Tương lai tôi, quá khứ bạn, và con chó

Mai mốt già mình sẽ sắm một cây gậy và một con chó. Tôi nói với bạn mà như tự nhủ với mình. Mỗi ngày ít nhứt một lần con chó sẽ cào cào cánh cửa đòi đi ra ngoài. Cho dù trời nắng hay mưa hay giông gió, rốt cuộc mình cũng phải chìu con chó mà dắt nó đi. Chó ở đây không được thả rông, chó muốn dạo công viên chủ cũng phải tập thể dục. Nỗi cực nhọc này lâu dài hóa ra có lợi cho sức khỏe. Người ta nghiên cứu ở mấy nhà an dưỡng hưu trí thì thấy ai có nuôi một hai con chó thì khỏe mạnh và lạc quan hơn những người không nuôi con gì hết. Nhưng người ta chưa kết luận ngay là những người ưa vận động (thường dắt chó đi chơi) nên khỏe mạnh lạc quan, hay nhờ khỏe mạnh lạc quan mà người ta mới có thể dắt chó đi chơi. Dù sao cũng rõ ràng là con chó có liên quan mật thiết với sức khỏe khi mình đã cao tuổi. Nên mình xếp nó vô danh mục hàng đầu những thứ cần có và những việc sẽ làm trong tương lai.
Bạn cười hì hì: bạn có một con chó cưng từ hồi năm tuổi rưởi, gắn bó với nhau đến năm bạn mười tám thì con chó chết. Lúc đó bạn vào đại học, ở ký túc xá, nên không nuôi chó nữa. Bạn nói: “Với lại, nếu cô từng làm bạn với một con chó mười mấy năm, khi nó chết đi, cô sẽ biết như thế nào là một khoảng trống không thể lấp đầy, dù bằng thời gian ba năm, dù bằng một con chó khác hay con gì khác. Không giống như bất cứ một quan hệ nào giữa con người với con người. Chẳng hạn bạn bè, cháu có một đứa cũng chơi thân từ hồi nhỏ xíu đến khi trưởng thành, bỗng bị xe đụng chết. Cháu bị sốc, bị trầm uất luôn cả tuần, nhưng rồi cháu trở lại bình thường, có bạn mới rồi không nhớ đến nó nữa. Bây giờ thỉnh thoảng nghĩ đến người bạn đó lòng cháu bình thản. Nhưng nghĩ đến con chó ngày xưa, cháu lại thấy buồn.”
Hai người đang đi dạo trên cái cầu gỗ bắc qua một tí biển, nối công viên Đại Lộ với Cảng Chợ. Hai người tình cờ gặp ở đây nhưng có quen chút đỉnh từ trước. Kể như bạn vong niên, tuổi của bạn dẫu gấp đôi lên cũng chưa bằng tuổi của tôi. Tôi giúp bạn một số việc, bạn giúp tôi một số việc, qua mấy lần gặp gỡ trò chuyện, hai người nhận ra quan điểm hai bên có chỗ tương đồng, tính cách cũng có chỗ phù hợp. Chẳng hạn tôi thích ngắm biển chứ không chèo thuyền hay giong buồm ra khơi đánh cá câu cua, bạn thì ghét những trò “săn bắt” chỉ muốn thiên nhiên là nơi an lành cho mọi sinh vật chung sống. Bạn luôn nói thẳng suy nghĩ của mình, không cần làm bộ tử tế, “nice” như được giáo dục trong môi trường gia đình trung lưu, và bạn cóc cần biết thiên hạ nhìn bạn như thế nào qua áo quần xốc xếch, thậm chí hơi cũ và hơi rách.
Cách bạn nói rất phóng khoáng, tự do và hoàn toàn bình đẳng. Khi chuyển lời bạn sang tiếng Việt, tôi đã phân vân là nên dịch chữ “I” và “you” của bạn thành “tôi” và “bà, hay “cháu” và “cô”. Dĩ nhiên đây chỉ là vấn đề của riêng tôi khi về nhà, một mình nhớ lại câu chuyện và viết ra đây; chứ bạn không thể nào hiểu được sự khác biệt khi đại từ nhân xưng thay đổi trong bối cảnh tiếng Việt, đương nhiên bạn chẳng chút bận tâm. “Bà” và “tôi” chẳng những khiến người đọc thấy xa lạ, khô cứng, khó hình dung mối quan hệ vừa bạn bè, vừa thầy trò, vừa bà con. (Tôi cũng không phấn khởi lắm khi độc giả ấn tượng nhiều quá về tuổi tác của mình.) Nhưng “cô” và “cháu” xác lập ngôi thứ và một trật tự khiến cho tinh thần cuộc chuyện trò giữa hai “cô cháu” tuy có thân mật nhưng khó toát lên thực tế là bạn không hề có ý “kính trọng” tôi như kẻ ngang hàng cha mẹ. Nhưng mà thôi, như đã nói, chỉ có người xài tiếng Việt mới lấn cấn mãi cái sự xưng hô.
“Một con chó mà sống tới mười năm là kể như chó già. Nó hiểu biết nhiều, nhất là về hành vi và tình cảm con người. Nhưng nó không nói, và càng già nó càng ít lộ ra sự hiểu biết của nó. Cháu hiểu nó nên biết là nó biết. Nó cũng hiểu cháu, và nó biết là cháu hiểu. Nhờ nó mà cháu qua được tuổi dậy thì điên khùng, qua được những trận bão trong gia đình, và những thất bại đầu đời một thằng con trai. Cháu biết là một con chó chỉ sống tới mười mấy năm thôi, nó không thể không chết. Những ngày cuối đời yết ớt bệnh tật của nó thật là buồn, cháu cũng không muốn nó kéo dài tình trạng đó. Thôi thì xong phần nó. Cháu nghĩ là mình đã trưởng thành khi bước qua sinh nhật thứ mười tám. Nhưng có lẽ chính xác là từ sau cái chết của con chó. Từ đó, cháu thực sự chịu đựng nỗi cô đơn.”
Không biết tại sao tôi ngại ngùng nhìn nghiêng gương mặt của bạn. Tuy lúc ấy bạn nhìn xa xăm nơi mặt biển giáp bầu trời, có thể chẳng còn bận tâm đến người đi bên cạnh. Giá như đi bên cạnh bạn là con chó. (Tôi không tự ví von hay có ý đồ biến thái mặc dù đôi khi tôi nghĩ đời con chó vậy mà hay.) Tôi nhìn vơ vẩn chung quanh, nhiều người đi dạo cùng con chó với vẻ hạnh phúc bình yên. Tại nhìn họ mà tôi khơi lên đề tài này và bạn chợt sống lại chút kỷ niệm tuổi thiếu niên. Bài nghiên cứu về người cao tuổi khỏe mạnh lạc quan là người dắt chó đi dạo mỗi ngày có nêu một chi tiết: Sau khi đi dạo mỗi ngày trên một quãng đường như nhau, người bạn đồng hành với con chó có tâm trạng thanh thản yên vui hơn người đồng hành với một con người khác. Giải thích? Hai con người đi với nhau, sẽ có (hoặc tệ hơn: không có) những cư xử và chuyện trò với nhau! Chẳng phải tôi đang nghiệm đúng giả thuyết đó sao? Đi dạo về, tôi ưu tư mãi về câu chuyện của bạn, về con chó, và ngày mai tôi chống gậy đi với ai?
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222