Đôi dép

Bích Ngân cứ giục mình nộp bản thảo tạp văn. Ngân muốn in một tập "mới toanh", mình cũng muốn vậy, nhưng phần lớn "tản văn" hay "tùy bút" hay những bài viết gọi là gì cũng được của mình thường thường viết xong là đăng báo luôn rồi. Ngân nói càng tốt. Bài mình đăng ở tùm lum báo, nay cũng nên gom lại in vô một quyển cho tiên người đọc. Thành ra mình dẹp công việc khác qua một bên, dành nguyên ngày coi lại đống báo có đăng bài mình mà em mình đã để dành để chọn ra những cái còn có ý nghĩa gì đó với mình (và hy vọng với cả bạn đọc). Chưa làm xong. Nhưng trong lúc đọc lại báo cũ, mình gặp cái bài viết nhỏ đăng trên tờ báo Khăn Quàng Đỏ từ thời xửa thời xưa, xưa đến nỗi mình hoàn toàn quên béng nó, chưa từng gom nó vô quyển sách nào, thậm chí không nhớ là mình đã viết nó khi nào. Bèn nhờ em mình đánh lại bài đó, dán lên đây. Coi, hồi xưa mình viết dễ thương không?

ĐÔI DÉP

Ở quê tôi, người ta sống bằng nghề làm vườn, làm rẫy hay làm đồ gốm. Trong làng, duy nhất có một người bán quán. Chợ thì xa nên con nít thường được sai chạy ra quán mua xị nước mắm, gói bột ngọt, ống chỉ hay viên thuốc nhức đầu. Quán đương nhiên có bán cả bánh kẹo, đồ chơi. Thường thường, có một đám trẻ con chơi dưới tán cây vú sữa trước quán. Một hôm, tôi còn đang mải mê chơi nhảy lò cò thì thằng nhỏ gần nhà chạy ra nói:
- Về đi! Má mày chết mà mày còn lo chơi.
Tôi hớt hãi chạy về nhưng chẳng bao giờ kịp nữa.
Sau khi mẹ mất, tôi sống với bà ngoại, lúc naò cũng thắc thỏm sợ ngoại lại bỏ tôi đi lúc tôi đang mê chơi, mê ăn hay mê ngủ. Tôi không ra quán chơi nữa, lúc nào cũng lẽo đẽo theo chân bà. Vườn nhà ngoại không rộng, trồng mít, sầu riêng, măng cụt, cau, chuối . . . mỗi thứ vài cây. Tới mùa trái chín, thường có lái tới mua sỉ cả vườn, nhưng bà ngoại tôi cần kiệm, tự mình hái trái trong vườn đem ra chọ xa bán để được giá hơn.
Hồi đó, cầu Ngang chưa phát triển du lịch như bây giờ. Cây trái nhà vườn thường tập trung ở chợ Búng rồi chở xuống Sài Gòn. Những phiên chợ khuya, các bà các dì gánh những gánh hàng bông , hoa trái mới hái hồi hôm còn tươi rói, đi thành đoàn năm bảy người trong ánh đuốc bập bùng và sương khuya lành lạnh.
Đường quê tôi là đường đất đỏ. Xứ vườn có nhiều mương rạch nên nhiều cầu khỉ, cầu tre. Mùa mưa, đường lầy lội, nước chảy xiết, cầu trơn và lắt lẻo. Vậy mà tôi một hai đòi đi theo bà ngoại.
Hễ đầu hôm thấy bà xếp mấy buồng cau hay năm bảy trái mít tố nữ vô thúng, là tôi bám theo áo bà, ngủ trong lòng bà, để nửa khuya bà dậy đi chợ là tôi dậy theo. Bà chìu đứa cháu mồ côi, mặc thêm cho tôi áo ấm, đội nón vải, mang dép cao su - Ba tôi đi làm ăn ở Chợ Lớn gởi về cho tôi đôi dép nhựa màu xanh ngọc đẹp lắm, khi nào dắt tôi đi chợ bà mới lấy ra cho mang.
Chân tôi nhỏ đi chậm, mà người gánh nặng phải bước nhanh cho đỡ mỏi vai. Lúc đầu hai bà cháu còn vầy đoàn với các dì trong làng, dần dần bị tụt lại sau, rôì chỉ còn một già một trẻ, lùi lũi đi trong ánh đuốc gần lụi trong tay bà. Đã vậy, qua cầu, tôi lại làm rớt dép. Tôi la lên. Ngoại dắt tôi qua hết cây câù khỉ, đặt gánh xuống đầu cầu kia, rôì mới quay lại tìm. Đuốc gần tàn, chợ còn xa, sương khuya lạnh, mà bạn hàng đón mua sỉ hàng bông đâu có đợi chờ lâu. Chợ khuya nhóm độ nửa tiếng, đuốc tàn là chợ tàn. Mắt bà tôi lại kém, hai bên bờ rạch, bình bát mọc um tùm, biết chiếc dép đâu mà tìm? Loay hoay soi đuốc một hồi, bà ngoại nói:
- Thôi , bỏ đi con. Ngoại bán cau rồi sẽ mua cho con đôi dép mới.
Tôi òa khóc, tay giữ khư khư chiếc dép còn lại. Bà tôi gỡ tay tôi lấy chiếc dép để bên vệ cỏ gà ven đường. Tôi tiếc của, nhất định giữ lại. Bà ngoại nói:
- Con để chiếc dép này lại đây. Mai có đứa nhỏ nào đi soi ếch hay đi xúc cá lượm được chiếc kia thì có thể tìm thấy chiếc này, hiệp thành đôi mà mang. Chứ người ta ai cũng có hai chân, con giữ một chiếc, người khác lượm được có một chiếc, chẳng ai mang được.

*

Ít lâu sau, ba tôi đón tôi về Sài Gòn cho đi học. Đang lúc tôi còn học đại học thì bà ngoại qua đời. Suốt đời, bà không hề biết một chữ i tờ nào. Nhưng bà đã dạy tôi bài học hay nhất mà tôi ôn đi ôn lại suốt đời mình.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222