bàn tiếp chuyện bàn tròn

Chiều hôm qua đi ra trường UW để nghe sử gia Geoffrey Parker thuyết trình về Khí hậu và tai hoạ. Về tới nhà gần nửa đêm, mệt quá, lăn ra ngủ không kịp ghi lại những suy nghĩ mà bài thuyết trình ấy gợi lên. Bây giờ lạm bàn tiếp về “văn chương mạng”.
Bài tham luận của Inrasara được trình bày dưới hình thức FAQ, những câu hỏi đáp thường gặp, như Website có tạo dễ dãi cho sáng tác không? Website dành cho ai? Thể loại nào có ưu thế trên Website? Viết, đọc như thế nào? Văn chương giấy và văn chương mạng có thể cùng tồn tại không? Trong phần Ưu thế thông tin và xử lí thông tin của Website, Inrasara nhấn mạnh vào tốc độ: “Nhanh, gọn, tiện dụng – rất phù hợp với thế giới đầy tốc độ hôm nay”, và cho rằng “việc trích dẫn bảo đảm sự chuẩn xác tuyệt đối qua thao tác cắt-dán.” Ông nội ơi! Chính cái thao tác cắt dán nhanh gọn tiện dụng ấy mà Web là nơi dễ dàng lộng giả thành chân, chân chân giả giả, ảo ảo, hư hư, và cái gì đọc, nghe, thấy trên Web thì thấy đó biết đó, muốn trích dẫn thì phải kiểm tra nguồn và sao lưu cẩn thận. “Mạng” không phải là ông thần đèn, muốn có cái gì trên mạng thì trước tiên phải tạo ra cái đó bỏ lên mạng, rồi mới a thần phù “gõ” ra trong nháy mắt. Inrasara viết: “Website chứa đủ: tiểu sử, ảnh, địa chỉ, các tác phẩm, dư luận về chúng, … tất tần tật. Nghĩa là đủ chuyện trên đời về tác giả đó. Ta cứ vào Google hay Yahoo,… mà gõ từ khóa vào.” Thử coi sao nha. Tôi gõ “Inrasara” vô Google và có được 543 kết quả trong vòng 0,07 giây – Chà, cái tên này phổ biến dữ à, đâu cũng có, website quốc nội, quốc ngoại, tiếng Việt, Chăm, Anh,… tá lả. Mở thử 10 kết quả đầu tiên (như những người tìm kiếm qua Google thường làm, vì không ai có thì giờ coi hết nửa ngàn hay cả ngàn trang mà máy kiếm ra) thì đọc được mấy bài thơ, một bài phỏng vấn, mấy bài báo nhắc tới tên Inrasara, nơi có vẻ “nhà” của Inrasara nhứt là chamyouth.com. Vì chỉ coi 10 website ngẫu nhiên nên mình biết đại khái vậy. Đây là minh chứng rằng nếu anh chịu khó đăng bài viết lên mạng thì kết quả tìm kiếm của những máy “search” sẽ cho ra những con số lớn, hàng trăm, hàng ngàn, và tuỳ theo sắp xếp của từng máy (Yahoo cho kết quả khác với Google)mà thông tin ngẫu nhiên, thường lộn xộn, có nhiều trùng lặp, và rất nhiều website chỉ nhắc đến cái tên, hay từ, mình tìm kiếm, có khi là từ tương tự chẳng có liên quan gì hết, và cũng không ít website còn đường link đó mà không còn tồn tại nữa. Tìm kiếm thông tin trên Internet tưởng là nhanh nhưng thực tế rất mất thì giờ nếu “ta cứ gõ vào Google hay Yahoo”, và cũng phải mất thì giờ để thảy vô cái đại dương đó con cá mà mình muốn người khác … câu được.
Trong phần kết thúc bài, nói về Tương lai của văn chương mạng, Inrasara khẳng định: “Không thể chối cãi: số lượng người in sáng tác và đọc trên mạng là rất lớn, vượt trội so với văn chương giấy.” Inrasara ơi, anh lấy số lượng nào, ở đâu, để so sánh? Nói khơi khơi như vậy thì ai hơi đâu mà cãi! “Và khi Website cá nhân rồi Blog ồ ạt ra đời, số lượng người truy cập chắc chắn đạt con số khổng lồ.” Mình nghi ngờ tiên đoán này lắm. Hiện nay Website cá nhân và Blog hình như đã vượt qua ngưỡng “ồ ạt ra đời” và người ta đang chạy theo cái khác hấp dẫn hơn ngôn từ và những tấm ảnh tĩnh, như YouTube chẳng hạn. Nhưng mình không dám nói về tương lai của mạng đâu!
Dù sao thì mình viết cái này ở cách xa Sài Gòn vạn dặm, nếu không có “mạng” thì mình đâu có nói chen vô được cái bàn tròn bàn méo văn chương ở 81 Nguyễn Văn Trỗi ấy. Cho nên cứ ủng hộ "mạng" cái đã.
Để mai coi Vũ Trọng Quang dẫn cái cuộc ấy ra sao rồi viết tiếp.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222