Bài đăng

Đang hiển thị bài đăng từ 2010

Kiến thức trực tiếp

Buổi sáng đầu tiên thức dậy ở Sài Gòn… Ấy là nói ước lệ, vì thực tế không ngủ thì làm sao “thức dậy”? Nhóm sinh viên đến vào lúc nửa đêm, trên 20 giờ đi đường, tính từ lúc rời nhà đến khi nhận phòng trong ký túc xá. Vài người ngủ vật vờ được vài tiếng đồng hồ trên máy bay, những giấc ngủ bị ngắt khúc vì những bữa ăn không nuốt nỗi, vì phải đứng dậy cho người ngồi bên cạnh đi vệ sinh, vì những thông báo nhắc hành khách cài đai an toàn khi máy bay bay qua vùng thời tiết xấu. Người nào cũng bơ phờ khi bước chân ra khỏi máy bay. Nhưng họ bắt đầu tỉnh táo và căng thẳng dần khi đứng xếp hàng chờ thủ tục nhập cảnh. Họ đã được chuẩn bị, những thông tin chính thức lẫn những điều truyền miệng, và họ đang sẵn sàng trải nghiệm thực tế để có kiến thức trực tiếp (firsthand knowledge). Nhưng bất ngờ vẫn xảy ra. Trước tiên là không có tờ khai hải quan hay nhập cảnh. Ông thầy vốn đi lại nhiều lần trước đây đã cẩn thận hướng dẫn học trò của mình là phải khai đem theo máy tính và các đồ điện tử (để khi...

mưa phùn

Sáng nay dậy sớm, tính đi bộ quanh Hồ Gươm như hôm qua, nhưng trời đất âm u, ẩm ướt, mù mịt. Cô bán bánh mì nói đấy là mưa phùn. Vậy ư? Trước đây mình chỉ biết mưa phùn trong thơ Tố Hữu. Nhớ cuối năm 1975 trời Sài Gòn lạnh khủng khiếp (đối với mình.) Co ro trên căn gác sát mái tôn học thơ Tố Hữu để đi thi đại học. Bao nhiêu kiến thức kỷ năng văn học suốt 12 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường "ngụy" được thầy dạy là ráng quên đi, để tiếp thu nền văn học mới, văn học cách mạng. Tài liệu thầy đưa cho học chỉ có 2 tập quay rô nê ô gồm một số bài thơ của Hồ Chí Minh và một số bài thơ của Tố Hữu. Phương pháp học là thuộc lòng, nên mình cứ lẩm bẩm đọc như tụng kinh. Mưa phùn ướt áo tứ thân Đó là một hình tượng văn học xa lạ. Mình có biết mưa phùn ra sao, cũng chưa thấy người dân quê bắc bộ mặc áo tứ thân đi làm ruộng. (Chỉ thấy áo tứ thân lụa là rực rỡ trên sân khấu múa minh họa các bài dân ca bắc bộ). Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn Bầm ra ruộng cấy bầm run Chân lội dưới bùn...

gã chăn gà trên phố

Hình ảnh

đốt lửa bên đường

Hình ảnh
Sau hai trận bão tuyết hồi tháng 11, thời tiết trở lại "bình thường", nghĩa là ngày xấp xỉ 40 độ F, khiến tuyết tan hết, đêm xấp xỉ 30, có khi tụt xuống hăm mấy, sáng sớm sương giá phủ trắng cỏ. Tuy đến trưa thì sương tan, nhưng cỏ chịu đựng tới bữa nay coi bộ hết mức, đã úa từng bệt. Cây thì trút hết lá, gió bão không biết thổi kiểu nào mà quăng xuống con đường trước nhà vô số lá sồi (mà con đường này đâu có trồng sồi!) Đường này không phải lộ lớn, ít giao thông, nên mấy bữa trước tuyết ngập đường vì xe cào tuyết của thành phố không tới, mấy bữa nay lá nghẹt miệng cống, dân cư hai bên đường coi bộ không trông mong thành phố tới móc cống, bèn hè nhau tự cứu lấy mình trước. Trưa chủ nhật bỗng thấy khói bay mù mịt trước nhà, mình vội mang giày khoác áo chạy ra coi, thì thấy mấy ông hàng xóm đang đốt lá vàng. Lá còn ướt nên khó đốt, mấy ông đành chọn giải pháp hốt lên xe tải chở ra bãi rác vườn của thành phố. Coi vậy mà lá cũng đầy nhóc một xe tải to. Còn đống lửa, đã lỡ nhóm l...

Bọn trẻ sẽ đi Việt Nam

Ông giáo sư gọi chúng là bọn trẻ, “the kids”, và lắc đầu cảm thán: Chúng còn đang tuổi teen. Mười tám mười chín tuổi vẫn kể như teen, mặc dù mấy teen cỡ đó hơi già. Bọn trẻ gồm tám sinh viên năm thứ hai, có hai người đã lên năm thứ ba. Chỉ có một người từng đi du lịch nước ngoài một lần. Thành phố lớn mà đa số từng lui tới là Seattle, cách nơi họ sinh trưởng từ vài chục dặm đến vài trăm dặm. Có một người trước khi vào đại học Western Washington ở Bellingham chưa đi đâu ra khỏi thị trấn quê nhà ở miền trung tây nước Mỹ. Ông giáo sư kể: Khi “cậu bé” đi vào văn phòng ông để hỏi về việc ghi danh khóa học “Việt Nam và Mỹ”, ông thấy rõ cậu không có chút khái niệm cỏn con nào về đất nước con người hay văn hóa Việt Nam, ngoài một ý thức nhàn nhạt là trong lịch sử Mỹ có một giai đoạn liên can đến Việt Nam. Đối với người thầy, không hề có câu hỏi như “Tại sao em muốn học về cái mà em không biết gì hết.” Nhưng ông vẫn muốn chính “cậu bé” tự nói ra động cơ khiến cậu đến gặp ông. “Em chưa bao giờ ...

Chia sẻ

(bài này viết ngày 24/11) Bản tin thời tiết ghi hai nhiệt độ, một đo bằng hàn thử biểu và “realfeel” đo theo cảm giác của con người. Chẳng hạn hôm thứ hai, nhiệt độ âm 6 độ C, nhưng “realfeel” là âm 18 độ C, vì giữa cơn bão tuyết gió từ Bắc Cực thổi xuống gây cảm giác lạnh kinh hoàng. Dù đã được dự báo, cơn bão dữ dội hơn tôi tưởng. Sáng thứ hai thức dậy thấy chung quanh nhà tuyết trắng xóa, tôi hối hận đã không hái hết hoa cúc vào nhà, định ra vườn coi số phận chúng giờ ra sao, cũng để thử coi cảm giác âm 18 độ C như thế nào. Mặc bốn lớp áo (áo lót, áo thường, áo len, áo khoác), đầu đội mũ trùm kín tai, chân mang giầy bốt, tôi đi quanh vườn chừng mười phút đã không chịu nỗi, chạy tọt vô nhà, hai vành tai tím tái. Tôi quyết định không bước ra khỏi cửa nữa. Nếu không phải trường hợp cực kỳ khẩn cấp thì đừng hòng đem tôi ra ngoài trời băng giá ấy. Ngồi nhà đọc báo địa phương trên mạng, the Bellingham Herald: Bất chấp băng tuyết đầy đường, gió lạnh thấu xương, ngân hàng thực phẩm (food b...

Ngắm sao băng

Thức khuya để canh sao băng. Theo đài khí tượng thì giấc sau nửa đêm đến 5 giờ sáng ngày 18 tháng 11 là lúc thuận lợi nhứt để ngắm sao băng. Mình không trông mong cảnh tượng huy hoàng của những trận mưa sao băng rạng rỡ bầu trời. Chỉ hy vọng thấy dăm ba ánh sao rơi, hoặc một cũng được, để kịp nói lên một điều ước. Nhiều năm trước, có một đêm mình tình cờ ngước nhìn trời và gặp sao băng. Ngay lần đầu tiên nhìn tia sáng lao nhanh xuống lưng trời rồi biến mất, mình nghĩ ngay là sao băng. Tự nhiên tim đập rộn rã, lòng vui kỳ lạ. Trong lúc còn tiếc ngẩn ngơ thì một vì sao khác băng. Hồi hộp quá mình ngồi lỳ bên cửa sổ trên tầng 8 của tòa nhà Mayflower, kí túc xá ở trường đại học Iowa, để canh đến sáng. Tuy chẳng gặp thêm ngôi sao băng nào nữa, mình đã được thưởng ngoạn bầu trời đầy sao của đêm đông phương Bắc. Để ngắm sao, mình tắt hết đèn trong phòng, và dù phòng vẫn bật hệ thống sưởi, nhưng ngoài trời gần độ âm, gần sáng là lúc trời lạnh nhứt, dán mặt vào kính cửa sổ một hồi là lạnh tê m...

tuyết!

Hình ảnh
Tuyết rơi đêm qua. Sáng sớm nhìn ra cửa thấy tuyết phủ đầy thềm. Mùa đông đến sớm quá. Cây gingko mới nhuộm lá vàng, bị cơn bão tuyết hồi hôm vuốt gần trụi cành. Còn một mớ lá bị gió lay một hồi cũng rụng luôn. bên hàng xóm vườn sau ông chồng vừa xúc tuyết dọn lối đi là mình chạy tọt ra sân trước để chụp hình bỏ lên đây chơi.

gởi Hoàng Trân

Hình ảnh
Mình cũng không nhớ. Hôm nay là ngày nhà giáo ở Việt Nam. Lâu rồi, 15 năm rồi, ngày này không còn ý nghĩa đối với mình nữa. Thỉnh thoảng cũng nhớ ra ngày này, vì vẫn còn liên lạc với đồng nghiệp cũ, và vài học trò cũ. Gần đây,đồng nghiệp cũ đã về hưu, không nghe các thầy cô nói năng gì tới ngày này nữa, mình quên hẳn đi. Sáng nay mở mail, thấy có thiệp điện tử chúc mừng ngày nhà giáo, địa chỉ gởi là Mực Tím, tưởng ở tòa báo đó còn có người nhớ mình, nhưng xem lại thì không phải, người gởi là Hoàng Trân. Hoàng Trân? Có phải là một trong lứa học trò đầu tiên của mình ở Cần Giuộc? Nếu đúng thì cô bé này học với mình năm 1981 hay 1982. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu! Cám ơn em, thiệp chúc mừng ấy lẽ ra cô phải gởi cho em, vì em bây giờ là cô giáo mà. (cây trong hình này theo người ta nói là hoàng trân, mùa hè trái đậu dưới lá, cô đi ngang hoài mà không thấy, sang thu lá rụng, trái chín màu tím lộ ra, trông như những chuỗi ngọc tím, lẻ ra gọi là cẩm trân mới đúng màu, nhưng người ta bảo ...

Thế hệ digital

Chuẩn bị về thăm nhà, một trong những việc cần làm là mua quà cho người thân kẻ sơ, nhất là khi mình về nhằm dịp lễ tết. Trước đây, việc này là cả một niềm vui. Từ khi mua vé máy bay đến ngày đi thường là cả tháng, hoặc dài hơn, mua vé trước càng sớm càng rẻ mà, nên tôi có năm ba cái cuối tuần tha hồ dạo khắp các phố phường, thương xá hay trung tâm thương mại, ngắm nghía, thử rồi cân nhắc từng món hàng bắt mắt, tính toán túi tiền, lập danh sách món quà nào tặng cho ai thì đúng điệu nhứt. Dần dà, chắc tại tuổi tác dồn lên gân cốt khiến việc đi rảo bốn năm tiếng đồng hồ từ cửa hàng này đến cửa hàng khác trở nên mệt mỏi, mới nghĩ tới đi mua sắm đã bắt ngán. Với lại, năm nào cũng đi về một hai lần, riết rồi không biết mua cái gì cho đặc biệt. Lần trước, lụi hụi chèn nhét mấy cái va li, cân lui cân tới (hãng hàng không cắt bớt trọng lượng hành lý ký gởi), đem về tới Sài Gòn thì thấy những món “quà Mỹ” của mình bày bán đầy đường đầy tiệm! Nên lần này tôi chơi kiểu khác, mùa thu hái mận há...

hoa còn lại trong vườn

Hình ảnh
đài khí tượng dự báo sắp có đợt lạnh, rất lạnh, bèn dạo một vòng quanh vườn, ủ rơm rạ cho cây cỏ mong manh. Hoa lá rau cỏ cũng gần tàn hoặc đã tàn. Một ít hoa lá vẫn cố cầm cự những đêm lạnh gần độ đóng băng. Thương đám cúc hồng đang thời nở rộ, hái vô nhà chưng, như vầy thì chúng phải lìa cội, nhưng không bị chết cóng và tàn giập vì sương giá. Không biết chúng vui hay buồn. Vạn thọ còn được mấy bông này tươi thôi Tần ô mới nở sống đời đang nhú mầm non dưới gốc sau khi đám hoa già ngã rạp suống sau trận mưa tơi bời. Hai bông dưới này tên là snap dragon, rồng táp. Cây này chịu lạnh giỏi. sao nhái chắc tiêu sớm. chậu hoa này là quà sinh nhật chồng tặng, lát nữa xách vô nhà kiếm chỗ treo, hy vọng sang xuân nó sẽ nở lại (không thì cũng còn cái chậu treo để trồng hoa khác.) Trong cảnh thu tàn, bông cỏ coi cũng hay cẩm tú cầu thì hỡi ơi, hương phai sắc tàn!

thu

Hình ảnh

Sinh viên online

(vừa viết xong bài này - dựa theo the Chronicle of Higher Education - thì thấy the New York Times cũng có 2 bài cùng chủ đề, bài Learning in Dorm, Because Class Is on the Web hiện giờ xếp hạng 3 trong 10 bài được email nhiều nhất. Bữa nay cuối tuần mà mưa gió ì xèo, chắc nằm nhà đọc thêm về vụ này, có khi có ích cho nền giáo dục ở nước mình.) Một nhóm sinh viên thực hiện một đề tài nghiên cứu liên quan đến dịch thuật nhờ tôi hướng dẫn. Lúc đó tôi đang ở Mỹ, các em đang ở Việt Nam. Thoạt đầu là email qua lại, đôi khi hai bên lên mạng cùng lúc thì trao đổi bằng YIM hay Skype. Nếu đường truyền Internet ở hai đầu đều tốt, tôi có thể nghe thấy các em khá rõ, và các em cũng nghe thấy tôi, như thể chúng tôi đang ngồi trước mặt nhau. Việc thảo luận hứng thú sôi nổi, vỡ lẻ nhiều vấn đề, bài vỡ tài liệu chuyển qua chuyển lại nhanh chóng gần như trong nháy mắt. Đây là một dạng dạy học “online”, sử dụng không gian ảo và kỷ thuật truyền thông tiên tiến làm môi trường và phương tiện giáo dục. Cơ bả...

tần ô

Hình ảnh
sáng sớm nhìn qua cửa sổ thấy thằng nhóc hàng xóm mặc quần sọt dắt chó đi dạo, mình bèn bắt chước ra vườn tập thể dục. Nhưng hỡi ơi, chưa kịp vận động cho ấm người, mới hít thở vài cái đã hắt xì liên tiếp, nước mũi , chứ không phải mồ hôi, chảy nhễ nhãi. Đành chạy tuốt vô nhà trùm mền ngủ tiếp. Trưa ấm lên một chút lại ra vườn. Hoa cúc nở đầy vbên lối đi. Tần ô cũng là cúc, mấy nhà bán hột giống ở đây kêu nó là edible mum, cúc ăn được.Mình trồng vài bụi bên lối đi để cây trổ hoa, cũng đẹp. Còn đám này trồng trong vườn rau mùa hè, khi cây cao cở gang tay thì ngắt đọt ăn, nách lá lập tức mọc ra chồi mới nhánh mới, lại ngắt đọt ăn lần nữa, bây giờ cây mọc thành bụi, đang phân vân là ngắt đọt ăn hiệp ba hay cứ để cây ra hoa cho đẹp. Mùa thu là "thời" của hoa cúc, lúc này không để nó nở hoa thì ... lỡ thời của nó. Một hai tuần nữa sương giá xuống, cây sẽ tàn lụi, và qua mùa đông xứ tây bắc này không chắc cây gượng dậy được vào mùa xuân.

thu hoạch

Hình ảnh
Đây là củ cải tím (turnip) hái trong vườn. Đặt trái táo bên cạnh để cho thấy tầm vóc của củ cải.

Nhức cái đầu

Đọc giữa chừng bản tin, tôi đóng sập máy tính lại. Bỏ ra vườn nhổ cỏ, tưới cây, hay ngồi trên hòn đá dưới bóng cây phong. Bên hòn đá có hai con cóc giả bằng nhựa tổng hợp, đặt nửa khuất nửa hở trong cỏ để trang trí. Trải năm bảy mùa mưa gió nắng tuyết, da cóc phủ đất và rêu, sần sùi xấu xí y như cóc thiệt. Có lần quên mất chính mình đã đặt hai con cóc giả trong vườn, tôi giật mình khi vừa ngồi xuống hòn đá là thấy ngay con cóc ngồi cạnh chân. Dần dần, dù ý thức là cóc giả, tôi vẫn thấy thân thiết, đôi khi tâm tình với chúng nữa. Nhưng tôi chưa đến nỗi có những biểu hiện tâm thần như ngồi trên hòn đá lảm nhảm nói một mình, hay ấp con cóc vào ngực mà kể lể nọ kia. Tôi tâm tình với con cóc giả trong lòng tôi thôi. Mà chuyện này rất bình thường, chắc nhiều người từng trải nghiệm. Đồ vật, có khi bàn ghế, cây roi, cái chén… bất cứ vật gì, đều có thể trở nên vật có ý nghĩa với người nào đó. Sau khi tốt nghiệp phổ thông nhiều năm, tôi có dịp trở lại trường trung học cũ, trở vào phòng học cũ...

sống tử tế

Nắng thu vàng rượm, tôi dẹp máy tính sách vở đi dạo. Giờ này là trưa thứ tư, người ta đi học hoặc đi làm cả. Con đường mòn tôi thường đi dạo dường như đang ngủ trưa. Hoặc nghỉ ngơi cho lại sức, chuẩn bị trần mình dưới hàng trăm gót giày trong vài tiếng đồng hồ nữa. Một mình đi dạo lúc này có thể lẩm bẩm hát nghêu ngao hay hát vang lên, có thể nhún nhảy hay sàng qua sàng lại, có thể đi nghênh ngang giữa đường hay dẫm lên bờ cỏ phủ đầy lá khô vàng cam đỏ nâu. Thậm chí có thể vừa nhắm mắt vừa đi. Mũi giày không có mắt, đang đi nó vấp vô cái gì đó khiến tôi chúi nhủi suýt dập mặt xuống đất. May mà kịp bơi hai tay trong không trung lấy lại thăng bằng. Tôi cũng nhanh chóng lấy lại bình tình đi tiếp. Trong đầu tôi đang có một ý tưởng quan trọng và tôi không muốn gián đoạn suy nghĩ vì bất cứ cái gì. Nhưng được vài bước tôi đứng lại, ngoái nhìn coi cái gì vừa khiến mình suýt vấp té. Chỉ là một cành cây khô. Nó không nằm chình ình giữa lối đi để đập ngay vô mắt người ta, để người ta thấy mà trán...

Phấn đấu

“Ngân sách giảm học phí tăng” nghe như bộ phim dài nhiều tập ở xứ mình, thuộc loại “chuyện thường ngày” . Ở xứ Mỹ bây giờ thì cầm như phim thời sự và có triển vọng kéo dài không biết bao nhiêu tập. Nhân nói về phim, nội trong mùa hè vừa qua đã có ít nhứt 4 bộ phim tài liệu đề tài giáo dục thu hút chú ý của công chúng, nêu lên sự yếu kém của hệ thống trường công ở những khu vực dân cư thu nhập kém, tệ quan liêu trong ngành giáo dục và biên chế nhà nước đã giữ ghế cho những giáo viên bất tài vô đức làm hỏng học sinh hơn là dạy dỗ chúng. Do đó phụ huynh quan tâm đến giáo dục con em phải chạy vạy vất vả, thậm chí người trong gia đình phải hy sinh cho nhau để người ưu tú nhứt được vào trường tốt. Tình hình đã tới mức chỉ có Siêu nhân mới hòng giải quyết, “Chờ đợi Siêu nhân” (Waiting for Supperman) là tên bộ phim gây chấn động lớn, do đạo diễn Davis Guggenheim thực hiện. Ông này là đạo diễn đoạt giải Oscar với phim nổi tiếng “Một sự thật khó chịu” (An Inconvenient Truth) báo động về môi trườ...

thông điệp

Có khi ngồi cả buổi trên ghềnh đá, nhìn xuống đám sỏi dưới làn nước biển trong veo, tôi không nghĩ ngợi gì cả. Khi cái đầu trống trải, nó cũng nhẹ tênh. Điều kỳ lạ bất như ý là không phải buổi nào mình trèo lên ghềnh đá cũng gạt bỏ hết được mọi suy tư vướng mắc. Dù quyết tâm là bỏ hết, quăng hết, vụt hết, dẹp hết, để trèo lên ghềnh đá ngồi chơi thôi, mà sao vô cớ một nỗi nhớ thấp thoáng rồi hiện rõ dần. Hay một nỗi đau len lén đến rồi nhói sâu. Hay một nỗi buồn như sóng, càng trấn áp càng lao xao. Những ý nghĩ , đã không muốn nghĩ tới, mà cứ ngang ngạnh trồi lên. Có khi tôi nghĩ làm sao mà hai con người ở chung trong một căn nhà có thể cả ngày không trò chuyện với nhau, có thể cả tuần chỉ nói với nhau những câu cộc lốc chẳng đặng đừng. Hồi trọ trong ký túc xá trường Loyola (New Orleans) tôi ở chung phòng với chị Egodi quê ở châu Phi. Vì tôi tò mò về xứ sở của chị, chị cũng thắc mắc về Việt Nam, nên hai người mà về phòng là nói chuyện liên tục, đến khi một trong hai người quay mặt vào t...

Hà Nội xa lắm

Nhớ Sài Gòn hồi trước đường rầy xe lửa chạy tới gần chợ Bến Thành. Năm tôi vào lớp đệ thất trường Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai), bắt đầu mặc áo dài trắng, mang guốc gỗ, chiều tan trường cùng nhỏ bạn đi dọc đường Bà Huyện Thanh Quan, qua vườn Tao Đàn, dài theo đường Lê Lai đến đại lộ Nguyễn Huệ ra bến Bạch Đằng, gọi là “bát phố”. Có lần dừng chân ở chỗ bây giờ là công viên cạnh khách sạn New World, nhỏ bạn nói: Đây là nhà ga. Tôi nói mình thử đi theo đường rầy coi tới đâu. Nhỏ bạn làm ra vẻ nghiêm trang: Bố bảo tới Hà Nội đấy. Nhưng mình không thể đi tới đâu. Xa lắm. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghe một người bằng xương bằng thịt, chứ không phải sách vỡ báo chí, thốt ra hai tiếng Hà Nội. Một người trang lứa với tôi, ngồi bên cạnh tôi trong lớp, cùng tôi “bát phố” mỗi ngày, nói với tôi đủ thứ chuyện trên đời, cùng tôi ăn vụng me cóc ổi trong giờ học, cười khúc khích và ngắt véo nhau đau điếng. Một người quê ở Hà Nội, nhưng chưa bao giờ về quê. Hà Nội xa lắm. Thỉnh th...

Sách cấm

Trưa nay nhân lúc nhiệt độ trong ngày cao nhứt, lại có chút nắng hửng lên, xiên qua những vòm lá chớm đổi màu vàng, nâu, đỏ, tôi quảy một túi sách và dĩa phim (DVD) đem trả thư viện. Có mấy cuốn sách mượn của thư viện trường đại học, nhưng tôi trả hết cho thư viện công cộng. Như vậy đỡ đi thêm một chặng xe buýt. Hệ thống thư viện công cộng ở thành phố này đã liên kết với hệ thống thư viện các trường đại học và cao đẳng công lập trong vùng để mở rộng phục vụ. Bởi vì các thư viện này, nói cho cùng, đều hoạt động bằng công quỹ, sách nằm trong kho nào thì cũng là của “nhân dân”. Trước đây, khi một sinh viên cần tài liệu chỉ có ở thư viện công cộng thì phải chạy xuống phố, làm thẻ đọc riêng, rồi mới mượn được, sau đó phải đem đến tận nơi mượn mà trả. Nhiều sinh viên ở trong ký túc xá, chạy tới chạy lui hơi mất công. (Đành rằng phố vẫn luôn tấp nập sinh viên, nhứt là cuối tuần, nhưng đi chơi là đi chơi, đi trả sách là chuyện khác.) Ngược lại, dân thường không phải học giả giáo sư sinh viên ...

Trường giàu trường nghèo

Trường đại học Western Washington (WWU) khai giảng chậm hơn hệ thống trường tư ở các tiểu bang phía Nam nước Mỹ một tháng. Năm ngoái dạo này tôi đi dạo trong rừng sồi quanh đại học Davidson ở North Carolina thường thấy thấp thoáng trên băng ghế gỗ dưới tán cây đang đổi màu lá hay trên bãi cỏ êm như nhung các sinh viên đang đọc sách trong mọi tư thế, họ sắp nộp bài giữa khóa. Niên khóa ở Davidson chỉ có hai học kỳ, từ giữa tháng tám đến giữa tháng mười hai, và giữa tháng giêng đến giữa tháng năm. Nhưng WWU chia học kỳ theo mùa, thu, đông, xuân, mỗi khóa mười tuần. Tuần này, cuối tháng chín, bắt đầu khóa mùa thu của niên học mới, cái thành phố Bellingham nhỏ xíu bỗng tấp nập chộn rộn sinh viên cũ mới (và phụ huynh). Phố xá hàng quán cố phô bày vẻ độc đáo, các báo địa phương dầy phụ trương quảng cáo. Siêu thị Haggen được lợi thế ở gần trường, dụ dỗ khách hàng bằng cách cấp thẻ giảm giá 10% cho sinh viên, chiều thứ bảy tuần này mở tiệc thịt nướng, mỗi phần ăn chỉ giá hai đô la, gồm một bá...

Lên dốc

Da mặt tôi săn lai, hay đanh lại, không chắc từ nào chính xác. Cảm giác như da khô và co rúm khi luồng gió thổi như cào qua mặt tôi. Bậm môi, nghiến răng, rạp mình thấp xuống chút nữa, tôi gồng mình đạp xe lên dốc. Qua con dốc này sẽ thấy đời phơi phới: đừơng sẽ lài lài xuôi một lèo xuống sát mép nước, nước mênh mông của biển. Mấy người đồng hành đang vượt qua tôi, chắc nhờ xe đạp của họ tốt hơn. Người cuối cùng qua mặt tôi la lớn “Cố lên!”. Tôi không la nỗi, chỉ nghiến răng chịu đựng cơn gió ngược lạnh buốt và khô rang, dồn hết sức vô cẳng chân, lần lượt nhấn xuống bàn đạp trái rồi bàn đạp phải. Một vòng. Một vòng nữa. Ráng cho được một vòng. Một vòng thôi. Chiếc xe đạp càng lúc càng ương ngạnh như con ngựa cứng đầu, mình làm cách nào nó cũng cứ ỳ ra như ăn vạ. Nhưng tôi biết nó là vật vô tri, chỉ bị trọng lực tác động mà thôi, chứ không phải nó “muốn” hay “không muốn” kháng cự lại tôi. Còn tôi, để khẳng định mình là sinh vật có tri thức và có ý chí, có cả sức mạnh, tôi nhỗm mông khỏ...

Người nổi tiếng mi ni

Thế là hết những ngày nắng ấm. Theo dự báo thời tiết thì ngày hôm nay mưa, ngày mai mưa, ngày mốt cũng mưa. Mặt đất bắt đầu nhão ra, tôi mất hết hứng làm vườn. Mà cà chua với ớt vẫn còn xanh. Thôi kệ. Cũng vừa lúc quay lại với sách vỡ. Trời mưa nằm khoèo trong nhà đọc trong tiếng nhạc cũng sướng. Đang đọc bài “Tận cùng của cô tịch” ( The End of Solitude ) của William Deresiewicz. Tác giả sinh năm 1964, giáo sư của đại học Yale từ năm 1998 đến 2008, bài viết này được xuất bản trên The Chronicle năm 2009. Gần đây không rõ hành trạng tung tích ông ra sao. Một lời bình trên trang grademyprofessor.com cho là ông “cool and sexy”. Nhập đề, Deresiewicz viết: “Cái-tôi hiện thời muốn gì? Máy quay phim đã tạo ra một lớp văn hóa tiếng tăm, máy tính tạo ra một văn hóa kết nối. Khi hai kỷ thuật này hợp lại – băng truyền thông rộng mớm trang web thay thế văn bản bằng hình ảnh, các mạng xã hội trải mạng lưới kết nối lẫn nhau rộng hợn - hai lớp văn hóa cùng lộ ra một động lực chung. Tiếng tăm và kết n...