Hồi ký của người đồng sáng lập Microsoft

Nếu một người vừa bước tới ngưỡng tuổi ba mươi, có mười mấy tỷ đô la Mỹ, biết mình mắc bệnh ung thư, nghe hai người bạn chí cốt bàn tính chuyện gạt bỏ mình khỏi công ty mà mình là người đồng sáng lập, người ta sẽ làm gì? Paul Allen có câu trả lời hiếm ai khác làm được: Bỏ tiền túi đóng tàu vũ trụ để du lịch không gian, lập viện nghiên cứu về não con người mang tên mình, sắm chiếc du thuyền lớn nhứt thế giới cao bảy tầng dài hơn sân bóng bầu dục và có tiềm thủy đỉnh. Chiếc tiềm thủy đỉnh này được đóng ở một xưởng tàu Đức, nơi sản xuất các tàu chiến, nên Paul Allen nảy ý kiến gắn luôn ống phóng ngư lôi cho tàu của ông. Người ta không dám hỏi ông định phóng ngư lôi vô cái gì, mà nói “Dà, dạ…sẽ có ống... ống… ạ.” Người đàn ông thuộc hàng giàu nhứt thế giới này cũng đủ thông minh và hóm hỉnh để ghi nhận là bất kể ông đề xuất cái gì, thiên hạ cũng “Dà, dạ…”
Ông ôm đàn ghi-ta đến Liên hoan Phim Canes, dự bữa tiệc sinh nhật của ca sĩ lừng lẫy Mick Jagger, gạ gẫm Ronnie Wood của ban nhạc The Rolling Stones để cùng đệm đàn với tay chơi đàn ghi ta nổi tiếng này, rồi khoái chí kể lại rằng “Mick Jagger không thể nào đừng hát theo”. Dĩ nhiên ông cũng có được cơ hội chuyện trò thân mật với người nổi tiếng ấy, mặc dù câu chuyện nghe ra trật chìa: Jagger hỏi người đồng sáng lập Microsoft nên thiết kế vườn kiểng như thế nào.
Tất nhiên khi nói tới Microsoft người ta nói đến Bill Gates. Mười mấy năm trước Bill Gates đã xuất bản hồi ký, tạo hình ảnh với vầng hào quang rực rỡ của người (từng) giàu nhứt thế giới, mê hoặc vô số thanh niên bằng những “chia sẻ” kinh nghiệm (với nhiều đức tính cùng chí hướng cao cả) trong sự nghiệp sáng lập công ty , làm giàu, và cứu giúp nhân loại. Bill Gates có công nhận trong hồi ký của ông là Paul Allen, bạn học thời trung học, đã cùng ông khởi lập Microsoft, nếu không có Paul Allen thì đã không có Microsoft, nhưng Bill Gates không kể chi tiết việc nửa đường gãy gánh hợp tác của đôi bạn.
Suốt mười mấy năm Paul Allen cũng chẳng nói năng gì chuyện sứt mẻ đó. Ông mãi giong thuyền giữa những hòn đảo nhiệt đới trong Thái Bình Dương, mua đội bóng chày Seattle Seahawks, đội bóng rỗ Portland Trail Blazers, hổ trợ Dự án Âm nhạc Trải nghiệm, lập giàn Viễn vọng kính đón khách ngoài hành tinh, … đồng thời đăng ký khoảng 300 bằng sáng chế. Dù đã tiêu xài vô kể và cho đi 1 tỷ đô la làm từ thiện, con người đầy sáng kiến và thừa tiền để thực hiện những ý tưởng ngông cuồng nhứt ấy, khi mấp mé tuổi sáu mươi, nhận thấy mình vẫn còn 13 tỷ rưởi đô la cùng căn bệnh ung thư, im ỉm hai mươi mấy năm trời, bỗng tái phát, trầm trọng hơn. Làm gì nữa bây giờ? Tất nhiên, viết hồi ký.

Viết hồi ký là viết lại lịch sử, trong đó nhân vật chính là tác giả. Người ta viết hồi ký để làm chứng, để phân trần, để kể công, để truyền lại kinh nghiệm sống, để thiên hạ biết đến mình, cũng để giải tỏa những bí ẩn và những mối hận lòng. Ngay trang đầu tiên của cuốn hồi ký hơi dày “Người sáng kiến” (Idea Man), cái tên Bill Gates đã được nêu ra, và gần như nửa đầu cuốn sách là nói đến Microsoft. Rõ ràng Paul Allen vẫn ghim trong lòng mối hận bị gạt khỏi đứa con đẻ của ông. Đây là lần đầu tiên ông nói ra, trách thằng bạn thời đi học “tham tiền phụ nghĩa”. Trước khi cho in, Paul cho gởi sách đến Bill, Bill làm thinh.
Nhưng một tay điểm sách đã bênh Bill như vầy: Khi biết Paul bị ung thư hạch bạch huyết, Bill Gates lo là khi Paul chết, số cổ phần khổng lồ của Paul sẽ thuộc về những người thừa kế chẳng biết ất giáp về công việc của một công ty còn non trẻ đầy tham vọng phát triển và có thể can dự vào khiến cho công việc đình đốn hoặc loạn cào cào. Nhưng Bill lúc đó cũng còn trẻ và chưa có kinh nghiệm, không biết cách nói năng với Paul thế nào về việc của công ty sau khi Paul … chết.
Hiềm nỗi Paul vẫn sống nhăn đến hăm mấy năm sau. Tuy nhiên về phương diện kinh doanh Bill đã có quyết định sáng suốt khi chia tay Paul vì sau đó Microsoft không có Paul ngày càng phát triển lộng lẫy. Còn Paul ôm một đống tiền bỏ đi lập ra cả chục công ty khác, nhưng hết cái này đến cái nọ thi nhau sập tiệm. Ngay cả cuốn hồi ký mới ra lò đã bị phê bình là điển hình cho thất bại của Paul: có đủ thứ ý tưởng, nhưng chẳng cái nào được làm cho ra đầu ra đũa. Lẽ ra nên thông cảm nếu biết những triệu chứng của bệnh ung thư hạch bạch huyết: sụt cân, kiệt sức, ngứa ngáy, đổ mồ hôi ban đêm, khi nóng khi lạnh, các hạch phù to. Đành rằng Paul đâu phải còng lưng gõ máy tính tự viết ra. Nhưng nhớ lại chuyện mấy chục năm trời để kể lại cũng mệt lắm chứ.
Quyển hồi ký được Paul đề tặng cho cha mẹ, chương hai “Cội nguồn” (Roots) viết về cha mẹ ông như sau: “Cha mẹ tôi lớn lên trong thời gian khó, trưởng thành khi thế giới lâm vào chiến tranh, họ có sự khôn ngoan và tham vọng, nhưng chẳng có cơ hội (…) Sau khi tôi ra đời năm 1953, mẹ tôi trở lại trường Ravenna ở phía bắc Seattle dạy lớp 4 (…)Mẹ tôi nghỉ dạy sau khi sinh em gái tôi, Jody, nhỏ hơn tôi 5 tuổi (…) Cha tôi mua được một ngôi nhà ở Wedgwood nhờ được vay nợ theo diện cựu quân nhân.” Gia cảnh Paul đơn giản như vậy. Đoạn mở đầu quyển hồi ký có kể là bạn gái ông đã bỏ đi. Nhưng suốt quyển sách ít nói đến vợ con hay những người phụ nữ trong đời ông. Cũng như rất nhiều góc cạnh khác trong đời đã không được ông đá động tới.
Có thể , khi biết bệnh tái phát, giai đoạn 4, cầm chắc ngày chầu trời, Paul quyết định lưu lại chuyện đời mình cho hậu thế. Nhưng rồi càng viết sức khỏe ông càng hồi phục, biết đâu còn sống dài dài nữa. Thành ra ông nhín bớt lại… Cõi đời còn nhiều ân oán, nên nhắm mình còn sống nữa thì khoan khoan ráo máng cạn tàu.

Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222