xuân thì
Tôi vào hẻm số 5 hỏi người bán nghêu sò nướng nhà bà Hai Kem Chuối còn trong hẻm này không. Người nhanh nhẩu trả lời tôi là một người đàn ông ngồi trên cái ghế đẩu gần đó.
- Bả chết lâu rồi.
- Tôi biết. Nhưng con cái của bà Hai còn ở đây không, anh Hữu, chị Hương, chị Xuân…?
Người đàn ông nhìn tôi nửa phút mà không nói gì. Rồi người bán cóc ổi nói, hình như với người đàn ông chứ không phải với tôi.
- Chắc có chuyện gì rồi.
- Chuyện gì?
Tôi hỏi, mà hai người kia lại trố mắt nhìn tôi như chờ đợi câu trả lời. Hơi bực mình, tôi lại giận mình. Đã tới đây thì cứ đi thẳng vô nhà bà Hai mà tìm. Gặp người đầu hẻm hỏi thăm thông tin mình đã biết chẳng phải là một biến tướng của thói lê đôi mách sao? Câu hỏi nhà bà Hai Kem Chuối còn trong hẻm này không thực ra có nghĩa là tôi về hẻm này thăm nhà bà Hai Kem Chuối nè, mấy người còn nhớ tôi không? Nhưng tôi cũng cười xoà tha thứ cho mình: điều đó chứng tỏ cái văn hoá “nhiều chuyện” của hẻm này ngấm trong máu tôi lâu thật. Bốn chục năm.
Thấy tôi cười bỏ đi, hai người kia chắc là tưởng tôi dở hơi như Xuân. Ban đầu Xuân chỉ bị mắng vô duyên, khi chị cà nhõng đi qua chỗ người ta đang cặm cụi đập hột dưa, xướng lên một câu hỏi khơi khơi, như con mèo có chạy qua đây không, rồi chưa kịp nghe dứt câu người ta hỏi lại vậy chứ mày kiếm con mèo làm gì, Xuân khúc khích cười bỏ đi. Những đứa con gái khác trong xóm, trạc tuổi mười bốn mười lăm như Xuân đều giống như tất cả những phụ nữ trong hẻm, đi lãnh việc gia công tuỳ mùa để kiếm tiền phụ gia đình hay dành dụm làm vốn riêng. Mùa làm bánh trung thu thì lãnh hột dưa về, kê từng hột trên một miếng gạch nhỏ, dùng một cái búa nhỏ, khỏ nhẹ cho vỏ hột dưa tách ra. Cứ một kí lô hột dưa đã tách vỏ rồi nộp lại chủ thầu thì được một số tiền đủ để đi chợ cho một gia đình năm bảy miệng ăn trong ngày. Thời đó chiến tranh, đàn ông tuổi lao động cũng là đàn ông tuổi quân dịch, đàn bà nông thôn giạt lên ở chen chúc trong hẻm, không nghề nghiệp, không vốn liếng, lại lu bu một bầy con, ai cũng lãnh việc gia công để kiếm tiền chợ. Hết mùa trung thu thì lột tỏi, xâm gừng, gọt vỏ tắc… Có người ở hẻm bên chuyên đi thầu đồ về chia cho mọi người làm. Dễ dàng, nhẹ nhàng, con nít cũng làm được. Nên phần lớn trẻ con trong xóm đều bị mẹ bắt làm phụ, ít có đứa được đi học tiếp sau khi xong bậc tiểu học. Xuân là một ngoại lệ, năm 15 tuổi Xuân học lớp đệ tứ trường nữ trung học Trưng Vương. Gia đình Xuân cũng là một ngoại lệ trong xóm tản cư, ba chị là công chức, mỗi ngày đi làm bằng xe suzuki. Mẹ Xuân làm kem chuối rất ngon. Bà ép trái chuối sứ dẹp lép, nhúng vô nước dừa, rắc thêm mè và đậu phộng giã, bọc lại bằng ny lông, bỏ vô tủ kem để đông lại là thành kem chuối. Một ngày bà làm mấy trăm cây kem chuối, bán sạch bách. Người khác bắt chước, nhưng không ai làm ngon bằng bà, nên ở xóm này bà chết danh là bà Hai Kem Chuối.
Tuy tất cả nhà trong hẻm 5 bây giờ đều được xây cất mới, lên hai ba tầng lầu, tôi vẫn tìm được đúng nhà bà Hai dựa theo số cũ. Tôi gọi cửa, bình tĩnh đứng đợi. Nhưng cửa chưa kịp mở từ bên trong thì một đứa nhỏ chạy xồng xộc phía đầu hẻm vào, tới trước mặt tôi đứng lại thở hồng hộc. Khi cửa mở ra thì nó hổn hển nói với cô gái mặc đồ bộ đứng sau cánh cửa.
- Chị Oanh, anh Đằng nói bà này kiếm nhà bà nội, chắc là có chuyện gì.
Oanh hỏi độp tôi:
- Bác Xuân bị sao rồi?
Tôi đoán hai đứa này là con của Hữu, vì vợ Hữu gốc người Bắc, dạy con gọi chị của bố là bác chứ không kêu là cô như người trong Nam. Tức cười, mới ngày nào Hữu lóc chóc chạy theo tôi liếm chực cây cà rem, mà bây giờ con cái nó lớn xộn như vầy. Hai chị em Oanh nhìn nhau, ánh mắt tụi nó rõ ràng hỏi nhau: bà này khùng sao mà tới trứơc nhà mình đứng cười cười?
Tôi tự giới thiệu:
- Tôi là Mận, hồi xưa cũng ở xóm này, nhà bên hẻm 3, bạn của Hương.
Oanh nói:
- Bác Hương không ở đây nữa.
- Ba má cháu có ở nhà không?
- Không.
Tôi nhủ là không hề gì, mình về chơi xóm cũ, không gặp người quen thì thôi. Định quay ra thì có một chiếc taxi chạy vô hẻm. Chị em Oanh ngó lom lom chiếc xe và khi nó vừa ngừng trước nhà thì cả hai đứa cùng hét lên:
- Bác Hương!
Hương trả tiền taxi, bước xuống xe trước rồi xoay lại dìu một người đàn bà khác ra khỏi xe. Chị em Oanh lại kêu lên:
- Bác Xuân!
Tôi thú thật là giây phút đó tự nhiên tôi xúc động mạnh.
Hương cũng nhận ra tôi ngay. Nó mừng rỡ buông cánh tay Xuân chạy lại nắm tay tôi.
- Mận! Mày về chơi hả?
Xuân đứng lại sau Hương một bước, nhìn tôi đăm đăm, hình như tiếng kêu “Mận” có tác động sao đó khiến ánh mắt chị chợt ánh lên. Hương quay lại Xuân, một tay vẫn cầm tay tôi, tay kia nắm tay Xuân.
- Chị Xuân nhớ Mận không?
- Nhớ.
Tôi sung sướng dang cả hai cánh tay ra ôm choàng Xuân. Nhưng chị không hưởng ứng, cứ đứng trơ ra với vẻ chịu trận, thậm chí hơi né né, như sợ đau khi tôi chạm vào thân thể chị. Tóc Xuân rít , cổ áo chua loét, và toàn thân nhớp nháp, bốc một mùi tanh tanh.
Oanh đã biến mất vào trong nhà, thằng em nó đã chạy về phía tiệm game đầu hẻm. Hẳn là tụi nó thất vọng trước cuộc gặp gỡ không có gì gay cấn này.
Hương nói:
- Mận ngồi chơi. Chị Xuân đi tắm nha? Tắm rồi bận đồ mới. Có Mận tới thăm chị nè.
Giọng Hương vỗ về như đang dụ khị một đứa con nít lên ba. Xuân ứng xử như đứa con nít thật. Chị vẫn nhìn tôi, nhưng ánh mắt không biểu lộ sự nhận thức hay nhớ nghĩ gì cả. Cái ánh gì đó mà tôi bắt gặp trong mắt chị khi chị vừa bước xuống xe nghe Hương kêu tên tôi có lẽ là hiệu ứng từ giọng nói mừng rỡ của Hương, chứ không phải do Xuân nhận ra tôi hay tên tôi. Thực ra tôi có là gì với chị đâu? Hồi xưa thỉnh thoảng tôi gặp chị đi lang thang ngoài đường thì đến cầm tay chị nói em là Mận nè, em dắt chị về nhà nghe. Sau này có mấy lần bà Hai nhờ tôi đi dắt Xuân về, vì khi Xuân nhận ra mẹ hay anh chị em mình đến gần thì chị vùng bỏ chạy. Không biết tại sao hồi đó hễ chị thấy tôi đi tới thì chị lại đứng im, để cho tôi cầm tay dắt đi. Hồi đó tôi cũng hơi ớn khi nghe người ta nói mấy người ‘hạp điện’ người điên sẽ có ngày khùng theo. Sau này nghe chồng cằn nhằn hoài rằng tôi ‘khùng quá’, tôi nghĩ có thể tôi ‘hạp điện’ Xuân thật.
Thấy Xuân vùng vằng không chịu đi theo Hương, tôi cầm tay Xuân, chị ngoan ngoãn bước đi, khiến tôi một lần nữa xúc động kỳ lạ. Không phải tôi khoái trá hay tự hào vì có oai với một người điên. Tôi cảm nhận được sự tin cậy của bàn tay để yên trong tay tôi. Tôi cảm nhận sự tin cậy vô điều kiện của Xuân mà không bao giờ hiểu tại sao và chưa bao giờ biết làm gì cho xứng đáng. Nhưng tôi cảm thấy bình tâm và vui, như tôi đã bình thản vui vẻ dắt chị về nhà hồi tôi là một con bé mười tuổi. Hồi đó tôi có phần ngưỡng mộ chị nữa kia. Trong mắt một con nhỏ ở quê mới tản cư lên Sài Gòn, đi chân đất đến trường tiểu học, thì một nữ sinh trung học mang giầy cao gót trắng, áo dài trắng, quần trắng, tóc dài xoã tới thắt lưng cài một bông cúc trắng… trông như một ảo ảnh hay một giấc mơ hơn là một con người. Những cơn đi lang thang của Xuân vào năm lớp đệ nhị còn được nghi ngờ là lãng mạn hay thất tình. Đến khi Xuân bỏ thi tú tài, lang thang cả tuần lễ, khóc cười bất chợt, bị đưa vào nhà thương điên, chị chính thức trở thành người điên. Những người con gái trang lứa đã cặm cụi đập hột dưa, xâm gừng, lột tỏi, gọt võ chanh tắc suốt tuổi dậy thì, nay hoặc gom góp được chút vốn liếng hay học xong bài công dung ngôn hạnh, chuẩn bị lấy chồng sanh con. Họ đều tỉnh táo, thực tế. Họ đều tin là Xuân học nhiều đọc lắm tiểu thuyết nên điên.
Xuân vẫn cầm tay tôi trong khi Hương cởi áo quần cho chị, như thể chị cần vịn tôi để giữ thăng bằng khi nhắc một chân ra khỏi ống quần. Ngồi trong bồn tắm chị co hai chân lên, dạng hai đầu gối ra cho Hương xát xà bông kỳ cọ giữa háng chị. Hương nói bây giờ chị Xuân tắt kinh rồi, đỡ khổ hơn hồi trước. Mỗi lần chị có kinh thì thật là kinh hoàng, chị trây trét tùm lum, mà đụng tới người chị là chị la thét như bị chọc tiết. Mẹ nói từ hồi chị bắt đầu có kinh là chị bắt đầu lên cơn. Mấy năm nay chị đỡ lắm, bớt khóc cười lãng nhách hay la hét một mình như mỗi lần có kinh.
Hai tay Xuân vịn vào thành bồn tắm. Tư thế ngồi của Xuân y như đứa con nít. Thân hình nhỏ thó, có phần hơi gầy, chân tay lộ cả xương, nhưng da chỗ bụng cũng đùn lại, xếp nếp. Da lưng thì mốc meo, hoặc do tàn nhang, đồi mồi, hay cáu ghét. Tóc bạc, ướt, dính bết thành mấy lọn lưa thưa không che hết sọ. Hương gội đầu cho chị, rồi xát xà bông vào từng kẻ ngón tay ngón chân chị, vừa kỳ cọ vừa nói giọng nựng nịu, như thể đang tắm cho một đứa trẻ. Rồi Hương dùng vòi gương sen xịt khắp người Xuân. Cuối cùng Hương lấy một tấm khăn lớn, trùm quanh người Xuân dỗ chị ra khỏi bồn tắm, mặc cho chị một bộ đồ vải màu lam nhạt.
- Phù! Cả chục ngày lăn lê lề đường xó chợ. Bây giờ mát mẻ sạch sẽ rồi hén?
Phòng của Xuân đủ kê một cái giường, một cái tủ, và một cái bàn để một cái máy truyền hình. Xuân ngồi xuống giừơng, cầm cái rì mốt mở truyền hình, rồi ngồi yên trước màn ảnh nhỏ, ngước nhìn cái gì đó không ai khác nhìn thấy ở đâu đó trên trần nhà. Chị giữ yên tư thế này rất lâu. Không động đậy cả khi Hương bưng một tô mì ăn liền đến ngồi bên cạnh. Dù Hương dỗ dành thế nào, Xuân cũng không há miệng ra, thậm chí không nhúc nhích. Hương đặt tô mì lên bàn dỗ dành Xuân xem con thằn lằn xong thì ăn mì, ăn dùm con thằn lằn kẻo thằn lằn đói bụng.
Lúc đó Oanh ở trên lầu đi xuống hỏi:
- Bác Hương có ở lại trông bác Xuân không? Cháu đi học thêm đây. Nếu bác Hương về thì khoá cửa nhà lại. Khoá cả cửa phòng bác Xuân, mẹ cháu dặn thế. Cháu sẽ gọi thằng Vũ về, nhưng nó về thì lại tót lên lầu, chẳng ai trông nhà đâu.
Sau khi hỏi thăm nhau chuyện nọ chuyện kia, tôi nghĩ mình phải ra về. Hương không cầm khách, chị cũng phải về nhà lo cơm nước cho chồng con. Khi nhận được điện thoại của người quen cho biết chỗ họ vừa gặp Xuân, Hương đang ở chỗ làm, vội xin phép cơ quan đi tìm chị đem về. Cơ quan biết hoàn cảnh cũng thông cảm, nhưng mình cứ đột xuất bỏ việc đi tìm chị hoài, người ta phải cáng đáng công việc dùm mình người ta cũng ngán. Với lại người ta cũng có mẹ già lú lẩn, cha nằm bệnh viện, con bỏ học đi bụi… Đâu phải riêng mình ‘hoàn cảnh’.
Tôi cầm tay Xuân để từ giả. Chị ngoảnh đầu nhìn tôi, bàn tay chị trong tay tôi co lại, như bấu víu. Tôi không nỡ buông tay, nhưng tôi không thể làm gì khác hơn ra đi. Khi Hương khoá cửa tôi ngập ngừng nói rủi có chuyện gì… Hương nói chị Xuân hiền lắm, chỉ đi lang thang cười khóc một mình, chứ ở nhà chị cũng biết bật công tắc đèn mở tivi coi.
Qua hai lần cửa khoá bỗng tôi nhìn thấy bóng cô nữ sinh trắng toát thơ thẩn đi ngang đám đàn bà con gái cặm cụi đập hột dưa trong hẻm.
Như một cơn mơ, như một hoang tưởng.
(truyện ngắn của Lý Lan - đã đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)
- Bả chết lâu rồi.
- Tôi biết. Nhưng con cái của bà Hai còn ở đây không, anh Hữu, chị Hương, chị Xuân…?
Người đàn ông nhìn tôi nửa phút mà không nói gì. Rồi người bán cóc ổi nói, hình như với người đàn ông chứ không phải với tôi.
- Chắc có chuyện gì rồi.
- Chuyện gì?
Tôi hỏi, mà hai người kia lại trố mắt nhìn tôi như chờ đợi câu trả lời. Hơi bực mình, tôi lại giận mình. Đã tới đây thì cứ đi thẳng vô nhà bà Hai mà tìm. Gặp người đầu hẻm hỏi thăm thông tin mình đã biết chẳng phải là một biến tướng của thói lê đôi mách sao? Câu hỏi nhà bà Hai Kem Chuối còn trong hẻm này không thực ra có nghĩa là tôi về hẻm này thăm nhà bà Hai Kem Chuối nè, mấy người còn nhớ tôi không? Nhưng tôi cũng cười xoà tha thứ cho mình: điều đó chứng tỏ cái văn hoá “nhiều chuyện” của hẻm này ngấm trong máu tôi lâu thật. Bốn chục năm.
Thấy tôi cười bỏ đi, hai người kia chắc là tưởng tôi dở hơi như Xuân. Ban đầu Xuân chỉ bị mắng vô duyên, khi chị cà nhõng đi qua chỗ người ta đang cặm cụi đập hột dưa, xướng lên một câu hỏi khơi khơi, như con mèo có chạy qua đây không, rồi chưa kịp nghe dứt câu người ta hỏi lại vậy chứ mày kiếm con mèo làm gì, Xuân khúc khích cười bỏ đi. Những đứa con gái khác trong xóm, trạc tuổi mười bốn mười lăm như Xuân đều giống như tất cả những phụ nữ trong hẻm, đi lãnh việc gia công tuỳ mùa để kiếm tiền phụ gia đình hay dành dụm làm vốn riêng. Mùa làm bánh trung thu thì lãnh hột dưa về, kê từng hột trên một miếng gạch nhỏ, dùng một cái búa nhỏ, khỏ nhẹ cho vỏ hột dưa tách ra. Cứ một kí lô hột dưa đã tách vỏ rồi nộp lại chủ thầu thì được một số tiền đủ để đi chợ cho một gia đình năm bảy miệng ăn trong ngày. Thời đó chiến tranh, đàn ông tuổi lao động cũng là đàn ông tuổi quân dịch, đàn bà nông thôn giạt lên ở chen chúc trong hẻm, không nghề nghiệp, không vốn liếng, lại lu bu một bầy con, ai cũng lãnh việc gia công để kiếm tiền chợ. Hết mùa trung thu thì lột tỏi, xâm gừng, gọt vỏ tắc… Có người ở hẻm bên chuyên đi thầu đồ về chia cho mọi người làm. Dễ dàng, nhẹ nhàng, con nít cũng làm được. Nên phần lớn trẻ con trong xóm đều bị mẹ bắt làm phụ, ít có đứa được đi học tiếp sau khi xong bậc tiểu học. Xuân là một ngoại lệ, năm 15 tuổi Xuân học lớp đệ tứ trường nữ trung học Trưng Vương. Gia đình Xuân cũng là một ngoại lệ trong xóm tản cư, ba chị là công chức, mỗi ngày đi làm bằng xe suzuki. Mẹ Xuân làm kem chuối rất ngon. Bà ép trái chuối sứ dẹp lép, nhúng vô nước dừa, rắc thêm mè và đậu phộng giã, bọc lại bằng ny lông, bỏ vô tủ kem để đông lại là thành kem chuối. Một ngày bà làm mấy trăm cây kem chuối, bán sạch bách. Người khác bắt chước, nhưng không ai làm ngon bằng bà, nên ở xóm này bà chết danh là bà Hai Kem Chuối.
Tuy tất cả nhà trong hẻm 5 bây giờ đều được xây cất mới, lên hai ba tầng lầu, tôi vẫn tìm được đúng nhà bà Hai dựa theo số cũ. Tôi gọi cửa, bình tĩnh đứng đợi. Nhưng cửa chưa kịp mở từ bên trong thì một đứa nhỏ chạy xồng xộc phía đầu hẻm vào, tới trước mặt tôi đứng lại thở hồng hộc. Khi cửa mở ra thì nó hổn hển nói với cô gái mặc đồ bộ đứng sau cánh cửa.
- Chị Oanh, anh Đằng nói bà này kiếm nhà bà nội, chắc là có chuyện gì.
Oanh hỏi độp tôi:
- Bác Xuân bị sao rồi?
Tôi đoán hai đứa này là con của Hữu, vì vợ Hữu gốc người Bắc, dạy con gọi chị của bố là bác chứ không kêu là cô như người trong Nam. Tức cười, mới ngày nào Hữu lóc chóc chạy theo tôi liếm chực cây cà rem, mà bây giờ con cái nó lớn xộn như vầy. Hai chị em Oanh nhìn nhau, ánh mắt tụi nó rõ ràng hỏi nhau: bà này khùng sao mà tới trứơc nhà mình đứng cười cười?
Tôi tự giới thiệu:
- Tôi là Mận, hồi xưa cũng ở xóm này, nhà bên hẻm 3, bạn của Hương.
Oanh nói:
- Bác Hương không ở đây nữa.
- Ba má cháu có ở nhà không?
- Không.
Tôi nhủ là không hề gì, mình về chơi xóm cũ, không gặp người quen thì thôi. Định quay ra thì có một chiếc taxi chạy vô hẻm. Chị em Oanh ngó lom lom chiếc xe và khi nó vừa ngừng trước nhà thì cả hai đứa cùng hét lên:
- Bác Hương!
Hương trả tiền taxi, bước xuống xe trước rồi xoay lại dìu một người đàn bà khác ra khỏi xe. Chị em Oanh lại kêu lên:
- Bác Xuân!
Tôi thú thật là giây phút đó tự nhiên tôi xúc động mạnh.
Hương cũng nhận ra tôi ngay. Nó mừng rỡ buông cánh tay Xuân chạy lại nắm tay tôi.
- Mận! Mày về chơi hả?
Xuân đứng lại sau Hương một bước, nhìn tôi đăm đăm, hình như tiếng kêu “Mận” có tác động sao đó khiến ánh mắt chị chợt ánh lên. Hương quay lại Xuân, một tay vẫn cầm tay tôi, tay kia nắm tay Xuân.
- Chị Xuân nhớ Mận không?
- Nhớ.
Tôi sung sướng dang cả hai cánh tay ra ôm choàng Xuân. Nhưng chị không hưởng ứng, cứ đứng trơ ra với vẻ chịu trận, thậm chí hơi né né, như sợ đau khi tôi chạm vào thân thể chị. Tóc Xuân rít , cổ áo chua loét, và toàn thân nhớp nháp, bốc một mùi tanh tanh.
Oanh đã biến mất vào trong nhà, thằng em nó đã chạy về phía tiệm game đầu hẻm. Hẳn là tụi nó thất vọng trước cuộc gặp gỡ không có gì gay cấn này.
Hương nói:
- Mận ngồi chơi. Chị Xuân đi tắm nha? Tắm rồi bận đồ mới. Có Mận tới thăm chị nè.
Giọng Hương vỗ về như đang dụ khị một đứa con nít lên ba. Xuân ứng xử như đứa con nít thật. Chị vẫn nhìn tôi, nhưng ánh mắt không biểu lộ sự nhận thức hay nhớ nghĩ gì cả. Cái ánh gì đó mà tôi bắt gặp trong mắt chị khi chị vừa bước xuống xe nghe Hương kêu tên tôi có lẽ là hiệu ứng từ giọng nói mừng rỡ của Hương, chứ không phải do Xuân nhận ra tôi hay tên tôi. Thực ra tôi có là gì với chị đâu? Hồi xưa thỉnh thoảng tôi gặp chị đi lang thang ngoài đường thì đến cầm tay chị nói em là Mận nè, em dắt chị về nhà nghe. Sau này có mấy lần bà Hai nhờ tôi đi dắt Xuân về, vì khi Xuân nhận ra mẹ hay anh chị em mình đến gần thì chị vùng bỏ chạy. Không biết tại sao hồi đó hễ chị thấy tôi đi tới thì chị lại đứng im, để cho tôi cầm tay dắt đi. Hồi đó tôi cũng hơi ớn khi nghe người ta nói mấy người ‘hạp điện’ người điên sẽ có ngày khùng theo. Sau này nghe chồng cằn nhằn hoài rằng tôi ‘khùng quá’, tôi nghĩ có thể tôi ‘hạp điện’ Xuân thật.
Thấy Xuân vùng vằng không chịu đi theo Hương, tôi cầm tay Xuân, chị ngoan ngoãn bước đi, khiến tôi một lần nữa xúc động kỳ lạ. Không phải tôi khoái trá hay tự hào vì có oai với một người điên. Tôi cảm nhận được sự tin cậy của bàn tay để yên trong tay tôi. Tôi cảm nhận sự tin cậy vô điều kiện của Xuân mà không bao giờ hiểu tại sao và chưa bao giờ biết làm gì cho xứng đáng. Nhưng tôi cảm thấy bình tâm và vui, như tôi đã bình thản vui vẻ dắt chị về nhà hồi tôi là một con bé mười tuổi. Hồi đó tôi có phần ngưỡng mộ chị nữa kia. Trong mắt một con nhỏ ở quê mới tản cư lên Sài Gòn, đi chân đất đến trường tiểu học, thì một nữ sinh trung học mang giầy cao gót trắng, áo dài trắng, quần trắng, tóc dài xoã tới thắt lưng cài một bông cúc trắng… trông như một ảo ảnh hay một giấc mơ hơn là một con người. Những cơn đi lang thang của Xuân vào năm lớp đệ nhị còn được nghi ngờ là lãng mạn hay thất tình. Đến khi Xuân bỏ thi tú tài, lang thang cả tuần lễ, khóc cười bất chợt, bị đưa vào nhà thương điên, chị chính thức trở thành người điên. Những người con gái trang lứa đã cặm cụi đập hột dưa, xâm gừng, lột tỏi, gọt võ chanh tắc suốt tuổi dậy thì, nay hoặc gom góp được chút vốn liếng hay học xong bài công dung ngôn hạnh, chuẩn bị lấy chồng sanh con. Họ đều tỉnh táo, thực tế. Họ đều tin là Xuân học nhiều đọc lắm tiểu thuyết nên điên.
Xuân vẫn cầm tay tôi trong khi Hương cởi áo quần cho chị, như thể chị cần vịn tôi để giữ thăng bằng khi nhắc một chân ra khỏi ống quần. Ngồi trong bồn tắm chị co hai chân lên, dạng hai đầu gối ra cho Hương xát xà bông kỳ cọ giữa háng chị. Hương nói bây giờ chị Xuân tắt kinh rồi, đỡ khổ hơn hồi trước. Mỗi lần chị có kinh thì thật là kinh hoàng, chị trây trét tùm lum, mà đụng tới người chị là chị la thét như bị chọc tiết. Mẹ nói từ hồi chị bắt đầu có kinh là chị bắt đầu lên cơn. Mấy năm nay chị đỡ lắm, bớt khóc cười lãng nhách hay la hét một mình như mỗi lần có kinh.
Hai tay Xuân vịn vào thành bồn tắm. Tư thế ngồi của Xuân y như đứa con nít. Thân hình nhỏ thó, có phần hơi gầy, chân tay lộ cả xương, nhưng da chỗ bụng cũng đùn lại, xếp nếp. Da lưng thì mốc meo, hoặc do tàn nhang, đồi mồi, hay cáu ghét. Tóc bạc, ướt, dính bết thành mấy lọn lưa thưa không che hết sọ. Hương gội đầu cho chị, rồi xát xà bông vào từng kẻ ngón tay ngón chân chị, vừa kỳ cọ vừa nói giọng nựng nịu, như thể đang tắm cho một đứa trẻ. Rồi Hương dùng vòi gương sen xịt khắp người Xuân. Cuối cùng Hương lấy một tấm khăn lớn, trùm quanh người Xuân dỗ chị ra khỏi bồn tắm, mặc cho chị một bộ đồ vải màu lam nhạt.
- Phù! Cả chục ngày lăn lê lề đường xó chợ. Bây giờ mát mẻ sạch sẽ rồi hén?
Phòng của Xuân đủ kê một cái giường, một cái tủ, và một cái bàn để một cái máy truyền hình. Xuân ngồi xuống giừơng, cầm cái rì mốt mở truyền hình, rồi ngồi yên trước màn ảnh nhỏ, ngước nhìn cái gì đó không ai khác nhìn thấy ở đâu đó trên trần nhà. Chị giữ yên tư thế này rất lâu. Không động đậy cả khi Hương bưng một tô mì ăn liền đến ngồi bên cạnh. Dù Hương dỗ dành thế nào, Xuân cũng không há miệng ra, thậm chí không nhúc nhích. Hương đặt tô mì lên bàn dỗ dành Xuân xem con thằn lằn xong thì ăn mì, ăn dùm con thằn lằn kẻo thằn lằn đói bụng.
Lúc đó Oanh ở trên lầu đi xuống hỏi:
- Bác Hương có ở lại trông bác Xuân không? Cháu đi học thêm đây. Nếu bác Hương về thì khoá cửa nhà lại. Khoá cả cửa phòng bác Xuân, mẹ cháu dặn thế. Cháu sẽ gọi thằng Vũ về, nhưng nó về thì lại tót lên lầu, chẳng ai trông nhà đâu.
Sau khi hỏi thăm nhau chuyện nọ chuyện kia, tôi nghĩ mình phải ra về. Hương không cầm khách, chị cũng phải về nhà lo cơm nước cho chồng con. Khi nhận được điện thoại của người quen cho biết chỗ họ vừa gặp Xuân, Hương đang ở chỗ làm, vội xin phép cơ quan đi tìm chị đem về. Cơ quan biết hoàn cảnh cũng thông cảm, nhưng mình cứ đột xuất bỏ việc đi tìm chị hoài, người ta phải cáng đáng công việc dùm mình người ta cũng ngán. Với lại người ta cũng có mẹ già lú lẩn, cha nằm bệnh viện, con bỏ học đi bụi… Đâu phải riêng mình ‘hoàn cảnh’.
Tôi cầm tay Xuân để từ giả. Chị ngoảnh đầu nhìn tôi, bàn tay chị trong tay tôi co lại, như bấu víu. Tôi không nỡ buông tay, nhưng tôi không thể làm gì khác hơn ra đi. Khi Hương khoá cửa tôi ngập ngừng nói rủi có chuyện gì… Hương nói chị Xuân hiền lắm, chỉ đi lang thang cười khóc một mình, chứ ở nhà chị cũng biết bật công tắc đèn mở tivi coi.
Qua hai lần cửa khoá bỗng tôi nhìn thấy bóng cô nữ sinh trắng toát thơ thẩn đi ngang đám đàn bà con gái cặm cụi đập hột dưa trong hẻm.
Như một cơn mơ, như một hoang tưởng.
(truyện ngắn của Lý Lan - đã đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)