bình luận phim
Trời lạnh, cuối tuần chỉ coi phim và nấu ăn. Thứ bảy vô rạp coi bộ phim mới của Trương Nghệ Mưu: “Curse of the Golden Flower” không biết ở Việt Nam có chiếu chưa, cũng không biết dịch thành tựa gì. Đọc một số bài phê bình ở website cà chua thúi thấy chê quá. Xem phim rồi đọc những bài này thấy người có khẩu vị văn hoá khác nhau có thể thưởng thức chung một món ngon nghệ thuật đến cái mức chung nào đó, đến khi đi sâu vào uẩn khúc tình tự riêng hay đặc thù riêng của một nền văn hoá thì xuất hiện những màn lọc cản lại những gì khác kích cở với những nền văn hoá khác. Lần đầu tiên M và mình có nhận định ngược nhau về một bộ phim hai người cùng xem. Ngược nhau chứ không chỉ khác nhau. Ở những phim khác mình cũng thường có những chỗ cảm nhận khác M và ngược lại, nhưng khi nói ra thì người này thường thích thú tán đồng ý người kia, vì cái nhìn của người kia bổ sung cho điều người này thấy. Ở phim này thì căn bản M nhìn thấy sự xung đột gia đình trong bối cảnh vương giả quyền lực, một phiên bản Bắc Kinh của King Lear, còn mình nhìn thấy bi kịch của người đàn bà: bị hy sinh cho tham vọng quyền lực (mẹ ruột của Hoàng Thái Tử), dồn nén tình yêu / tình dục trong khuôn khổ đạo lý và thiết chế quyền lực (Hoàng Hậu), nạn nhân của tranh giành quyền lực và loạn luân (con gái quan Ngự Y). Nỗ lực “chống trả” của những người đàn bà này (dù nhằm thay đổi thiết chế quyền lực như âm mưu của Hoàng Hậu, hay tiêu diệt quyền lực như mong muốn của mẹ ruột Hoàng Thái Tử, hay bất chấp tất cả để lao theo tình yêu trong sáng như con gái quan Ngự Y) đều bị dập tắt một cách tàn bạo, và họ đều đi tới kết cục hoặc chết thảm (vợ con quan Ngự Y) hoặc điên rồ (Hoàng Hậu). Ba người đàn bà trong phim (không kể những cung nữ tựa như rô bô phục vụ) thực ra là một, hoặc là cùng một chiến tuyến nhưng vì mắc vướng trong cái lưới quyền lực của đàn ông mà vô tình hay cố ý làm khổ nhau. Người duy nhất trong phim được tất cả yêu quí và tiếc thương là Hoàng Thái Tử, người chấp nhận từ bỏ quyền lực, hành động theo cảm xúc và lương tri, và cơ bản là một mình y mang hết thân phận của tất cả ba người đàn bà kia. M nói mình bị lậm feminism. Khi các thứ ism và các nhãn mác hay mũ mão chen vào cuộc thảo luận thì mình mất hứng hoàn toàn, không nói nữa.
Hôm sau M giảng hoà bằng một phim tài liệu về cơn bão Katrina, phim DVD nên mình nằm dài trên giừơng mà xem. Phim dài quá và lộ rõ ý đồ chính trị. Mà chính trị Mỹ thì mình còn chán hơn cải nhau với M, nên lăn ra ngủ khò. Có đôi lần thức giấc thấy M vẫn chăm chú xem!
Hôm sau M giảng hoà bằng một phim tài liệu về cơn bão Katrina, phim DVD nên mình nằm dài trên giừơng mà xem. Phim dài quá và lộ rõ ý đồ chính trị. Mà chính trị Mỹ thì mình còn chán hơn cải nhau với M, nên lăn ra ngủ khò. Có đôi lần thức giấc thấy M vẫn chăm chú xem!