ngôi nhà trong hoài niệm

(Bài này đăng trong kỷ yếu 10 năm báo Nhà Đẹp. Báo này kiếm trên Internet không có, nên tự đăng lại ở đây để bạn bè ở Bellingham đọc chơi.)

Tấm hình đen trắng chụp vào cuối thập niên bảy mươi, người đàn bà trẻ bồng đứa con nhỏ nhứt trên tay, ba đứa khác đứng chung quanh, đứa lớn nhứt khoảng sáu bảy tuổi. Phía sau họ là vách lá của một ngôi nhà, và qua kẻ lá thưa ánh nắng lấp loáng trên mặt nước đang trôi. Mặt sau tấm hình nét chữ gò gẫm ghi “đây là mẹ con em ở trước ngôi nhà của mình, em gởi anh làm kỷ niệm…”
Tôi hỏi “nhà bên bờ sông hả?” Ch. gật đầu, lấy lại tấm hình, cẩn thận cất vào bóp. Tấm hình nhỏ, vừa vặn cái ngăn lồng ảnh trong cái bóp của đàn ông. “Trưa nằm trên sàn, gió sông thổi mát, ngủ đã lắm. Tới chiều thức dậy, lăn qua nằm sấp, dòm qua kẻ sàn thấy cá cua còng ốc chạy lung tung.” Ch. nhìn ra sông Skagit loang loáng nắng. Bờ bên kia có cái bến của nhà nào đó đang neo một chiếc ca nô. Bờ bên này chỗ tụi tôi đang ngồi câu cá thuộc về công viên, nhiều người khác cũng đang kiên nhẫn ngồi trên mấy cái ghế xếp trên bãi cát sát mép nước, co ro trong cái lạnh chớm thu, kiên nhẫn chờ cá cắn câu. Mỗi năm, sau khi đếm đủ số cá hồi đã vượt thác đến nơi sinh đẻ an toàn, nhà nước bắt đầu bán giấy phép câu cá. Nhiều người câu được cá rồi thả ra, chứ không nở giết con cá đang bụng mang dạ chữa. Nhưng nếu con cá được phóng sinh đó không bị mắc câu lần nữa và còn đủ sức bơi ngược dòng nước đến thượng nguồn tìm về hang cũ, thì sau khi đẻ trứng , con cá cũng chết. Những năm gần đây, người đi câu cá để ăn nhiều hơn người đi câu để giải trí, nên cá có vẻ hiếm đi, khó bắt hơn. Thỉnh thoảng Ch. đứng dậy kiểm tra phao, mồi, quăng lưỡi câu ra dòng nước khác, rồi ngồi xuống tíêp tục câu chuyện.
Mười năm sau ngày chụp tấm hình đó, bốn anh em Ch. được cha bảo lãnh qua Mỹ. Ngày rời Việt Nam, Ch. vừa tròn mười lăm tuổi, và tính đến nay thì thời gian Ch. sống ở Mỹ dài hơn ở Việt Nam, tíêng Mỹ của Ch. sỏi hơn tiếng Việt. Tuổi trẻ, có học, có nghề nghiệp, có gia đình, có xe có nhà. Nhà của Ch. trên đồi, mới toanh, mọi thứ trong nhà hiện đại, tiện nghi. Ch. nhìn dòng sông trôi mênh mang nói “Ước gì trúng số mình về Việt Nam cất lại cái nhà sàn bên sông…” Lời nói nhẹ bâng, như tôi vừa nói “Giá mà câu được cá lóc, nướng tại chỗ, cuốn bánh tráng ăn ngon hết biết.” Đặt ra điều kiện mà tự mình biết rõ là không khả thi thì cũng không thực sự đặt kỳ vọng vào hệ quả. Nói vậy thôi. Lời nói cứ như vô tình vuột ra miệng. Trong một thoáng hoài niệm ngôi nhà của tuổi thơ, nơi mình được hồn nhiên sống thoải mái, được bảo bọc và được yêu thương. Người ta thương nhớ hoài ngôi nhà tuổi thơ dù nó là cái chòi lá xộc xệch bên sông, hay cái chái lợp thiếc trong con hẻm lầy lội.
Phần lớn những người Việt thành đạt trung bình như Ch. ở đây thường mua trả góp một ngôi nhà xây sẵn, rồi đầu tư thêm vào trang trí nội thất để tạo ra không gian ở phù hợp với văn hoá của mình. Vợ chồng Ch. trẻ và chịu ảnh hưởng văn hoá Mỹ nhiều hơn văn hoá Việt, nên căn nhà có đủ những đồ đạc sắm từ các cửa hàng Ikea hay Lowes’ hay Home Depot. Những căn nhà này thường gợi cho tôi cảm gian quen quen dù mới bước vào lần đầu. Nó giông giống mấy cái showroom ở cửa hàng hay hình ảnh quảng cáo trên tạp chí. Nhưng chính điều đó lại có ý nghĩa đặc biệt đối với đôi vợ chồng trẻ: Họ đã bao nhiêu lần đi xem hết showroom này đến showroom khác, coi đi coi lại hàng trăm hình quảng cáo, bàn cãi tính toán và mơ ước với nhau, có khi năm này qua năm khác, đến khi thực sự có khả năng sắm sửa, ngôi nhà như showroom ấy là giấc mơ được biến thành hiện thực của họ, là hạnh phúc vợ chồng son mà một bà già ngoại cuộc như tôi không thấu hiểu. Cái giá của hạnh phúc đó là những xấp giấy đòi nợ trả góp hàng tháng, khiến cho áp lực phải bám lấy công việc để lãnh lương đè lên cuộc sống mỗi ngày. Những người trẻ như vợ chồng Ch. xem cái giá đó là bình thường, nếu không nói là tất yếu: ai cũng vậy, mình cứ sống, cứ hưởng thụ, và mình sẽ làm, sẽ trả nợ. Cái viển cảnh một rủi ro nào đó, mất việc chẳng hạn, có thể khiến căn nhà hạnh phúc tan biến hoàn toàn, luôn chờn vờn trước mắt. Thì sao, nó vốn là giấc mơ mà? Cứ mơ mà sống.
Những người kiên trì và may mắn nuôi dưỡng giấc mơ được 20 năm, 30 năm, cuối cùng thực sự làm chủ ngôi nhà mình đang ở. Nhiều người Việt định cư ở đây từ cuối thập niên bảy mươi và đầu thập niên tám mươi nay đang là chủ những ngôi nhà mang rõ dấu ấn mấy mươi năm đấu tranh sinh tồn trong một nền văn hoá mà càng ở lâu họ càng khó hội nhập: Cánh cửa phòng ngủ cô con gái đóng chặt , mẫu giấy dán trên cửa “làm ơn tôn trọng sự riêng tự” từng làm cho bà mẹ giận điếng người rồi tủi thân rồi nhẫn nhục rồi chấp nhận, để rồi quen với việc đi ngang qua căn phòng con gái mình trong ngôi nhà của mình như đi ngang cửa nhà một người xa lạ. Cánh cửa phòng đứa con trai không đóng, vì nó đã dọn ra ở riêng, căn phòng vẫn còn những đồ đạc mà một hôm người cha định dọn dẹp, thì phát hiện ra những thứ khiến ông khó chịu, rồi bối rối, rồi cẩn thận để tất cả về y chỗ cũ và làm bộ như chưa từng bước vào chạm tới. Còn lại thế giới của hai người-mãi-mãi-là-di-dân với cây chuối kiểng đứng ở góc nhà bếp, mấy tấm tranh sơn mài họ mang về từ một chuyến du lịch Việt Nam, đôi khi bộ bàn ăn Ikea sắm 20 năm trước được phủ lên bằng tấm khăn thêu hoa mai. Dù vậy, trong căn nhà đã trả dứt nợ ấy, người ta vẫn không cảm thấy là nhà mình. Tại sao?
Nhà là gì? Định nghĩa thông thường là nơi người ta ở, nơi người ta cảm thấy thân thiết, cảm thấy “thuộc về” chốn đó, nơi người ta được là chính mình . Có lần tôi làm quen với một đứa bé bán vé số trên đường Nguyễn Tri Phương, cuối cuộc chuyện trò nó nói “Thôi, con dìa nhà coi ti vi”. Nhà tôi ở gần đó nên tôi đi về cùng đường với đứa bé. Tới một vỉa hè gần ngã tư, đứa bé kêu anh thơ sửa xe “Ba!” và đưa cùi vé số còn lại cho người đàn bà trẻ ngồi bán trên cái ghế đẩu, nói “Má, ế quá.” rồi sà xuống bên cửa hàng đồ điện tử ngóc đầu coi một phim bộ đang bắt đầu chiếu đến tập 30. Cái ngã tư đó là “nhà” đứa nhỏ. Nếu do cơ duyên nào đó, sau này đứa bé “đổi đời” sắm ngôi nhà trong mơ ở đâu đó, nước Mỹ chẳng hạn, và cuối tuần đi câu cá hồi bên một giòng sông lạnh ngắt, nó có ước gì trúng số sẽ về Việt Nam mua lại cái vỉa hè tuổi thơ?
Nói bâng quơ vậy thôi. Những người bạn tuổi thơ từng cùng tôi dầm chân trong nước cống ngập con hẻm nhỏ đường Nguyễn Huỳnh Đức cũ nay đã đến tuổi tri thiên mệnh và hầu hết đều có những căn nhà to lớn ấm áp trên đất Mỹ. Tôi vừa đi thăm một người. Hai đứa tôi tất nhiên nhắc lại thời cởi truồng tắm mưa trong con hẻm, rõ ràng bạn tôi nhớ lắm, nhớ từng chi tíêt, căn nhà cũ mỗi lần mưa là trên dột dưới lụt, bọn trẻ con giành nhau chỗ đứng dưới máng xối tắm mưa. Tôi nói hẻm cũ biến mất rồi, tên đường đã thay đổi, nhà cũ đã được chủ mới xây lại ba tầng, mà giá nhà đất ở Chợ Lớn bây gờ cao lắm, bạn tôi có bán căn nhà trả góp 30 năm ở Mỹ này cũng chưa chắc đủ tiền mua lại được căn nhà trong hẻm cũ. Bạn cười, mua cái nhà ba tầng đó làm gì? Nhớ là nhớ cái nhà của mình hồi xưa, cái nhà có lịch sử của gia đình, có kỷ niệm của bản thân, có môi trường, nề nếp, tập quán, lối sống đã hình thành tính cách con người mình. Không phải cứ cất lên cái nhà ở đâu đó là tạo lập được tất cả. Không biết điều này có khó hiểu hay giả tạo quá chăng đối với những người may mắn chưa từng bị trôi giạt khỏi ngôi nhà văn hoá của mình?

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222