cô gái Cà Tu

Mấy hôm rày mưa lũ ở miền trung, ở trong này buồn cũng chẳng làm được gì, nay nghe nước rút rồi, mừng cũng là mừng suông thôi. Nhớ tháng rồi đi Đà Nẵng, có những khu phố đẹp giàu không kém cạnh Sài Gòn hay đâu khác. Có dịp đi lên vùng núi, nơi người dân tộc sống, lại gặp cảnh hoang sơ cơ cực. Đi thăm một trường nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số, trò chuyện với một cô gái Cà Tu. Đây là ghi chép về cô gái đó.

“Ở bên này núi có một người con gái. Cô có mái tóc dài thật dài. Cha mẹ muốn gả cô cho một người con trai mà cô không yêu. Cô bảo người con trai mà cô yêu là nếu anh yêu cô thì hãy đưa cô đi trốn. Trước khi đi cô gái gội đầu và vấn mái tóc ướt thành búi. Người yêu cõng cô trèo lên núi trong khi chàng rễ đuổi theo. Tới đỉnh núi thì chàng trai kiệt sức. Cô gái bèn cỡi búi tóc, vắt nước cho chàng trai uống, nhờ vậy chàng hồi sinh và tiếp tục cõng cô gái băng rừng, vượt suối, lội qua sông, đến một trái núi khác, và nơi đó họ sống hạnh phúc với nhau.”
Câu chuyện này của bà ngoại Thuỷ kể khi em còn nhỏ xíu, bây giờ em đã lớn thành một cô gái mười bảy tuổi, học lớp mười một trường huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Trường nằm dưới một chân núi, có một con đường chạy ngang qua trường, bên kia đường là một ngọn núi khác. Trường có nhà nội trú cho học sinh các dân tộc miền núi vì nhà các em ở rất xa, có khi xa đến mấy chục cây số đường núi. Phần lớn các em là người dân tộc Cà Tu và Cà Riềng. Thuỷ là người Cà Tu, mẹ đặt tên em theo tên người Kinh để kêu cho đẹp, chứ ông bà nội ngoại của em đều là người Cà Tu. Nhà Thuỷ cách trường không xa lắm nên Thuỷ không ở nội trú, đi học mỗi ngày bằng xe đạp, hoặc được mẹ chở đến trường bằng xe gắn gắn máy. Hôm chủ nhật 14/9 tôi đến trường Nam Giang gặp Thuỷ đứng trong nhà để xe chờ mẹ họp phụ huynh trong lớp.
Thuỷ nói tiếng Việt lưu loát, thậm chí dùng câu chữ rất văn chương, diễn tả ý tứ mạch lạc, không phải kiểu lanh lợi mà sáo rỗng như dân thành thị, nhưng mỗi câu đều có thông tin, có ý nghĩa, đi thẳng từ trong đầu ra cửa miệng, không vòng vo uốn éo, cũng không ngắc ngứ. Em có vẻ căng thẳng khi tôi tiến tới trước mặt em để hỏi chuyện. Nhưng một lúc sau em lấy lại được tự chủ, bình tĩnh chuyện trò với một người xa lạ đặt những câu hỏi có thể lần đầu tiên em nghe, như “Trong những câu chuyện bà ngoại kể, em thích chuyện nào nhứt? Tại sao?” Em kể câu chuyện đôi trai gái cõng nhau vượt núi đi tới hạnh phúc và nói lý do: “Bà ngoại kể nhiều lần, kể hay lắm, em không thể kể lại hết chi tiết, bà ngoại mất rồi, em vẫn nhớ câu chuyện vì em vẫn nhớ bà ngoại.”
Trong lớp của Thuỷ chỉ có 4 bạn là người Kinh, phần lớn học sinh dân tộc Kinh được vào lớp A1 (thường là lớp chọn, học sinh khá). Bạn bè Thuỷ nếu là người Cà Tu thì nói tiếng Cà Tu với nhau, khi nói chuyện với người Cà Riềng hay người Kinh thì dùng tiếng Kinh. Ông bà nội của Thuỷ chỉ nói tiếng Cà Tu , không biết tiếng Kinh, nhưng ba mẹ Thuỷ và chị em Thuỷ thì sử dụng cả hai thứ tiếng. Mẹ của Thuỷ 36 tuổi, là giáo viên cấp một. Hai mẹ con mặc quần tây, áo sơ mi, đi xe gắn máy, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang, giống như bất cứ người dân nào đi lại trên phố Đà Nẵng. Thuỷ có đi Đà Nẵng lần nào chưa?
- Có. Hè năm ngoái mẹ đi Đà Nẵng họp, mẹ đem cả gia đình cùng đi. Họp một ngày, tối mẹ thuê phòng khách sạn, ngày hôm sau cả nhà đi chơi. Đi siêu thị ngắm hàng, nhưng không mua vì không có tiền, rồi đi biển tắm, thích lắm. Mẹ muốn em sau này về Đà Nẵng vào học trường Y, nhưng em còn ngần ngại vì em sợ máu lắm.
- Em nghĩ gì về ngành y?
- Có bác sĩ tốt, có bác sĩ không tốt. Người bệnh thường không được chăm sóc tốt. Bác sĩ không tốt không nghĩ đến người bệnh, khiến cho người ta khổ lắm. Em cũng muốn làm bác sĩ tốt để giúp người, chỉ sợ em làm không nổi.
- Em có người yêu chưa?
- Chưa, em còn nhỏ mà. Mẹ không cho có người yêu sớm, ảnh hưởng đến việc học.
- Nhưng ngày xưa mẹ em lấy chồng khi mười bảy mười tám tuổi, bằng tuổi em bây giờ ấy mà.
Thuỷ mĩm cười không nói gì cả, ánh mắt lấp lánh hứơng tới tương lai. Tôi suy diễn thêm một lý do để câu chuyện đôi trai gái bà ngoại kể lắng đọng sâu trong trí cô gái trẻ ngày nay. Nỗi khát khao tự do luyến ái, ước mơ hạnh phúc và xây dựng cuộc sống với người yêu, muôn đời là câu chuyện hay nhứt của con người. Bà ngoại không kể là đôi trai gái ấy bao nhiêu tuổi khi quyết định vượt núi băng ngàn đi xây dựng cuộc đời riêng. Nhưng có lẽ cả hai trạc tuổi Thuỷ bây giờ, có khi nhỏ hơn một hai tuổi. Nhưng bây giờ Thuỷ còn những dự định ở tương lai. Vả lại tiến bộ y học khiến cho tuổi thọ người ta bây giờ gấp đôi đời người trong rừng núi ngày xưa, và thế giới đã mở ra, bao la…
Thuỷ nhỏ nhắn, ngăm ngăm đen, nét mặt thông minh. Hỏi em học giỏi không, em mĩm cười nói các bạn người Kinh học giỏi hơn. Tôi nghe một đồng nghiệp ở trừơng đại học Đà Nẵng kể chuyện một học sinh người dân tộc miền núi được nâng đỡ học y khoa, nhưng học xong thì anh tìm cách ở lại thành phố, chẳng ích gì cho xứ sở và dân tộc mình. Nhưng đó là một câu chuyện bình thường của rất nhiều kẻ tầm thường, phổ biến khắp nơi, mà nhiều nhứt trong người Kinh trên cả nước. Chẳng qua qui luật của nước là chảy về chỗ trũng. Tôi không đặt kỳ vọng vào một cô gái Cà Tu mới quen. Nhưng vì quá quen với những hình ảnh thiếu niên đô thị thực dụng quá coi trọng cái tôi phù phiếm, tôi bỗng gặp nơi cô gái trẻ này một niềm tin.


Lý Lan
(Bài đã đăng báo Yêu Trẻ)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222