hàng nội, hàng ngoại
Bữa kia đi ăn tiệc, thấy thực đơn ghi cá sa ba nướng, tôi vừa háo hức kêu là hồi nào giờ chưa ăn cá ba sa nướng… thì bị chủ tiệc ngắt lời đính chính: Đây là cá sa ba nhập từ nước ngoài về! Quan điểm ẩm thực của tôi là thời gian để đưa động thực vật đang sống đến bàn ăn càng ngắn càng giữ được nhiều chất dinh dưỡng và hương vị tươi ngon. Con cá ba sa còn quẫy ngoài chợ đem về chế biến ngay, theo quan điểm của tôi, phải ngon hơn con cá sa ba chết từ đời tám hoánh trong quá trình đóng gói, vận chuyển, phân phối từ nước nào đó về đây. Ấy là chưa kể những hoá chất và kỷ thuật ‘xử lý’ cá trong suốt quá trình đó dễ khiến kẻ yếu gan như tôi e sợ khả năng tích tụ chất độc lâu ngày trong người sẽ gây bệnh về già. Nhưng quan điểm của vị chủ tiệc là: cá ba sa rẻ rề, ở nhà vẫn quen ăn hoài, lâu lâu đãi tiệc, nướng nguyên một con cá ngoại nhập cho lạ miệng, có sẵn rượu tây mà. Dân ta hiếu kỳ. Cho nên thấy của lạ thì khoái thử. Đãi khách thì ưa bày món lạ. Chuyện này có tính văn hoá mặc dù mua sắm tiêu dùng thuộc lĩnh vực kinh tế.
Năm kia tôi lựa khắp các tiệm giày đường Lê Thánh Tông được một đôi cao gót vừa chân, chủ tiệm nói một cái giá xanh mặt vì là giày … Ý. Tôi mang qua tới Paris thì té trặc khớp, bèn mua một đôi giày đế bằng, hiệu Reebok (có lá cờ Ăng lê), mang về tới Sài Gòn chợt phát hiện hàng chữ bên trong giày ghi ‘Made in Vietnam’. Cái thời ‘toàn cầu hoá’ này người lơ mơ như tôi khó nói chắc cái gì nội cái gì ngoại, càng không thể nói nên xài hàng nội hay ngoại. Hai thứ nhu yếu ta dùng hàng ngày là xăng và gạo, là hai thứ mà nước ta sản xuất dồi dào, nhưng xăng đổ xe mỗi ngày chắc chắn là đồ ngoại, (mà cái xe bất kể hiệu gì cũng là ngoại trăm phần trăm). Còn gạo thì tôi vừa mới mua ở chợ An Đông đây, người bán gạo chào hàng: gạo Thái, gạo Đài Loan, gạo Nhật, gạo Ấn, gạo Campuchia… bày chung với cả chục loại gạo Việt. Người bán nói gạo nào cũng bán được, người ưng cơm dẻo người ưng cơm xốp. Nếu hô hào người Việt phải đổ xăng Việt ăn gạo Việt chắc là buồn cười. Tinh thần dân tộc, hay mạnh hơn: tự hào dân tộc, trong cuộc chiến kinh tế ngày nay, hình như không phải là yếu tố đáng kể. Kinh doanh thì kể đến lợi nhuận. Ai sản xuất, ai bán, ai mua không quan trọng bằng lợi nhuận về tay ai. Việc tranh giành thị trường cho doanh nghiệp trong nước thuộc về chính sách nhà nước. Nhiều hàng hoá trên thị trường hiện nay chế tạo và tiêu thụ tại Việt Nam, nhưng nguồn tư bản từ nước ngoài và lợi nhuận đương nhiên cũng chuyển ra nước ngoài. (Cái còn để lại trong nước thừơng là hậu quả của quá trình chế biến và tiêu thụ tác hại lên môi trường và sức khỏe người dân.) Mà dân ta hiền lắm, Vedan giết cả một dòng sông, huỷ hoại ngư trường của bao ngư dân, gây bao nhiêu tai hoạ, mà không thấy ai hô hào tẩy chay sản phẩm của nó. Dân ta, cái gì vừa túi tiền thì xài, nghèo thì mua bìa đậu hủ ‘nội’ 2.000 đồng, giàu thì mua hộp đậu hủ ‘ngoại’ 10.000 đồng. Chẳng lẽ mong cho dân mình nghèo đông đông để hàng nội bán chạy. Càng không thể bảo người giàu đừng thích xài sang. Điều này không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là ảnh hưởng văn hoá.
Văn hoá đất phương nam có tính hội nhập từ 300 năm trứơc chứ không phải đợi tới khi gia nhập WTO. Món bún mắm của người Việt có mắm bò hóc của người Khmer trong nước lèo và thịt quay của người Hoa bày trên mặt tô. Món cà ri chắc là nhờ anh Bảy Chà bày vẽ, ăn với bánh mì là thứ của ‘thằng Tây’ đem qua. Dân phương nam không kỳ thị, lại hiếu khách và hào phóng trong cho và nhận. Thậm chí quá hào phóng trong tiếp nhận. Cái gì mới lạ là hăm hở học đòi. Đọc mấy truyện đăng báo gần đây, thấy chi tiết nhân vật ăn bằng nĩa, uống rượu vang trong bữa tối, tôi có cảm giác lợn cợn, vì nhân vật đang sống ở Việt Nam. Nhưng một hôm người bạn trẻ mời tôi ăn tối ở nhà hàng, không khí phòng ăn, ánh sáng, trang trí, bàn ghế, cách bày biện dao nĩa… khiến tôi tưởng ông xe ôm chở tôi lạc qua Paris, chỉ có điều hầu hết thực khách là người Việt. Bữa khác người bạn trẻ này lại rủ tôi ăn trưa ở một nhà hàng Thái, một bữa khác ở nhà hàng Korea, một bữa khác nữa ăn Pizza. Bạn doạ rằng còn mấy chục nhà hàng Nhật, Ấn, Nga… Đều là những chốn ‘quen’ mà bạn thường gặp gỡ đồng nghiệp, đãi khách, hay hẹn hò. Nhìn thực khách đông đúc ở những chốn đó, tôi biết người bạn trẻ của tôi không phải là kẻ sành điệu cá biệt và cách dùng dao nĩa thành thạo là thói quen chứ không phải kiểu cọ trình diễn. Những người trẻ ấy không hề cảm thấy ăn sushi thì vọng ngoại hơn ăn bún mắm. (Nói cho cùng, bún mắm mới là ngoại lai!)
Tóm lại, có phải tôi không chịu cổ xúy xài hàng nội (như yêu cầu người đặt bài)? Dạ thưa: xài hàng gì là quyền tuyệt đối của người tiêu dùng, căn cứ vào khả năng tài chánh và ảnh hưởng văn hoá của mỗi người. Muốn cổ xúy việc tiêu dùng hàng gì thì phải quảng bá cái văn hoá hàm chứa món hàng đó, thí dụ múôn bán quần xệ đáy với áo thun lụng thụng thì phổ biến văn hoá phổ thông (pop, hip hop). Chúng ta đang có một nền văn hoá gì với những sản phẩm gì, hay chúng ta cần tạo ra nền văn hoá gì để bán được những sản phẩm của chúng ta?
Lý Lan
(bài đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị - có cắt xén)
Năm kia tôi lựa khắp các tiệm giày đường Lê Thánh Tông được một đôi cao gót vừa chân, chủ tiệm nói một cái giá xanh mặt vì là giày … Ý. Tôi mang qua tới Paris thì té trặc khớp, bèn mua một đôi giày đế bằng, hiệu Reebok (có lá cờ Ăng lê), mang về tới Sài Gòn chợt phát hiện hàng chữ bên trong giày ghi ‘Made in Vietnam’. Cái thời ‘toàn cầu hoá’ này người lơ mơ như tôi khó nói chắc cái gì nội cái gì ngoại, càng không thể nói nên xài hàng nội hay ngoại. Hai thứ nhu yếu ta dùng hàng ngày là xăng và gạo, là hai thứ mà nước ta sản xuất dồi dào, nhưng xăng đổ xe mỗi ngày chắc chắn là đồ ngoại, (mà cái xe bất kể hiệu gì cũng là ngoại trăm phần trăm). Còn gạo thì tôi vừa mới mua ở chợ An Đông đây, người bán gạo chào hàng: gạo Thái, gạo Đài Loan, gạo Nhật, gạo Ấn, gạo Campuchia… bày chung với cả chục loại gạo Việt. Người bán nói gạo nào cũng bán được, người ưng cơm dẻo người ưng cơm xốp. Nếu hô hào người Việt phải đổ xăng Việt ăn gạo Việt chắc là buồn cười. Tinh thần dân tộc, hay mạnh hơn: tự hào dân tộc, trong cuộc chiến kinh tế ngày nay, hình như không phải là yếu tố đáng kể. Kinh doanh thì kể đến lợi nhuận. Ai sản xuất, ai bán, ai mua không quan trọng bằng lợi nhuận về tay ai. Việc tranh giành thị trường cho doanh nghiệp trong nước thuộc về chính sách nhà nước. Nhiều hàng hoá trên thị trường hiện nay chế tạo và tiêu thụ tại Việt Nam, nhưng nguồn tư bản từ nước ngoài và lợi nhuận đương nhiên cũng chuyển ra nước ngoài. (Cái còn để lại trong nước thừơng là hậu quả của quá trình chế biến và tiêu thụ tác hại lên môi trường và sức khỏe người dân.) Mà dân ta hiền lắm, Vedan giết cả một dòng sông, huỷ hoại ngư trường của bao ngư dân, gây bao nhiêu tai hoạ, mà không thấy ai hô hào tẩy chay sản phẩm của nó. Dân ta, cái gì vừa túi tiền thì xài, nghèo thì mua bìa đậu hủ ‘nội’ 2.000 đồng, giàu thì mua hộp đậu hủ ‘ngoại’ 10.000 đồng. Chẳng lẽ mong cho dân mình nghèo đông đông để hàng nội bán chạy. Càng không thể bảo người giàu đừng thích xài sang. Điều này không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là ảnh hưởng văn hoá.
Văn hoá đất phương nam có tính hội nhập từ 300 năm trứơc chứ không phải đợi tới khi gia nhập WTO. Món bún mắm của người Việt có mắm bò hóc của người Khmer trong nước lèo và thịt quay của người Hoa bày trên mặt tô. Món cà ri chắc là nhờ anh Bảy Chà bày vẽ, ăn với bánh mì là thứ của ‘thằng Tây’ đem qua. Dân phương nam không kỳ thị, lại hiếu khách và hào phóng trong cho và nhận. Thậm chí quá hào phóng trong tiếp nhận. Cái gì mới lạ là hăm hở học đòi. Đọc mấy truyện đăng báo gần đây, thấy chi tiết nhân vật ăn bằng nĩa, uống rượu vang trong bữa tối, tôi có cảm giác lợn cợn, vì nhân vật đang sống ở Việt Nam. Nhưng một hôm người bạn trẻ mời tôi ăn tối ở nhà hàng, không khí phòng ăn, ánh sáng, trang trí, bàn ghế, cách bày biện dao nĩa… khiến tôi tưởng ông xe ôm chở tôi lạc qua Paris, chỉ có điều hầu hết thực khách là người Việt. Bữa khác người bạn trẻ này lại rủ tôi ăn trưa ở một nhà hàng Thái, một bữa khác ở nhà hàng Korea, một bữa khác nữa ăn Pizza. Bạn doạ rằng còn mấy chục nhà hàng Nhật, Ấn, Nga… Đều là những chốn ‘quen’ mà bạn thường gặp gỡ đồng nghiệp, đãi khách, hay hẹn hò. Nhìn thực khách đông đúc ở những chốn đó, tôi biết người bạn trẻ của tôi không phải là kẻ sành điệu cá biệt và cách dùng dao nĩa thành thạo là thói quen chứ không phải kiểu cọ trình diễn. Những người trẻ ấy không hề cảm thấy ăn sushi thì vọng ngoại hơn ăn bún mắm. (Nói cho cùng, bún mắm mới là ngoại lai!)
Tóm lại, có phải tôi không chịu cổ xúy xài hàng nội (như yêu cầu người đặt bài)? Dạ thưa: xài hàng gì là quyền tuyệt đối của người tiêu dùng, căn cứ vào khả năng tài chánh và ảnh hưởng văn hoá của mỗi người. Muốn cổ xúy việc tiêu dùng hàng gì thì phải quảng bá cái văn hoá hàm chứa món hàng đó, thí dụ múôn bán quần xệ đáy với áo thun lụng thụng thì phổ biến văn hoá phổ thông (pop, hip hop). Chúng ta đang có một nền văn hoá gì với những sản phẩm gì, hay chúng ta cần tạo ra nền văn hoá gì để bán được những sản phẩm của chúng ta?
Lý Lan
(bài đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị - có cắt xén)