mùng hai

Cô thợ cắt tóc cho mình hôm trước Tết có nói: trước Tết mới vui, chứ Tết rồi đâu còn vui nữa? Cô ấy xấp xỉ tuổi mình, làm nghề cắt tóc từ hồi nào đến giờ, và Tết có nghĩa là từ rằm tháng chạp đến chiều ba mươi có nhiều khách, thù lao tăng, "boa" khá, kiếm được nhiều tiền nhứt trong năm. Đến mấy ngày Tết cô ấy chỉ ăn và ngủ cho lại sức. Rồi lại lai rai cắt tóc suốt năm đến rằm tháng chạp thì cơn phấn khích kiếm tiền Tết lại trổi lên điệp khúc hy vọng phát tài.
Ba mình cũng như cô thợ ấy. Ông buôn bán lẻ quanh năm, hôm nào bán đắt nhứt ông cũng biết bán hết xe hàng rong thì lời cao lắm là được bao nhiêu tiền. Cơ hội phát tài duy nhứt là dịp Tết, khi người mua sắm có thể hào phóng hơn ngày thường. Và không cần trí tưởng tượng cao siêu lắm để hình dung một cô thợ cắt tóc hay một người bán hàng rong "hốt bạc" cỡ nào trong mươi ngày "cao điểm mua sắm" trước Tết. Có những người mà dịch vụ hay món hàng mà họ sống nhờ quanh năm lại không phải là nhu cầu trong Tết, thì Tết đến là dịp họ "bung" ra, nhảy vô những mặt hàng Tết mong kiếm chút tiền Tết, như đi bán chợ hoa, đi múa lân chẳng hạn. Tết, Tết, Tết. Là tiền? tiền? tiền? đối với những người như cô thợ cắt tóc, hay ngừơi bán rong như ba ngày xưa. Và từ xưa tới nay câu hỏi của họ vẫn còn "đợi Tết năm sau."
Hồi chiều ba mươi Tết, bạn chở đi vòng vòng Sài Gòn Chợ Lớn, để coi người ta chuẩn bị đón giao thừa tới đâu. Bạn nói năm ngoái chợ hoa ế lắm, đến giờ giao thừa bạn đi coi đốt pháo bông về vẫn còn thấy người bán cố nấn ná trên lề đường với những chậu hoa Tết chưa bán được, nhiều chỗ hoa héo đổ đống, bạn mót trong từng chậu ra vài cành hoa còn tươi, vậy mà cũng mót được nhiều đến nỗi không còn chỗ trên xe để chất. Tết năm ngoái nhà bạn đầy hoa... không tốn tiền! Năm nay bạn chở mình đi tìm lại chốn cũ thì đã vật đổi sao dời, các chợ hoa đã được dọn dẹp từ trưa. Ở tuốt bến Bình Đông và chợ hoa Lê thị Kỷ mới còn sót vài chỗ người ta cố lỳ bán được chậu nào hay chậu nấy. Một người mua bưng chậu mai ra xe được những người khác hỏi giá bao nhiêu, chị hớn hở và hãnh diện nói 40.000 đồng (chậu này hồi sáng cả trăm ngàn đồng, riêng cái chậu không cũng giá 10.000 rồi)Người ta biết giá đụng sàn rồi, chen vô lựa và cố trả xuống 35.000, 30.000. Điều rất rõ mà mình thấy là những khách hàng đó không phải tất cả đều nghèo đến mức phải chờ đại hạ giá chiêề ba mươi mới sắm nỗi chậu hoa ngày Tết. Nhiều người có lẽ như bạn mình, đơn giản là có niềm vui sắm đồ rẻ, hoặc miễn phí, có cái khoái trả được giá rẻ hơn người khác. Hoặc còn niềm vui hay lý do nào khác, mình chưa biết. Điều chắc chắn là bạn mình cũng như tất cả những người khác đều ý thức nỗi cực nhọc khổ tâm của những người bán chợ Tết ế ấy. Và bạn mình rất thương họ, lý luận rằng mình mua dùm họ, chứ vài tiếng đồng hồ nữa hoa trái đó chỉ còn nước quăng đi (có khi không biết quăng đâu cho khỏi bị phạt!)Và mình biết bạn mình thật lòng, vì bạn cũng như mình, là con cái của những người từng bán chợ Tết với tham vọng giải đáp câu hỏi tiền Tết???
Mùng một Tết gặp một người bạn khác, chị là người mà công việc phải tiếp xúc với những người mở miệng ra là nói chuyện "tiền tỷ", thậm chí "ngàn tỷ". Nói với mình thì chị nói chuyện những người bán bông ế chiều ba mươi Tết. Thì ra đâu phải có mỗi mình mình chứng kiến, tham gia, nhẫn tâm, rồi ray rứt, và buồn về chuyện đó. Người như chị có thể vét chút tiền "mua dùm" mà không trả giá thấp tàn mạt. Nhưng nếu có điều kiện, như có thể tạo ảnh hưởng dư luận qua chi phối phương tiện truyền thông hay vận động doanh nhân "tiền tỷ", thì có thể làm những điều hữu ích thiết thực lớn hơn, thí dụ: truyền bá nét đẹp hào phóng vốn có từ xưa của dân Sài Gòn: Tết nhứt thì ăn xài cho rộng rãi hào phóng, Tết mà, dân nghèo quanh năm chỉ trông mong vào ba ngày Tết.
Còn đây là giấc mơ đêm giao thừa của mình: Nhà nước, hay câu lạc bộ các đại gia "ngàn tỷ", chơi đẹp bằng cách để ra hay quyên góp một số tiền, kiểu tiền cứu trợ thiên tai đói nghèo gì đó, để trưa ba mươi Tết mua lại bằng giá gốc tất cả những hoa trái ế của chợ Tết, rồi đem tặng lại những người thực sự nghèo đến nỗi không thể mua được một bó hoa cắm trên bàn thờ ông bà. Mình có thể xung phong chỉ ra những người như vậy. Nhiều lắm. Họ cũng chỉ biết mơ như mình.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222