trồng đâu ăn đó

Bài này có thể tìm thấy ở đây , nhưng vì đã bị đổi tựa lẫn tên tác giả ở cuối bài, khúc giữa bài lại mất tiêu, nên mình dán nguyên văn bài viết lại đây. Ảnh minh hoạ cùng chú thích và "LTS" ngụ ý Lý Lan bị ... khùng hay sao mà đi ngược luồng "toàn cầu hoá". Ai biểu mình tài lanh vậy cà?

Trồng đâu ăn đó

Tôi chào đời giữa mùa sầu riêng chín, ba tôi là “ông Sầu Riêng”. Khoảng nửa thế kỷ trước ba tôi là người mua sĩ trái cây ở xứ vườn đem về bán lẻ ở Chợ Lớn. Dân Chợ Lớn mê sầu riêng, giá đắt cỡ nào cũng ăn. Mùa sầu riêng ba tôi làm ăn khá lắm, trúng một mùa có thể đủ xài cả năm, nên ông dốc toàn lực vào mấy tháng sầu riêng chín, làm quần quật từ lúc tinh mơ khi nhà vườn chở sầu riêng lên, cho đến nửa đêm bán nốt trái cuối cùng. Tất cả những việc khác đều đợi hết mùa rồi “thủng thẳng tính tới”. Vậy mà giữa lúc sầu riêng chín rộ má sanh tôi. Từ đó tiểu sử tôi được biên niên theo từng mùa sầu riêng chín: năm tôi lên sởi sầu riêng Xuân Lộc bị thất mùa, năm sau sầu riêng Lái Thiêu trúng mùa tôi vào học trường Chợ Quán, năm tôi đi thi đệ thất, sầu riêng Long Khánh không xúông Sài Gòn được vì chiến trận ở miền đông sôi động.
Ba tôi biết lai lịch tất cả những trái sầu riêng ông bán. Đơn giản vì đó là bí quyết kinh doanh: sầu riêng ngày xưa không phải “trái nào như trái nấy”, có những trái hương vị đặc biệt, người sành ăn đã nếm qua rồi thì thèm thuồng và nhớ hoài, có những trái thường thường, ai ăn cũng ngon, và có những trái dở ẹt. Sầu riêng ngày xưa cây nào ra trái nấy, có một cây má tôi trồng, trái nào cũng đèo, mỗi trái chỉ có đúng hai múi. Người sống bằng sầu riêng như ba tôi thường đi đến tận vườn mua mão khi sầu riêng còn non chẹt trên cây, phải có con mắt và kinh nghiệm nhà nghề để biết cây nào ra trái ngon có hương vị đặc biệt mà khách hàng của mình thích, vì không chỉ mỗi cây sầu riêng có hương vị riêng mà mỗi khách sành ăn đều có khẩu vị riêng. Ở đỉnh cao nghề lựa sầu riêng của ba tôi, ông lùng sục tất cả những vườn trồng sầu riêng ở miền Đông, phân biệt được trái sầu riêng nào của cây nào mọc ở đâu ai trồng trọt tưới bón bằng gì. Người bán thường thường có thể giới thiệu với khách đây là sầu riêng Lái Thiêu ngon nổi tiếng, bao ăn. Ba tôi thì khi đưa trái sầu riêng cho khách, ông nói đích xác trái này hái hôm qua trên cây sầu riêng gần gốc mù u vườn nhà Ba Dẹo ở Cầu Sắt.
Những khách sành ăn sầu riêng của ba tôi ngày nay không còn, nếu còn họ ắt sẽ có cảm giác kinh dị như tôi khi đứng trước những trái sầu riêng xếp trên quầy siêu thị hôm nay. Dù đang tháng hai tháng tư hay tháng chín tháng mười một đều có sầu riêng bày bán, giá cả không đắt lắm so với sầu riêng giữa mùa. Tôi không biết những trái sầu riêng đó đã được biến đổi gien thế nào cho có mùi thơm “trung dung”, mà cây trồng ở miền đông, miền tây, hay Cambốt, Thái Lan, hay châu Phi, Trung Mỹ? Cây đã bị phun thuốc gì để trổ bông ngược chu kỳ tư nhiên? Trái đậu rồi bị bón thúc thế nào để lớn nhanh dày thịt? Trái hái rồi bị tẩm chất bảo quản ra sao để hai ba hay bốn năm tháng sau mới chín? Ba tôi thực ra không còn băn khoăn những điều đó, ông đã rút lui khỏi nghề mua bán sầu riêng ba chục năm rồi, nỗi hào hứng say sưa mỗi mùa sầu riêng chín không còn bén lửa trong lòng ông nữa. Bây giờ sầu riêng, như hầu hết trái cây khác, bán quanh năm, không ai biết chúng chín mùa nào, và cũng ít ai ngày nay bận tâm cái mình ăn xuất xứ từ đâu.
Ngành kinh doanh thực phẩm được “toàn cầu hoá” nhanh chóng, chứng tỏ được ưu thế và phổ biến đến nỗi ít ai thấy kỳ quái cái chuyện mình đang ăn món cá nhập từ đâu đó, còn cá xứ mình đang len lách tìm chỗ đâu đó trên thị trường thế giới. Ngay trong một nước, Mỹ chẳng hạn, nghịch lý tương tự cũng là bình thường: tiểu bang tôi ở, Washington, là xứ trồng táo nhiều vô kể, táo hái xong đóng thùng chở đi đâu tôi không biết, ra siêu thị chỉ thấy đủ loại táo ở đâu đó chở tới, muốn mua được táo địa phương thì phải ra chợ nông dân hay mấy cửa hàng ủng hộ phong trào “eat local” (ăn địa phương), nơi có những quầy hàng ghi rõ “local grown” (trồng ở địa phương.)
Phong trào “ăn địa phương” hay “trồng đâu ăn đó” đang được tầng lớp trung lưu phương Tây hưởng ứng nên có triển vọng lan toả rộng. Phong trào này cổ vũ người ta tìm biết lai lịch thực phẩm mình ăn và chọn ăn những thứ được nuôi trồng hay sản xuất trong phạm vi 50 dặm quanh chỗ mình ở. Tại sao? Trước nhất vì ngon và bỗ: thời gian vận chuyển từ chỗ sản xuất đến bàn ăn ngắn thì thực phẩm còn tươi ngon và giữ được tối đa chất dinh dưỡng, nhất là sinh tố và vi khoáng. Biết được lai lịch thực phẩm để chọn thứ không bị biến đổi gien, không qua chế biến bảo quản bằng hoá chất độc hại, hay sản xuất trong hoàn cảnh vô nhân đạo, hại môi trường. “Trồng đâu ăn đó” tất nhiên có lợi cho nông dân địa phương, đặc biệt tiểu nông. Và do hiệu ứng gián tiếp, “trồng đâu ăn đó” góp phần cải thiện môi trường thiên nhiên, phát triển tinh thần cộng đồng, và củng cố đặc sắc văn hoá địa phương. Ấy là hô hào của những người chủ trương phong trào.
Một phong trào đi ngược lại làn sóng “toàn cầu hoá” liệu có thay đổi được gì? Và trước nhứt có lợi, hay hại, cho dân xứ mình? Đâu phải dân xứ giàu xướng lên phong trào gì mình cũng ráng theo cho có vẻ hội nhập và ngang tầm thế giới. Hay là tôi lạc đề khi quẹo từ trái sầu riêng Lái Thiêu qua trái táo Washington? Chẳng là vì tôi vừa đi chợ nông dân và gặp một ông trồng táo đứng giữa mấy chục thùng táo đủ loại khác nhau hái từ vườn nhà ông. Ông say sưa giới thiệu đặc điểm từng loại táo thích hợp cho chế biến các thực đơn khác nhau. Dân làm vườn tay mơ đem táo vườn họ đến đưa ông nhờ giám định, ông cầm trái táo đưa lên mũi hít một hơi sâu mắt nhắm lại vài giây rồi mở ra lấp lánh nét reo mừng, ông nói một hơi về lai lịch trái táo với vẻ mặt làm tôi liên tưởng ngay đến ba tôi khi ông hít hà trái sầu riêng. Những người như ba tôi và ông già táo này đều còn rất ít ở cả hai bờ Thái Bình Dương. Ông già táo giữ được vườn táo đặc sản không bị nhập vô những đồn điền táo công nghiệp là nhờ mấy phong trào “ăn địa phương” và mấy chợ nông dân nơi họ bán sản phẩm trực tiếp cho người dân trong vùng. Tôi liên tưởng đến những ông quít, ông cam, ông chuối, ông xoài, ông ổi ở xứ mình. Tôi từng gặp những ông đó ở những mảnh vườn im mát miền tây, họ am hiểu quít cam xoài ổi họ trồng, những thứ trái ngon nhứt mà họ từng mời tôi ăn. Bây giờ họ ra sao? Họ làm cách nào để tồn tại một cách tự hào chính đáng trước những quít cam Trung quốc xoài ổi Thái lan?
Chắc ở một tầm kinh tế vĩ mô nào đó, nông dân xứ mình phải nhìn ra thị trường thế giới, chuyển đổi cây trồng, nhập máy móc, nguyên liệu, giống má, sản xuất theo đặt hàng nào đó hay tiêu chuẩn nào đó, để xuất khẩu, để cạnh tranh hay hội nhập gì đó, tôi không dám lạm bàn đến vấn đề to tát này. Nhưng ở tầm cá nhân của một người thích ăn tươi ngon bỗ, thích đặc sản xứ mình, thích bản sắc văn hoá nông dân mình, tôi viết ra điều này mong tìm người đồng điệu, tìm những ông quít , ông xoài, ông sầu riêng, ông măng cụt, để hy vọng lại được thưởng thức vị ngọt lịm thơm tho của múi quít đường, miếng xoài cát, múi sầu riêng… thứ thiệt, mong mình làm được gì đó hổ trợ những ông quít ông xoài và san sẻ cái sứơng ăn địa phương với người mình.

Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222