phỏng vấn
Đây là nguyên văn bài phỏng vấn giữa Tường Vân báo Sài Gòn Giải Phóng và mình bằng email:
- Theo chị, hình ảnh người phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện nay xuất hiện trong các tác phẩm văn học của các nhà văn trong nước có những đặc điểm gì? Với tư cách là một người phụ nữ đồng thời là một nhà văn, theo chị những đặc điểm đó phản ánh đúng sai như thế nào?
Tôi nhận ra hai xu hướng: một là thể hiện những “đức tính” được coi là truyền thống của phụ nữ Việt Nam, như hy sinh bản thân, chịu đựng gian khó, sống vì người khác, nhân hậu, nhẫn nhịn. Xu hướng này miêu tả phụ nữ trong vai trò phụ thuộc, thậm chí vật tế thần, trong một xã hội mà những thiệt thòi, bất công, hủ bại, xung đột, bế tắc thường đổ lên số phận phụ nữ. Xu hướng thứ hai là nỗ lực thể hiện người nữ trong sự hình thành ý thức nữ, đấu tranh cho sự tồn tại của mình như một chủ thể của bản thân và trong xã hội, tìm kiếm, đính chính hay xác lập hệ thống giá trị nữ trong một thế giới đang thay đổi. Đối với tác phẩm văn học, tôi không bao giờ đặt vấn đề “phản ánh đúng sai”. Tôi quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật thể hiện, miêu tả, tư tưởng hay sự gởi gắm của tác giả vào hình tượng nhân vật trong bối cảnh câu chuyện họ dựng nên, để chia sẻ những trải nghiệm cùng quan điểm của họ.
- Trong cuốn Tiểu thuyết Đàn bà, những nhân vật nữ của chị đa số có hoàn cảnh đặc thù do chiến tranh tạo nên. Nhưng xã hội VN hiện nay lại là xã hội thời bình với những đặc thù riêng của nó. Sắp tới liệu chị có đi vào sáng tác những tác phẩm về người phụ nữ hiện nay không?
Tiểu thuyết đàn bà được xác định chủ đề ngay từ đầu là tiểu thuyết chiến tranh. Tôi viết cuốn sách đó để thanh toán nợ nần với thế hệ tôi, những người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh và có thể cả đời mang những ảnh hưởng hệ lụy của chiến tranh. Đất nước mình may thay được hưởng thanh bình hơn 30 năm nay, nhưng thế giới vẫn còn bất ổn, chiến tranh không phải là một kinh nghiệm mà mình nên vội quên đi. Hiện giờ tôi đang viết một tiểu thuyết khác, bối cảnh xã hội hiện tại của chúng ta, một xã hội thay đổi không cưỡng được trong một thế giới bất ổn không lường được.
- Cũng trong Tiểu thuyết Đàn bà có một nhân vật nữ của thời nay. Cô gái đó lấy chồng ngoại và ra nước ngoài sinh sống. Tuy nhiên, theo nhiều người chị chưa đi sâu vào tâm trạng người phụ nữ Á Đông-Việt Nam khi phải sống ở một xã hội xa lạ. Là một người có điều kiện tiếp xúc với những người phụ nữ có hoàn cảnh tương đồng, chị có dự tính sáng tác về tuyến nhân vật này hay không?
Đón đọc tiểu thuyết sắp tới sẽ rõ! Còn bây giờ bạn đọc những truyện ngắn mới viết của tôi đi, nhất là những truyện viết trong năm 2008, được tuyển chọn trong quyển “Hồi Xuân” sắp xuất bản vào cuối tháng 3/2009. Trong đó có rất nhiều lát cắt từ bản thân tôi, một nhà văn nữ tới tuổi “hồi xuân”.
- Các nhân vật trong các tác phẩm của chị luôn mang trong mình tâm thế vùng dậy, vươn lên khẳng định mình. Tại sao chị lại chọn khuynh hướng sáng tác như thế khi mà truyền thống trong văn học Việt Nam vẫn thường quen nhìn hình ảnh phụ nữ mang chất tần tảo, dịu dàng và mềm mại?
Tại sao ư? Tại vì tôi là một người đàn bà như vậy. Tôi miêu tả nhân vật nữ từ kinh nghiệm bản thân tôi trước tiên, cộng thêm quan sát và tìm hiểu những phụ nữ thời đại tôi. Nếu chúng tôi không còn khớp với hình ảnh mà văn học truyền thống miêu tả, thì văn học hiện đại có trách nhiệm sáng tạo hình ảnh hiện thực hơn và thuyết phục hơn.
- Về các nhà văn nữ hiện nay, chị có đánh giá cơ bản nào không? Theo chị, các nhà văn nữ nhất là những nhà văn nữ trẻ còn cần gì trong sáng tác. Vừa qua, cũng có xuất hiện một số nhà văn nữ trẻ tương đối nổi tiếng nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng các sáng tác của các nhà văn nữ hiện nay thường thích mang chất nổi loạn nhằm khẳng định mình? Chị nghĩ sao về nhận xét đó.
Tôi không đọc hay tiếp xúc được hết các nhà văn nữ hiện nay. Trong phạm vi những tác phẩm và tác giả tôi có chú ý, tôi phải nói là tôi tự hào về những đồng nghiệp này. Và tôi tin tưởng mạnh mẽ là nhà văn nữ Việt Nam hiện nay đang đóng góp những đường nét và màu sắc chính trong bức tranh văn học đương đại. Trong xã hội Á đông, và trong “truyền thống” văn học của chúng ta, tất cả sự khẳng định mình đều bị coi nổi loạn cả. Kể từ Trưng Trắc, Triệu Thị Trinh, Hồ Xuân Hương đến Út Tịch. Nhờ họ mà chúng ta có những giá trị lịch sử và văn hóa đáng tự hào. Vì vậy, tôi coi tinh thần “khẳng định mình” chính là truyền thống phụ nữ Việt Nam, và đó là đặc điểm quan trọng để phụ nữ Việt Nam khác với phụ nữ Á đông hiểu theo nghĩa “thùy mị, ngoan hiền”. Chúng ta cần nhiều hơn nữa những nhà văn biết phát huy truyền thống vẻ vang này, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa, phải khẳng định được giá trị văn hóa riêng của mình mới hòng tồn tại.
Bản in trên báo có thể đọc ở đây
- Theo chị, hình ảnh người phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện nay xuất hiện trong các tác phẩm văn học của các nhà văn trong nước có những đặc điểm gì? Với tư cách là một người phụ nữ đồng thời là một nhà văn, theo chị những đặc điểm đó phản ánh đúng sai như thế nào?
Tôi nhận ra hai xu hướng: một là thể hiện những “đức tính” được coi là truyền thống của phụ nữ Việt Nam, như hy sinh bản thân, chịu đựng gian khó, sống vì người khác, nhân hậu, nhẫn nhịn. Xu hướng này miêu tả phụ nữ trong vai trò phụ thuộc, thậm chí vật tế thần, trong một xã hội mà những thiệt thòi, bất công, hủ bại, xung đột, bế tắc thường đổ lên số phận phụ nữ. Xu hướng thứ hai là nỗ lực thể hiện người nữ trong sự hình thành ý thức nữ, đấu tranh cho sự tồn tại của mình như một chủ thể của bản thân và trong xã hội, tìm kiếm, đính chính hay xác lập hệ thống giá trị nữ trong một thế giới đang thay đổi. Đối với tác phẩm văn học, tôi không bao giờ đặt vấn đề “phản ánh đúng sai”. Tôi quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật thể hiện, miêu tả, tư tưởng hay sự gởi gắm của tác giả vào hình tượng nhân vật trong bối cảnh câu chuyện họ dựng nên, để chia sẻ những trải nghiệm cùng quan điểm của họ.
- Trong cuốn Tiểu thuyết Đàn bà, những nhân vật nữ của chị đa số có hoàn cảnh đặc thù do chiến tranh tạo nên. Nhưng xã hội VN hiện nay lại là xã hội thời bình với những đặc thù riêng của nó. Sắp tới liệu chị có đi vào sáng tác những tác phẩm về người phụ nữ hiện nay không?
Tiểu thuyết đàn bà được xác định chủ đề ngay từ đầu là tiểu thuyết chiến tranh. Tôi viết cuốn sách đó để thanh toán nợ nần với thế hệ tôi, những người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh và có thể cả đời mang những ảnh hưởng hệ lụy của chiến tranh. Đất nước mình may thay được hưởng thanh bình hơn 30 năm nay, nhưng thế giới vẫn còn bất ổn, chiến tranh không phải là một kinh nghiệm mà mình nên vội quên đi. Hiện giờ tôi đang viết một tiểu thuyết khác, bối cảnh xã hội hiện tại của chúng ta, một xã hội thay đổi không cưỡng được trong một thế giới bất ổn không lường được.
- Cũng trong Tiểu thuyết Đàn bà có một nhân vật nữ của thời nay. Cô gái đó lấy chồng ngoại và ra nước ngoài sinh sống. Tuy nhiên, theo nhiều người chị chưa đi sâu vào tâm trạng người phụ nữ Á Đông-Việt Nam khi phải sống ở một xã hội xa lạ. Là một người có điều kiện tiếp xúc với những người phụ nữ có hoàn cảnh tương đồng, chị có dự tính sáng tác về tuyến nhân vật này hay không?
Đón đọc tiểu thuyết sắp tới sẽ rõ! Còn bây giờ bạn đọc những truyện ngắn mới viết của tôi đi, nhất là những truyện viết trong năm 2008, được tuyển chọn trong quyển “Hồi Xuân” sắp xuất bản vào cuối tháng 3/2009. Trong đó có rất nhiều lát cắt từ bản thân tôi, một nhà văn nữ tới tuổi “hồi xuân”.
- Các nhân vật trong các tác phẩm của chị luôn mang trong mình tâm thế vùng dậy, vươn lên khẳng định mình. Tại sao chị lại chọn khuynh hướng sáng tác như thế khi mà truyền thống trong văn học Việt Nam vẫn thường quen nhìn hình ảnh phụ nữ mang chất tần tảo, dịu dàng và mềm mại?
Tại sao ư? Tại vì tôi là một người đàn bà như vậy. Tôi miêu tả nhân vật nữ từ kinh nghiệm bản thân tôi trước tiên, cộng thêm quan sát và tìm hiểu những phụ nữ thời đại tôi. Nếu chúng tôi không còn khớp với hình ảnh mà văn học truyền thống miêu tả, thì văn học hiện đại có trách nhiệm sáng tạo hình ảnh hiện thực hơn và thuyết phục hơn.
- Về các nhà văn nữ hiện nay, chị có đánh giá cơ bản nào không? Theo chị, các nhà văn nữ nhất là những nhà văn nữ trẻ còn cần gì trong sáng tác. Vừa qua, cũng có xuất hiện một số nhà văn nữ trẻ tương đối nổi tiếng nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng các sáng tác của các nhà văn nữ hiện nay thường thích mang chất nổi loạn nhằm khẳng định mình? Chị nghĩ sao về nhận xét đó.
Tôi không đọc hay tiếp xúc được hết các nhà văn nữ hiện nay. Trong phạm vi những tác phẩm và tác giả tôi có chú ý, tôi phải nói là tôi tự hào về những đồng nghiệp này. Và tôi tin tưởng mạnh mẽ là nhà văn nữ Việt Nam hiện nay đang đóng góp những đường nét và màu sắc chính trong bức tranh văn học đương đại. Trong xã hội Á đông, và trong “truyền thống” văn học của chúng ta, tất cả sự khẳng định mình đều bị coi nổi loạn cả. Kể từ Trưng Trắc, Triệu Thị Trinh, Hồ Xuân Hương đến Út Tịch. Nhờ họ mà chúng ta có những giá trị lịch sử và văn hóa đáng tự hào. Vì vậy, tôi coi tinh thần “khẳng định mình” chính là truyền thống phụ nữ Việt Nam, và đó là đặc điểm quan trọng để phụ nữ Việt Nam khác với phụ nữ Á đông hiểu theo nghĩa “thùy mị, ngoan hiền”. Chúng ta cần nhiều hơn nữa những nhà văn biết phát huy truyền thống vẻ vang này, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa, phải khẳng định được giá trị văn hóa riêng của mình mới hòng tồn tại.
Bản in trên báo có thể đọc ở đây