khoe con

Loạt bài Lần theo hương rừng Cà Mau gồm 5 kỳ, đã bắt đầu đăng trên báo Tuổi Trẻ. Vì có thể đọc những bài đó trên Tuổi Trẻ Online nên khỏi cần để ở đây.
Bài Khoe con này đăng báo Yêu Trẻ, là tờ báo không có website cũng hiếm thấy bán ở sạp báo, nên tự đăng lên blog này chơi.

Khoe con là một hạnh phúc. Có người khao khát có con để được khoe, thí dụ bạn tôi. Mười bảy năm trước chị gặp tôi mỗi tuần hai lần để khoe áo bầu: bụng bự hơn rồi, thấy không? Đi siêu âm rồi, con gái. Con đầu lòng là gái thì mình sẽ được đỡ đần sau này. Nó có thể … bồng em. Mình tính sanh liền tù tì một cặp cho đủ trai gái rồi nghỉ để tập trung chăm sóc dạy dỗ con cho tốt. Với lại, mình có mấy chục cái áo bầu còn mới toanh, mỗi cái mới mặc vài ba lần đã chật rồi, phải sắm áo mới. Vì tiếc những cái áo bầu dễ thương ấy, chị tìm cách … xài lại nhiều lần cho đỡ lãng phí, kết quả là chị có đông con nhứt trong đám bạn tôi: bốn đứa.
Đứa con gái đầu lòng của chị nay đã mười sáu tuổi, tên Thuỷ Tiên. Cách đây ba năm Tiên bị mẹ đưa đến gặp tôi để gọi là cố vấn về việc cho cháu học tiếng Anh. Thực ra con bé cũng háo hức đi gặp tôi để xin chữ ký vào cuốn Harry Potter. Nhưng rồi con bé trở nên ngượng ngùng khi bà mẹ bắt đầu khoe con. Cháu đã bao nhiêu năm liền là học sinh xuất sắc, giật bao nhiêu giải thươởg cấp quận cấp thành phố, trưởng nhóm sáng tạo này nọ, có năng khiếu đặc biệt nọ kia… Cuối cùng con bé lảng ra ngoài hành lang đứng nhìn xe cộ chạy, thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn vô nhà coi bà mẹ đã xong tập mấy của bộ phim khoe con không tập cuối, mà con bé chắc là đã chịu đựng tới chân tóc.
Hôm nay bạn tôi lại đến chơi, nhưng không dắt theo Thuỷ Tiên, vì cháu đang du học ở Anh, theo một chương trình trao đổi văn hoá. Tôi biết ngay thông tin này khi bạn tôi chưa kịp ngồi xuống ghế. Chị còn đứng sau khi bước qua cửa để tiện mở cái túi xách to chi đeo kè kè bên hông, để lấy ra mấy cuốn album to không kém những cuốn tự điển. Toàn là hình con chị. Những hình không có đứa con nào của chị là người mẫu thì là do tụi nó là tác giả, tức là tụi nó cầm máy chụp cảnh vật khi đi đó đây chơi. Chị khoe đứa này có óc mỹ thuật, đứa kia từng đi tới tận chỗ nọ. Và chị có riêng một cuốn toàn hình do Thuỷ Tiên chụp ở Anh gởi về.
Chị khoe: cháu mới sang bên ấy ba tháng mà đã hội nhập tốt lắm. Bà host (chủ nhà nhận nuôi học sinh trong chương trình trao đổi) vừa mới gởi thư cho tôi khen con bé không tiếc lời. Chị xem thư này, có phải là bà ấy bảo bà chưa từng thấy cô bé nào ngoan như thế, thông minh như thế, lễ phép và giỏi giang cực kỳ. Câu này chị dịch hộ xem, có phải có nghĩa là bà ấy rất tự hào về con bé không?
Câu ấy nghĩa đúng như vậy, vì đó là câu xã giao thường dùng trong xã hội tây phương. Một học sinh làm bài tốt, khi trả bài, thầy giáo cầm bài đưa trả cho học sinh và nói “Bài này xuất sắc. Em đã làm rất giỏi. Thầy tự hào về em.” Những lời ấy là để động viên học trò. Một thầy giáo giỏi biết cách làm cho mọi học sinh trong lớp cảm thấy mình là niềm tự hào của thầy và lớp, vào lúc này hay lúc khác. Điều đó đem lại lòng tự tin cho chúng. Cha mẹ chính là người đầu tiên và luôn luôn tạo cho con mình lòng tự tin đó, bằng nhiều cách, trong đó có cái câu “Cha mẹ rất tự hào về con.” Đứa bé tập đi vấp té, không khóc, vì nhìn thấy nét mặt bình tĩnh và ánh mắt cổ vũ của mẹ, nó bíu vào bàn tay mẹ mà đứng lên dể nhận được nụ cười tươi và ánh mắt khen ngợi của người mẹ: “Con đã tự làm được! Mẹ rất tự hào về con!” Khi ra đời, đi làm, con người lớn lên từ môi trường giáo dục đó thích nghe những đồng nghiệp hay lãnh đạo của mình nói “Tôi / chúng tôi tự hào về anh / chị.” Bởi vì đó là những lời khen bình thường, nhiều khi có tính xã giao. Cùng với những lời xã giao đó là những câu “Xuất sắc!”, “Tuyệt vời!”, “Một đầu óc / ý tưởng vĩ đại!”… Nếu người nào cảm thấy lâng lâng hay say sưa vì vừa được khen như vậy, lại thấy kẻ vừa khen mình lập lại y những lời đó, có khi bằng giọng nồng nhiệt không kém, với một hay nhiều đứa … cà chớn khác mà mình biết tỏng là chỉ chuyên làm rách việc, thì cũng không nên cảm thấy hụt hẩng hay xúc phạm.
Chị bạn tôi là người … thật thà, ngoài cái tật khoe con, vốn có nhiều nết tốt như chỉ biết chồng con chứ không biết gì khác. Chị dành hết thời giờ chăm chút chồng con (bốn đứa) ngoài thời giờ đấu đá trong xã hội để giành chức vị và quyền lợi (cũng chỉ để cho tương lai của chồng con). Về cơ bản chị là người thành đạt mà tử tế, thỉnh thoảng cũng biết hưởng thụ bằng cách đưa chồng con đi resort, và thuộc loại văn minh tiên tiến vì chồng con phát hiện ra máy móc điện tử, điện thoại tối tân nào vừa có mặt trên thị trường là chị sắm ngay để trang bị cho cả nhà. Về khoản ăn nói, nhất là nói nặng, nói nhẹ, nói mát mẻ, nói nịnh, nói lẩy, nói đay nghiến, nói bốc lên trời… chị là chuyên gia số một. Nên khi tôi dịch cái câu xã giao trong lá thư của bà host , tôi dịch luôn cái văn hoá của người ta, nói thêm rằng toàn nội dung lá thư cho thấy bà ấy hài lòng về việc ăn ở của Thuỷ Tiên, và với tư cách người bảo trợ cho Thuỷ Tiên bà viết bức thư này cho mẹ của Thuỷ Tiên theo phép lịch sự.
Đương nhiên là bạn tôi vui vẻ. Chị chỉ không thoả mãn về cái sự tôi không nhận ra một đứa con gái mười sáu tuổi biết ăn ở nơi xứ lạ, khiến chủ nhà phải tự hào về nó, là một thiên tài

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222