tự sự một ngôi nhà
Cách đây khoảng mười năm tôi có miêu tả trong một truyện ngắn hình ảnh người đàn ông trung niên mỗi ngày đi ra đi vào ngôi nhà của mình tám lần, mỗi lần đứng lại ngoài đường năm phút để ngắm mặt tiền của ngôi nhà bốn tầng mới cất xong. Chi tiết tưởng tượng này súyt làm tôi mất hai người bạn thân. Hai vợ chồng anh T. cho là tôi châm biếm ảnh, giận đến nỗi không thèm mời tôi ăn tân gia, cho đến khi phát hiện là tôi không hề biết gì chuyện họ xây nhà mới. Anh chị T. sau đó bèn mời tôi đến thăm nhà để xí xoá ngộ nhận. Nhà được xây lại từ nền nhà cũ của ba má anh T., loại nhà phố ngày xưa, ngang bốn mét dài mười hai mét. Cầu thang được thiết kế ở giữa, chia tất cả bốn tầng thành hai phần: gian trước sáu mét, gian sau bốn mét. Gian trước tầng trệt được dùng làm phòng học vì cả hai vợ chồng anh T. đều là giáo viên cấp ba, và suốt hai chục năm qua anh chị đã chắt mót từ chính tiền dạy kèm dạy nhóm mà xây sửa nhà.
Tầng hai mới bắt đầu là không gian để ở với nhà bếp ở gian sau và phòng ăn kiêm phòng khách ở gian trứơc. Tầng ba có hai phòng ngủ của vợ chồng anh T. và đứa con trai đang học cấp hai. Ông bà nội được dành cho trọn tầng bốn, yên tĩnh. Sự xếp đặt có vẻ hoàn hảo, mọi người trong nhà đều hài lòng, gia đình rõ ràng đang hạnh phúc. Anh chị cũng tự hào: ngôi nhà thực sự được xây bằng mồ hôi của họ, trên cái nền nhà ông bà để lại, và tính toán của họ hiển nhiên là sẽ để lại cho con cháu sau này. Thiết kế ngôi nhà thực tế, vững chắc, tận dụng không gian, vật liệu được lựa chọn kỹ càng sao cho vừa tốt vừa hợp túi tiền. Ưu tiên hàng đầu là có đủ không gian để mọi người trong gia đình cùng chung sống thoải mái. Ngôi nhà đã là giấc mơ mà mọi người trong nhà ấp ủ suốt mười mấy năm trời.
Cái nhà cũ không có lầu, khi anh T. cưới vợ, phải cơi một cái gác lửng bằng ván làm không gian riêng cho hai vợ chồng, và đứa con trai ra đời một năm sau đó. Dưới nhà, giừơng của ông bà nội được quây lại, sát bếp, để có được một khoảng rộng vừa đủ kê tấm bảng và bàn ghế cho mươi đứa học trò. Anh chị T. sắp xếp để khi anh dạy ở trường buổi sáng thì chị T. dạy nhóm ở nhà, và ngược lại. Nên ban ngày ông bà nội thường ở trong cái bếp chật nứt, hoặc nghỉ nhờ trên gác. Nhờ nếp nhà giáo nên sự chung đụng không đến nỗi phức tạp lắm. Nhưng mọi người, nhứt là chị T., vẫn khao khát một không gian sống thoáng hơn. Và chính nỗi khao khát ngôi nhà mơ ước ấy đã khiến vợ chồng miệt mài kiếm tiền, ông bà nội chắt mót tiện tặn. Trong suốt mười mấy năm trời, ngôi nhà mơ ước hiện hữu trong đời sống gia đình anh T. như một thành viên thực thụ, một thành viên hoà giải, kết nối, cỗ vũ và dẫn dắt mọi thành viên khác trong gia đình vượt qua những lúc mệt mỏi, xung đột, chán nản, hay hoang mang. Khi ngôi nhà ước mơ càng ngày càng hội đủ tính hiện thực thì nó khiến cho không khí gia đình lên men, vừa trùm lên cả nhà vừa ngấm vào tim từng người với những tưởng tượng về không gian riêng của mình trong ngôi nhà chung mơ ước đó.
Khoảng baỷ năm sau ngày mừng tân gia, bà nội mất, và một năm sau đó, ông nội cũng ra đi. Đứa con thì rời nhà từ năm năm trước, nay đã tốt nghiệp đại học ở nước ngoài và xin được một chân tập sự trong một công ty đa quốc gia. Nếu may, hoặc rủi, nó được chính thức nhận vào công ty thì ngôi nhà này sẽ là nơi nó chỉ thỉnh thoảng về thăm. Anh T. tuy còn mấy năm nữa mới tới tuổi hưu, nhưng sau một trận đau khá nặng, anh thôi dạy thêm. Chị T. thì đã nghỉ hẳn từ niên học này. Hai vợ chồng bắt đầu rà lại ngôi nhà từ tầng trệt tới sân thượng để sắp xếp lại không gian sống, hình dung ngôi nhà như một chỗ “dưỡng già”.
Sẽ có mấy thay đổi cơ bản mà cả hai vợ chồng đều đồng ý: dẹp lớp dạy thêm để dọn phòng khách xuống tầng trệt, dọn phòng ngủ hai vợ chồng lên tầng bốn để khi con trai về nhà nó có nguyên tầng ba, thoải mái thù tiếp bạn bè. Suốt năm năm qua chị T. vẫn giữ nguyên trạng phòng ngủ con trai đối diện phòng mình bên kia cầu thang. Chị chỉ vào lau bụi và ngồi trên giường con một lát khi nhớ nó quá. Bây giờ nó đã là một thanh niên lịch lãm, đôi lần để lộ ý kiến riêng, như nhà mình giống cái hộp bê tông phản thẫm mỹ, nội thất tầm thường không cá tính, không có “tương tác văn hoá giữa người và không gian sống”. Chị là giáo viên văn cấp ba nhưng nghe câu đó chị không chắc mình hiểu con trai muốn nói gì. Dù vậy chị vẫn ngẫm nghĩ khi đi loanh quanh trong nhà một mình. Chị viết thư cho con trai về việc dành nguyên tầng ba cho nó, hỏi ý nó về những đồ đạc và trang trí nội thất nó thích, hy vọng tạo được cho nó một không gian nghệ thuật, cá tính, hay văn hoá tương tác gì đó. Nó email lại, bảo má đừng bận tâm, con vẫn yêu mến ngôi nhà cha mẹ xây bằng công sức cả đời, mặc dù thâm tâm con vẫn yêu ngôi nhà cũ của ông bà nội hơn. Và nó viết thêm: con cứ ân hận là từ khi đi xa nhà, con không thể thỉnh thoảng cõng ông nội xuống đất chơi. Ba má ngày càng lớn tuổi, nên hãy tính lại việc dời phòng ngủ lên lầu bốn.
Hai vợ chồng đọc đi đọc lại mẫu thư ngắn của con trai. Rồi anh T. chậm rãi leo cầu thang lên tầng bốn. Anh đứng trong gian phòng trống trơ còn nguyên đồ đạc đơn sơ thưở cha mẹ anh sống ở đây: cái giường cũ và cái tủ thờ là hai vật duy nhứt giữ lại từ căn nhà cũ, một cái bàn mica hai cái ghế nhựa kê sát tường, một cái giường sắt bệnh viện có nệm điều chỉnh được đặt cạnh giường cũ là nơi cha anh nằm suốt hai năm cuối đời. Sau khi ông qua đời, căn phòng được lau rửa dọn dẹp, anh vẫn ngửi thấy mùi khai thum thủm khiến tim anh nhói đau. Khi cha anh bắt đầu liệt giường, mẹ anh cũng thôi đi chợ, ít xuống đất, chỉ quanh quẩn chăm sóc chồng. Khi bà qua đời, anh T. mướn một người giúp việc chăm sóc cha anh chu đáo. Trước giờ anh không hề có mặc cảm tội lỗi gì với cha mẹ anh: ông bà nội trọn đời ở chung với con cháu, được phụng dưỡng tử tế, bệnh tật có thuốc men đầy đủ, còn sự sanh lão bệnh tử là kiếp người đâu có ai tránh được.
Nhưng có lẽ ông triết gia gì đó nói đúng: người đàn ông bạc đầu mới hiểu được cha mình. Sau cả ngày chạy sô và đứng lớp hết giờ này sang giờ khác, chân cẳng anh thường mỏi nhừ, anh thưa dần những buổi leo lên bốn tầng lầu để chuyện trò với mẹ cha, thay bằng những câu hỏi vợ hay chị giúp việc ông nội đã ăn chưa, uống thuốc chưa, y sĩ vật lý trị liệu tới chưa, và an lòng vì mọi việc đã được chăm lo chu đáo. Bây giờ anh chợt hoảng sợ khi nghĩ tới lúc mình loanh quanh trong cái hộp bê tông lơ lửng này suốt tám năm và nằm suốt hai năm trên cái giường sắt ngấm mùi cứt đái của chính mình. Anh gần như muốn chạy trốn ra khỏi căn phòng, ra khỏi căn nhà – căn nhà gần như toàn bộ cuộc đời anh, ý nghĩa và ước mơ mà anh đã sống.
Đứng trên đầu cầu thang anh bỗng thấy nó sâu thăm thẳm và chân anh run run, tưởng như đưa chân xúông là sẽ té chúi nhũi. Vợ anh cảm nhận được điều gì đó nên vội chạy lên cầu thang đỡ anh. Hai vợ chồng tỳ vào nhau ngồi xuống bậc thang, chợt hỏi nhau: ừ, sao hồi cất nhà mình không nghĩ tới cái lan can hay tay vịn gắn tường dọc cầu thang để ông bà vịn vào đi lên đi xuống cho đỡ sợ. Đâu có ước mơ nào hoàn hảo, nhứt là khi niềm khao khát toả sáng ngời mặt này tất khiến mặt kia khuất lấp. Nhưng mà ngôi nhà đã xây, ước mơ đã thực hiện, cuộc đời đã sống rồi. Ngôi nhà và anh, dẫu thế nào, đã có chung một tự sự.
Lý Lan
(Bài đăng trên báo Xuân Nhà Đẹp ra ngày 18.01.2008)
Tầng hai mới bắt đầu là không gian để ở với nhà bếp ở gian sau và phòng ăn kiêm phòng khách ở gian trứơc. Tầng ba có hai phòng ngủ của vợ chồng anh T. và đứa con trai đang học cấp hai. Ông bà nội được dành cho trọn tầng bốn, yên tĩnh. Sự xếp đặt có vẻ hoàn hảo, mọi người trong nhà đều hài lòng, gia đình rõ ràng đang hạnh phúc. Anh chị cũng tự hào: ngôi nhà thực sự được xây bằng mồ hôi của họ, trên cái nền nhà ông bà để lại, và tính toán của họ hiển nhiên là sẽ để lại cho con cháu sau này. Thiết kế ngôi nhà thực tế, vững chắc, tận dụng không gian, vật liệu được lựa chọn kỹ càng sao cho vừa tốt vừa hợp túi tiền. Ưu tiên hàng đầu là có đủ không gian để mọi người trong gia đình cùng chung sống thoải mái. Ngôi nhà đã là giấc mơ mà mọi người trong nhà ấp ủ suốt mười mấy năm trời.
Cái nhà cũ không có lầu, khi anh T. cưới vợ, phải cơi một cái gác lửng bằng ván làm không gian riêng cho hai vợ chồng, và đứa con trai ra đời một năm sau đó. Dưới nhà, giừơng của ông bà nội được quây lại, sát bếp, để có được một khoảng rộng vừa đủ kê tấm bảng và bàn ghế cho mươi đứa học trò. Anh chị T. sắp xếp để khi anh dạy ở trường buổi sáng thì chị T. dạy nhóm ở nhà, và ngược lại. Nên ban ngày ông bà nội thường ở trong cái bếp chật nứt, hoặc nghỉ nhờ trên gác. Nhờ nếp nhà giáo nên sự chung đụng không đến nỗi phức tạp lắm. Nhưng mọi người, nhứt là chị T., vẫn khao khát một không gian sống thoáng hơn. Và chính nỗi khao khát ngôi nhà mơ ước ấy đã khiến vợ chồng miệt mài kiếm tiền, ông bà nội chắt mót tiện tặn. Trong suốt mười mấy năm trời, ngôi nhà mơ ước hiện hữu trong đời sống gia đình anh T. như một thành viên thực thụ, một thành viên hoà giải, kết nối, cỗ vũ và dẫn dắt mọi thành viên khác trong gia đình vượt qua những lúc mệt mỏi, xung đột, chán nản, hay hoang mang. Khi ngôi nhà ước mơ càng ngày càng hội đủ tính hiện thực thì nó khiến cho không khí gia đình lên men, vừa trùm lên cả nhà vừa ngấm vào tim từng người với những tưởng tượng về không gian riêng của mình trong ngôi nhà chung mơ ước đó.
Khoảng baỷ năm sau ngày mừng tân gia, bà nội mất, và một năm sau đó, ông nội cũng ra đi. Đứa con thì rời nhà từ năm năm trước, nay đã tốt nghiệp đại học ở nước ngoài và xin được một chân tập sự trong một công ty đa quốc gia. Nếu may, hoặc rủi, nó được chính thức nhận vào công ty thì ngôi nhà này sẽ là nơi nó chỉ thỉnh thoảng về thăm. Anh T. tuy còn mấy năm nữa mới tới tuổi hưu, nhưng sau một trận đau khá nặng, anh thôi dạy thêm. Chị T. thì đã nghỉ hẳn từ niên học này. Hai vợ chồng bắt đầu rà lại ngôi nhà từ tầng trệt tới sân thượng để sắp xếp lại không gian sống, hình dung ngôi nhà như một chỗ “dưỡng già”.
Sẽ có mấy thay đổi cơ bản mà cả hai vợ chồng đều đồng ý: dẹp lớp dạy thêm để dọn phòng khách xuống tầng trệt, dọn phòng ngủ hai vợ chồng lên tầng bốn để khi con trai về nhà nó có nguyên tầng ba, thoải mái thù tiếp bạn bè. Suốt năm năm qua chị T. vẫn giữ nguyên trạng phòng ngủ con trai đối diện phòng mình bên kia cầu thang. Chị chỉ vào lau bụi và ngồi trên giường con một lát khi nhớ nó quá. Bây giờ nó đã là một thanh niên lịch lãm, đôi lần để lộ ý kiến riêng, như nhà mình giống cái hộp bê tông phản thẫm mỹ, nội thất tầm thường không cá tính, không có “tương tác văn hoá giữa người và không gian sống”. Chị là giáo viên văn cấp ba nhưng nghe câu đó chị không chắc mình hiểu con trai muốn nói gì. Dù vậy chị vẫn ngẫm nghĩ khi đi loanh quanh trong nhà một mình. Chị viết thư cho con trai về việc dành nguyên tầng ba cho nó, hỏi ý nó về những đồ đạc và trang trí nội thất nó thích, hy vọng tạo được cho nó một không gian nghệ thuật, cá tính, hay văn hoá tương tác gì đó. Nó email lại, bảo má đừng bận tâm, con vẫn yêu mến ngôi nhà cha mẹ xây bằng công sức cả đời, mặc dù thâm tâm con vẫn yêu ngôi nhà cũ của ông bà nội hơn. Và nó viết thêm: con cứ ân hận là từ khi đi xa nhà, con không thể thỉnh thoảng cõng ông nội xuống đất chơi. Ba má ngày càng lớn tuổi, nên hãy tính lại việc dời phòng ngủ lên lầu bốn.
Hai vợ chồng đọc đi đọc lại mẫu thư ngắn của con trai. Rồi anh T. chậm rãi leo cầu thang lên tầng bốn. Anh đứng trong gian phòng trống trơ còn nguyên đồ đạc đơn sơ thưở cha mẹ anh sống ở đây: cái giường cũ và cái tủ thờ là hai vật duy nhứt giữ lại từ căn nhà cũ, một cái bàn mica hai cái ghế nhựa kê sát tường, một cái giường sắt bệnh viện có nệm điều chỉnh được đặt cạnh giường cũ là nơi cha anh nằm suốt hai năm cuối đời. Sau khi ông qua đời, căn phòng được lau rửa dọn dẹp, anh vẫn ngửi thấy mùi khai thum thủm khiến tim anh nhói đau. Khi cha anh bắt đầu liệt giường, mẹ anh cũng thôi đi chợ, ít xuống đất, chỉ quanh quẩn chăm sóc chồng. Khi bà qua đời, anh T. mướn một người giúp việc chăm sóc cha anh chu đáo. Trước giờ anh không hề có mặc cảm tội lỗi gì với cha mẹ anh: ông bà nội trọn đời ở chung với con cháu, được phụng dưỡng tử tế, bệnh tật có thuốc men đầy đủ, còn sự sanh lão bệnh tử là kiếp người đâu có ai tránh được.
Nhưng có lẽ ông triết gia gì đó nói đúng: người đàn ông bạc đầu mới hiểu được cha mình. Sau cả ngày chạy sô và đứng lớp hết giờ này sang giờ khác, chân cẳng anh thường mỏi nhừ, anh thưa dần những buổi leo lên bốn tầng lầu để chuyện trò với mẹ cha, thay bằng những câu hỏi vợ hay chị giúp việc ông nội đã ăn chưa, uống thuốc chưa, y sĩ vật lý trị liệu tới chưa, và an lòng vì mọi việc đã được chăm lo chu đáo. Bây giờ anh chợt hoảng sợ khi nghĩ tới lúc mình loanh quanh trong cái hộp bê tông lơ lửng này suốt tám năm và nằm suốt hai năm trên cái giường sắt ngấm mùi cứt đái của chính mình. Anh gần như muốn chạy trốn ra khỏi căn phòng, ra khỏi căn nhà – căn nhà gần như toàn bộ cuộc đời anh, ý nghĩa và ước mơ mà anh đã sống.
Đứng trên đầu cầu thang anh bỗng thấy nó sâu thăm thẳm và chân anh run run, tưởng như đưa chân xúông là sẽ té chúi nhũi. Vợ anh cảm nhận được điều gì đó nên vội chạy lên cầu thang đỡ anh. Hai vợ chồng tỳ vào nhau ngồi xuống bậc thang, chợt hỏi nhau: ừ, sao hồi cất nhà mình không nghĩ tới cái lan can hay tay vịn gắn tường dọc cầu thang để ông bà vịn vào đi lên đi xuống cho đỡ sợ. Đâu có ước mơ nào hoàn hảo, nhứt là khi niềm khao khát toả sáng ngời mặt này tất khiến mặt kia khuất lấp. Nhưng mà ngôi nhà đã xây, ước mơ đã thực hiện, cuộc đời đã sống rồi. Ngôi nhà và anh, dẫu thế nào, đã có chung một tự sự.
Lý Lan
(Bài đăng trên báo Xuân Nhà Đẹp ra ngày 18.01.2008)