Đi tàu điện ngầm
Tôi xuất hiện trước cửa phòng chị bạn trên lầu 8 tòa nhà dành cho giáo sư của đại học Hankuk, chị khen “Giỏi quá.” Tôi khoái chí: giỏi chứ! Đến phi trường Gimpo tôi đã làm đúng lời chị dặn, tìm đến quầy thông tin (Information) hỏi xin bản đồ và lối ra trạm xe điện ngầm, rồi từ đó mà đổi mấy chuyến tàu, một mình đi tới nơi tới chốn.
Thực ra, đi lại ở một thành phố lớn như Seoul là chuyện dễ. Hệ thống xe điện ngầm (subway hay metro) không quá phức tạp, chỉ có điều họ thiết kế những trạm kết nối các tuyến đường hơi dở, khi đổi tàu ở trạm Singil tôi kéo vali đi bộ bở hơi tai. Có chỗ không tìm được thang máy hay thang cuốn, phải vác hành lý leo từng bậc thang bê tông muốn khóc luôn. May sao, quới nhân xuất hiện: đang ì ạch xách cái rương gần 20 Kí đếm từng bậc thang âm thầm (không dám ngẫng đầu nhìn lên vì cầu thang ở các trạm xe điện ngầm sâu hun hút), bỗng dưng một bàn tay mạnh bạo từ phía sau dằng lấy quai cái rương và xách đi te te. Tôi hết hồn bám theo không kịp thở. Đến đầu cầu thang, người hùng đặt cái rương xuống, không cần nghe tôi nói dứt tiếng cám ơn đã vội vã chạy đi, vì tiếng tàu đang rầm rầm chạy tới.
Đi xe điện ngầm thì không có phong cảnh gì để xem, nên tôi thường ngắm hành khách. Cũng như trong những tàu điện ngầm ở Paris hay New York, hầu như mọi hành khách đều im lặng, nếu cần trò chuyện thì phải chụm đầu kề tai để át tiếng xe chạy. Hành khách trẻ gắn loa trong tai để nghe nhạc hay gì đó từ ipod để trong túi. Nhiều người laoy hoay nhắn tin hay làm gì đó với cái điện thoại trong tay. Những người khác đọc báo, sách, hay nhắm mắt lại. Toa tàu nào cũng có chỗ ngồi dành riêng cho người già, tàn tật, phụ nữ mang thai, và trẻ con. Nhưng tàu chật, người ta ngồi bừa. Tôi không thấy người đàn ông nào nhường ghế cho phụ nữ, nhưng người ta nhường ghế cho các cụ già. Chắc là vì người già thì thỉnh thoảng mới gặp, chứ phụ nữ thì nhan nhãn khắp nơi, lại có vẻ lạnh lùng, như không cần đàn ông nhường cái gì hết. Trong các tàu điện ngầm ở các thành phố phương Tây cũng vậy. Hình như là một biểu hiện của bình đẳng giới.
Trên tàu thỉnh thoảng xuất hiện người bán hàng rong. Tôi thấy một ông bưng một cái thùng lên tàu, đặt xuống sàn xe, mở ra lấy mấy sợi dây nịch, lớn tiếng quảng cáo, giọng hùng hồn, vừa la vừa đi lên đi xuống, một tay giơ cao mấy sợi dây nịch, một tay xốc lưng quần lên. Anh ta quảng cáo chớp nhoáng, rồi bưng thùng xuống tàu ngay ở trạm tiếp theo. Có lẽ anh ta sẽ lên chuyến tàu khác để tiếp tục sự nghiệp kinh doanh. Lại xuất hiện một đôi nam nữ mù hát dạo xin tiền. Họ đi lần theo chiều dọc, băng qua cửa nối các toa tàu. Tôi gặp rất ít người phương Tây. Hình như tôi bị nhầm với một bà già Hàn, mọi người cứ xổ từng tràng tiếng Hàn với tôi, khi tôi nói tiếng Anh thì họ ớ ra và bỏ đi.
Khi lên trạm đại học Hankuk tôi lựa người trẻ có vẻ là sinh viên để hỏi đường, nghĩ là họ ắt biết tiếng Anh. Trường Hankuk là “University of Foreign Studies”, một đại học chuyên về ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, nên tôi không khó khăn lắm trong giao tiếp. Điều hơi bất ngờ là thái độ lễ phép của các sinh viên. Thấy cách ăn mặc, tóc tai, phong cách của họ không khác sinh viên các trường đại học ở Mỹ, tôi chuẩn bị tinh thần có thể nhận được một cái nhún vai “Tôi không biết”, hay cái khoác tay chỉ về hướng nào đó trong lúc vội vã. Nhưng khi nhìn cái địa chỉ “Professor Hall” cô sinh viên trẻ tỏ thái độ cung kính, ân cần dắt tôi đến tận nơi, rồi cúi rạp người chào trước khi quay đi. Bạn tôi nói giáo sư là một đẳng cấp vẫn còn được trọng vọng trong xã hội Hàn, và vì điểm số và sự đánh giá của giáo sư có ảnh hưởng quyết định đối với sinh viên nên họ luôn tỏ ra kính trọng giáo sư.
Nền giáo dục của Hàn có vẻ tốt. Trường đại học tư nhiều hơn đại học công, Hankuk cũng là đại học tư, học phí cao, sinh viên dường như con nhà giàu. Các khu phố quanh trường tưng bừng các nhà hàng cửa hàng. Một giáo sư của trường , người Pháp, nói hồi là sinh viên ở Pháp bà thỉnh thoảng mới đi ăn nhà hàng, tiêu xài phải tính toán dè sẻn, còn sinh viên ở đây đi mua sắm, ăn nhà hàng là bình thường. Nửa đêm từ cửa sổ phòng chị bạn tôi nhìn ra đường vẫn nhộn nhịp những người trẻ tuổi đi lại, hàng quán sáng trưng đèn màu. Đây là nơi tôi gặp nhiều bảng hiệu tiếng nước ngoài hơn các nơi khác, vốn chỉ toàn tiếng Hàn.
Hẳn thế giới đại học này là giấc mơ của nhiều người trẻ tuổi. Cũng là một áp lực: phải có trình độ, phải có ưu thế cạnh tranh trong xã hội công nghiệp hóa và toàn cầu hóa.
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)
Thực ra, đi lại ở một thành phố lớn như Seoul là chuyện dễ. Hệ thống xe điện ngầm (subway hay metro) không quá phức tạp, chỉ có điều họ thiết kế những trạm kết nối các tuyến đường hơi dở, khi đổi tàu ở trạm Singil tôi kéo vali đi bộ bở hơi tai. Có chỗ không tìm được thang máy hay thang cuốn, phải vác hành lý leo từng bậc thang bê tông muốn khóc luôn. May sao, quới nhân xuất hiện: đang ì ạch xách cái rương gần 20 Kí đếm từng bậc thang âm thầm (không dám ngẫng đầu nhìn lên vì cầu thang ở các trạm xe điện ngầm sâu hun hút), bỗng dưng một bàn tay mạnh bạo từ phía sau dằng lấy quai cái rương và xách đi te te. Tôi hết hồn bám theo không kịp thở. Đến đầu cầu thang, người hùng đặt cái rương xuống, không cần nghe tôi nói dứt tiếng cám ơn đã vội vã chạy đi, vì tiếng tàu đang rầm rầm chạy tới.
Đi xe điện ngầm thì không có phong cảnh gì để xem, nên tôi thường ngắm hành khách. Cũng như trong những tàu điện ngầm ở Paris hay New York, hầu như mọi hành khách đều im lặng, nếu cần trò chuyện thì phải chụm đầu kề tai để át tiếng xe chạy. Hành khách trẻ gắn loa trong tai để nghe nhạc hay gì đó từ ipod để trong túi. Nhiều người laoy hoay nhắn tin hay làm gì đó với cái điện thoại trong tay. Những người khác đọc báo, sách, hay nhắm mắt lại. Toa tàu nào cũng có chỗ ngồi dành riêng cho người già, tàn tật, phụ nữ mang thai, và trẻ con. Nhưng tàu chật, người ta ngồi bừa. Tôi không thấy người đàn ông nào nhường ghế cho phụ nữ, nhưng người ta nhường ghế cho các cụ già. Chắc là vì người già thì thỉnh thoảng mới gặp, chứ phụ nữ thì nhan nhãn khắp nơi, lại có vẻ lạnh lùng, như không cần đàn ông nhường cái gì hết. Trong các tàu điện ngầm ở các thành phố phương Tây cũng vậy. Hình như là một biểu hiện của bình đẳng giới.
Trên tàu thỉnh thoảng xuất hiện người bán hàng rong. Tôi thấy một ông bưng một cái thùng lên tàu, đặt xuống sàn xe, mở ra lấy mấy sợi dây nịch, lớn tiếng quảng cáo, giọng hùng hồn, vừa la vừa đi lên đi xuống, một tay giơ cao mấy sợi dây nịch, một tay xốc lưng quần lên. Anh ta quảng cáo chớp nhoáng, rồi bưng thùng xuống tàu ngay ở trạm tiếp theo. Có lẽ anh ta sẽ lên chuyến tàu khác để tiếp tục sự nghiệp kinh doanh. Lại xuất hiện một đôi nam nữ mù hát dạo xin tiền. Họ đi lần theo chiều dọc, băng qua cửa nối các toa tàu. Tôi gặp rất ít người phương Tây. Hình như tôi bị nhầm với một bà già Hàn, mọi người cứ xổ từng tràng tiếng Hàn với tôi, khi tôi nói tiếng Anh thì họ ớ ra và bỏ đi.
Khi lên trạm đại học Hankuk tôi lựa người trẻ có vẻ là sinh viên để hỏi đường, nghĩ là họ ắt biết tiếng Anh. Trường Hankuk là “University of Foreign Studies”, một đại học chuyên về ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, nên tôi không khó khăn lắm trong giao tiếp. Điều hơi bất ngờ là thái độ lễ phép của các sinh viên. Thấy cách ăn mặc, tóc tai, phong cách của họ không khác sinh viên các trường đại học ở Mỹ, tôi chuẩn bị tinh thần có thể nhận được một cái nhún vai “Tôi không biết”, hay cái khoác tay chỉ về hướng nào đó trong lúc vội vã. Nhưng khi nhìn cái địa chỉ “Professor Hall” cô sinh viên trẻ tỏ thái độ cung kính, ân cần dắt tôi đến tận nơi, rồi cúi rạp người chào trước khi quay đi. Bạn tôi nói giáo sư là một đẳng cấp vẫn còn được trọng vọng trong xã hội Hàn, và vì điểm số và sự đánh giá của giáo sư có ảnh hưởng quyết định đối với sinh viên nên họ luôn tỏ ra kính trọng giáo sư.
Nền giáo dục của Hàn có vẻ tốt. Trường đại học tư nhiều hơn đại học công, Hankuk cũng là đại học tư, học phí cao, sinh viên dường như con nhà giàu. Các khu phố quanh trường tưng bừng các nhà hàng cửa hàng. Một giáo sư của trường , người Pháp, nói hồi là sinh viên ở Pháp bà thỉnh thoảng mới đi ăn nhà hàng, tiêu xài phải tính toán dè sẻn, còn sinh viên ở đây đi mua sắm, ăn nhà hàng là bình thường. Nửa đêm từ cửa sổ phòng chị bạn tôi nhìn ra đường vẫn nhộn nhịp những người trẻ tuổi đi lại, hàng quán sáng trưng đèn màu. Đây là nơi tôi gặp nhiều bảng hiệu tiếng nước ngoài hơn các nơi khác, vốn chỉ toàn tiếng Hàn.
Hẳn thế giới đại học này là giấc mơ của nhiều người trẻ tuổi. Cũng là một áp lực: phải có trình độ, phải có ưu thế cạnh tranh trong xã hội công nghiệp hóa và toàn cầu hóa.
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)