điện đóm

Đoạn đầu bài báo India Attracts Universities From the U.S. trên tờ New York Times hôm nay miêu tả cảnh một chàng trai Ấn Độ 21 tuổi ngồi chồm tới trước (tư thế chăm chú, sốt ruột, căng thẳng) trước một bức tường. Lẽ ra trước mặt anh ta là màn ảnh nối kết với thiết bị truyền hình hội nghị. Anh chàng này đang hồi hộp chờ đợi được các vị trong ban giám hiệu - chắc là cán bộ phòng tổ chức hay ban tuyển sinh - của trường đại học Carnegie Mellon nổi tiếng bên Mỹ phỏng vấn để tuyển vào trường. Anh ta sẽ không cần phải qua tới Mỹ chi cho tốn kém. Trường Carnegie Mellon đang hơp tác với một trường tư ở Ấn Độ để "đào tạo tại chỗ", một xu hướng giáo dục, hay hợp tác giáo dục, đang được đẩy mạnh, và - như cái tựa bài baó - Ấn Độ đang thu hút các đại học ở Mỹ.
Mình nhớ đã từng đọc khá nhều bài viết về những nỗi "bức xúc" của nhiều trí thức và nhiều thành phần khác trong xã hội về vấn đề đại học - và giáo dục nói chung - của xứ mình, nên sáng nay khi đọc bài báo này đã ngứa tay gởi nó theo email cho một số bạn bè thuộc hàng "trí thức" hay những người đang hoạt động trong lãnh vực giáo dục, hầu hết đều rành rọt tiếng Anh. Trưa nay mình nhận được hồi âm của một trong số các vị này, cám ơn mình đã giới thiệu bài báo đó, kèm theo lời bình "cái vụ cúp điện funny há?".
Phải mở ngoặc để cho người nào không đọc được, hay không có thì giờ đọc, nguyên bản bài báo hiểu được ý nghĩa lời bình: Trong đoạn mở đầu của bài báo nói ở trên, anh chàng sinh viên phải ngồi đối diện bức tường ở Ấn Độ hồi hộp chờ đợi vì ở bên Mỹ, nơi cái trưòng Carnegie Mellon toạ lạc, thành phố Pittsburgh, đã bị một cơn bão quét qua vào sáng sớm ngày hôm ấy gây ra sự cố mất điện, làm cuộc phỏng vấn bị hoãn đến cả tiéng đồng hồ.
Nhưng đó chỉ là một cách nhập đề vui nhộn cho một bài báo nghiêm túc về một đề tài hơi bị đứng đắn. Cái phần đáng suy ngẫm là phần thông tin trong nội dung chính. Không biết bạn mình đọc hết bài chưa, hay mới liếc qua cái nhập đề rồi nhắn cho mình mấy chữ, chứng tỏ cũng có đọc, chứ không đến nỗi phụ lòng người gởi cho cái link. Sực nhớ ra bữa nay mới thứ ba, sáng thứ ba thì trăm công ngàn việc đang chờ, có lẽ bạn mình sẽ để lại đến cuối tuần những việc không cần làm ngay, những việc không ra tiền trước mắt, đến cuối tuần hay khi nào rãnh rỗi sẽ làm.
Nhưng cũng có lẽ bạn mình đã đọc rồi, và thấy là chỉ có chi tiết "funny" về vụ cúp điện đáng nói mà thôi. Nhà báo Mỹ hóm hỉnh viết là Indians found it funny that even in Pittsburgh, there were power failures. Dân Ấn mắc cười khi thấy ở Mỹ mà cũng bị mất điện (tưởng chỉ có xứ mình điện đóm mới tùy hứng ông nhà đèn chứ!)
Phải chăng đây là kiểu tư duy đặc thù của trí thức mình?

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222