Người đi xuyên tường
Vừa nhận được điện thoại Bích Ngân báo tin bên phát hành Phương Nam yêu cầu tái bản cuốn Tiểu thuyết Đàn Bà. Vui quá! Đây là lần tái bản thứ 2, nâng tổng số phát hành lên 8.000 quyển (trong vòng 8 tháng, từ lúc chính thức phát hành ở Hội sách ngày 13/3/2008) Lần tái bản này sẽ đổi hình bìa và bổ sung trong phần phụ lục bài viết của nhà văn Trần Thuỳ Mai. Mình lanh chanh đăng trước bài đó ở đây. Tựa chị Mai đặt là
Lý Lan - Người đi xuyên tường
(đọc Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan , nhà xb Văn Nghệ, tp Hồ Chí Minh, 2008)
Tiểu thuyết bắt đầu khi một con cái hoang dã xuất hiện giữa rừng xanh , với tấm vải quàng che mông háng . Con đàn bà. Một nửa thế giới đã được biểu hiện như vậy đó , trần trụi , phơi bày tất cả tính nữ sơ khai , trước đôi mắt của nửa kia : người đàn ông.
Tại sao trong khi gọi nhân vật nữ là con đàn bà , tác giả lại gọi nhân vật nam là người đàn ông ? Bởi vì cặp đôi nam nữ này thuộc về hai trình độ văn minh khác nhau. Con đàn bà “ như trái chín tỏa hương , hồn nhiên mời mọc”, nó “lớn lên giữa một thế giới mà con nai đực nhảy con nai cái, con rắn cái quấn con rắn đực, con khỉ đực ôm con khỉ cái , con chuồn chuồn cái cong đuôi dính con chuồn chuồn đực, đến con cóc mà nếu có đực có cái thì chúng cũng cõng nhau.” Còn người đàn ông thì “cho dù cái giá trị cao nhất trong hệ thống đạo đức mà ông được giáo dưỡng là nghĩa quân thần đã bị ông quẳng trôi sông khi một mình một kiếm rời bỏ chiến trường , con người ông vẫn chưa gột hết những nề nếp Nho gia đã thâm căn cố đế .....Những tín hiệu phát từ một con cái tự nhiên đánh thức bản năng con đực trong người đàn ông, nhưng giáo dục và tập quán xã hội khiến ông đè nén nó và tinh thần cảnh giác khiến ông phủ nhận nó “.
Cuộc giao hoan trong bộng cây , giữa rừng sâu được miêu tả ở trang 26 có thể xem là sự kết hợp giữa hai nền văn minh, đã khai sinh một phả hệ mới . Con đàn bà và người đàn ông trong con mắt của con cháu họ được gọi là bà tổ Mọi và ông tổ phò vua -một chiến tướng của vua Gia Long sau mấy chục năm bôn ba chinh chiến đã ẩn náu trong rừng và có đứa con nối dòng với người đàn bà hang động.
Từ cuộc kết nối xác thịt trong rừng rú ở trang 26 đến cuộc làm tình giữa đôi vợ chồng Ted và Không Bé trong căn hộ hiện đại giữa lòng nước Mỹ ở trang 55, đã có một khoảng cách bằng thời gian sống của hai chục thế hệ . Không Bé – cô gái có cái tên được đặt bởi hai người đàn bà , một ghét bỏ và một yêu thương - cô gái ấy cùng với cái tên kỳ cục và tính cách gan lì bướng bỉnh dấn thân vào cuộc hôn nhân dị chủng với Ted. Trên giường ngủ của đôi vợ chồng , trong phút gần gũi nhất , lúc mà tất cả những dị biệt giữa hai con người tưởng chừng phải bị xóa nhòa thì những bức tường văn hóa vẫn còn đó , khiến cho cuộc ái ân hóa thành một cuộc mặc cả , hai cách sống , cách nghĩ đối chọi khốc liệt ngay trong từng cái vuốt ve, từng động tác cơ thể. Không ai nhường ai trong cuộc tương tranh văn hóa đó , khiến cuối cùng Ted thà vào buồng tắm tự mình thỏa mãn cho mình chứ không chấp nhận gạt bỏ cái Tôi -hạt nhân cơ bản của một nền văn minh lấy cá nhân làm nền tảng.
Ngòi bút sắc sảo của Lý Lan đã dựng nên những nhân vật dường như bị lọt thỏm vào giữa hai thế giới : Như chị Đen của Thoa, người chị mà suýt nữa Thoa đã giết chết trong chiến tranh, người đàn bà có mái tóc xoăn và làn da đen đủi , giọt máu của người lính Lê Dương vô danh, lớn lên dấn thân vào cuộc chiến và bị lên án tử từ chính những đồng chí của mình. Như Trần Thiện Dzách, xuất cảnh theo diện con lai, đi tìm cha khắp 49 bang của nước Mỹ chỉ trừ một bang Hawaii chưa tìm tới chỉ vì chiếc xe tải kiêm nhà ở của anh không thể băng qua đại dương. Cuộc tìm kiếm suốt hai mươi năm không kết quả, cuối cùng Dzách đành từ bỏ hy vọng và trở về Việt Nam tìm mẹ.
Cảm giác bơ vơ , thất lạc và muốn tìm về có thể là một cảm giác đặc thù của con người thời hiện đại , khi mà cuộc sống đang từng ngày từng giờ giật con người ra khỏi mảnh đất chôn nhau , đưa họ đi vào những hành trình không giới hạn trên mặt địa cầu mênh mông này . Với Lý Lan , cảm giác ấy có gốc rễ còn sâu xa hơn, trong tâm thức con người tự xa xưa với những cuộc di trú thường xuyên diễn ra trong quá trình hình thành nhân loại. Vì nó mà hai chục năm sau khi định cư trong rừng, ông Tổ phò vua phải lặn lội đem đứa con trai quay về Huế để rồi chết ở nơi mình đã sinh ra. Vì nó mà bà Tổ Mọi sau khi lẽo đẽo theo chồng về Kinh lại quay về rừng núi phương Nam với nàng dâu công chúa . Và hai trăm năm sau, khi Thoa vật vã giữa hiện tại và quá khứ , giữa cậu Hai Cách Mạng và chị Đen tử tội , khi Không Bé lao mình vào giữa hai đối cực tình cảm: Mẹ và Chồng , tất cả những quằn quại sướng khổ ấy dường như dựng nên cả bức tranh nhân loại: miệt mài mở rộng những chân trời của sự sống để rồi lại đau đáu nhớ về nơi cội nguồn mình lìa bỏ sau lưng.
Và như thế , thế giới này còn lâu mới phẳng như người ta vẫn thường lo sợ . Bởi cuộc sống cứ thúc đẩy sự chung hòa nhưng con người luôn mang một sức đề kháng văn hóa mạnh mẽ từ trong bản năng sâu thẳm. Những bức tường giữa các nền văn hóa vẫn còn dày lắm , và đàn bà , với quyền năng của tình yêu và hôn nhân , có thể được xem là những người đi xuyên tường. Với số phận riêng của từng người , không ai giống ai , họ đã mở những cánh cửa liên thông giữa những vùng miền âm u và xa cách nhất. Có phải tác giả đã nghĩ chỉ có tình yêu mới xoa dịu được nỗi đau thất lạc của con người , khi để cho người mẹ Việt Nam nói ở chương cuối cùng :”Con đừng giới hạn tình yêu. Hãy mở lòng ra, tình yêu tự luân lưu.”
Nhà văn nữ Lý Lan ra đời ở quê mẹ Bình Dương , là con đầu lòng từ một cuộc hôn nhân Hoa - Việt, cha chị là một di dân người Quảng Đông đến Việt Nam lập nghiệp vào những năm 50 . Năm 2002 chị thành hôn với một giáo sư người Mỹ. Từ ảnh hưởng của chồng và cha , Lý Lan là một phụ nữ Việt có điều kiện để hiểu rõ hai nền văn hóa của Trung Hoa và Hoa Kỳ . Chị hiểu sâu sắc về sự cọ xát văn hóa diễn ra trong tâm lý con người, và hiểu được vai trò của người phụ nữ trong cuộc hội nhập và bảo tồn bản sắc vẫn đồng thời diễn ra thầm lặng trong nhiều ngõ ngách của thế giới.
Trong các nhà văn Việt Nam hiện nay , không ai có thế mạnh hơn Lý Lan trong việc khai thác chủ đề này .
Bởi Lý Lan cũng chính là một người đi xuyên tường từ lúc mới sinh ra.
Trần Thùy Mai
Lý Lan - Người đi xuyên tường
(đọc Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan , nhà xb Văn Nghệ, tp Hồ Chí Minh, 2008)
Tiểu thuyết bắt đầu khi một con cái hoang dã xuất hiện giữa rừng xanh , với tấm vải quàng che mông háng . Con đàn bà. Một nửa thế giới đã được biểu hiện như vậy đó , trần trụi , phơi bày tất cả tính nữ sơ khai , trước đôi mắt của nửa kia : người đàn ông.
Tại sao trong khi gọi nhân vật nữ là con đàn bà , tác giả lại gọi nhân vật nam là người đàn ông ? Bởi vì cặp đôi nam nữ này thuộc về hai trình độ văn minh khác nhau. Con đàn bà “ như trái chín tỏa hương , hồn nhiên mời mọc”, nó “lớn lên giữa một thế giới mà con nai đực nhảy con nai cái, con rắn cái quấn con rắn đực, con khỉ đực ôm con khỉ cái , con chuồn chuồn cái cong đuôi dính con chuồn chuồn đực, đến con cóc mà nếu có đực có cái thì chúng cũng cõng nhau.” Còn người đàn ông thì “cho dù cái giá trị cao nhất trong hệ thống đạo đức mà ông được giáo dưỡng là nghĩa quân thần đã bị ông quẳng trôi sông khi một mình một kiếm rời bỏ chiến trường , con người ông vẫn chưa gột hết những nề nếp Nho gia đã thâm căn cố đế .....Những tín hiệu phát từ một con cái tự nhiên đánh thức bản năng con đực trong người đàn ông, nhưng giáo dục và tập quán xã hội khiến ông đè nén nó và tinh thần cảnh giác khiến ông phủ nhận nó “.
Cuộc giao hoan trong bộng cây , giữa rừng sâu được miêu tả ở trang 26 có thể xem là sự kết hợp giữa hai nền văn minh, đã khai sinh một phả hệ mới . Con đàn bà và người đàn ông trong con mắt của con cháu họ được gọi là bà tổ Mọi và ông tổ phò vua -một chiến tướng của vua Gia Long sau mấy chục năm bôn ba chinh chiến đã ẩn náu trong rừng và có đứa con nối dòng với người đàn bà hang động.
Từ cuộc kết nối xác thịt trong rừng rú ở trang 26 đến cuộc làm tình giữa đôi vợ chồng Ted và Không Bé trong căn hộ hiện đại giữa lòng nước Mỹ ở trang 55, đã có một khoảng cách bằng thời gian sống của hai chục thế hệ . Không Bé – cô gái có cái tên được đặt bởi hai người đàn bà , một ghét bỏ và một yêu thương - cô gái ấy cùng với cái tên kỳ cục và tính cách gan lì bướng bỉnh dấn thân vào cuộc hôn nhân dị chủng với Ted. Trên giường ngủ của đôi vợ chồng , trong phút gần gũi nhất , lúc mà tất cả những dị biệt giữa hai con người tưởng chừng phải bị xóa nhòa thì những bức tường văn hóa vẫn còn đó , khiến cho cuộc ái ân hóa thành một cuộc mặc cả , hai cách sống , cách nghĩ đối chọi khốc liệt ngay trong từng cái vuốt ve, từng động tác cơ thể. Không ai nhường ai trong cuộc tương tranh văn hóa đó , khiến cuối cùng Ted thà vào buồng tắm tự mình thỏa mãn cho mình chứ không chấp nhận gạt bỏ cái Tôi -hạt nhân cơ bản của một nền văn minh lấy cá nhân làm nền tảng.
Ngòi bút sắc sảo của Lý Lan đã dựng nên những nhân vật dường như bị lọt thỏm vào giữa hai thế giới : Như chị Đen của Thoa, người chị mà suýt nữa Thoa đã giết chết trong chiến tranh, người đàn bà có mái tóc xoăn và làn da đen đủi , giọt máu của người lính Lê Dương vô danh, lớn lên dấn thân vào cuộc chiến và bị lên án tử từ chính những đồng chí của mình. Như Trần Thiện Dzách, xuất cảnh theo diện con lai, đi tìm cha khắp 49 bang của nước Mỹ chỉ trừ một bang Hawaii chưa tìm tới chỉ vì chiếc xe tải kiêm nhà ở của anh không thể băng qua đại dương. Cuộc tìm kiếm suốt hai mươi năm không kết quả, cuối cùng Dzách đành từ bỏ hy vọng và trở về Việt Nam tìm mẹ.
Cảm giác bơ vơ , thất lạc và muốn tìm về có thể là một cảm giác đặc thù của con người thời hiện đại , khi mà cuộc sống đang từng ngày từng giờ giật con người ra khỏi mảnh đất chôn nhau , đưa họ đi vào những hành trình không giới hạn trên mặt địa cầu mênh mông này . Với Lý Lan , cảm giác ấy có gốc rễ còn sâu xa hơn, trong tâm thức con người tự xa xưa với những cuộc di trú thường xuyên diễn ra trong quá trình hình thành nhân loại. Vì nó mà hai chục năm sau khi định cư trong rừng, ông Tổ phò vua phải lặn lội đem đứa con trai quay về Huế để rồi chết ở nơi mình đã sinh ra. Vì nó mà bà Tổ Mọi sau khi lẽo đẽo theo chồng về Kinh lại quay về rừng núi phương Nam với nàng dâu công chúa . Và hai trăm năm sau, khi Thoa vật vã giữa hiện tại và quá khứ , giữa cậu Hai Cách Mạng và chị Đen tử tội , khi Không Bé lao mình vào giữa hai đối cực tình cảm: Mẹ và Chồng , tất cả những quằn quại sướng khổ ấy dường như dựng nên cả bức tranh nhân loại: miệt mài mở rộng những chân trời của sự sống để rồi lại đau đáu nhớ về nơi cội nguồn mình lìa bỏ sau lưng.
Và như thế , thế giới này còn lâu mới phẳng như người ta vẫn thường lo sợ . Bởi cuộc sống cứ thúc đẩy sự chung hòa nhưng con người luôn mang một sức đề kháng văn hóa mạnh mẽ từ trong bản năng sâu thẳm. Những bức tường giữa các nền văn hóa vẫn còn dày lắm , và đàn bà , với quyền năng của tình yêu và hôn nhân , có thể được xem là những người đi xuyên tường. Với số phận riêng của từng người , không ai giống ai , họ đã mở những cánh cửa liên thông giữa những vùng miền âm u và xa cách nhất. Có phải tác giả đã nghĩ chỉ có tình yêu mới xoa dịu được nỗi đau thất lạc của con người , khi để cho người mẹ Việt Nam nói ở chương cuối cùng :”Con đừng giới hạn tình yêu. Hãy mở lòng ra, tình yêu tự luân lưu.”
Nhà văn nữ Lý Lan ra đời ở quê mẹ Bình Dương , là con đầu lòng từ một cuộc hôn nhân Hoa - Việt, cha chị là một di dân người Quảng Đông đến Việt Nam lập nghiệp vào những năm 50 . Năm 2002 chị thành hôn với một giáo sư người Mỹ. Từ ảnh hưởng của chồng và cha , Lý Lan là một phụ nữ Việt có điều kiện để hiểu rõ hai nền văn hóa của Trung Hoa và Hoa Kỳ . Chị hiểu sâu sắc về sự cọ xát văn hóa diễn ra trong tâm lý con người, và hiểu được vai trò của người phụ nữ trong cuộc hội nhập và bảo tồn bản sắc vẫn đồng thời diễn ra thầm lặng trong nhiều ngõ ngách của thế giới.
Trong các nhà văn Việt Nam hiện nay , không ai có thế mạnh hơn Lý Lan trong việc khai thác chủ đề này .
Bởi Lý Lan cũng chính là một người đi xuyên tường từ lúc mới sinh ra.
Trần Thùy Mai