nhân Café Sách


Chiều thứ năm tuần rồi ở thư viện trường đại học Văn Lang diễn ra một sinh hoạt văn hoá thú vị: Café sách. Phòng đọc sách của thư viện được các sinh viên bày dọn như một quán café lịch sự, mỗi bàn đều có bình hoa tươi, với năm bảy ghế quây quần với nhau, khoảng hai chục bàn đều có sinh viên ngồi kín. Các bạn trẻ này còn lãng mạn dùng giấy màu bọc mấy bóng đèn nê ông trên trần nhà để tạo không khí ấm cúng. Phía 'diễn đàn' là một bộ 'sa lông' chứ không phải bục giảng, gợi ý một cuộc chuyện trò thoải mái. Và không khí 'café' trong phòng tự nhiên, thân mật, mạnh ai nấy nói cười, ăn uống vui vẻ trước khi cuộc trò chuyện bắt đầu. Những người làm Café Sách này mời tôi trao đổi về đề tài "Dịch sách văn học."

Một sinh viên nói là bạn ấy bị sốc khi thấy tôi, bởi vì đọc sách bạn ấy cứ tưởng Lý Lan phải trẻ trung nhí nhảnh, chứ đâu dè ... lớn tuổi và … từ tốn như vầy! Tôi cũng xúc động vì bạn chân thành mà vẫn tử tế, nên đã không nói thẳng là tôi … già và chậm. Mấy bạn nhạy cảm bèn tranh đặt câu hỏi khác để giúp tôi … vượt qua mặc cảm tuổi tác, sống lại cái thời tôi cũng là sinh viên. Hồi đó tôi láu táu lắm, tham gia câu lạc bộ sáng tác, mời nhà văn Tô Hoài đến nói chuyện. Năm đó mới hoà bình, gặp gỡ nhà văn ở miền Bắc vào là cả một sự kiện văn học, nhứt là nhà văn mà mình đã đọc trong sách giáo khoa trung học. Trước khi gặp Tô Hoài, tôi có những hình dung hơi lãng mạn về tác giả “Dế mèn phiêu lưu ký” và “Xóm giếng ngày xưa.” Cho nên tôi cũng bị sốc khi thấy ông sao già và xấu. Ngồi gần ông tôi còn thấy cả chi tiết lốm đốm sần sừ trên da mặt, và từ trong lỗ tai ông thò ra một sợi lông khá dài!
Nhưng mà tôi sẽ không nói nữa về sự chạm mặt thực tế giữa các thế hệ có thể gây sốc ấy. Cảm nhận khi người ta còn trẻ, trong tíêp xúc hay tham gia những hoạt động ngoại khoá, trong hay ngoài trường học, có thể phát sinh và lưu lại những ấn tượng hay kỷ niệm lâu dài, dù dở dù hay. Nó hình thành một phần quan trọng tính cách và hiểu biết của sinh viên bên cạnh tri thức tiếp thu ở giảng đường. Thời sinh viên Sư phạm của tôi hơi buồn: đoàn thanh niên chi phối tất cả các sinh hoạt ngoại khoá, chủ yếu là phát động thi đua nhân các dịp lễ. Thỉnh thoảng mới có ‘sự kiện’ văn hoá như nhóm văn nghệ ‘Hội trí thức’ đến trình diễn, hay cuộc triễn làm sách Liên Xô. (Tôi còn giữ những cuốn sách thíêu nhi hình màu, bìa cứng, Liên xô sản xuất, bán giá cực kỳ rẻ, bây giờ đã trở thành sách hiếm; cũng như nhớ mãi lần đầu tiên thưởng thứ nhạc Trịnh Công Sơn do ông tự ôm đàn và hát trong sân trường, giữa những vòng sinh viên ngồi xếp bằng chung quanh, vỗ tay theo.)
Khi có cơ hội đến những trường đại học ở những nước khác, thì trừ trường đại học ở Kampuchia hơi giống xứ mình, còn trường ở Mỹ, Pháp, đều luôn luôn có nhiều hoạt động khác nhau diễn ra khắp khuôn viên trường, mà chủ yếu là do sinh viên tự tổ chức, có sự hổ trợ tài chánh của trường hay ‘quĩ’ gì đó. Các loại quĩ này rất nhiều, công có, tư có, quyên góp có, lập ra chủ yếu để khuyến khích, hổ trợ các hoạt động văn hoá không nằm trong chính khoá. Gần đây, thấy các giáo sư, viện sĩ, bàn chuyện nâng chất lượng đại học xứ ta lên hàng quốc tế, tôi chỉ dám ‘kính nhi viễn chi’. Chắc chắn các đề xuất về học phí cao, cơ sở vật chất hiện đại, giáo sư có bằng tiến sĩ nước ngoài, chương trình đào tạo cải cách… đều là điều kiện đáng mơ ước.

Trong điều kiện thực tế, tôi ủng hộ quan điểm sức mình làm được cái gì hay cái đó, miễn là làm bằng thiện chí, nhiệt huyết, sáng tạo. Thực tế ở một trường cụ thể như trường dân lập Văn Lang này chẳng hạn, 80% sinh viên xuất thân từ các tỉnh nông nghiệp trên cả nước, từ Điện Biên đến tận Cà Mau, nhiều nhứt từ miền trung. Rất nhiều sinh viên vừa đi học vừa đi làm, sống xa gia đình, thiếu thốn không chỉ vật chất, mà còn rất thíêu những sinh hoạt nối kết con người trong tình thân ái và tin cậy, rất thíêu sự hướng dẫn cần thiết về sự tập nhiễm lề thói phong cách giao tiếp trong xã hội, nhất là xã hội đô thị hàng chục triệu người đua tranh như đất Sài Gòn này, đối với những người mười tám đôi mươi tuổi mới từ làng quê ra. Họ háo hức biết bao, họ năng động vô cùng. Họ là lực lượng cần thíêt để thực hiện cái vế cực kỳ quan trọng để có được chất lượng đào tạo đại học đẳng cấp ‘quốc tế’ là hoạt động văn hoá giáo dục ngoài giảng đường.
Cả trăm sinh viên tham dự buổi Café Sách hôm thứ năm đã tạo cho tôi một ấn tượng lạc quan và khiến tôi hy vọng vào quan điểm cách tân trong điều kiện thực tế ở từng môi trường cụ thể bằng từng nổ lực thiết thực. Tôi không biết mình có lạc quan quá không, khi loại hình hoạt động như Café Sách ở trường dại học này mới … làm lần đầu tiên sau nhiều thời gian chuẩn bị. Tôi vẫn cứ lạc quan, đã bắt đầu tốt đẹp rồi, làm tới đi chứ!

Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222