Blog Việt (tiếp theo nữa)

Hồi xưa mình hay khuyến khích “bọn trẻ” viết bài đăng báo (hồi mình còn phụ trách trang Hoa Hàm Tiếu trên báo Văn Nghệ), không phải nhằm đào tạo thi sĩ hay tiểu thuyết gia tương lai, mà chỉ muốn khuyến khích khả năng bày tỏ bằng ngôn ngữ của các em. Mình cho rằng trừ những em nào tương lại sẽ lên núi ẩn tu trong cốc, còn thì tất cả những ai muốn có đời sống xã hội phong phú đều cần đến kỷ năng “tương tác” bằng ngôn ngữ trong xã hội đó. Hồi đó mình dạy Anh văn, nhận thấy nhiều phụ huynh ý thức trang bị cho con em kỷ năng sử dụng ngôn ngữ phổ thông nhứt thế giới ấy, mà không bận tâm lắm việc đào luyện kỷ năng sử dụng tiếng Việt. Có thể họ nhắm tương lai con mình sẽ phát triển ở một xã hội mà ngoại ngữ đó là ngôn ngữ chính. Cũng may là việc dạy và học các ngôn ngữ có nhiều điểm tương đồng, nên học trò giỏi ngoại ngữ cũng phát triển đựơc khả năng diễn đạt suy nghĩ bằng tiếng mẹ đẻ (nếu thường dùng tiếng mẹ đẻ chứ hổng phải chỉ ăn ngủ xài ngoại ngữ).
Blog Việt cũng có từng “xóm” thì phải, có bữa mình cứ theo các liên kết mà thăm một loạt có vẻ là blog của các sinh viên, thấy xu hứơng xài tíêng Anh khá phổ biến. Có thể vì các em này đang du học, hay đang học ngoại ngữ, hay từng sống trong môi trường thường xuyên sử dụng tíêng Anh. Cũng có thể xài tíêng Anh là thời thượng, hay sành điệu, hay trẻ, hay phong trào. Nhưng cũng có thể người viết hồn nhiên diễn đạt bằng một ý tưởng hay kinh nghiệm bằng ngôn từ phù hợp vọt ra đầu mình lúc ấy mà không câu nệ tiếng nước nào. Có thể vì mình từng kiếm sống bằng nghề tập cho người khác nói tiếng Anh nên mình không dị ứng với sự ba rọi ngôn ngữ trong các blog ấy, thực tình cũng có những từ nước ngoài mà mình cũng còn lúng túng tìm từ tiếng Việt tương đương thích hợp, như từ “blog” này chẳng hạn, đành xài nó cho đến khi nào nó được Việt hoá thôi. Nhưng đôi khi mình cũng khó chịu, không phải khó chịu với ngôn ngữ ba rọi, hay tíêng Anh tục, mà khó chịu vì người viết cứ copy tá lả những lời hát hay lời trong phim / truyện tranh, chẳng ăn nhập gì bài viết, dường như chỉ để có tiếng anh cho le lói. Có một số blog đọc thì biết là người Việt, nhưng viết bằng tíêng Anh. Tùy theo đối tượng mình nhắm tới, nếu có ý định viết blog cho người khác đọc, thì tất nhiên phải chọn ngôn ngữ và nội dung phù hợp với đối tượng ấy. Mình cũng có một cái blog viết bằng tiếng Anh, viết về chuyện làm vườn ở Bellingham, nhằm “giao lưu văn hoá” với mấy bà hàng xóm và bà con bên chồng. Nhưng mà, mình lạc đề rồi, đang nói chuyện blog Việt mà. Chà, để coi lạc từ chỗ nào đặng quay lại.
Ừ, đa số người viết blog gom cả “nghĩ, nói, viết” vào một động tác, mà lại viết nhanh, “xổ ra” tức thì, đăng đàn cho công chúng đọc ngay. Cách này rất có tác dụng tâm lý trị liệu đối với người đang có ấm ức tại chỗ hay bị táo bón tinh thần kinh niên. Người thực trong xã hội thực có nhiều thứ ràng buộc trong hệ thống qui ước văn minh và pháp luật, khi đi vào thế giới ảo thì tưởng như có được tự do muốn nói gì thì nói. Nếu trong đời thực có người ra giữa chợ nói năng luông tuồng, chửi bới loạn xạ, thì người không biết ất giáp mô tê sẽ coi hắn là đồ điên, còn người cảm thấy mình là đối tượng bị xúc phạm thì có thể nhảy vô vã mồm hắn rụng răng giập lưỡi chứ chẳng chơi. Trong xã hội thực của con người hiện nay có nhiều thứ “mạnh” hơn lời nói nhiều lắm. Còn với blog thì sức mạnh duy nhất là lời - “những lời nói có tác động” tới cảm nghĩ của người đọc. Có thể chỉ có chính tác giả đọc blog của mình, nhưng nếu có một hai ba người khác đọc thì cũng có thể gọi là “công chúng”. Blog nào có công chúng nấy, "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" mà. (Mai viết tiếp!)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222