thư viện công cộng


Mỗi lần đến Boston mình đều thẻo chút thì giờ đến thăm thư viện công cộng của thành phố này. Vì cái ấn tượng lần đầu tiên mình đến đó mười mấy năm trời vẫn còn nguyên. Lúc đó mình chưa đến Paris và Luxembourg, chưa vào những bảo tàng viện và lâu đài ở hai thành phố đó. Cũng chưa đến Dublin, chưa đi dạo qua những khu nhà cổ xây bằng gạch đỏ. Lúc đó mình mới ở Việt Nam ra đi, đến nơi đầu tiên của nước Mỹ là thành phố Iowa giữa bạt ngàn bắp và đậu nành, kiến trúc gây ấn tượng là mấy cái silo, hình ống đầu tròn, đứng sừng sững giữa đồng, ban đầu không biết đó là cái cái bồ đựng nông sản, mình tưởng xứ đó thờ linga.

Khi đến Boston,đi thăm khu trung tâm tài chính đến khu phố Tàu, khu phố cổ, bến cảng, khu lịch sử, các trường đại học, công viên, viện bảo tàng ... mới bắt đầu cảm nhận những giá trị Mỹ khác hơn tinh thần Tây tiến, chinh phục đất đai, tiêu diệt thổ dân. Đây là nơi Washington đã phát lệnh tấn công đầu tiên, bắn vào tàu của "Mẫu quốc Anh" đậu ngoài cảng, bắt đầu cuộc đấu tranh giành độc lập để khai sinh nước Mỹ. Sự kiện này chắc chắn khơi cảm hứng cho không ít người khao khát độc lập tự do, trong đó hẳn có một thanh niên Việt Nam, vào đầu thế kỷ 20 đến nước Mỹ làm bồi khách sạn, ở trọ đâu đó trong khu nhà gạch Copley, người sau này được biết đến bằng tên Hồ Chí Minh.
Lần đầu đến Boston đó (tháng10/1997) thành phố đang có cuộc triển lãm bộ sưu tập tranh Picaso thời kỳ xanh lam (Blue Period). Mình la cà hết nửa ngày ngắm tranh, và cả những khung tranh bằng gỗ chạm trổ như tự thân nó cũng là tác phẩm mỹ thuật. Mình ngắm những người trong phòng triễn lãm, thấy họ sao mà sung sướng, không cần bay nửa vòng trái đất trong một hành trình có thể là duy nhất trong đời để thưởng thức những tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Thư viện công cộng thành phố Boston không phải là thư viện có kích thước lớn nhất mà mình từng thấy. (Cái thư viện trường đại học Iowa đã khiến mình kinh ngạc trước đó, và sau đó là các thư viện ở thành phố New York). Tòa nhà cổ hai tầng theo phong cách thời phục hưng Ý, hàng chữ khắc dưới mái nhà, chạy suốt "mặt tiền": Thư viện công cộng thành phố Boston được dân chúng xây dựng và phục vụ sự mở mang tri thức. Bước lên thềm chính là đối diện với ba khung cửa, mỗi khung có một đôi cánh cửa, mỗi cánh cửa là một thớt gỗ mun chạm khắc hình các nữ thần. Đôi cánh cửa ở giữa mở ra, dẫn lên những bậc thang bằng đá cẩm thạch, hai bên là hai con sư tử đá khổng lồ, tất cả vách tường và trần đều trang trí bằng bích họa, mà tác giả là họa sĩ người Pháp Pierre Cecile Puvis de Chavannes. Các bích họa này miêu tả những hình ảnh tượng trưng cho các ngành nghệ thuật và tri thức: thơ ca, kịch nghệ, triết học, lịch sử, vật lý, hóa học... được thực hiện trong xưởng của họa sĩ bên Pháp rồi chở bằng tàu thủy sang Boston. Nhưng thôi, tả chi tiết đến bao giờ?

Đại khái là lần đầu tiên bước vào chốn ấy, tôi cũng la cà nửa ngày ngắm từng bức tượng, lẩm nhẩm đọc những cái tên khoa học gia và nghệ sĩ xuất chúng của nhân loại, chạm tay vào từng cái bàn kê bên cửa sổ, nơi nắng chiều rọi xiên xiên, tạo khoảng sáng vắt xéo qua mảng khuất của một góc thư viện yên tĩnh, lặng lẽ đi qua những kệ sách cao tới trần phòng, mà trần thì cao ơi là cao, có những cầu thang xoắn để trèo lên lấy những quyển sách đóng bìa da, gáy mạ chữ vàng. Và những người ngồi đọc sách! Tôi đã không thể đừng ghen tỵ là sao họ sung sướng vậy, muốn đọc gì cũng có, hoàn toàn miễn phí!

Đây là thư viện công cộng đầu tiên của một thành phố ở nước Mỹ, được xây năm 1852 và mở cửa cho công chúng sử dụng từ năm 1854 cho đến bây giờ. Đó là lần đầu tiên, ở Mỹ và ở trên toàn thế giới, dân chúng bất kể thành phần được quyền sử dụng một thư viện hoàn toàn miễn phí. Đó là lần đầu tiên sau hai tháng chu du nước Mỹ, tôi nổi lên khao khát đầu tiên về một cái gì đó "ở Mỹ" mà tôi muốn xứ mình cũng có. Một hệ thống thư viện công cộng có chân rết đến từng khu dân cư, mở cửa cho mọi tầng lớp công chúng, hoàn toàn miễn phí và không có giới hạn cho tri thức và thông tin.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222