máy bay và xe cộ

Bữa nay báo The New York Times có một bài về mâu thuẫn hạng vé/giai cấp trong ngành hàng không Mỹ. Từ sau vụ 9/11 thì đi máy bay ở Mỹ quả là ác mộng, và đó là kết luận từ kinh nghiệm bản thân mình (trong 6 năm gần đây, tính trung bình bay 4 chuyến nội địa mỗi năm, không kể ít nhất 2 chuyến bay quốc tế) Nay đọc báo mới té ra là tại mình đi vé rẻ, chứ đi vé hạng nhứt hay "business" thì mỗi chuyến bay ắt đã là một giấc mơ kỳ thú. Bài báo này có kèm hai cái hình minh hoạ hay ho, trong đó hành khách hãng máy bay Mặckệnó được súc vật hoá thành bò, có sừng có đuôi hẳn hoi, được các tiếp viên đẹp như người mẫu chiêu đãi, món được phục vụ tùy sự lựa chọn của quí khách là "rơm hay cỏ khô?"
Nhưng mình viết cái này không để hùa theo hay phản đối ý kiến về kỳ thị hạng vé /giai cấp của bài báo, chẳng qua nói tới chuyện đi máy bay mình nghĩ nên ghi lại sự cố máy bay (và xe bus) trong chuyến đi Arkansas vừa rồi để người khác có thể rút kinh nghiệm.
Bellingham có một cái phi trường cũng mang danh phi trường quốc tế, nhưng bé tẻo tèo teo, và phần lớn các chuyến bay cất cánh từ phi trường này là đến phi trường SEA-TAC để chuyển máy bay đi tiếp đến nơi nào đó. Vì vậy những chuyến bay này thường vào những giờ độc như 5,6,7 giờ sáng chẳng hạn. Chuyến bay chỉ hơn 30 phút, nhưng thì giờ chờ đợi và chuyển tiếp thường mất toi một buổi sáng. Cho nên nếu có thể thì người ta lái xe thẳng đến phi trường SEA, chỉ tốn 2 tiếng đồng hồ nếu không bị kẹt xe. Nếu không muốn tự lái xe thì đi xe buýt gọi là Airporter Shuttle, xe này nối phi trường SEA và Bellingham, giá 60 đô khứ hồi mỗi hành khách. Tụi này đi airporter đến SEA, lật đật chạy đi gởi hành lý ở hãng Delta, nhưng check in bằng máy tính hoài không được, bèn đem cái e-tickets đến quầy, nhân viên xem rồi bảo là phải qua Northwest, bởi vì tuy vé do hãng Delta bán, nhưng họ chỉ chở chuyến về, còn chuyến đi thì hợp tác với Northwest, mà bay Northwest thì phải qua quầy Northwest gởi hành lý! Thế là ba chân bốn cẳng chạy tới Northwest, nhân viên ở đó cũng gõ rào rào trên máy tính rồi nói chuyến bay từ SEA đến Houston, Texas, bị hoãn 6 tíêng đồng hồ, do đó tụi này sẽ không nối được chuyến bay từ Houston đến Little Rock. Họ xin lỗi và tận tình giải quyết bằng cách chuyển tụi này qua hãng American Airlines. Mọi việc có vẻ tốt đẹp, tụi này gởi gần hết hành lý rồi lơn tơn đi dạo - phi trường SEA có nhiều thứ để coi cũng hay lắm, khi nào rảnh sẽ viết trong bài khác. Còn bây giờ thì phải tới cửa đợi lên máy bay. Còn 10 phút nữa là tới giờ lên máy bay mà mình nhìn qua cửa kiếng phòng đợi ra cầu nối (từ cửa phòng đợi tới cửa máy bay) mà chẳng thấy chiếc máy bay nào đậu ở đó, cảm thấy nghi ngờ. Hỏi ra thì máy bay về trễ và nhân viên hãng máy bay bảo là giờ lên máy bay do vậy cũng bị trễ, chừng 30 phút. Tụi này không yên tâm, vì như vậy tụi này chỉ còn 30 phút để chuyển máy bay. Nhưng biết làm sao khác hơn chờ cái máy bay còn đang gặp sự cố gì đó trên không chưa về tới nơi. Cuối cùng máy bay đến, nhưng nửa giờ sau hành khách vẫn chưa được mời lên máy bay. Vậy là đã trễ hơn một giờ, mà tụi này chỉ có một giờ để chuyển máy bay! M phàn nàn với các nhân viên hãng tại quầy thì họ cũng chỉ xin lỗi và hứa hẹn là sắp được lên máy bay rồi. M bèn gọi điện thoại cho văn phòng chánh của hãng. Gọi kiểu này chỉ được máy trả lời, và sau khi kiên nhẫn bấm hết nút này tới nút kia theo lời hướng dẫn máy móc thì có hy vọng được nói chuyện với một người thật nào đó, có khi phải chờ mấy chục phút. Đằng nào thì tụi này cũng đang trong trạng thái chờ đợi, nên M cứ chờ thử coi là sẽ được lên máy bay trước hay được tiếp điện thoại trứơc. Cuối cùng thì điện thoại thông trước. Nghe giọng M thì biết là anh cố tự kiềm chế dữ lắm, cuộc trò chuyện dằng dai, người bên kia đầu dây bắt anh chờ đợi thêm hai ba phen như để thử thách sự kiên nhẫn của anh. Đại khái là họ kiếm cớ hoãn binh, vỗ về anh là để họ kiếm coi có chuyến bay nào khác không , có cách giải quyết khác không, hay để hỏi ý kiến lãnh đạo xem sao, và trong khi còn chờ "cách khác nào đó" thì hành khách được mời lên máy bay. M nói là bây giờ lên máy bay cũng không thể bắt kịp chuyến bay nối tiếp, nhưng nếu không đi chuyến này mà tiếp tục chờ họ "giải quyết cách khác" thì càng trễ nãi thêm, vì chắc chắn không có chuyến bay nào khác khởi hành sau chuyến này lại bay đến nơi sớm hơn nó. Họ đã thíêt kế lại lộ trình để kết nối ở phi trường khác, mà mắc gì đó vẫn không ổn. Họ bèn hỏi M là hoặc bây giờ cứ lên máy bay, chuyến bay có khả năng đến nơi sớm và tụi này có thể có 10 phút để chuyển máy bay, hoặc họ sẽ trả lại tiền vé, hoặc chuyển cả hai chuyến bay sang ngày hôm sau. Tụi này đi Conway vì công việc, đâu phải đi chơi, đành chọn giải pháp cứ lên máy bay.
Chuyến bay tốt đẹp, nhưng khi máy bay đáp xuống Houston thì chuyến bay nối tiếp của tụi này đã cất cánh 10 phút trứơc đó. Và lúc đó là 9 giờ tối. Chuyến bay sớm nhứt đến Conway là 7 giờ sáng ngày hôm sau. Tụi này tới quầy của hãng máy bay phàn nàn, cô nhân viên ở đó nhoẻn miệng cừơi tươi xin lỗi và nói là hãng mời tụi này về khách sạn nghỉ ngơi để mai bay tiếp. M nói bây giờ về khách sạn rồi 5 giờ sáng lại ra phi trường thì mệt lắm, cô nhân viên bảo vậy thì cứ nghỉ ở khách sạn tới 9 giờ rồi hãy ra phi trường đi chuyến bay 10 giờ! Và cô hỏi tụi này có muốn ăn tối không, rồi đưa mỗi người một cái voucher trị giá 10 đô, với cái voucher đó tụi này chỉ có thể mua đồ ăn trong phi trường, và giấc đó thì món ăn gì trong phi trường cũng nguội ngắc, nhưng cô nhân viên bảo là ở khách sạn và gần đó không có nhà hàng, đành mua mấy cái bánh và mấy chai nước. Rồi đợi khách sạn đưa xe tới đón. Vì không được lấy hành lý ra nên chẳng có đồ để thay đổi, may mà mình có mang đồ vệ sinh cá nhân trong giỏ xách tay. Dù sao thì cũng được tắm nước nóng, ngủ giường êm, có ti vi coi phim tầm bậy. Tổng cộng thời gian từ lúc tụi này rời nhà cho đến khi đến được Conway bằng xe hơi thuê là gần 30 tiếng đồng hồ, dài hơn cả thời gian bay về Việt Nam!
Chuyến về bay hãng Delta không bị trục trặc gì đáng kể, nhưng chuyến airporter từ SEA về Bellingham thì mới chạy được 15 phút phải tấp vô lề, đèn đóm tối thui. Tài xế lụi hụi sửa xe không xong, không rõ máy hư, mất điện hay mắc gì. Gần hai chục người ngồi trong xe bắt đầu thấy ngộp thở và đề nghị tài xế mở cửa xe cho họ đi ra ngoài thư giãn gân cốt. Tài xế nói xe đậu trên xa lộ, hành khách không nên ra ngoài, rất nguy hiểm, hãng xe chịu trách nhiệm về sự an toàn của hành khách trên xe, chứ hành khách tự ra khỏi xe thì hãng không chịu trách nhiệm. Đa số ngoan ngoãn ngồi im, nhưng một số phàn nàn và đòi ra theo “own risk”, tự liều. Xe sửa không xong, tài xế thông báo là hãng sẽ cử một chiếc xe khác ra đón mọi người về lại phi trường để đáp một chuyến xe khác nữa chạy về Bellingham. Một nữ hành khách trẻ thắc mắc là tại sao cái xe đón chúng ta không chở chúng ta về Bellingham luôn mà phải quay lại phi trường? Hành khách ai cũng đùm đề hành lý, giờ phải chuyển sang cái xe đón rồi lại chuyển sang cái xe khác. Tài xế bảo việc chuyển hành lý hãng lo, hành khách khỏi lo, còn tại sao phải chuyển như vậy thì do sắp xếp ở trung tâm điều hành , ổng không biết. Cô hành khách không hài lòng, vì cô cần có mặt ở Bellingham đúng vào giờ G để làm gì đó, nếu xe quay về phi trường rồi chuyển tới chuyển lui thì cô bị trễ giờ hẹn. Cô bèn gọi điện thoại cho trung tâm điều hành phàn nàn, nói qua nói lại một hồi, chiếc xe khác tới, mọi người chuyển xe, rồi quay về phi trường. Cô hành khách rất tức giận. Cô đòi bồi thường. Sau khi kết thúc cuộc điện thoại, cô giơ điện thoại cầm tay của cô ra và hỏi có ai muốn được bồi thường thì cô cho mượn điện thoại gọi trung tâm điều hành để phàn nàn. M không phàn nàn, anh nói với mình là tài xế đã cố gắng hết sức, và hãng cũng đã rất nhậm lẹ trong giải quyết sự cố, hành khách chỉ bị trễ mấy chục phút, nhưng trong trường hợp kẹt xe thì cũng thường bị trễ, chẳng ai muốn vậy, và sự việc theo M đánh giá thì không phải do lỗi vô trách nhiệm hay cẩu thả mà là sự cố kỷ thuật , có thể thông cảm. Người nào không phàn nàn thì hãng xe khỏi bồi thường. Mình sực nhớ vụ máy bay, hỏi M thì biết là tất cả chi phí khách sạn xe đưa đón cùng bữa ăn tối và ăn sáng ở Houston đều được hãng máy bay thanh toán. Mình hỏi đó là vì M đã phàn nàn hay tất cả hành khách lỡ bộ hôm đó đều được đối xử như vậy. M nói anh chỉ biết trường hợp của mình, không biết việc của người khác. Nhưng anh cho là việc trễ máy bay hoàn toàn do lỗi của hãng máy bay và gây thiệt hại đáng kể cho hành khách, hãng chỉ phải thanh toán chi phí phát sinh cho hành khách chứ chưa bị đòi bồi thường thiệt hại do sự trễ nãi gây ra đối với công việc của hành khách là may cho hãng máy bay lắm rồi.
Mình ghi lại chuyện này như một quan sát về các cách ứng xử ở xứ này.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222