Bài đăng

Đang hiển thị bài đăng từ Tháng 10, 2008

Chúc mừng Hồ Khánh Vân

Hình ảnh
Sáng nay Hồ Khánh Vân đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ Từ lý thuyết phê bình nữ quyền (feminist criticism) nghiên cứu một số tác phẩm văn xuôi của các tác giả nữ Việt Nam từ năm 1990 đến nay Đây là cái mốc cắm trên con đường còn thưa thớt dấu chân những người tiên phong trong lĩnh vực lý luận và phê bình văn học nữ quyền trong giới học viện VN. Hồ Khánh Vân là thạc sĩ chuyên ngành văn học Việt Nam đầu tiên đã nghiên cứu nghiêm túc và có hiểu biết tương đối cặn kẽ về vấn đề giới trong văn học Việt Nam đương đại. Hy vọng Vân sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài này trong kế hoạch làm luận án tiến sĩ, và từ những bài viết và bài giảng của Vân, văn chương nữ quyền Việt Nam sẽ đông thêm những bước chân mạnh dạn vững vàng. Chúng ta cứ đi thì sẽ thành đường. (chú thích ảnh: Vân , mặc áo dài bông , và các sinh viên)

cuộc chiêm bao

Chộn rộn thâu đêm những chiêm bao loạn xị - người xô người dồn cục trên xe buýt thắng gấp - tiếng chửi thề nhoi nhoi đ m mày chửi ai đ m tao chửi mày - em ngoi lên tôi ngoi lên vuốt mặt nhìn nhau - trong khói bụi con đường cụt hẹp chổng mông lở loét - tôi lách lên lề anh chen lên lề vĩa hè tróc - kệ - dòng chảy ào ào chúng nó lao chúng ta lao - tại sao phải hỏi tại sao sống là sống - chiêm bao là chiêm bao kể cả ác mộng - vằn vện ảo ảnh cách cụp tiếng kéo cắt - thằng cha thợ cắt mạng cần mẫn thiệt - tỉa chỗ này xén chỗ kia liền tay - người ta cứ mọc ra lia lịa lỉa chỉa lù xù - rất có thể thằng chả để sót không ít kẻ tới số - sống nhởn nhở lẽ ra phải chết rồi - bởi vậy có thằng xung phong phụ việc không kinh qua đào tạo - xách kéo xông ra đường ì xèo cách cụp - hai lưỡi kéo cặp cổ tôi tưởng tiêu rồi nhưng thằng nhóc quát ra khỏi đây ngay mụ chiêm bao - tôi xuống trạm nhảy lên một chuyến chiêm bao khác. Đêm thì dài đường thì tối - trạm chờ xe đâu phải là chỗ để thức với lại khói bụi v...

ví dụ

ví vụ một hôm anh mở cánh cửa ra vườn sau nơi vẫn có chiếc ghế trắng trên bãi cỏ xanh dưới bóng cây anh đào nhàm đến nỗi anh không bao giờ nhìn chiếc ghế hay cành anh đào hay bãi cỏ mỗi khi cánh cửa mở ra nhưng ví dụ một hôm anh mở cửa ra vườn sau chiếc ghế trắng cây anh đào bãi cỏ không còn nữa cánh cửa mở ra khoảng trống không em chỉ muốn có em ở đó phòng khi anh chới với giật mình tự đánh rơi

Người đi xuyên tường

Vừa nhận được điện thoại Bích Ngân báo tin bên phát hành Phương Nam yêu cầu tái bản cuốn Tiểu thuyết Đàn Bà . Vui quá! Đây là lần tái bản thứ 2, nâng tổng số phát hành lên 8.000 quyển (trong vòng 8 tháng, từ lúc chính thức phát hành ở Hội sách ngày 13/3/2008) Lần tái bản này sẽ đổi hình bìa và bổ sung trong phần phụ lục bài viết của nhà văn Trần Thuỳ Mai. Mình lanh chanh đăng trước bài đó ở đây. Tựa chị Mai đặt là Lý Lan - Người đi xuyên tường (đọc Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan , nhà xb Văn Nghệ, tp Hồ Chí Minh, 2008) Tiểu thuyết bắt đầu khi một con cái hoang dã xuất hiện giữa rừng xanh , với tấm vải quàng che mông háng . Con đàn bà . Một nửa thế giới đã được biểu hiện như vậy đó , trần trụi , phơi bày tất cả tính nữ sơ khai , trước đôi mắt của nửa kia : người đàn ông. Tại sao trong khi gọi nhân vật nữ là con đàn bà , tác giả lại gọi nhân vật nam là người đàn ông ? Bởi vì cặp đôi nam nữ này thuộc về hai trình độ văn minh khác nhau. Con đàn bà “ như trái chín tỏa hương , hồn nhi...

qua cầu mới biết

Chiều chiều đứng nhìn xe cộ dưới đường. Lúc nào cũng kẹt xe, có khi cả tiếng đồng hồ, có khi vài chục phút. Mình đứng coi kẹt xe, không hay thời gian qua. Chiều hôm qua đứng coi kẹt xe mới một lúc mà thấy chóng mặt quá, vô nhà nằm nghỉ, nhìn đồng hồ mới biết mình đã đứng ở ban công hít khói xe gần nửa giờ! Mà nửa giờ đó là tính từ lúc mình tình cờ thấy một cái xe hơi muốn quẹo trái nhưng ra đến giao điểm của ngã tư thì đèn đỏ, xe ở đường cắt ngang ùa lên, chiếc xe bị kẹt giữa ngã tư, khiến các xe khác lách trái lách phải, giống như gặp 'lô cốt' ở mấy khúc đường bị đào, và rồi xe cứ ùn tới rồi kẹt lại đó, mình thực tình không hiểu tại sao. Khi mình quay vào nhà thì chiếc xe hơi 'thủ phạm' gây ra vụ kẹt xe vẫn chưa quẹo được! Mấy đêm nay trời mát vào ban đêm. Ít nhứt cũng không phải để quạt máy chạy suốt đêm. Coi lịch thì sắp hết tháng chín ta rồi. Còn ba tháng nữa là Tết. Chồng cho hay đã mua vé máy bay về đây ăn Tết, hăm tám Chạp về tới Sài Gòn. Bèn leo lên bàn cân, ...

hàng nội, hàng ngoại

Bữa kia đi ăn tiệc, thấy thực đơn ghi cá sa ba nướng, tôi vừa háo hức kêu là hồi nào giờ chưa ăn cá ba sa nướng… thì bị chủ tiệc ngắt lời đính chính: Đây là cá sa ba nhập từ nước ngoài về! Quan điểm ẩm thực của tôi là thời gian để đưa động thực vật đang sống đến bàn ăn càng ngắn càng giữ được nhiều chất dinh dưỡng và hương vị tươi ngon. Con cá ba sa còn quẫy ngoài chợ đem về chế biến ngay, theo quan điểm của tôi, phải ngon hơn con cá sa ba chết từ đời tám hoánh trong quá trình đóng gói, vận chuyển, phân phối từ nước nào đó về đây. Ấy là chưa kể những hoá chất và kỷ thuật ‘xử lý’ cá trong suốt quá trình đó dễ khiến kẻ yếu gan như tôi e sợ khả năng tích tụ chất độc lâu ngày trong người sẽ gây bệnh về già. Nhưng quan điểm của vị chủ tiệc là: cá ba sa rẻ rề, ở nhà vẫn quen ăn hoài, lâu lâu đãi tiệc, nướng nguyên một con cá ngoại nhập cho lạ miệng, có sẵn rượu tây mà. Dân ta hiếu kỳ. Cho nên thấy của lạ thì khoái thử. Đãi khách thì ưa bày món lạ. Chuyện này có tính văn hoá mặc dù mua sắm t...

Simone de Beauvoir

Hình ảnh
Vào ngày 19 tháng 4 năm 1986, khoảng 5000 người thương tiếc, gồm cả già lẫn trẻ, đông đúc theo sau đám tang của Simone de Beauvoir , qua những con đường Paris đến nghĩa trang Montparnasse, nơi tàn tro của bà tìm được nơi yên nghỉ cạnh tàn tro của Jean-Paul Sartre, người bạn đời của bà trong cuộc sống và trong cái chết, mặc dù hai người không bao giờ kết hôn. “Phụ nữ, các bà nợ bà ấy mọi thứ!” Câu nói được truyền từ môi buồn đến môi mếu. Thế nhưng điếu văn hùng hồn dành cho nhà văn và triết gia mà nhiều người cho là người đàn bà Pháp vĩ đại nhất thế kỷ 20, người mẹ của phong trào phụ nữ hiện đại, lại không do một người phụ nữ khác thốt lên, khiến một số người không chịu được, mà lại do chính người bạn thủy chung như nhứt, từng có thời là người yêu của bà, Claude Lanzmann, đọc lên. Ông đọc trích đoạn kết của tập thứ ba trong bộ tự truyện, được viết hồi 23 năm trước, lúc Beauvoir ở tuổi năm mươi mấy, tức giận phản kháng sự mất mát mà tuổi tác đem lại: “Đâu phải tôi chia tay với những điều...

nhân Café Sách

Hình ảnh
Chiều thứ năm tuần rồi ở thư viện trường đại học Văn Lang diễn ra một sinh hoạt văn hoá thú vị: Café sách. Phòng đọc sách của thư viện được các sinh viên bày dọn như một quán café lịch sự, mỗi bàn đều có bình hoa tươi, với năm bảy ghế quây quần với nhau, khoảng hai chục bàn đều có sinh viên ngồi kín. Các bạn trẻ này còn lãng mạn dùng giấy màu bọc mấy bóng đèn nê ông trên trần nhà để tạo không khí ấm cúng. Phía 'diễn đàn' là một bộ 'sa lông' chứ không phải bục giảng, gợi ý một cuộc chuyện trò thoải mái. Và không khí 'café' trong phòng tự nhiên, thân mật, mạnh ai nấy nói cười, ăn uống vui vẻ trước khi cuộc trò chuyện bắt đầu. Những người làm Café Sách này mời tôi trao đổi về đề tài "Dịch sách văn học." Một sinh viên nói là bạn ấy bị sốc khi thấy tôi, bởi vì đọc sách bạn ấy cứ tưởng Lý Lan phải trẻ trung nhí nhảnh, chứ đâu dè ... lớn tuổi và … từ tốn như vầy! Tôi cũng xúc động vì bạn chân thành mà vẫn tử tế, nên đã không nói thẳng là tôi … già và chậm....

mưa trắng

Bây giờ đang mưa trắng xoá đất trời. Phập phồng lo điện cúp bất tử. Mỗi khi chớp nháng lên kéo theo sấm nổ đùng đùng, mình lại thắt tim sợ nổ bình điện hay chập dây điện hay đứt dây cáp hay sự cố gì đó. Khôn hồn nên tắt máy, ngắm mưa, để bảo tồn cái công cụ sáng tác gọi là laptop này. Nhưng bắt đầu một ngày bằng ngồi bên cửa nhìn mưa khiến lòng mình tan chảy, đầu óc lan man, tay chân không yên được. Ngoài đường, xe cộ vẫn nườm nượp. Bây giờ là 7:22 sáng thứ sáu. Em mình đang dầm mưa chở con đi học rồi đi làm. Đường trong khu vực nhà - trường - sở đều ngập nước kẹt xe. Dẫu rằng mình ngồi chơi với lý do 'chính đáng' cũng cảm thấy tội lỗi. Lại mở máy ra. Nhưng tâm trí phân tán, nhìn màn hình vẫn thấy màn mưa trắng xoá đất trời. Muốn viết. Simone de Beauvoir cho rằng viết là một huấn lệnh căn bản, là hoạt động duy nhất đem lại mục tiêu và ý nghĩa cho cuộc sống, và mục đích duy nhất của cuộc hiện sinh phi lý là sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. 'Tác phẩm nghệ thuật' chứ không ph...

cô gái Cà Tu

Mấy hôm rày mưa lũ ở miền trung, ở trong này buồn cũng chẳng làm được gì, nay nghe nước rút rồi, mừng cũng là mừng suông thôi. Nhớ tháng rồi đi Đà Nẵng, có những khu phố đẹp giàu không kém cạnh Sài Gòn hay đâu khác. Có dịp đi lên vùng núi, nơi người dân tộc sống, lại gặp cảnh hoang sơ cơ cực. Đi thăm một trường nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số, trò chuyện với một cô gái Cà Tu. Đây là ghi chép về cô gái đó. “Ở bên này núi có một người con gái. Cô có mái tóc dài thật dài. Cha mẹ muốn gả cô cho một người con trai mà cô không yêu. Cô bảo người con trai mà cô yêu là nếu anh yêu cô thì hãy đưa cô đi trốn. Trước khi đi cô gái gội đầu và vấn mái tóc ướt thành búi. Người yêu cõng cô trèo lên núi trong khi chàng rễ đuổi theo. Tới đỉnh núi thì chàng trai kiệt sức. Cô gái bèn cỡi búi tóc, vắt nước cho chàng trai uống, nhờ vậy chàng hồi sinh và tiếp tục cõng cô gái băng rừng, vượt suối, lội qua sông, đến một trái núi khác, và nơi đó họ sống hạnh phúc với nhau.” Câu chuyện này của bà ngoại Th...

phỏng vấn

Bài phỏng vấn này Tran Thien Khanh thực hiện bằng cách gởi câu hỏi qua email, mình cũng trả lời bằng email (29/8/2008). 1. Có ý kiến cho rằng, phê bình văn học định hướng cho sáng tác, hoặc gợi ý và thúc đẩy sáng tác phát triển, chị nghĩ sao? Lý Lan (LL): Tôi nghĩ đó cũng là một ý kiến. Có bao nhiêu triết học, bao nhiêu lý thuyết văn chương, bao nhiêu nhà phê bình là có thể có bấy nhiêu ý kiến. Nếu mình coi trọng ý kiến của mình thì mình cũng phải tôn trọng ý kiến của những người khác. Trong các nhà phê bình kim cổ đông tây, tôi thích Kim Thánh thán nhứt. Và bằng kinh nghiệm cá nhân tôi đồng ý với ý kiến này của ông: (tôi nhớ đại khái) khi bình Tây Sương Ký ông có viết là văn chương mà viết đạt thì trước chỗ viết, sau chỗ viết, cả chỗ không viết, không chỗ nào là không đạt; văn chương ấy mà biết đọc thì đọc rồi là đọc rồi, còn không biết đọc thì đọc rồi cũng như chưa. 2. Chị có thường xuyên tìm đọc, theo dõi những bài phê bình về các sáng tác của mình không ? Quan điểm của chị về sự ph...

đọc lại tình nghĩa quốc văn giáo khoa thư

Hôm nay báo Tuổi Trẻ đăng nốt bài thứ 5 trong chùm bài "Lần theo hương rừng Cà Mau". Links đến các bài đó ở đây: 1. Lần theo hương rừng Cà Mau 2. Đi tìm chiếc ghe ngo 3. Theo cô Út về rừng 4. Nhứt phá sơn lâm 5. Đọc lại Tình nghĩa Quốc văn giáo khoa thư Vui. Chỉ có điều bài cuối cùng mình viết dài quá, trang báo có giới hạn, phải cắt xén đi một mớ. Phần cắt đi cũng không ảnh hưởng nội dung toàn bài. Đăng lại bản nháp chưa biên tập ở đây để ai rảnh thì coi chơi. Đọc lại Tình nghĩa Quốc văn giáo khoa thư Những người đọc tác phẩm của Sơn Nam mến mộ ông chắc cũng nhiều. Những người quen biết, giao du với ông mà không đọc ông cũng không ít. Nhiều nhứt là những người không đọc, không quen, nhưng ‘biết tiếng’ ông, chủ yếu nhờ truyền hình. Đến Ấp Giữa, làng Đông Thái, hỏi thì ai cũng biết Sơn Nam vừa qua đời, nhờ ‘coi ti vi’. Nhóm chúng tôi có anh Kỳ quay phim nên dân chúng vui vẻ biết chúng tôi đến xứ đó làm gì. Chứ đi khơi khơi xưng nhà văn, chưa chắc gặp người hiểu được viết văn l...

thắc mắc

Phật nằm nghiêng, một cánh tay gấp lại kê đầu, cánh tay kia duỗi xuôi bên hông, bàn tay úp trên đùi. Tôi nằm nghiêng, một cánh tay gấp lại kê đầu, cánh tay kia duỗi xuôi bên hông, bàn tay úp trên đùi, như tượng Phật nằm. Nằm kiểu này chỉ có thức Nằm kiểu này không thể ngủ, nếu ngủ thì sẽ ngã ngữa ra hay ngã sấp Hoá ra đó là một tư thế yoga Tập luyện công phu mới giữ được thế nằm nghiêng, một cánh tay gấp lại kê đầu, cánh tay kia duỗi xuôi bên hông, bàn tay úp trên đùi Tôi đã tập ba ngày, bảy ngày, mười tám ngày Lần nào cũng ngã sấp hoặc ngã ngữa sau vài phút Điều thắc mắc là tập tư thế này để làm gì, ý tôi muốn nói là để rèn luyện lưng eo đùi cổ hay giảm cân? Thầy bảo: sao chỉ bận tâm ngoại hình Tư thế này rèn luyện sự tập trung Quên lưng mông đùi eo đi để chỉ thở thở thở tập trung vào hơi thở thở là quan trọng quan trọng nhứt là thở thở tập trung tập trung tập trung thở thở

Đâu chỉ ở U Minh

Tôi đến U Minh Thượng lần đầu cách nay 25 năm. Hồi đó xứ ấy đúng là xứ quê mùa, không có đường xá điện nước gì hết, nước sông Trèm Trẹm có màu giống y chang màu nước trà tàu. Bàn tiếp dân của ủy ban xã nào cũng có bình trà và mấy cái ly thuỷ tinh kiểu ly cà phê xây-chừng ở lề đường Chợ Lớn. Có khách, nhân viên xã cầm mấy cái ly (không biết ai uống dở trước đó bao lâu) xúc nhè nhẹ bằng chất nước còn trong ly, hắt tạt ra sân đất, rồi rót từ cái bình trà ra một chất nước giống y nước sông Trèm Trẹm. Nắng nóng khát quá uống liều dù thấy ghê ghê. Vậy mà không sao hết. Chuyến “đi thực tế” năm đó tôi gần như bạ gì ăn nấy, uống toàn nước đục, vì xứ đó chỉ có một thứ nước trong là rượu đế. Đương nhiên tôi vẫn sống nhăn, nên đến bây giờ có dịp tái hồi U Minh Thượng. Xe máy lạnh đời mới chạy trên đường nhựa phom phom qua những cơ quan hành chánh khang trang, đất rộng vẫn xây lầu, trường trung học phổ thông U Minh Thượng là một dãy nhà lầu bề thế, mới toanh. Rõ ràng khu ‘trung tâm’ của xứ này đang...

Cấm Sơn

Truyện ngắn Ông đã lỡ tay giết người. Ông bỏ trốn vào vùng núi hoang để chôn bí mật đó và giấu nỗi sợ hãi. Người ta mà tìm được ông chắc chắn họ sẽ trả thù. Có thể họ đang ráo riết lùng tìm ông. Hiện giờ họ có thể không biết ông là kẻ sát nhân hoặc biết mà chưa lần ra dấu vết. Ông lại không biết họ là ai, một hay nhiều người? Khi ông qua được cơn hoảng loạn ban đầu, quay lại chỗ cũ, máu tươi còn be bét nhưng cái xác đã biến mất. Một cơn hoảng loạn khác trào lên, dìm ông xuống đáy vực kinh hoàng: án mạng này không phài là bí mật của riêng ông. Có kẻ khác biết. Có thể kẻ đó còn thấy tận mắt ông nắm chặt cán rựa bằng hai tay giơ cao quá đầu chém phập xuống. Ông không tự thấy chính mình làm động tác đó, nhưng ông ý thức mình đã làm như vậy. Điều này ám ảnh ông mãi về sau, cho đến khi ông thấy rõ mồn một chính mình đứng dạng chân lấy tấn, dồn sức vào hai cánh tay, nắm chặt cán rựa chém phập xuống. Rồi ông thức giấc, mồ hôi đầm đìa, tim đập bùng bùng đến ù tai, nghẹt thở. Ông biết đó là hình...

khoe con

Loạt bài Lần theo hương rừng Cà Mau gồm 5 kỳ, đã bắt đầu đăng trên báo Tuổi Trẻ. Vì có thể đọc những bài đó trên Tuổi Trẻ Online nên khỏi cần để ở đây. Bài Khoe con này đăng báo Yêu Trẻ, là tờ báo không có website cũng hiếm thấy bán ở sạp báo, nên tự đăng lên blog này chơi. Khoe con là một hạnh phúc. Có người khao khát có con để được khoe, thí dụ bạn tôi. Mười bảy năm trước chị gặp tôi mỗi tuần hai lần để khoe áo bầu: bụng bự hơn rồi, thấy không? Đi siêu âm rồi, con gái. Con đầu lòng là gái thì mình sẽ được đỡ đần sau này. Nó có thể … bồng em. Mình tính sanh liền tù tì một cặp cho đủ trai gái rồi nghỉ để tập trung chăm sóc dạy dỗ con cho tốt. Với lại, mình có mấy chục cái áo bầu còn mới toanh, mỗi cái mới mặc vài ba lần đã chật rồi, phải sắm áo mới. Vì tiếc những cái áo bầu dễ thương ấy, chị tìm cách … xài lại nhiều lần cho đỡ lãng phí, kết quả là chị có đông con nhứt trong đám bạn tôi: bốn đứa. Đứa con gái đầu lòng của chị nay đã mười sáu tuổi, tên Thuỷ Tiên. Cách đây ba năm Ti...

li bi đô

Chị Bình gọi về hỏi thăm, mình nói em không sao cả, lâu nay không blog vì đi chơi lung tung, cho đỡ buồn. Hỏi tình hình Paris, chị nói mấy hãng bán két sắt đang phát tài, ai cũng lo sắm một cái để cất tiền trong nhà, yên tâm hơn gởi ngân hàng. Ở một hãng nọ, sáng thứ hai công nhân tới làm việc thì thấy hãng đã bị tháo gỡ máy móc hết trơn, còn ông chủ thì bỏ trốn mất tiêu. Công nhân đâm thất nghiệp ngang xương, không được giải quyết lương lẹo gì hết. Chị kể thêm vài trường hợp ‘người ta khổ lắm’ mà chị đọc trên báo. Tiếng Tây của mình trọ trẹ, nên không dám đọc báo Tây, mà nói chung báo Mỹ báo Việt báo gì bây giờ mình cũng không dám đọc, mỗi ngày chỉ vô sjc.com để coi giá vàng để nuôi trí tưởng tượng. Thực ra thì sau khi phát hiện mấy cái viết trên blog này có thể đăng báo kiếm tiền, với điều kiện chờ báo đăng rồi mới được bỏ lên blog, mình đã tích cực gởi bài đến các báo và chờ… Ngày mai thì báo Tuổi Trẻ bắt đầu đăng ghi chép về chuyến đi tìm về quê xứ nhà văn Sơn Nam. Tạp chí Sài Gòn...

xuân thì

Tôi vào hẻm số 5 hỏi người bán nghêu sò nướng nhà bà Hai Kem Chuối còn trong hẻm này không. Người nhanh nhẩu trả lời tôi là một người đàn ông ngồi trên cái ghế đẩu gần đó. - Bả chết lâu rồi. - Tôi biết. Nhưng con cái của bà Hai còn ở đây không, anh Hữu, chị Hương, chị Xuân…? Người đàn ông nhìn tôi nửa phút mà không nói gì. Rồi người bán cóc ổi nói, hình như với người đàn ông chứ không phải với tôi. - Chắc có chuyện gì rồi. - Chuyện gì? Tôi hỏi, mà hai người kia lại trố mắt nhìn tôi như chờ đợi câu trả lời. Hơi bực mình, tôi lại giận mình. Đã tới đây thì cứ đi thẳng vô nhà bà Hai mà tìm. Gặp người đầu hẻm hỏi thăm thông tin mình đã biết chẳng phải là một biến tướng của thói lê đôi mách sao? Câu hỏi nhà bà Hai Kem Chuối còn trong hẻm này không thực ra có nghĩa là tôi về hẻm này thăm nhà bà Hai Kem Chuối nè, mấy người còn nhớ tôi không? Nhưng tôi cũng cười xoà tha thứ cho mình: điều đó chứng tỏ cái văn hoá “nhiều chuyện” của hẻm này ngấm trong máu tôi lâu thật. Bốn chục năm. Thấy tôi cư...