phỏng vấn về văn chương
(bài này do nhà văn Yến Linh phỏng vấn, cũng khá lâu rồi, không rõ đăng ở đâu chưa, nay tự đăng ở đây.)
1. Chào chị, rất vui gặp lại chị trong bài phỏng vấn này. Lý Lan của “Hồi Xuân” của năm nay khác gì so với Lý Lan “Tiểu thuyết đàn bà” của một năm trước?
Cám ơn bạn, tôi cũng rất vui vì câu hỏi này. Vì cách đảo ngược khái niệm: thay vì đặt vấn đề tác phẩm này khác tác phẩm kia của cùng một tác giả như thế nào, thì bạn chất vấn sự thay đổi hay khác biệt của chính tác giả qua sự xuất bản lần lượt hai tác phẩm khác thể loại trong vòng một năm. Câu hỏi khiến tôi nhìn lại mình bằng sự đọc lại mình. Hình như Lý Lan của “Tiểu thuyết đàn bà” là kẻ nổi giận và vùng vẫy thoát ra nỗi ám ảnh quá khứ. Lý Lan của “Hồi Xuân” đã phần nào bình tĩnh quan sát hiện tại.
2. Đọc 22 truyện của chị trong tập “Hồi Xuân”, người ta luôn có “cảm giác” bất an và mất mát thứ gì đó. Chị đang bi quan hay đang dự báo những bất trắc mà nhiều người trong chúng ta đang tảng lờ?
Ôi, xin lỗi bạn, nếu truyện của tôi khiến bạn có cảm giác bất an và mất mát! Có thể do bạn đang mang tâm trạng chung của thời đại nên đã cảm nhận những câu chuyện trong “Hồi Xuân” như vậy. Chẳng phải là chúng ta đang sống trong một thế giới bất ổn và những biến đổi nhanh chóng trong vài thập niên gần đây khiến cho nhiều thứ bị mất mát? Tôi không bi quan, và thực ra cũng chẳng dự báo điều gì, đó là hiện thực chúng ta đang sống.
3. Trong 22 truyện, hầu như chị lấy nhân vật nữ làm trung tâm. Trong tận cùng, họ đều rất bất ổn, nhưng lại che giấu sự yếu đuối bằng cái vẻ cứng cỏi, mạnh mẽ, đôi khi tưng tửng đến nao lòng. Chị nghĩ, trong cuộc sống, phụ nữ có nên trang bị “vũ khí tự vệ” như thế?
Điều này tôi phải cân nhắc một tí. Có những phụ nữ yếu đuối. Nhưng tôi không cố ý nhấn mạnh vào sự yếu đuối của nhân vật nào đó, cũng không coi yếu đuối như một thuộc tính nữ. Thực ra tôi thấy phụ nữ trong xã hội mình bị dồn vô “thế yếu” cho nên họ phải mạnh mẽ để sinh tồn. Những nhân vật mà tôi quan sát chứng tỏ họ mạnh mẽ thực sự, chứ không làm ra vẻ như vậy để che giấu sự yếu đuối. Trong cuộc sống, dù là nam hay nữ, đều nên tự trang bị những vũ khí sinh tồn như như tri thức, kỷ năng chuyên môn, kỷ năng giao tiếp, bản lĩnh tự chủ, dũng cảm, suy nghĩ độc lập , vv.
4. Chị định cư ở Bellingham (Mỹ) cũng lâu rồi, nhưng sao trong “Hồi Xuân - những truyện ngắn mới nhất”, không thấy chị viết nhiều về cuộc sống ở đó? Chị không quan tâm đến mảng đề tài này? Hay chị không tự tin như các tác giả Việt Nam đang sống ở hải ngoại, viết về cuộc sống ở đó và khá thành công?
17 trong số 22 truyện của quyển “Hồi Xuân” được viết trong năm 2008, là năm tôi sống hoàn toàn ở Việt Nam, và có chủ tâm viết cái đang xảy ra trong cuộc sống quanh mình, những truyện còn lại viết khi đi lại ở nước ngoài nên có nhân vật và bối cảnh ở nước ngoài, như “Đường dài hạnh phúc”, “Bông vạn thọ”, “Phi trường Đài Bắc”, “Tại sao anh làm điều đó?” Khi viết, tôi không bận tâm đề tài là “trong nước” hay “hải ngoại”. Tiểu thuyết đàn bà có yếu tố “trong” lẫn “ngoài” nước, nếu nhất định vạch ra biên giới. Chúng ta sống ở một thời đại mà biên giới hành chánh không có ý nghĩa lắm trong lĩnh vực văn hóa.
5. Người ta nói người ca sĩ thường hát về quê hương hay khi người đó đã xa quê hương. Cảm xúc khi xa quê hương có giúp chị nhiều trong sáng tác không? Như khi viết “Bông vạn thọ”, “Phi trường Đài Bắc” chẳng hạn?
Tôi không rành về ca sĩ lắm. Quê nhà, tôi nhấn mạnh chữ “nhà”, là căn bản văn hóa của mỗi cá nhân. Hoài niệm là điều tất yếu đối với mỗi con người khi rời xa quê nhà (thực tế hay tưởng tượng). Nhưng kinh nghiệm cá nhân tôi là ở tại quê nhà tôi sáng tác thuận lợi hơn, do yếu tố ngôn ngữ gợi hứng rất quan trọng đối với tôi. Nhiều trường hợp mà một câu nói nghe được ngoài chợ hay một từ quen dùng của người chung quanh khiến tôi thích thú và nổi hứng viết thành câu chuyện hay bài thơ.
6. Trong truyện “Đường dài hạnh phúc” chị viết: “Sao có thể mừng vui đó rồi khổ sở đó chỉ vì một người đàn ông? Đâu rồi cái con người nghệ sĩ ngang tàng, ai khen ai chê cũng nghe qua rồi bỏ, cứ kiểu mình thích mình làm?”. Đó là trăn trở của nhân vật hay cũng là của chính chị?
Mọi thứ tôi viết trong thể loại “truyện ngắn” hay “tiểu thuyết” đều là hư cấu, như một nguyên tắc nghệ thuật. Đem cảm xúc chủ quan của người sáng tác gán ghép cho nhân vật là điều tối kỵ trong thể loại văn học hư cấu (fiction) – Các thầy dạy sáng tác đều khuyên như vậy. Tôi viết nhiều thể loại, khi cần phải bày tỏ trực tiếp quan điểm hay kinh nghiệm cá nhân (vì một yêu cầu hay mục đích nào đó) thì tôi viết tùy bút, tản mạn, ký sự hay một dạng chính luận nào đó. Dĩ nhiên, hư cấu văn học vẫn là sản phẩm “máu thịt” của mình, ở mức độ và góc độ nào đó, nó bộc lộ bản thân người sáng tác, không phải theo kiểu nhân vật rên thì ắt tác giả đau, mà cái rên của nhân vật có thể phản ánh thủ pháp nghệ thuật biểu đạt cảm xúc và quan điểm của tác giả.
7. Gần đây, được biết chị có mặt khá thường xuyên ở Việt Nam. Điều đó có ảnh hưởng gì đến cuộc sống gia đình chị ở Mỹ?
Gia đình “ở Mỹ” của tôi chỉ có hai vợ chồng hủ hỉ với nhau. Tôi thường xuyên ở Việt Nam thì chồng tôi cũng thường xuyên về Việt Nam (4 lần trong vòng 17 tháng qua). Không khác mấy so với khi tôi “thuờng xuyên” ở Mỹ, vì khi đó tôi lại đi về Việt Nam mỗi năm hai lần.
1. Chào chị, rất vui gặp lại chị trong bài phỏng vấn này. Lý Lan của “Hồi Xuân” của năm nay khác gì so với Lý Lan “Tiểu thuyết đàn bà” của một năm trước?
Cám ơn bạn, tôi cũng rất vui vì câu hỏi này. Vì cách đảo ngược khái niệm: thay vì đặt vấn đề tác phẩm này khác tác phẩm kia của cùng một tác giả như thế nào, thì bạn chất vấn sự thay đổi hay khác biệt của chính tác giả qua sự xuất bản lần lượt hai tác phẩm khác thể loại trong vòng một năm. Câu hỏi khiến tôi nhìn lại mình bằng sự đọc lại mình. Hình như Lý Lan của “Tiểu thuyết đàn bà” là kẻ nổi giận và vùng vẫy thoát ra nỗi ám ảnh quá khứ. Lý Lan của “Hồi Xuân” đã phần nào bình tĩnh quan sát hiện tại.
2. Đọc 22 truyện của chị trong tập “Hồi Xuân”, người ta luôn có “cảm giác” bất an và mất mát thứ gì đó. Chị đang bi quan hay đang dự báo những bất trắc mà nhiều người trong chúng ta đang tảng lờ?
Ôi, xin lỗi bạn, nếu truyện của tôi khiến bạn có cảm giác bất an và mất mát! Có thể do bạn đang mang tâm trạng chung của thời đại nên đã cảm nhận những câu chuyện trong “Hồi Xuân” như vậy. Chẳng phải là chúng ta đang sống trong một thế giới bất ổn và những biến đổi nhanh chóng trong vài thập niên gần đây khiến cho nhiều thứ bị mất mát? Tôi không bi quan, và thực ra cũng chẳng dự báo điều gì, đó là hiện thực chúng ta đang sống.
3. Trong 22 truyện, hầu như chị lấy nhân vật nữ làm trung tâm. Trong tận cùng, họ đều rất bất ổn, nhưng lại che giấu sự yếu đuối bằng cái vẻ cứng cỏi, mạnh mẽ, đôi khi tưng tửng đến nao lòng. Chị nghĩ, trong cuộc sống, phụ nữ có nên trang bị “vũ khí tự vệ” như thế?
Điều này tôi phải cân nhắc một tí. Có những phụ nữ yếu đuối. Nhưng tôi không cố ý nhấn mạnh vào sự yếu đuối của nhân vật nào đó, cũng không coi yếu đuối như một thuộc tính nữ. Thực ra tôi thấy phụ nữ trong xã hội mình bị dồn vô “thế yếu” cho nên họ phải mạnh mẽ để sinh tồn. Những nhân vật mà tôi quan sát chứng tỏ họ mạnh mẽ thực sự, chứ không làm ra vẻ như vậy để che giấu sự yếu đuối. Trong cuộc sống, dù là nam hay nữ, đều nên tự trang bị những vũ khí sinh tồn như như tri thức, kỷ năng chuyên môn, kỷ năng giao tiếp, bản lĩnh tự chủ, dũng cảm, suy nghĩ độc lập , vv.
4. Chị định cư ở Bellingham (Mỹ) cũng lâu rồi, nhưng sao trong “Hồi Xuân - những truyện ngắn mới nhất”, không thấy chị viết nhiều về cuộc sống ở đó? Chị không quan tâm đến mảng đề tài này? Hay chị không tự tin như các tác giả Việt Nam đang sống ở hải ngoại, viết về cuộc sống ở đó và khá thành công?
17 trong số 22 truyện của quyển “Hồi Xuân” được viết trong năm 2008, là năm tôi sống hoàn toàn ở Việt Nam, và có chủ tâm viết cái đang xảy ra trong cuộc sống quanh mình, những truyện còn lại viết khi đi lại ở nước ngoài nên có nhân vật và bối cảnh ở nước ngoài, như “Đường dài hạnh phúc”, “Bông vạn thọ”, “Phi trường Đài Bắc”, “Tại sao anh làm điều đó?” Khi viết, tôi không bận tâm đề tài là “trong nước” hay “hải ngoại”. Tiểu thuyết đàn bà có yếu tố “trong” lẫn “ngoài” nước, nếu nhất định vạch ra biên giới. Chúng ta sống ở một thời đại mà biên giới hành chánh không có ý nghĩa lắm trong lĩnh vực văn hóa.
5. Người ta nói người ca sĩ thường hát về quê hương hay khi người đó đã xa quê hương. Cảm xúc khi xa quê hương có giúp chị nhiều trong sáng tác không? Như khi viết “Bông vạn thọ”, “Phi trường Đài Bắc” chẳng hạn?
Tôi không rành về ca sĩ lắm. Quê nhà, tôi nhấn mạnh chữ “nhà”, là căn bản văn hóa của mỗi cá nhân. Hoài niệm là điều tất yếu đối với mỗi con người khi rời xa quê nhà (thực tế hay tưởng tượng). Nhưng kinh nghiệm cá nhân tôi là ở tại quê nhà tôi sáng tác thuận lợi hơn, do yếu tố ngôn ngữ gợi hứng rất quan trọng đối với tôi. Nhiều trường hợp mà một câu nói nghe được ngoài chợ hay một từ quen dùng của người chung quanh khiến tôi thích thú và nổi hứng viết thành câu chuyện hay bài thơ.
6. Trong truyện “Đường dài hạnh phúc” chị viết: “Sao có thể mừng vui đó rồi khổ sở đó chỉ vì một người đàn ông? Đâu rồi cái con người nghệ sĩ ngang tàng, ai khen ai chê cũng nghe qua rồi bỏ, cứ kiểu mình thích mình làm?”. Đó là trăn trở của nhân vật hay cũng là của chính chị?
Mọi thứ tôi viết trong thể loại “truyện ngắn” hay “tiểu thuyết” đều là hư cấu, như một nguyên tắc nghệ thuật. Đem cảm xúc chủ quan của người sáng tác gán ghép cho nhân vật là điều tối kỵ trong thể loại văn học hư cấu (fiction) – Các thầy dạy sáng tác đều khuyên như vậy. Tôi viết nhiều thể loại, khi cần phải bày tỏ trực tiếp quan điểm hay kinh nghiệm cá nhân (vì một yêu cầu hay mục đích nào đó) thì tôi viết tùy bút, tản mạn, ký sự hay một dạng chính luận nào đó. Dĩ nhiên, hư cấu văn học vẫn là sản phẩm “máu thịt” của mình, ở mức độ và góc độ nào đó, nó bộc lộ bản thân người sáng tác, không phải theo kiểu nhân vật rên thì ắt tác giả đau, mà cái rên của nhân vật có thể phản ánh thủ pháp nghệ thuật biểu đạt cảm xúc và quan điểm của tác giả.
7. Gần đây, được biết chị có mặt khá thường xuyên ở Việt Nam. Điều đó có ảnh hưởng gì đến cuộc sống gia đình chị ở Mỹ?
Gia đình “ở Mỹ” của tôi chỉ có hai vợ chồng hủ hỉ với nhau. Tôi thường xuyên ở Việt Nam thì chồng tôi cũng thường xuyên về Việt Nam (4 lần trong vòng 17 tháng qua). Không khác mấy so với khi tôi “thuờng xuyên” ở Mỹ, vì khi đó tôi lại đi về Việt Nam mỗi năm hai lần.