Hành trang
Nên mang theo những gì? Câu trả lời dễ tìm trong tài liệu hướng dẫn của các trung tâm hổ trợ du học, hoặc trên trang web của chính cái trường bạn sẽ tới học, hoặc trên các diễn đàn có những trao đổi về chủ đề này. Chắc chắn bạn tổng hợp được một danh sách dài những thứ cần mang theo khi đi đến một xứ sở xa lạ.
Trong danh sách đó chắc có mì gói. Phải nói ngay là tôi chưa bao giờ thủ mì gói trong hành trang, lý do chính là tôi không hảo món này lắm. Nhưng trên các diễn đàn bạn trẻ có chia sẻ kinh nghiệm này đáng tham khảo: Những ngày đầu chân ướt chân ráo mới tới nơi, nếu may mắn ổn định được ngay chỗ ăn ở, thì cũng có thể mất một hai ngày đến cả tuần lễ, tùy thể trạng, cái đồng hồ sinh học trong cơ thể mình mới điều chỉnh lại theo mặt trời ở địa phương. Khi nó đang trong quá trình thích nghi thì mình có thể bất chợt thả hồn theo mây giữa ban ngày mà không hay, còn ban đêm thì bụng đói cồn cào không thể ngủ được. Lúc ấy mà có một gói mì (với các gói bột nêm khẩu vị ưa thích) thì có thể thay đổi tình thế rõ rệt ngay tức thì.
Dĩ nhiên nếu có tiền xài thoải mái thì có thể chữa cháy cơn đói trái bữa bằng cách nhắc điện thoại gọi một cái pizza giao tận nơi (dịch vụ 24 giờ một ngày.) Nhớ lần đầu tiên tôi đến đại học Iowa ở giữa nước Mỹ, vì ra đi đột ngột nên không hề chuẩn bị gì cả. Ở ký túc xá Mayflower tôi ở chung với một chị người Singapore (phòng ngủ riêng nhưng chung phòng ăn, nhà bếp và buồng tắm). Đêm đầu tiên hai chị em gặp nhau trong phòng ăn, sau câu chào hỏi xã giao là lời thú nhận “đói quá”. Chị bạn đề nghị “ăn pizza nhé?” Tôi ừ ngay. Trong đại sảnh của tòa nhà có để đầy các tờ bướm quảng cáo đủ thứ. Quảng cáo pizza thấy hấp dẫn: Một miếng vừa một người ăn khoảng 6 đô, miếng to gấp đôi thì 10 đô, còn nguyên cái pizza to cỡ cái bàn tròn ở phòng ăn, đủ cho 6 đến 8 người mà chỉ có mười mấy hai chục đô, tức là càng mua miếng to càng rẻ. Đang đói, con mắt to hơn cái bụng, hai chị em “order” luôn một cái bánh pizza bàn. Một tháng sau “tàn dư” của cái bánh đó vẫn còn trong tủ lạnh. Và một năm sau nghe tới pizza tôi còn thấy ớn.
Nhưng có lẽ tôi dẫn bạn đi lạc đề. Ý tôi muốn nói là nếu khả năng tài chánh cho phép, thì hành trang vật chất duy nhất bạn cần mang theo là tiền, có thể chỉ cần một cái thẻ tín dụng, vì tất nhiên bạn sẽ du học ở một xứ sở văn minh trong thế giới tiêu thụ toàn cầu hóa này, nơi mà chỉ cần một thẻ Visa hay Master chẳng hạn, bạn sẽ xoay sở dễ dàng. Quần áo giầy nón là những thứ thay đổi theo thời theo chốn, bạn còn trẻ và thích mốt thì cứ để đến nơi, cuối tuần đi mua sắm. Máy móc điện tử và đồ dùng điện cũng vậy, mua tại chỗ để tương thích với dòng điện hay ổ cắm, và tiện bảo hành. Tôi không còn trẻ và không thích mốt, nhưng vẫn phải theo thời trang: tháng 8 tôi mới sang, trời thậm chí còn ấm, nhưng vừa qua tháng chín thì nhiệt độ thay đổi, bắt đầu lạnh, đến tháng 10 thì lạnh chịu không nổi, sang tháng 11 đã thấy tuyết rơi. Quần áo tôi mang từ Việt Nam đành xếp lại để về Việt Nam mặc.
Dĩ nhiên có những thứ mà bạn sẽ không thể mua ở đâu được, dù bằng thẻ vàng thẻ kim cương đi nữa. Chẳng hạn cái áo len mẹ bạn tự tay đan, quyển lưu bút của thầy cô bạn bè thưở trung học. Những thứ những vật có tính chất “riêng tư” và “vớ vẩn” ấy, đến một lúc (không lâu đâu) bạn sẽ nhận ra “giá trị phi vật chất” của chúng, khi bị cảm giác bơ vơ lạc lỏng ở xứ người vây kín, khi nỗi nhớ nhà cồn cào hơn cả cơn đói nửa đêm. Thực ra mười tám đôi mươi tuổi, rất khó xác định cái gì , cả vật chất lẫn phi vật chất, là “của riêng mình” có tính chất thiêng liêng hay có ý nghĩa đặc biệt. Tình cảm của một người bạn, kỳ vọng của mẹ cha, một tâm nguyện, hay một kỷ niệm, một hình ảnh đã khắc sâu trong tim: một góc phố có quán café / kem mình thường ngồi với bạn, một góc vườn ở quê có cây mận cây ổi mình thường trèo khi về thăm nội / ngoại cuối tuần, hay ánh mắt của mẹ cha khi họ chụm đầu tính toán tiền nong cho con đi học xa. Những điều này người ta chỉ nhận ra sau này, nhiều năm sau này. Bây giờ, mười tám tuổi, có thể bạn thấy cái iphone là vật riêng tư quan trọng nhất.
Cho nên bạn hỏi hành trang gì cần thiết để bạn lên đường, tôi nói thẳng: một cái thẻ tín dụng và một ý thức rằng những người thân yêu của bạn đang làm mọi cách để chi trả cho những gì bạn tiêu xài bằng cái thẻ đó.
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)
Trong danh sách đó chắc có mì gói. Phải nói ngay là tôi chưa bao giờ thủ mì gói trong hành trang, lý do chính là tôi không hảo món này lắm. Nhưng trên các diễn đàn bạn trẻ có chia sẻ kinh nghiệm này đáng tham khảo: Những ngày đầu chân ướt chân ráo mới tới nơi, nếu may mắn ổn định được ngay chỗ ăn ở, thì cũng có thể mất một hai ngày đến cả tuần lễ, tùy thể trạng, cái đồng hồ sinh học trong cơ thể mình mới điều chỉnh lại theo mặt trời ở địa phương. Khi nó đang trong quá trình thích nghi thì mình có thể bất chợt thả hồn theo mây giữa ban ngày mà không hay, còn ban đêm thì bụng đói cồn cào không thể ngủ được. Lúc ấy mà có một gói mì (với các gói bột nêm khẩu vị ưa thích) thì có thể thay đổi tình thế rõ rệt ngay tức thì.
Dĩ nhiên nếu có tiền xài thoải mái thì có thể chữa cháy cơn đói trái bữa bằng cách nhắc điện thoại gọi một cái pizza giao tận nơi (dịch vụ 24 giờ một ngày.) Nhớ lần đầu tiên tôi đến đại học Iowa ở giữa nước Mỹ, vì ra đi đột ngột nên không hề chuẩn bị gì cả. Ở ký túc xá Mayflower tôi ở chung với một chị người Singapore (phòng ngủ riêng nhưng chung phòng ăn, nhà bếp và buồng tắm). Đêm đầu tiên hai chị em gặp nhau trong phòng ăn, sau câu chào hỏi xã giao là lời thú nhận “đói quá”. Chị bạn đề nghị “ăn pizza nhé?” Tôi ừ ngay. Trong đại sảnh của tòa nhà có để đầy các tờ bướm quảng cáo đủ thứ. Quảng cáo pizza thấy hấp dẫn: Một miếng vừa một người ăn khoảng 6 đô, miếng to gấp đôi thì 10 đô, còn nguyên cái pizza to cỡ cái bàn tròn ở phòng ăn, đủ cho 6 đến 8 người mà chỉ có mười mấy hai chục đô, tức là càng mua miếng to càng rẻ. Đang đói, con mắt to hơn cái bụng, hai chị em “order” luôn một cái bánh pizza bàn. Một tháng sau “tàn dư” của cái bánh đó vẫn còn trong tủ lạnh. Và một năm sau nghe tới pizza tôi còn thấy ớn.
Nhưng có lẽ tôi dẫn bạn đi lạc đề. Ý tôi muốn nói là nếu khả năng tài chánh cho phép, thì hành trang vật chất duy nhất bạn cần mang theo là tiền, có thể chỉ cần một cái thẻ tín dụng, vì tất nhiên bạn sẽ du học ở một xứ sở văn minh trong thế giới tiêu thụ toàn cầu hóa này, nơi mà chỉ cần một thẻ Visa hay Master chẳng hạn, bạn sẽ xoay sở dễ dàng. Quần áo giầy nón là những thứ thay đổi theo thời theo chốn, bạn còn trẻ và thích mốt thì cứ để đến nơi, cuối tuần đi mua sắm. Máy móc điện tử và đồ dùng điện cũng vậy, mua tại chỗ để tương thích với dòng điện hay ổ cắm, và tiện bảo hành. Tôi không còn trẻ và không thích mốt, nhưng vẫn phải theo thời trang: tháng 8 tôi mới sang, trời thậm chí còn ấm, nhưng vừa qua tháng chín thì nhiệt độ thay đổi, bắt đầu lạnh, đến tháng 10 thì lạnh chịu không nổi, sang tháng 11 đã thấy tuyết rơi. Quần áo tôi mang từ Việt Nam đành xếp lại để về Việt Nam mặc.
Dĩ nhiên có những thứ mà bạn sẽ không thể mua ở đâu được, dù bằng thẻ vàng thẻ kim cương đi nữa. Chẳng hạn cái áo len mẹ bạn tự tay đan, quyển lưu bút của thầy cô bạn bè thưở trung học. Những thứ những vật có tính chất “riêng tư” và “vớ vẩn” ấy, đến một lúc (không lâu đâu) bạn sẽ nhận ra “giá trị phi vật chất” của chúng, khi bị cảm giác bơ vơ lạc lỏng ở xứ người vây kín, khi nỗi nhớ nhà cồn cào hơn cả cơn đói nửa đêm. Thực ra mười tám đôi mươi tuổi, rất khó xác định cái gì , cả vật chất lẫn phi vật chất, là “của riêng mình” có tính chất thiêng liêng hay có ý nghĩa đặc biệt. Tình cảm của một người bạn, kỳ vọng của mẹ cha, một tâm nguyện, hay một kỷ niệm, một hình ảnh đã khắc sâu trong tim: một góc phố có quán café / kem mình thường ngồi với bạn, một góc vườn ở quê có cây mận cây ổi mình thường trèo khi về thăm nội / ngoại cuối tuần, hay ánh mắt của mẹ cha khi họ chụm đầu tính toán tiền nong cho con đi học xa. Những điều này người ta chỉ nhận ra sau này, nhiều năm sau này. Bây giờ, mười tám tuổi, có thể bạn thấy cái iphone là vật riêng tư quan trọng nhất.
Cho nên bạn hỏi hành trang gì cần thiết để bạn lên đường, tôi nói thẳng: một cái thẻ tín dụng và một ý thức rằng những người thân yêu của bạn đang làm mọi cách để chi trả cho những gì bạn tiêu xài bằng cái thẻ đó.
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)