li bi đô

Chị Bình gọi về hỏi thăm, mình nói em không sao cả, lâu nay không blog vì đi chơi lung tung, cho đỡ buồn. Hỏi tình hình Paris, chị nói mấy hãng bán két sắt đang phát tài, ai cũng lo sắm một cái để cất tiền trong nhà, yên tâm hơn gởi ngân hàng. Ở một hãng nọ, sáng thứ hai công nhân tới làm việc thì thấy hãng đã bị tháo gỡ máy móc hết trơn, còn ông chủ thì bỏ trốn mất tiêu. Công nhân đâm thất nghiệp ngang xương, không được giải quyết lương lẹo gì hết. Chị kể thêm vài trường hợp ‘người ta khổ lắm’ mà chị đọc trên báo. Tiếng Tây của mình trọ trẹ, nên không dám đọc báo Tây, mà nói chung báo Mỹ báo Việt báo gì bây giờ mình cũng không dám đọc, mỗi ngày chỉ vô sjc.com để coi giá vàng để nuôi trí tưởng tượng.
Thực ra thì sau khi phát hiện mấy cái viết trên blog này có thể đăng báo kiếm tiền, với điều kiện chờ báo đăng rồi mới được bỏ lên blog, mình đã tích cực gởi bài đến các báo và chờ… Ngày mai thì báo Tuổi Trẻ bắt đầu đăng ghi chép về chuyến đi tìm về quê xứ nhà văn Sơn Nam. Tạp chí Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy thì chịu cho mình một trang mỗi tuần để blog. Đây là bài đầu tiên đã đăng ở đó:

Li bi đô

Sáng nay nghỉ đi bộ một bữa, lấy cớ là cái quần thun dài chưa giặt. Dĩ nhiên có thể mặc đồ ngắn, thậm chí có người mặc đồ bơi, hay gần giống như vậy, không ai cấm cản. Cái công viên ở sát bên nhà, sáng sớm phố xá vắng người, công sở hàng quán chưa mở cửa, mình mới ngủ dậy, thong thả đi dạo, tưởng mặc đồ mát đi dép lê cho khoẻ. Nhưng hoá ra một thứ văn hoá buổi sáng công viên đã tự hình thành sau nhiều năm những nơi này trở thành bãi tập thể dục của nhân dân. Nhìn qua nhìn lại, thấy người ta ai cũng mang giày (có vớ hẳn hoi) mặc quần áo có hiệu, có đì zai… Không phải mình học đòi, nhưng mình thì kém cạnh gì người ta? Vả lại một đôi giầy có khả năng nâng niu bàn chân Việt, lại làm tăng giá trị bản thân ta trong mắt người khác, là chi tiêu chính đáng. Áo quần cũng vậy, đâu cần màu mè kiểu cọ, cốt sao thoải mái và tốt cho sức khoẻ. Hiện nay, với những chứng cứ khoa học rõ ràng về ảnh hưởng của y phục đối với thân thể, thời trang ở công viên buổi sáng là quần sọt hoặc quần lửng lưng thun và áo cô tông 100%. Riêng phụ nữ trung niên trở lên thì chuộng quần thun dài vì lý do thẫm mỹ bên cạnh phẩm hạnh kín đáo.
Ngoài lợi ích thể chất mà từ triết gia cổ Hy Lạp đến con nít thời nay đều công nhận, tôi cứ suy bụng mình ra bụng người, thì ắt mỗi người khác cũng có động cơ riêng để sáng sớm vừa thức dậy là xỏ vớ mang giày đi ra công viên. Động cơ của tôi là đi hóng chuyện dân ta. Đây là một trong những nguồn cung cấp vô tận thông tin xã hội cho nghề viết. Mà tôi không cần vận dụng nghiệp vụ gì hết. Tự nhiên mọi chuyện đến tai mình thôi. Thí dụ chuyện này, chuyện có thật nên phải giấu tên nhân vật.
Chị lấy chồng từ thưở đôi mươi và duy trì được dáng dấp ‘gái một con’ suốt hai mươi năm. Nên chồng yêu lắm. Anh có thói quen sáng thức dậy thì nhỏng nhẽo với vợ một lát rồi mới tung chăn ra khỏi giường. Chuyện này anh gọi là ‘nạp li bi đô’. Theo tự điển, libido là sinh lực hay dục tính, tức là động cơ khiến người ta kiếm tiền, tranh chức, háo danh, sáng tạo, chiếm đoạt, bành trướng ảnh hưởng, lan truyền nòi giống, vân vân. Chị là người đàn bà có ý thức giữ hạnh phúc gia đình. Một hôm, thay vì mằn mò bầu sữa của cu Bi (thằng con đã có vợ, ra riêng), anh lại nắn nắn lớp mở bụng của vợ. Chị coi đó như một nhắc nhở ý vị, bèn quyết tâm ăn kiêng song song với tập thể dục.
Chưa vượt mốc 50 nên quyết tâm và nỗ lực của chị có hiệu quả như mong muốn, đáng nêu gương cho mọi người xuýt xoa. Tôi tin là từ ngày có chị phong trào thể dục dâng cao, đàn ông đến công viên ngày một đông, áo quần giầy vớ tươm tất và bốc mùi nước hoa. Chị cũng tự nhận thấy mình trẻ ra như các bà bạn tán tụng. Và thâm tâm chị cảm thấy li bi đô của mình được phục hồi đáng kể. Tuy nhiên chị đủ sành sỏi để hồn nhiên vô tư trước những con mắt ỡm ờ thèm muốn của đám đàn ông ở công viên. Theo điệu nhạc chị thoải mái dạng chân, một tay để hờ trên gáy, một tay chống nhẹ lên hông, ngực ưỡn, bụng thót, mông nẩy . Chum chum! Chị vặn nửa người trên qua trái, nhún nhún vai, hẩy hẩy ngực. Sà sà! Chị gập người tới trước, hông nhắp nhắp, mông ngoáy ngoáy.
Công bằng mà nói, chị cũng như hầu hết những phụ nữ khả kính tập thể dục vì lý do sức khỏe. Bài tập thể dục đầy gợi hứng theo điệu nhạc sôi nổi là kết quả những công trình nghiên cứu mới nhất đã được nghiệm thu. Nó dựa trên lý thuyết: có những hoạt động và động tác kích thích cơ thể động vật tự sản xuất chất dopamine. Bằng cách thực hiện những động tác (được thể dục hoá hay nghệ thuật hoá thành khiêu vũ) đó mỗi ngày, cơ thể luôn có được lượng dopamine cần thiết để duy trì li bi đô. Có li bi đô thì người ta trẻ mãi không già. Mà những động tác tạo li bi đô đó tiêu hao nhiều ca lo ri, khiến tim đập mạnh, hơi thở sâu, toát mồ hôi nhiều, vừa tốt cho hệ tuần hoàn, hô hấp lẫn tiết niệu, vừa giữ ngoại hình thon chắc quyến rũ. Cho nên người nào tập tới nơi tới chốn đều ghiền. Sáng nào không tập thể dục thì không chịu được. Thậm chí đến trễ mà nghe điệu nhạc từ xa xa là thấy người rạo rực rồi.
Một hôm, đang tập bỗng nhiên như có linh tính xui khiến, chị bỏ về nhà, sớm hơn thường lệ nửa giờ, và bắt gặp một phụ nữ đang cỡi trên mình ông chồng ngay trong giường mình. Cả hai thề sống thề chết đây chỉ là dịch vụ mát xa, mát xa thuần tuý, mát xa chay, ‘không có gì hết’. Tại vì sáng dậy thấy giường trống trải, người uể oải nên anh điện thoại kêu mát xa viên tới đánh gió dùm. Chuyện hơi lùm xùm nhưng rốt cuộc được giải quyết êm đẹp: Sáng sáng chị dựng anh dậy đi tập thể dục. Lúc đầu có lẽ anh bất đắc dĩ mà đi thôi, nhưng rồi anh nhanh chóng ngộ ra chân lý. Cái kiểu thể dục một, hai, dang tay thẳng ngang vai, ba, bốn, để tay xuống, năm, sáu, hít vô, bảy, tám, thở ra… xưa quá rồi em. Mà hình ảnh công viên với các cụ hưu trí quờ quờ tay bắt bong bóng tập dưỡng sinh cũng quá nhạt nhoà. Bây giờ sáng sớm ra công viên, thí dụ Tao Đàn, mà coi. Vui lắm. Chỉ đi vòng vòng nhìn thôi, cũng tăng li bi đô.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222