã nén lòng không mua cuốn sách mới ra rất cần cho chuyên môn của chị. Khi chị dọn món bún thịt cho chồng với tất cả chăm sóc yêu thương thì anh cũng ân cần bày ra món quà anh đã chắt chiu mua tặng vợ, ấy là cuốn sách mà chị hằng ước ao. Nếu tính theo thời giá, một cuốn sách chuyện môn bằng giá mấy lạng thịt bò, thì sách hồi ấy không mắc lắm. Bây giờ sách mắc hơn nhiều, tôi cũng chỉ đi coi cọp chứ không dám mua.
May mà có thư viện. Khi tôi học ở Wake Forest bằng học bổng Fulbright, mỗi đầu khóa đều được nhận thêm một khoản tiền mua sách, mấy trăm đô. Tôi bèn ra nhà sách chọn hết những cuốn mình cần, số tiền gần gấp đôi ngân sách được duyệt. Nhắc lại: sách chuyên môn mắc lắm. Bọn làm sách ấy biết là không có sách thì sinh viên bó tay, khỏi nghiên cứu học hành gì cả. Chẳng hạn những khóa tôi học, mỗi giáo sư một kiểu, nhưng công thức căn bản là: đặt một vấn đề, chỉ ra tư liệu cần tham khảo, hướng dẫn cách tiếp cận, gợi ý những điểm cần chú ý, và sau đó là viết bài hay vào lớp trình bày và thảo luận. Ban đầu tôi háo hức chọn những khóa học về các vấn đề văn học đương đại, sách tham khảo đều mới toanh, giá cao, thư viện chỉ có một hai bản, chậm chân thì đứa khác trong lớp mượn mất tiêu (chúng có thể giữ sách đến 3 tuần rồi gia hạn tiếp, mình chậm chân thì bó tay luôn.) Chỉ còn cách mua. Sau một khóa tốn tiền mua sách nhiều hơn tiền ăn và ở, tôi khôn hơn: Ngay khi định theo học khóa nào, tôi email giáo sư hỏi những sách cần thiết và vô thư viện xí trước. Sách nào phải mua thì tôi tìm loại used books, sách đã xài qua. Nếu phải mua sách mới, thì tôi giữ sách thật kỹ, để sau này bán lại. Cuốn sách với người đọc rồi thì như bã mía, những với người khác vẫn là khúc mía no tròn.
Sau khi chăm chỉ đọc sách (đến bạc đầu), tôi phát hiện ra bọn sinh viên Mỹ tiết kiệm còn hơn tôi, cả tiền bạc, thì giờ, lẫn công sức. Tụi nó không cần sách hay thư viện, chỉ ôm cái laptop, vô những website hướng dẫn như sparknotes.com chẳng hạn. Ở đó có thể tìm được tóm tắt, trích đoạn, bình giảng, cả kiểm tra về những cuốn sách thường dùng trong các chương trình học cơ bản, từ văn chương, kịch nghệ, sức khỏe, đến toán, sinh, lý, hóa, kinh tế… Các giáo sư không khuyến khích học kiểu nhai bã mía của người khác, nhưng thỉnh thoảng kẹt thì giờ, tham khảo mấy hướng dẫn này cũng chữa cháy một cuộc thảo luận. Nó giúp mình biết người ta đang bàn chuyện gì, chỉ cần nhớ là nương theo ý người khác thì mất tính độc lập và khách quan khoa học. Mà mình học, chính yếu là để có được tri thức và tư duy độc lập, khách quan khoa học.
Một cách sử dụng internet để tự nghiên cứu tham khảo khi không có sẵn sách hay không có sẵn thư viện tốt, là dùng books.google.com Chẳng hạn nhập môn khóa “phê bình văn học sinh thái”, tôi gõ “literary ecocriticism” vào hộp tìm kiếm, có được 41 quyển sách, tôi tìm những quyển xuất bản mới nhất và cho đọc giới hạn hay đọc trọn sách (limited preview and full view), xem trước tiên phần mục lục (content) rồi đến phần giới thiệu (introduction). Xem chừng mươi quyển cùng hạng mục giúp mình có một khái niệm tổng quát về vấn đề. Nếu phần nào hấp dẫn tôi ghi chú để quay lại đọc sau, phần lớn chỉ cho mình đọc một số trang không liên tục. Nhưng chúng ta cũng không cần phải đọc hết, nếu chỉ nhằm muốn làm quen khái niệm. Khi xác định phần chuyên sâu cần tìm hiểu có trong quyển nào sẽ tìm mượn hay mua quyển sách đó.
Ngày nay nhiều hệ thống thư viện điện tử thế giới có lượng sách rất lớn, nhất là nhiều sách mới, và thư viện các trường đại học đều có kết nối với tư cách thành viên tập thế, mình sử dụng máy tính kết nối vào hệ thống thư viện thành viên rồi tha hồ đọc sách. Một số thư viện mạng cho đăng ký với tư cách cá nhân, hoặc đọc miễn phí trong giới hạn nào đó. Điều này khiến cho việc tự nghiên cứu tự học càng thêm thuận lợi. Nếu mình không có tiền mua sách và không muốn đọc sách cọp ở nhà sách hay thư viện, vẫn có thể kiếm được 3.000 đồng để vô café internet một tiếng đồng hồ tham khảo nguồn thông tin từ các thư viện mở và nguồn sách mở. Ấy là chưa nói tới nguồn học liệu mở của những đại học danh tiếng như MIT hay UC/ Berkeley. (Tôi nói riêng về nguồn này trong bài khác). Vấn đề còn lại nằm ở chính mình. Mình có muốn học hay không. Nếu muốn, mình hoàn toàn có thể tự học với chất lượng cao.
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)
Mua sách đâu phải là chuyện đơn giản. Cách đây 30 năm nhà văn Trần Thùy Mai có viết một truyện ngắn kiểu O. Henry như vầy: Hai vợ chồng trẻ đều là cán bộ nghiên cứu giảng dạy sống đạm bạc bằng đồng lương bao cấp. Vợ muốn cuối tuần làm một bữa ăn có chất đạm để bồi dưỡng chồng đã quá lao lực, nên sau một cuộc đấu tranh nội tâm khá vất vả chọn lựa giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần, đã nén lòng không mua cuốn sách mới ra rất cần cho chuyên môn của chị. Khi chị dọn món bún thịt cho chồng với tất cả chăm sóc yêu thương thì anh cũng ân cần bày ra món quà anh đã chắt chiu mua tặng vợ, ấy là cuốn sách mà chị hằng ước ao. Nếu tính theo thời giá, một cuốn sách chuyện môn bằng giá mấy lạng thịt bò, thì sách hồi ấy không mắc lắm. Bây giờ sách mắc hơn nhiều, tôi cũng chỉ đi coi cọp chứ không dám mua.
May mà có thư viện. Khi tôi học ở Wake Forest bằng học bổng Fulbright, mỗi đầu khóa đều được nhận thêm một khoản tiền mua sách, mấy trăm đô. Tôi bèn ra nhà sách chọn hết những cuốn mình cần, số tiền gần gấp đôi ngân sách được duyệt. Nhắc lại: sách chuyên môn mắc lắm. Bọn làm sách ấy biết là không có sách thì sinh viên bó tay, khỏi nghiên cứu học hành gì cả. Chẳng hạn những khóa tôi học, mỗi giáo sư một kiểu, nhưng công thức căn bản là: đặt một vấn đề, chỉ ra tư liệu cần tham khảo, hướng dẫn cách tiếp cận, gợi ý những điểm cần chú ý, và sau đó là viết bài hay vào lớp trình bày và thảo luận. Ban đầu tôi háo hức chọn những khóa học về các vấn đề văn học đương đại, sách tham khảo đều mới toanh, giá cao, thư viện chỉ có một hai bản, chậm chân thì đứa khác trong lớp mượn mất tiêu (chúng có thể giữ sách đến 3 tuần rồi gia hạn tiếp, mình chậm chân thì bó tay luôn.) Chỉ còn cách mua. Sau một khóa tốn tiền mua sách nhiều hơn tiền ăn và ở, tôi khôn hơn: Ngay khi định theo học khóa nào, tôi email giáo sư hỏi những sách cần thiết và vô thư viện xí trước. Sách nào phải mua thì tôi tìm loại used books, sách đã xài qua. Nếu phải mua sách mới, thì tôi giữ sách thật kỹ, để sau này bán lại. Cuốn sách với người đọc rồi thì như bã mía, những với người khác vẫn là khúc mía no tròn.
Sau khi chăm chỉ đọc sách (đến bạc đầu), tôi phát hiện ra bọn sinh viên Mỹ tiết kiệm còn hơn tôi, cả tiền bạc, thì giờ, lẫn công sức. Tụi nó không cần sách hay thư viện, chỉ ôm cái laptop, vô những website hướng dẫn như sparknotes.com chẳng hạn. Ở đó có thể tìm được tóm tắt, trích đoạn, bình giảng, cả kiểm tra về những cuốn sách thường dùng trong các chương trình học cơ bản, từ văn chương, kịch nghệ, sức khỏe, đến toán, sinh, lý, hóa, kinh tế… Các giáo sư không khuyến khích học kiểu nhai bã mía của người khác, nhưng thỉnh thoảng kẹt thì giờ, tham khảo mấy hướng dẫn này cũng chữa cháy một cuộc thảo luận. Nó giúp mình biết người ta đang bàn chuyện gì, chỉ cần nhớ là nương theo ý người khác thì mất tính độc lập và khách quan khoa học. Mà mình học, chính yếu là để có được tri thức và tư duy độc lập, khách quan khoa học.
Một cách sử dụng internet để tự nghiên cứu tham khảo khi không có sẵn sách hay không có sẵn thư viện tốt, là dùng books.google.com Chẳng hạn nhập môn khóa “phê bình văn học sinh thái”, tôi gõ “literary ecocriticism” vào hộp tìm kiếm, có được 41 quyển sách, tôi tìm những quyển xuất bản mới nhất và cho đọc giới hạn hay đọc trọn sách (limited preview and full view), xem trước tiên phần mục lục (content) rồi đến phần giới thiệu (introduction). Xem chừng mươi quyển cùng hạng mục giúp mình có một khái niệm tổng quát về vấn đề. Nếu phần nào hấp dẫn tôi ghi chú để quay lại đọc sau, phần lớn chỉ cho mình đọc một số trang không liên tục. Nhưng chúng ta cũng không cần phải đọc hết, nếu chỉ nhằm muốn làm quen khái niệm. Khi xác định phần chuyên sâu cần tìm hiểu có trong quyển nào sẽ tìm mượn hay mua quyển sách đó.
Ngày nay nhiều hệ thống thư viện điện tử thế giới có lượng sách rất lớn, nhất là nhiều sách mới, và thư viện các trường đại học đều có kết nối với tư cách thành viên tập thế, mình sử dụng máy tính kết nối vào hệ thống thư viện thành viên rồi tha hồ đọc sách. Một số thư viện mạng cho đăng ký với tư cách cá nhân, hoặc đọc miễn phí trong giới hạn nào đó. Điều này khiến cho việc tự nghiên cứu tự học càng thêm thuận lợi. Nếu mình không có tiền mua sách và không muốn đọc sách cọp ở nhà sách hay thư viện, vẫn có thể kiếm được 3.000 đồng để vô café internet một tiếng đồng hồ tham khảo nguồn thông tin từ các thư viện mở và nguồn sách mở. Ấy là chưa nói tới nguồn học liệu mở của những đại học danh tiếng như MIT hay UC/ Berkeley. (Tôi nói riêng về nguồn này trong bài khác). Vấn đề còn lại nằm ở chính mình. Mình có muốn học hay không. Nếu muốn, mình hoàn toàn có thể tự học với chất lượng cao.
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)