Đại gia trên khán đài
Một người chơi, hai người giám sát, ba người chỉ đạo, bốn người phê bình, mọi người chịu trách nhiệm … là cái gì? Bóng đá Việt Nam? (Không dám!) Đó là bóng đá Trung quốc (Không phải tôi phán à nha, bản quyền câu đố này thuộc về mấy tay blogger trên mạng tiếng Trung. )
Thử nghĩ coi, dân Trung quốc biết đá banh từ thời ông Bành Tổ, cở 5000 năm trước khi Chúa ra đời. Trong viện Bảo tàng Dân tộc học ở Munich, Đức, còn lưu giữ một bản văn chữ Hán được soạn thảo vào khoảng 50 năm trước Công nguyên, có miêu tả một trận đấu rất giống bóng đá, diễn ra giữa Trung quốc và Nhựt Bổn. Hai nước này đều tự hào về cái sự kiện có sử sách chứng minh họ là những nước (duy nhứt) tham dự “World Cup” bóng đá đầu tiên trên địa cầu này.
Đau một cái là đến World Cup 2010 Nhựt Bổn vẫn đường hoàng đi thi đấu, còn một tỷ mấy dân Trung quốc thì ngồi nhà coi tường thuật bóng đá trên tivi. À, nghe nói Bắc Hàn dư vé có chia bớt cho các đại gia ở Bắc Kinh đi dự trận họ đấu với Ba Tây và Bồ đào nha. Vé đắt như tôm tươi, nên Nam Phi giờ cũng tràn ngập cổ động viên Trung quốc. Nhưng ngồi trên khán đài các đại gia nghiến răng trèo trẹo: Ta là đại gia Trung quốc mà “vào vai” cổ động viên Bắc Hàn. Grừ…ừ…ừ…
Ngậm được đắng nuốt được cay thì thôi, chứ nói ra thiệt đau lòng nhức óc. Tôi xin mượn lời của một người không phải dân Trung quốc, ông Declan Hill, tác giả cuốn sách “Gài độ” (The Fix) viết về thể thao và tham nhũng trên thế giới, có nêu trường hợp Trung quốc như mảnh đất màu mỡ của bán độ và cá độ bóng đá.
Ông Hill nói Liên đoàn bóng đá Trung quốc là chuyện tiếu lâm. Tháng 8 năm ngoái, khi đội Trùng Khánh bị phạt đền oan ức, huấn luyện viên trưởng của đội này đã cầm một nắm tiền dứ vào mặt trọng tài (tiến lóng Trung quốc kêu là Còi Đen) mà hét: “Mày muốn tiền hả?” Sau đó ít lâu, cảnh sát cho biết đã bắt giữ 16 người, cầu thủ, huấn luyện viên, quan chức bóng đá…, về cáo buộc họ bán độ và gian lận cá độ để đáp lại đòi hỏi bức xúc của những người hâm mộ bóng đá (theo website của bộ Công An TQ).
Dân chúng thì ngao ngán bảo bắt bớ nhiêu đó thì như phủi ruồi, đâu lại vào đó. Bán độ bóng đá ở TQ thành bệnh ung thư rồi. Không ít người thở dài cầm như bóng đá TQ đã ngoẻo. Mà trời ơi, dân TQ mê bóng đá biết chừng nào! (Gần bằng mê cá độ). Mặc dù không có đội nhà thi đấu ở WC 2010, nhưng anh TQ nào chớp được cơ hội đi Nam Phi thì trời gầm cũng không nhả ra. Chỉ riêng đài truyền hình trung ương đã cử 70 người đi Nam Phi tường thuật bóng đá. (Khỏi nói báo đài và cơ quan khác – Trung ương làm được hà cớ gì ta không làm được?)
Với 600 triệu người hâm mộ bóng đá ở TQ, FIFA đâu có làm ngơ được. Họ muốn có đội TQ ở World Cup còn hơn dân TQ muốn. FIFA đưa ra những kế hoạch như Vision China 2003-2013 và Goal Project for China với hy vọng nâng bóng đá TQ hiện ở hạng 97 lên hạng 20 năm 2013 và có mặt ở WC 2014. Để coi. Nói cho cùng, như Huang Xiangyang (chinadaily.com.cn) kết luận: “Bóng đá là một phần của đời sống. Tất cả những xấu xa nó để lộ ra cũng giống như những tệ nạn ở mọi mặt khác trong xã hội mà chúng ta gặp hàng ngày. Chừng nào báo đài của chúng ta còn đầy ắp những chuyện cảnh sát hung hăng, quan chức tham nhũng, thì chúng ta ít nhứt cũng nên cho bóng đá một cơ hội để trỗi dậy từ trong tàn tro.”
Lý Lan
Thử nghĩ coi, dân Trung quốc biết đá banh từ thời ông Bành Tổ, cở 5000 năm trước khi Chúa ra đời. Trong viện Bảo tàng Dân tộc học ở Munich, Đức, còn lưu giữ một bản văn chữ Hán được soạn thảo vào khoảng 50 năm trước Công nguyên, có miêu tả một trận đấu rất giống bóng đá, diễn ra giữa Trung quốc và Nhựt Bổn. Hai nước này đều tự hào về cái sự kiện có sử sách chứng minh họ là những nước (duy nhứt) tham dự “World Cup” bóng đá đầu tiên trên địa cầu này.
Đau một cái là đến World Cup 2010 Nhựt Bổn vẫn đường hoàng đi thi đấu, còn một tỷ mấy dân Trung quốc thì ngồi nhà coi tường thuật bóng đá trên tivi. À, nghe nói Bắc Hàn dư vé có chia bớt cho các đại gia ở Bắc Kinh đi dự trận họ đấu với Ba Tây và Bồ đào nha. Vé đắt như tôm tươi, nên Nam Phi giờ cũng tràn ngập cổ động viên Trung quốc. Nhưng ngồi trên khán đài các đại gia nghiến răng trèo trẹo: Ta là đại gia Trung quốc mà “vào vai” cổ động viên Bắc Hàn. Grừ…ừ…ừ…
Ngậm được đắng nuốt được cay thì thôi, chứ nói ra thiệt đau lòng nhức óc. Tôi xin mượn lời của một người không phải dân Trung quốc, ông Declan Hill, tác giả cuốn sách “Gài độ” (The Fix) viết về thể thao và tham nhũng trên thế giới, có nêu trường hợp Trung quốc như mảnh đất màu mỡ của bán độ và cá độ bóng đá.
Ông Hill nói Liên đoàn bóng đá Trung quốc là chuyện tiếu lâm. Tháng 8 năm ngoái, khi đội Trùng Khánh bị phạt đền oan ức, huấn luyện viên trưởng của đội này đã cầm một nắm tiền dứ vào mặt trọng tài (tiến lóng Trung quốc kêu là Còi Đen) mà hét: “Mày muốn tiền hả?” Sau đó ít lâu, cảnh sát cho biết đã bắt giữ 16 người, cầu thủ, huấn luyện viên, quan chức bóng đá…, về cáo buộc họ bán độ và gian lận cá độ để đáp lại đòi hỏi bức xúc của những người hâm mộ bóng đá (theo website của bộ Công An TQ).
Dân chúng thì ngao ngán bảo bắt bớ nhiêu đó thì như phủi ruồi, đâu lại vào đó. Bán độ bóng đá ở TQ thành bệnh ung thư rồi. Không ít người thở dài cầm như bóng đá TQ đã ngoẻo. Mà trời ơi, dân TQ mê bóng đá biết chừng nào! (Gần bằng mê cá độ). Mặc dù không có đội nhà thi đấu ở WC 2010, nhưng anh TQ nào chớp được cơ hội đi Nam Phi thì trời gầm cũng không nhả ra. Chỉ riêng đài truyền hình trung ương đã cử 70 người đi Nam Phi tường thuật bóng đá. (Khỏi nói báo đài và cơ quan khác – Trung ương làm được hà cớ gì ta không làm được?)
Với 600 triệu người hâm mộ bóng đá ở TQ, FIFA đâu có làm ngơ được. Họ muốn có đội TQ ở World Cup còn hơn dân TQ muốn. FIFA đưa ra những kế hoạch như Vision China 2003-2013 và Goal Project for China với hy vọng nâng bóng đá TQ hiện ở hạng 97 lên hạng 20 năm 2013 và có mặt ở WC 2014. Để coi. Nói cho cùng, như Huang Xiangyang (chinadaily.com.cn) kết luận: “Bóng đá là một phần của đời sống. Tất cả những xấu xa nó để lộ ra cũng giống như những tệ nạn ở mọi mặt khác trong xã hội mà chúng ta gặp hàng ngày. Chừng nào báo đài của chúng ta còn đầy ắp những chuyện cảnh sát hung hăng, quan chức tham nhũng, thì chúng ta ít nhứt cũng nên cho bóng đá một cơ hội để trỗi dậy từ trong tàn tro.”
Lý Lan