thầy Hoàng Như Mai


Trong buổi thảo luận về giảng văn ở ĐHKHXH&NV, thầy Hoàng Như Mai kể chuyện nửa thế kỷ trước, thầy và các trí thức cùng lứa, hầu hết là giáo viên trung học, "được gọi" lên dạy đại học và được giao nhiệm vụ soạn chương trình giảng văn (từ A đến Z trên nền con số 0) Thầy nói việc đó quá sức mình, nhưng mỗi người phải tự vươn mình lên "cho đất nước lớn lên", và thầy đã nghĩ ra mười bài văn học đương đại đưa vào chương trình. Thầy nói "mười bài ấy trụ được trên giảng đường khá lâu, đến nay hình như vẫn còn, và như vậy là quá lâu, cần phải thay đổi đi chứ."
Mình chưa được học trong lớp với thầy Hoàng Như Mai, chỉ có may mắn thỉnh thoảng tiếp xúc thầy trong hai ba chục năm qua, thưở thầy còn "trẻ", khoảng sáu bảy chục tuổi. Nay thầy đang tuổi chín mươi, dáng người vẫn thẳng, đi đứng vững vàng, ngồi chủ toạ buổi hội thảo suốt 4 tiếng đồng hồ không tỏ dấu hiệu mệt mỏi, và không cần ra khỏi phòng hội thảo lần nào. Điều đáng nể là thầy ngồi đó theo dõi toàn bộ cuộc hội thảo, không ghi chép, nhưng khi phát biểu, thầy điểm lại chính xác ý những người đã nói trước để nhận xét và thảo luận, nêu ý kiến của mình một cách mạch lạc bằng giọng nói thong thả rõ ràng, không lập đi lập lại, không lòng vòng, chứng tỏ một trí tuệ minh mẫn, và ý thức rõ mình đang nói điều gì.
Sau khi kể chuyện nửa thế kỷ trước, thầy Hoàng Như Mai nói đến hiện tại và tương lai. Thầy đề xuất việc đại chúng hoá văn học: Môn văn nên mở rộng cho bất cứ ai muốn học , thậm chí mời bất cứ ai muốn dạy nếu có khả năng dạy. Thầy kể chuyện thầy gặp một nữ doanh nhân đi học văn, thầy hỏi sao không học các ngành kỷ nghệ hay quản trị mà lại học văn, chị giám đốc ấy trả lời: có học những ngành chuyên môn rồi, đi học văn là để biết (văn chương) giao thiệp, để hiểu biết con người. Với mục đích đó thì thầy Hoàng Như Mai cho rằng ai cũng cần học văn.
Mình có ông bạn nhà thơ và giáo sư Nhân văn trường đại học Clarkson (New York) tên là Joseph Duemer. Có lần ông mời mình đến nói chuyện thơ Việt nam ở lớp của ông, hầu hết sinh viên trong lớp chọn các ngành khoa học kỷ thuật là môn chính (major). Các em học văn thơ không do bắt buộc mà vì hứng thú và nhu cầu của bản thân. Và mình nghĩ, cũng vì người thầy luôn tìm mọi cách để làm cho lớp học của mình hấp dẫn, hữu ích, như mời các nhà văn nhà thơ đến tranh luận, đưa ra những vấn đề nóng , khuyến khích trí tưởng tượng và sáng tạo của sinh viên, vv.
Ở các đại học Việt Nam, thậm chí giữa các khoa trong một trường, vẫn chưa phổ biến sự "liên thông" cho phép sinh viên khoa này chọn học lớp ở khoa khác hoặc trường khác theo nhu cầu tìm hiểu của riêng mình. Nên đề xuất của thầy Hoàng Như Mai được hội nghị tiếp thu với thái độ "kính nhi viễn chi", coi bộ chuyện đó còn xa vời, ngoài tầm tay với, khoan bàn luận vội. Hiện thực ở khoa văn là ngoài 10-20% sinh viên xuất sắc có đam mê và năng khiếu, còn lại là những em "không thi được vô đâu khác khoa văn", với 60-70% sinh viên đến từ các tỉnh xa thành phố, và 50% khó khăn tài chánh cần trợ giúp học phí (theo thầy trưởng khoa Đoàn lê Giang), thì khoa văn hiện chỉ có hai chương trình là "cử nhân tài năng" và "cử nhân thường" - một chương trình thầy trò dốc tâm huyết ra dạy và học lẫn nhau, một chương trình thầy ráng dạy trò ráng học cho xong - việc đại chúng hoá môn văn, thậm chí mở rộng các lớp văn cho sinh viên các khoa khác theo học, dẫu muốn thực hiện cũng còn nhiêu khê lắm.
Ở tuổi chín mươi, nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của thầy Hoàng Như Mai đối với công việc giảng văn có lẽ không kém gì những thầy cô chỉ bằng một phần hai, một phần ba tuổi tác của thầy. Tuy có người nói là khi không làm được nữa người ta nói hăng lắm, nhưng một người trí thức bình tĩnh nói trước một hội nghị giảng văn ở đại học rằng cái đã làm nên danh tiếng và sự nghiêp ban đầu của tôi không phải là chuẩn mực vĩnh viễn đâu, không còn hợp thời nữa, các anh chị hãy thay đổi nó đi; thì việc nói đó là một hành động tích cực, và cần một lương tri để hành động như vậy.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222