Ăn nhậu và chữ nghĩa


Tướng tá ông Tim Zagat trong hình đăng báo thì có vẻ phương phi chứ không đến nỗi béo phì. Ông cao gần 1 thước 9 nặng hơn 113 kí lô gam. Nghề chuyên môn của ông có thể nói là đi ăn nhà hàng. Vào năm 1979 ông và vợ bắt đầu lưu hành trong vòng bạn bè một tờ tạm gọi là hướng dẫn ăn nhậu, trong đó ông xếp hạng các nhà hàng ở Manhattan, New York. Tới nay thì nhà hàng ở 85 thành phố khác của nước Mỹ cũng được vô bảng xếp hạng của ông và tờ hứơng dẫn của ông trở thành công ty có tư bản xịn đầu tư. Cách thức ông xếp hạng các nhà hàng là căn cứ vào bảng thăm dò đánh giá của thực khách. Ý tưởng mà ông phát kiến là mỗi thực khách là một bình phẩm gia về nhà hàng. Khuynh hướng của ông là bài xích đồ ăn nhanh, đồ ăn sản xuất theo công nghệ dây chuyền, đồ ăn không có nguồn gốc nuôi trồng tự nhiên. Vì vậy ông nổi đình nổi đám gần đây khi thành phố New York ban luật cấm sử dụng chất béo nhân tạo ‘trans-fat’ trong các nhà hàng. Mình chắc không có mấy dịp để lui tới những nhà hàng được biểu dương trong tờ hướng dẫn ăn nhậu Zagat; vả lại tập quán ăn rau nhà trái vườn khiến mình không bận tâm lắm đến những thứ ông bài xích. Lý do mình để ý tới ông: sau khi thành đạt trong lãnh vực ăn nhậu ông dự định cho ra đời tờ hướng dẫn về sách, tiểu thuyết và văn chương đại loại. Ăn nhậu với chữ nghĩa chắc có liên quan mật thiết. Hồi ở Việt Nam mình nhớ là hễ ra mắt sách thì phải bày cuộc ăn nhậu; mà nói 'gặp gỡ văn nghệ'tức là nói gặp nhau ăn nhậu. Khi mình đi ra khỏi nhà mà nói đi gặp nhà thơ X nhà văn Y thì em mình nói vậy là không ăn cơm nhà phải không? Có lẽ ông Zagat nảy ra ý tưởng làm tờ hướng dẫn sách kèm theo tờ hướng dẫn ăn nhậu vì ông nhận ra mặt quá nhiều văn nghệ sĩ trong đám thực khách chăng? (Nghe nói các book club hay reading club - câu lạc bộ sách , đọc sách - cũng hay gặp nhau trong nhà hàng thì phải.)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222