Bài đăng

Đang hiển thị bài đăng từ Tháng 2, 2008

chậm còn hơn không

Hình ảnh
Đứa cháu đi học về nói nhà trường kêu mỗi học sinh đóng 3.000 đồng tiền cứu trợ đồng bào bị rét. Nó bình luận: hồi đang bị rét ai cũng tội nghiệp mà không ai biểu cứu, bây giờ nóng như điên thì lại kêu cứu rét. Thôi thì chậm còn hơn không. Hồi tuần trước, đi ngang trụ sở hội chữ thập đỏ, thấy mấy em học sinh đứng lạc quyên. Bây giờ dán lên cũng là chậm. Nhưng dù chậm cũng nên biểu dương.

quảng cáo tiếp

tiểu thuyết đàn bà có ái tình một tý, dục tình một tý, cao siêu một tý, tục tĩu một tý, sướt mướt một tý , có cả một tý bạo lực nữa. Thí dụ: ... Hôm đó trời mưa như dự báo. Tiếng sấm nổ vang rền không khác tiếng bom đạn nổ. Khẩu súng trong tay ướt nhơm nhớp dù Thoa không mắc mưa. Chị biết mình chỉ đứng sau cánh cửa chừng năm phút, nhưng mỗi giây trôi qua dài khủng khiếp. Chân chị càng lúc càng mỏi nhừ, chực sụm xúông. Tim chị đập càng lúc càng loạn. Trời mưa mà chị cảm thấy nóng hầm hập, mồ hôi tuôn đầm đìa. Cánh cửa mở ra. Một người đi vào. Đi thẳng tới đúng ba bước. Đứng lại. Không hề quay lại. Trời mưa, người đó chẳng những đội nón lá tùm hụp mà còn khoác một tấm pông sô lùng thùng nhễu nước long tong. Không nhìn rõ mặt hay vóc dáng, nhưng Thoa nghĩ ngay đây là một người đàn bà. Ba mươi mấy năm nay Thoa thỉnh thoảng vẫn tự hỏi người đó có phải là đàn bà không. Tại sao trong tích tắc đó chị nghĩ đó là một người đàn bà? Khi người đó cẩn thận bước đúng ba bước ngang qua mặt Thoa rồi ...

vườn treo

Hình ảnh
Nhà mình gần Xóm Cải, buổi sáng thường đi loanh quanh chơi ở đó, vì xóm chung cư này vẫn còn cái không khí "xóm" trong sinh hoạt. Nhớ có lần mình dẫn một người bạn đi thăm Xóm Cải, bạn kêu: Đúng là Tàu, chung cư mới cất khang trang mà coi vẫn nhếch nhác sao ấy. Mình không giận bạn, nhưng cái bạn thấy "nhếch nhác" đó chính là cái khiến mình nhớ mình thương mình khao khát trở về Chợ Lớn này. Chợ Lớn khác tất cả những phố Tàu ở Paris , New York, Portland, San Francisco mà mình từng qua ở nhiều thứ, mà thứ nhứt là Chợ Lớn có rất nhiều vườn treo. Đi trong bất cứ khu phố nào của Chợ Lớn mà ngóc đầu nhìn lên là thế nào cũng gặp cây cỏ gì đó đang nở hoa trong hoàn cảnh / môi trường sống hết sức ngặt nghèo. Thường thì người ta trồng cây kiểng. Trước đây mình cũng trồng cây kiểng, như huệ đất, tre trúc, trầu ông, cây quan âm, cây phát tài... Nhưng bây giờ hưởng ứng phong trào đang phát động bên ... Mỹ: trồng kiểng ...ăn được, mình bèn lập vườn treo trồng cải. Đây là cái vườ...

quảng cáo

Trích đoạn này để quảng cáo cuốn tiểu thuyết đàn bà ... Ted lại lật ngược thế cờ. Anh vói tay kéo cái hộc của bàn để đèn ngủ , lấy một cái bao cao su. Không Bé giữ tay anh lại: “Khỏi cần, anh.” “Em gần ngày có kinh hả?” “Em múôn có con.” Ted khựng lại. “Em nói gì?” “Em nghĩ tụi mình có con được rồi. Em cũng đã ba mươi tuổi.” “Nhưng anh chưa học xong, nhà xe còn nợ, em làm hai việc, thì giờ đâu mà con cái?” “Má sắp qua…” Ted nổi điên. “Má qua ở chung là đủ để xáo trộn cuộc sống của anh rồi, nếu thêm con cái nữa thì anh còn là cái gì? Anh cần tập trung ít nhứt một hai năm để viết cho xong luận án. Anh đã quá chậm trễ vì bỏ mất hai năm lo cho em. Em hứa em học xong đi làm sẽ giúp anh chuyên tâm làm luận án. Nhưng rồi em lo bảo lãnh má qua. Bây giờ lại đòi có con!” “Em chỉ muốn…” “Em muốn nhiều quá!” Ted rút ra dù Không Bé cố ôm ghì anh lại. Anh gạt mạnh Không Bé ra, nhảy khỏi giường. “Ted!” Không Bé kêu lên nghẹn ngào. Ted đứng lại ở ngưỡng cửa buồng tắm hét: “Cô lợi dụng tôi! Cô lừa tô...

bìa tiểu thuyết đàn bà

Hình ảnh
Vừa nhận được hình bìa cuốn sách mới: Sách sẽ ra vào giữa tháng 3, nhà xuất bản văn Nghệ sẽ có buổi ra mắt sách trong hội chợ Sách ở thành phố để tác giả giao lưu với bạn đọc. Dự kiến vào 7 giờ tối thứ Năm 13.03.2008. Phần chữ in li ti ở bìa sau là một đoạn trích trong cuốn sách: Quyển sách Thoa đang viết là một nỗ lực nữa, một tham vọng khác, một trải nghiệm mới, một thách thức đồng thời một trắc nghiệm bản thân. Chị biết mình chưa đi tới nơi, và cái hành trình mà chị vạch ra từ đầu sẽ thay đổi theo mỗi chặng đường chị qua. Đêm đêm ngồi đối diện màn hình máy tính, Thoa nhìn những dòng chữ hiện ra rồi biến mất rồi hiện ra, những dòng chữ thay đổi vị trí các từ và mẫu tự trong mỗi câu, có khi chị nghi ngờ những dòng chữ chị viết ra có tồn tại hay không, nhưng chị không một mảy may nghi ngờ điều chị đang viết có đáng viết ra chăng. Viết ra như thế nào mới là vấn đề, chứ điều gì , bất cứ điều gì, dù trong hiện thực hay trong trí tưởng tượng, Thoa tin là đều đáng viết ra, nếu không nói là...

những nhà cách mạng lão thành của Việt Nam

Tạm dịch tựa bài báo của Tom Hayden trên The Nation, The Old Revolutionaries of Vietnam. Bài này mới đăng lên là có người gởi ngay link đến cho mình. Đọc xong mình nói chuyện với vài người bạn về vài chi tiết mình nghĩ các bạn ấy quan tâm. Bạn bảo mình dịch dùm cả bài. Trời ơi, bài dài, mắc công xin phép xin tắc tác giả. Mình tóm tắt từng đoạn: Nghị sĩ Mỹ Tom Hayden là một chính khách chuyên nghiệp, khởi bước đường công danh từ phong trào chống chiến tranh hồi thập niên sáu mươi thế kỷ trước. Trước 1975 ông đã đến miền Bắc VN 4 lần. Vào dịp Giáng Sinh 2007 ông đã đưa vợ con cùng sang VN lần đầu tiên kể từ sau khi chiến tranh chấm dứt, vì muốn nhìn lại đất nước này một lần nữa, để hiểu những bài học lâu dài, và để gặp lại những người ông đã quen biết trong thời chiến mà ông cho là "những cái cầu ngoại giao quan trọng nối liền hai đất nước trong thời hậu chiến"; một trong những người đó là nhà thơ, nhạc sĩ, thông dịch viên Do Xuan Oanh, cha của Chau Do, viên chức đang làm vi...

thầy Hoàng Như Mai

Hình ảnh
Trong buổi thảo luận về giảng văn ở ĐHKHXH&NV, thầy Hoàng Như Mai kể chuyện nửa thế kỷ trước, thầy và các trí thức cùng lứa, hầu hết là giáo viên trung học, "được gọi" lên dạy đại học và được giao nhiệm vụ soạn chương trình giảng văn (từ A đến Z trên nền con số 0) Thầy nói việc đó quá sức mình, nhưng mỗi người phải tự vươn mình lên "cho đất nước lớn lên", và thầy đã nghĩ ra mười bài văn học đương đại đưa vào chương trình. Thầy nói "mười bài ấy trụ được trên giảng đường khá lâu, đến nay hình như vẫn còn, và như vậy là quá lâu, cần phải thay đổi đi chứ." Mình chưa được học trong lớp với thầy Hoàng Như Mai, chỉ có may mắn thỉnh thoảng tiếp xúc thầy trong hai ba chục năm qua, thưở thầy còn "trẻ", khoảng sáu bảy chục tuổi. Nay thầy đang tuổi chín mươi, dáng người vẫn thẳng, đi đứng vững vàng, ngồi chủ toạ buổi hội thảo suốt 4 tiếng đồng hồ không tỏ dấu hiệu mệt mỏi, và không cần ra khỏi phòng hội thảo lần nào. Điều đáng nể là thầy ngồi đó theo dõi...

Nghiên cứu và giảng dạy văn học trong một thế giới toàn cầu hoá

Đề tài “Đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy văn học ở bậc đại học và sau đại học” hấp dẫn tôi đến cuộc hội thảo này. Tôi chưa từng giảng dạy văn học bằng tíêng Việt ở đại học Việt Nam, mặc dù thỉnh thoảng tôi có nói chuyện về văn học Việt Nam bằng tiếng Anh ở đại học nước ngoài. Cái kinh nghiệm và thiếu kinh nghiệm cá nhân trong lĩnh vực này khiến tôi có được sự liều lĩnh “điếc không sợ súng” để chọn đề tài tham luận “nghiên cứu và giảng dạy văn học trong một thế giới toàn cầu hoá.” Trong hội thảo thơ hôm trước, nhà nghiên cứu Đặng Tiến có kể chuyện một thầy giáo tiểu học ở một làng nhỏ bên Pháp dạy cho những học sinh tám tuổi một bài thơ của vua Trần Nhân Tôn. Tôi muốn kể tiếp là ở một thị trấn nhỏ trong tiểu bang Arkansas của Mỹ, trường đại học Hendrix, cổ hơn hai trăm năm, từ mùa thu 2007 đã mở một khoá học chính qui “văn học Việt Nam”. Khi tôi đến nói chuyện ở lớp này, tôi có ngạc nhiên đặt câu hỏi là “tại sao các em học văn học Việt Nam?” thì các em lại tỏ ra ngạc nhiên ...

trở mình trong máng xối

Bữa trước được Ngô Liên Khoan tặng tập thơ trở mình trong máng xối . Bữa nay đọc xong, có bài đọc hai ba lần, vui nên viết mấy điều này: - lâu lắm mới được đọc những bài thơ cũ mà không nhạt, mới mà không hợm. Cái trở mình trong máng xối từ từ, đầy ý thức, sẵn sàng cho tuôn tràn. - Cũ như: Tôi, hạt lúa sót lại sau vụ gặt Vẫn âm thầm phơi nắng, phơi sương mà không nhạt: Em yêu ai mà khóc ngoài ruộng vắng Mình cùng nhau một nỗi buồn lẻ loi - Mới như: Giữa nghìn ánh điện đêm Cây Biết nghiêng mình về hướng nào mà hắt bóng? Chỉ là cái bóng thôi Nhưng đêm lại đêm Cây dày vò cuống lá mà không hợm: Một ban mai Mỉm cười (Những dòng italic là thơ Ngô Liên Khoan, trích từ tập trở mình trong máng xối , NXB Hội Nhà Văn, 2007.)

chuyện sáng nay

em xoè tay xin lòng bàn tay lem luốc bụi bặm lắng đọng thành những đường chỉ tay đen tôi đưa em khăn thơm ướp lạnh lau tay đi và ngồi xuống đây ăn với tôi tô mì nóng em không chờ không thổi ăn như không chắc nó có thực trên đời rồi ngước nhìn những ánh mắt chung quanh em tuột xuống ghế chạy a lại đám trẻ vé số đánh giày đang bu tới thảng thốt phân trần “có một bà điên…” tôi xoè tay xin thơ chữ nghĩa lem nhem lắng đọng như cặn dưới đáy tô mì bị tạt xuống cống

Thơ và tiến bộ khoa học kỷ thuật

Tôi thường phải chờ đợi ở những phi cảng, khung cảnh thường thấy là những người chung quanh mải miết chuyện trò với cái điện thoại di động. Tôi đã ương bướng trì hoãn việc trang bị cho mình một cái, vì một nỗi sợ hãi mà tôi cũng đã ương bướng chối cãi: kè kè cái điện thoại bên mình, tôi gọi cho ai, ai gọi cho tôi? Điều sợ hãi đó bây giờ đã trở thành hiện thực, cái điện thoại reo lúc tôi đang đi đường, đang say sưa tranh luận, đang tập trung suy tư, còn những lúc tôi hoàn toàn trống vắng, cả trong lẫn ngoài, thèm một cuộc chuyện trò, khát một sự sẻ chia, thì tôi cầm cái điện thoại trong tay, dò đi dò lại cái danh sách, cuối cùng không biết gọi ai. Tôi kể câu chuyện này không nhằm ngụ ngôn rằng: kỷ thuật không phải là giải pháp cho nỗi cô độc, mà nhằm dẫn đề vào mối liên hệ giữa kỷ thuật và thơ ca đương thời. Vào những khoảnh khắc hiếm hoi, những “thời gian lẻ” giữa những lốc thời gian cố định cho học tập, mưu sinh, tranh sống…, người ta thường rơi vào một tâm trạng rất riêng tư, một cảm...

trồng đâu ăn đó

Bài này có thể tìm thấy ở đây , nhưng vì đã bị đổi tựa lẫn tên tác giả ở cuối bài, khúc giữa bài lại mất tiêu, nên mình dán nguyên văn bài viết lại đây. Ảnh minh hoạ cùng chú thích và "LTS" ngụ ý Lý Lan bị ... khùng hay sao mà đi ngược luồng "toàn cầu hoá". Ai biểu mình tài lanh vậy cà? Trồng đâu ăn đó Tôi chào đời giữa mùa sầu riêng chín, ba tôi là “ông Sầu Riêng”. Khoảng nửa thế kỷ trước ba tôi là người mua sĩ trái cây ở xứ vườn đem về bán lẻ ở Chợ Lớn. Dân Chợ Lớn mê sầu riêng, giá đắt cỡ nào cũng ăn. Mùa sầu riêng ba tôi làm ăn khá lắm, trúng một mùa có thể đủ xài cả năm, nên ông dốc toàn lực vào mấy tháng sầu riêng chín, làm quần quật từ lúc tinh mơ khi nhà vườn chở sầu riêng lên, cho đến nửa đêm bán nốt trái cuối cùng. Tất cả những việc khác đều đợi hết mùa rồi “thủng thẳng tính tới”. Vậy mà giữa lúc sầu riêng chín rộ má sanh tôi. Từ đó tiểu sử tôi được biên niên theo từng mùa sầu riêng chín: năm tôi lên sởi sầu riêng Xuân Lộc bị thất mùa, năm sau sầu riên...

dấu xuân

Hình ảnh
Tấm hình này được gởi từ Bellingham, kèm ghi chú: "Tuyết đã tan, chỉ chờ chút nắng lên là hoa giọt tuyết nở..." Ở đây hết tết rồi, và ở đó mùa xuân sắp đến. Hồi Noel, tụi này lái xe đi Portland thăm má chồng, đường đầy xe và thiên hạ chạy như điên, xe tụi này hun đít một chiếc xe khác, bị bể đầu móp mặt. Hãng bảo hiểm nhắm tiền sửa xe nhiều hơn tiền bồi thường cả chiếc xe, nhưng tụi này thương cái xe lắm, không đành để nó thành đống sắt vụn, nên đòi sửa lại, chứ không chịu lãnh tiền mua xe mới. Bữa nay nó được sửa xong rồi đây. Nó đã chở tụi này đi băng ngang rồi băng dọc nước Mỹ hai lần, còn đi lung tung thì vô số lần. Tổng cộng số dặm nó đã chạy là 200 ngàn dặm. Tụi này đặt tên cho nó là Old Faithful. Một tháng qua, xe hư, vợ đi vắng, ông tiến sĩ chồng bèn ngủ đông, nay xe đã sửa ngon lành, hoa đang lăm le nở, mà vợ vẫn còn đi vắng, a ha!

thơ viết vào ngày Valentine

vạn dặm vạn dặm là xa lắm mỗi bước chân tất tả đi tìm vượt được ba tấc không gian trông ngóng năm chục triệu bước chân mới đi qua vạn dặm trăm năm mới đi hết khoảng cách này xa lắm là bề rộng đại dương chiều dài đại lục khi người ngoảnh đi là đã vạn dặm xa nhau. khi người tìm nhau thì dẫu trăm năm từng bước tìm hoài

cà phê dịch

từ 8 đến 10 giờ sáng chủ nhật, 17 tháng 2 năm 2008, anh chị em nào rảnh thì ghé qua quán cà phê trong khuôn viên Văn Lang ở góc đường An Dương Vương - Hùng Vương (vào cổng bên đường An Dương Vuơng)để tám chuyện dịch thuật cho vui. Tôi đã xong cái tiểu thuyết đàn bà rồi, nên chuẩn bị làm chuyện dịch thuật. Đang có 3 kế hoạch bự như cái bồ: - Dịch một tuyển tập truyện ngắn nữ tác giả Việt Nam sang tíêng Anh (đang tiến hành khả quan, có thể hoàn tất vào cuối tháng 3/2008) - Dịch một bộ truyện từ tíêng Anh sang tíêng Việt (bí mật, vì NXB sợ cạnh tranh) - Tám về dịch thuật (open cho mọi người tham gia, về bất cứ cái gì có liên quan tới dịch thuật, từ Harry Potter cho đến thơ thẩn, nếu sau này có phát sinh lợi nhuận sẽ có chia chác.) Anh chị em cứ tới quán cà phê, thấy một người đàn bà 50 tuổi, tóc ngắn (mới cắt), mặc áo thun đen, mặt mũi giống giống hình chụp dán trên blog này, thì chắc là Lý Lan đó, cứ xáp vô. Hoan hỉ chào mời.

trích đoạn

Con đàn bà hồn nhiên bơi lội dưới sông, có lúc nó đứng nước nhìn về phía người đàn ông. Bỗng nhiên người đàn ông giật mình. Nó thấy ông rồi! Con đàn bà không bỏ chạy. Nó thậm chí không tỏ vẻ bất ngờ hay sợ sệt gì cả. Người đàn ông giật mình lần nữa. Sao ông vẫn ngồi yên? Dẫu gì nó cũng là một con đàn bà, và ông là một người đàn ông. Sao ông cứ ngồi ngây ra nhìn một con đàn bà trần truồng? Ông xấu hổ quay mặt đi. Cho dù cái giá trị cao nhứt trong hệ thống đạo đức mà ông được giáo dưỡng là nghĩa quân thần đã bị ông quẳng trôi sông khi một mình một kiếm lẳng lặng rời bỏ chiến trường, con người ông vẫn chưa gột hết những nề nếp Nho gia đã thâm căn cố đế. Nhưng không áo không khăn, chỉ vận mỗi cái khố, người đàn ông không làm sao tạo được vẻ đạo mạo, tự tin. Gió thổi hiu hiu. Nước reo róc rách. Người đàn ông ngoảnh mặt lại, thấy con đàn bà đang khoát nước tiến về phía ông. Ông đứng bật dậy, kiếm lăm lăm giơ lên. Con đàn bà vẫn thong dong khoát nước tiến vào bờ. Khi nó trồi cả thân hình lên...

tiểu thuyết đàn bà

Đành coi như xong. Chứ coi tới coi lui rồi thế nào cũng sửa lui sửa tới, và sẽ không bao giờ nó ra đời được. Mình phải tự nhủ đây không phải là cuốn tiểu thuyết cuối cùng mà mình viết, cái gì viết chưa đã trong cái này mình sẽ viết trong cái sau, cái gì đã hình thành nên cái này rồi, mình phải chấp nhận như tầm vóc thực của nó. Dở hay cũng ráng chịu. Chấm một cái cuối cùng. Đưa nó qua nhà xuất bản. Từ hôm nay số phận nó ở trong tay người khác. Mình đừng nghĩ đến nó nữa, cho đỡ hồi hộp, cho đỡ lo lắng.

hoạ thơ xuân

Anh Trương Đình hiển gởi một bài thơ xuân của một người học trò và bài thơ anh hoạ lại, để đăng trên blog cho vui. Bài thơ Xuân của Thoai Lien: Huơng Xuân như lãng vãng đâu đây, Kẹo, mứt, bánh chung... lắm chỗ bày. Trời Việt, mai vàng đơm trước ngõ Phương Tây, tuyết trắng trải thãm mây! Bạn bè quê cũ nhôn nhao chúc, Huynh đệ bên ni mãi miết cày! Tết đến bên Tây, không được nghỉ! D?m dành ngày phép... sống theo Tây! Bài thơ họa của Trương Đình Hiển: Ngọn gió xuân nào thổi đến đây? Đầu tư, hội nhập đủ trò bày Quan trên hỉ hả rung đùi ký Cấp dưới khề khà nhậu tới mây Xóa đói, giảm nghèo trên khẩu hiêu. Dời nhà, lấp... ruộng khổ dân cày Chén cơm, manh áo ngày thêm khó Tết tới không tiền : uống gió Tây./.

hết tết

Hình ảnh
Loay hoay làm cái slideshow Tết con chuột, hì hục upload hình lên picasa đã đời, thì bị "rớt mạng" - từ mới học được, chỉ tình trạng internet vẫn trong tình trạng "connected" mà cứ ỳ ra, không nhúc nhích cục cựa gì hết. Bây giờ mạng được lượm lên rồi, nhưng mấy cái hình thì không biết rớt vô đâu mà mất tiêu luôn. Thôi thì dán mớ còn lại lên đây. Mấy hình này chụp vào chiều ba mươi và lai rai mùng một, mùng hai, mùng ba Tết. Mai ơi, nở chi mà rực rở vậy? (Mấy hình trên chụp ở ven kinh Tàu Hủ, cầu chữ U,bến Bình Đông.)

mùng hai

Cô thợ cắt tóc cho mình hôm trước Tết có nói: trước Tết mới vui, chứ Tết rồi đâu còn vui nữa? Cô ấy xấp xỉ tuổi mình, làm nghề cắt tóc từ hồi nào đến giờ, và Tết có nghĩa là từ rằm tháng chạp đến chiều ba mươi có nhiều khách, thù lao tăng, "boa" khá, kiếm được nhiều tiền nhứt trong năm. Đến mấy ngày Tết cô ấy chỉ ăn và ngủ cho lại sức. Rồi lại lai rai cắt tóc suốt năm đến rằm tháng chạp thì cơn phấn khích kiếm tiền Tết lại trổi lên điệp khúc hy vọng phát tài. Ba mình cũng như cô thợ ấy. Ông buôn bán lẻ quanh năm, hôm nào bán đắt nhứt ông cũng biết bán hết xe hàng rong thì lời cao lắm là được bao nhiêu tiền. Cơ hội phát tài duy nhứt là dịp Tết, khi người mua sắm có thể hào phóng hơn ngày thường. Và không cần trí tưởng tượng cao siêu lắm để hình dung một cô thợ cắt tóc hay một người bán hàng rong "hốt bạc" cỡ nào trong mươi ngày "cao điểm mua sắm" trước Tết. Có những người mà dịch vụ hay món hàng mà họ sống nhờ quanh năm lại không phải là nhu cầu trong...

Tết!

Hình ảnh

ba mươi Tết

Hình ảnh
Ngoài đừơng các xe lân sư rồng đang chạy qua chạy lại, không phải chạy như mắc cữi, nhưng cứ nửa tiếng mừơi lăm phút lại nghe trống và phèng la gióng inh ỏi khi có một đoàn lân qua ngã tư. Cứ mỗi khi xe lân qua ngã tư thì phải đánh chập choãng và trống, lệ là vậy, nhà mình ngay ngã tư, nghe đến phát tức ngực. Sáng sớm đi chợ, chỉ mua rau trái. Bà bán rau này giống bà ngoại mình lắm. Bà bán cho mình 7.000 đồng rau thơm và xà lách một bó tổ tướng, về lặt ra được một rổ bự năm người ăn không hết. Đi lòng vòng chỉ thấy có hai chỗ còn bán bánh tổ. 38" /> Gặp hai bà cháu này ở Đồng Phú, Vĩnh Long, bày quít và bưởi bên lề đường bán. Ngày thường bà đi mần mướn, gần tết nghe bà Ba rủ lên Sài Gòn phụ bán chợ Tết từ mùng mười cho tới hăm lăm, được 500.000 đồng, nhưng tiền xe đi về hết 100.000 ngàn đồng. Bà bèn đem số tiền còn lại làm vốn, mua quít bưởi ở vườn trở lên đây bán, hy vọng đồng vốn đẻ thêm đồng lời. Có thằng cháu ngoại 11 tuổi được nghỉ Tết đi theo bà ngoại phụ tay phụ chân. H...

hăm chín Tết

Hình ảnh
Sáng nay bỗng thấy góc đường Hùng Vương - Nguyễn Tri Phương bày hoa trên lề đường. Những thứ hoa mình thương nhứt: vạn thọ , mồng gà. Những người bán nhìn là biết chân quê. Hình như họ đến hồi khuya, vì hồi chiều hồm qua mình vẫn chưa thấy họ. Hoa tươi rạng rỡ nhưng nét mặt và dáng vẻ họ thì hơi bơ phờ. Nhưng họ hiền lắm, mới sáng sớm, chưa ai mở hàng, mà có một bà cầm máy lúi lúi chụp hình, họ cũng không nói gì, mình xin phép, họ chỉ nhoẻn miệng cười. Ai đi ngang góc đường này, ghé mua hoa dùm nhé.

hăm tám Tết

Hình ảnh
Đi hội hoa xuân hôm qua rồi, bữa nay không biết đi đâu chơi nữa. Tết nhứt người ta bận túa lua xua. Hồi xưa gần tết mình cũng chạy ngược chạy xuôi như mọi người, bây giờ khỏi cần nữa, vì đã quyết định phá bỏ một số "tục lệ". Việc mua sắm Tết là niềm vui cả nhà mình để dành cho ba. Mấy năm sau này ba có niềm vui "đi siêu thị khỏi đem tiền". Mình nhớ lần đầu tiên đưa ba cái phiếu mua đồ trị giá 100.000 đồng, nói với ba là cứ vô siêu thị lựa đồ thoải mái, tính sao cho đủ 100.000 đồng thì khỏi đem theo tiền. Hồi đó 100.000 đồng còn lớn, ba mua nào nước ngọt, nào bánh tây trong hộp giấy, những thứ không mắc lắm, nên mua được một đống đồ vĩ đại. Hồi đó ba cũng còn khoẻ, xách cả đống đồ đó lên lầu mà mà vẫn tươi tỉnh, cười nói vui vẻ, kể chuyện người ta đông đúc ra sao, siêu thị bán cái gì, sướng nhứt là mua nhiêu đây đồ mà không phải trả tiền. Những Tết sau đó, mình dặn em mình ráng kiếm mấy cái phiếu mua quà đó, nếu cơ quan nó không phát tặng nữa thì nhờ nó đi mua lại, đ...

hoa xuân

Hình ảnh
Hăm lăm còn là hăm lăm tháng Chạp, nhưng qua hăm bảy thì thành hăm bảy Tết. Thôi Tết rồi, dẹp công việc đi chơi hội hoa xuân. Có cảm giác là mấy cây mai cây sứ hình như là cây năm ngoái mình có làm quen rồi, năm nay gặp lại, tuy hoa mới nhưng vẫn hồn năm cũ. Lan và bonsai cũng vậy. Đi vòng vòng gặp mấy cây sim, mua, me, mừng quá. Mấy thứ cây ...dại ở quê mình, ai đó đã chăm chút trồng trong chậu, trông dáng cây chắc là lâu năm lắm rồi. Cái chậu con chật chội, vậy mà cây cũng chịu khó sống, cũng trổ bông, kết trái. A, có cây định lăng nữa nè. Hồi xưa vườn nhà ngoại có hàng rào đinh lăng, có dây tơ hồng rải đầy trên mặt rào (hay tơ vàng? vì màu vàng óng ả) Nhưng khoái nhứt là mấy cây chuối cao này, chuối trong chậu mà cũng trổ quày kết trái. Nó khiến mình loé lên hy vọng sẽ có ngày trồng chuối trong nhà ở Bellingham. Dán đỡ mấy cái hình lên đây, những hình còn lại mai làm slideshow cho bà con thưởng thức. Bây giờ mới đi chơi về, mệt quá.

xôi khoai

Sáng nay ăn gói xôi nếp than cúôi cùng của năm con heo vàng. Bà bán xôi sẽ nghỉ Tết từ mai cho đến mùng mười, lý do: sinh viên học sinh nghỉ học rồi, bán xôi ế quá. Bà bán xôi nếp than, xôi đậu phộng, xôi mặn (có thịt chà bông, lạp xưởng), chè đậu, xôi bắp. Gói xôi nhỏ 3.000 đồng, gói xôi lớn 5.000, bịch chè 2.000. Ngày mai đành phải tăng tiêu chuẩn ăn sáng lên nếu bà bán khoai cũng nghỉ Tết. Năm ngàn hoặc ba ngàn thì vẫn mua được mấy củ khoai lang, khoai môn, hay khoai mì luộc. Nhưng bánh mì thịt 8.000 đồng một ổ, hủ tíêu Nam Vang 20.000 một tô. Nhớ đâu hơn mười năm trước, ông bạn bên tây về sáng sáng đi rảo quanh khu trường học ở góc An Dương Vương - Nguyễn Văn Cừ, mua xôi, mua khoai, mua bắp để ăn sáng, còn hỏi han người bán hàng, tỉ mỉ ghi chú vô sổ tay. Lý do: ở bên tây ổng có dạy lớp văn hoá và tiếng Việt ở trường đại học, sinh viên là những người sắp qua Việt Nam, để làm ăn, du lịch, hay nghiên cứu học hỏi gì đó. Vì vậy ông về đây để “điều nghiên” giá cả và thực tế đời sống. Hồ...

old faithful

Công việc thì tùm lum, mà ai rủ đi chơi cũng đi, ai xúi làm gì cũng thử. Nghe lời DV vô clip.vn đăng ký một tài khoản, thử đăng một đoạn video quay cảnh suối phun nước nóng Old Faithful hồi đi chơi ở Yellowstone National Park. Nó chê cái file đó hổng đúng kiểu. Mình bèn tìm cách đổi nó cho phù hợp mấy kiểu nó yêu cầu. Download 1 phần mềm để convert, thì nó bảo phải mua, hổng mua nó chỉ cho thử convert 50% thôi. Kệ, 50% cũng đủ xài. Sau khi đổi kiểu file mình bèn hí hửng đăng lên clip. Tải lên rồi nó biểu chờ nó kiểm duyệt! Chờ hoài hổng thấy gì hết,hổng biết ai kiểm duyệt, và kiểm như thế nào, tiêu chuẩn nào. Mình dị ứng với mọi thứ kiểm duyệt, đôi khi phải giả ngu không biết nếu lâm vào tình huống không thể thoát được. Vụ này không biết trước, bây giờ chờ thử coi sao, rồi mai mốt không thèm xài nữa. Bây giờ nó vẫn cứ ỳ ra, cũng chẳng thấy meo miếc gì mà nó hứa gởi. Không biết làm sao nữa. Ngán rồi. Thấy phía trên chỗ viết blog này có cái icon nhỏ để chiếu video trên blog, bèn thử coi ...