Đâu chỉ ở U Minh

Tôi đến U Minh Thượng lần đầu cách nay 25 năm. Hồi đó xứ ấy đúng là xứ quê mùa, không có đường xá điện nước gì hết, nước sông Trèm Trẹm có màu giống y chang màu nước trà tàu. Bàn tiếp dân của ủy ban xã nào cũng có bình trà và mấy cái ly thuỷ tinh kiểu ly cà phê xây-chừng ở lề đường Chợ Lớn. Có khách, nhân viên xã cầm mấy cái ly (không biết ai uống dở trước đó bao lâu) xúc nhè nhẹ bằng chất nước còn trong ly, hắt tạt ra sân đất, rồi rót từ cái bình trà ra một chất nước giống y nước sông Trèm Trẹm. Nắng nóng khát quá uống liều dù thấy ghê ghê. Vậy mà không sao hết. Chuyến “đi thực tế” năm đó tôi gần như bạ gì ăn nấy, uống toàn nước đục, vì xứ đó chỉ có một thứ nước trong là rượu đế. Đương nhiên tôi vẫn sống nhăn, nên đến bây giờ có dịp tái hồi U Minh Thượng.
Xe máy lạnh đời mới chạy trên đường nhựa phom phom qua những cơ quan hành chánh khang trang, đất rộng vẫn xây lầu, trường trung học phổ thông U Minh Thượng là một dãy nhà lầu bề thế, mới toanh. Rõ ràng khu ‘trung tâm’ của xứ này đang chuyển sang dọc hai bên con đường nhựa mới xây xong, cảnh quan bắt đầu giống những thị tứ bám lộ khác trên mọi nẻo đường đất nước hiện nay. Giòng sông Trèm Trẹm dù vậy vẫn còn là huyết mạch lưu thông, ghe xuồng phần lớn gắn động cơ. Buổi trưa ăn cháo trăn, rùa nướng, cúm núm quay trên cái sàn gỗ che mái lá gie ra mặt sông, nghe tiếng bịch bịch xình xình của ghe tàu chạy ngang, ngó rác rưởi dập dềnh theo sóng nước đỏ đỏ đục đục …
Tôi không muốn làm bộ đạo đức môi trường, vừa thưởng thức đặc sản rừng vừa kêu gào bảo vệ sinh thái rừng. Phải thực tế mà nói rằng xứ này có phát triển được công nghệ du lịch mới may ra giàu lên, mà cái gì hấp dẫn dân thị thành về rừng nếu không có kiểu nhậu rắn rùa bên sông Trẹm? Cũng phải công bằng mà nói động vật sống tự nhiên trong rừng không còn mấy. Trăn rùa ở các quán nhậu phần lớn là do công người ta nuôi, nên người ta có quyền nhậu, như người ta vẫn đối xử với con vịt con gà vậy thôi. Còn con cúm núm ư… xứ này chiều chiều nghe cúm núm kêu buồn thúi ruột, bắt được nó thì nhổ lông làm thịt phứt cho rồi.
Chi bằng tôi nói chuyện nước nôi cho lành. Ỷ y bụng dạ mình tốt, dân miệt dưới hiếu khách, tôi lại ghét kiểu mấy thằng Tây du lịch luôn kè kè chai nước bên hông, nên tôi đi tay không, khát đâu uống đó. Miệt dưới bây giờ người đông không biết mấy lần hồi xưa, nhìn đâu cũng thấy nhà, vô tuốt trong cùng kênh Thứ Sáu ghé một căn nhà xin nước uống, chủ nhà hào phóng chỉ cái lu. Nước trong lu lợ lợ như nước dưới kênh, uống rồi tỉnh táo nhìn ra thấy dài theo bờ kênh là chuồng heo, cầu cá, bụng tự nhiên kêu ọt ọt, chủ nhà áy náy phân trần: mấy đứa nhỏ uống hoài, đâu có sao. Tôi cũng tự trấn an là hồi xưa mình cũng khum tay múc nước sông Trẹm uống ngon lành, đâu có sao. Làm như thể nhằm nhò gì ba cái vụ ô nhiễm mà tụi Tây la hoảng mấy năm gần đây.
Dù vậy, hôm sau tôi cặp kè theo chai nước tinh khiết cho yên tâm. Uống hết nước trong chai tôi hỏi : để cái chai này ở đâu? Dân địa phương ngó tôi coi bộ hơi giận: Thì liệng xuống sông chứ để làm gì? Tôi ngó xuống sông thì quả thật trong đám rác rưởi dập dềnh bên bờ và trôi nổi trên mặt sông, nhiều nhứt là bịch ny lông, và các thứ chai nhựa như chai nước tôi đang cầm. Sự nổi trội của hai món rác có nguồn gốc nhân tạo này cho thấy sự thay đổi trong sinh hoạt của người dân ở đây giống như mọi nơi khác ở nước mình hiện nay. Miếng lá chuối gói xôi hay lá sen đùm mớ rau không … văn minh bằng bịch ny lông hay hộp xốp. Chai hủ xài qua rồi liệng bỏ, để dành xài lại coi … nghèo quá. Bây giờ chứ có phải hồi 25 năm trước đâu! (Nhắc thì nhớ lại, hồi đó tôi năn nỉ gần gãy lưỡi mà bà bán mật ong rừng tràm nhứt định không chịu bán cái ‘can’ mật. Bà chỉ có một cái can 10 lít đó, cũ từ … trước giải phóng, để chứa mật người ăn ong trong rừng đem ra bán lại. Ai muốn mua mật thì đem chai hủ tới bà sớt qua. Tôi không có đồ đựng bà không bán. Tôi mua hết cả mật lẫn cái can, trả tiền hậu hĩ, bà cũng không bán. Bởi vì ở rừng hồi đó dễ gì kiếm ra một cái can như vậy để làm … phương tiện kinh doanh? Ôi, cái thời xưa lắc!)
Những cái can đó gan lỳ lắm, như bịch ny lông, hộp xốp, chai nhựa, 10 năm, 25 năm, thậm chí 150 năm như các chuyên gia đã tính toán, vẫn chưa bị tiêu huỷ trong môi trường tự nhiên. Cho nên chúng là rác ‘độc’ hơn cứt heo hay cứt người, dù ngó … hiện đại hơn. Phân và các thứ rác hữu cơ khác coi hôi thúi vậy mà phân hủy hoàn toàn trên rừng, đồng, sông, rạch trong vài tháng hoặc một năm. Bọn rác hiện đại cứ nhởn nhơ trăm năm đùa giỡn phất phơ trên mặt đất mặt sông.
Thấy tôi cứ cầm cái chai nước đã cạn, người ta bảo: thôi, liệng đi mà, bộ khùng sao? Tôi mà hỏi sao không có cái thùng rác đựng đồ có thể dùng lại hay tái chế như … bên Mỹ, chắc người ta nói tôi khùng hết thuốc chữa.
Lý Lan
(Bài đã đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222