Trò chơi buồn
Cuộc sống đôi khi có chuyện buồn, có khi nỗi buồn của một người không để đâu cho hết. Nỗi buồn của vạn người có thể đem đổ sông đổ biển. Nỗi buồn của một người rốt cuộc ém chặt trong lòng, lâu dần thành một thứ trầm tích, khi già coi lại vẫn còn buồn.
Nhiều đêm trong chiêm bao tôi thấy mình lạc mất em mình, đứa lên năm đứa lên bảy. Tôi cũng mới mười tuổi. Xóm bên có nhà nọ sắm một cái máy chiếu bóng, biến căn nhà nhỏ của mình thành rạp chiếu bóng cho con nít, chuyên chiếu phim sạc-lô. Ba tôi đi làm sớm, để tiền lẻ cho ba đứa con mồ côi mẹ tự mua đồ ăn sáng ở đầu hẻm. Nhưng có bao nhiêu tiền tụi tôi đem nạp hết cho “rạp chiếu bóng.”
Con nít không có nhiều tiền, nên “rạp” chỉ thu năm cắc hay một đồng gì đó, tôi không nhớ chắc, mỗi suất chiếu chừng mười lăm hai chục phút. Hết suất, chủ “rạp” lùa hết khán giả ra rồi đứa nào muốn vô coi tiếp thì nộp thêm tiền. Tôi mê phim quá, bị lùa ra tới cửa là đứng tấn lại, cầm sẵn năm cắc để được là người đầu tiên trở vô, xí được chỗ tốt trước màn ảnh.
Ngồi xếp bằng trên nền gạch bông xong, tôi sực nhớ tới hai đứa em, tụi nó bị lùa ra rồi nhưng chưa thấy trở vô. Nhưng lúc đó đèn tắt tối thui, phim được chiếu tiếp, tôi lại dán mắt vào màn ảnh, cười ngã nghiêng theo mỗi động tác của Sạc-lô. Hết suất, tôi bước ra cửa, mắt lóa vì ánh sáng, thấy em út ngồi khóc trên nắp miệng cống.
Còn em kế thì đang bị lượm lon. Trò chơi phổ thông trong xóm hồi đó là “tạt lon”. Chỉ cần một khoảnh đất vài thước và một cái lon đặt trong một cái ô vuông vẽ trên mặt đất. Luật chơi là dùng chiếc dép “tạt” trúng cái lon cho nó văng xa khỏi cái ô vuông. Người “bị làm” phải lượm lon đặt lại vị trí đứng trong ô, rồi ví theo kẻ vừa tạt lon, nếu “bắt” được kẻ đó trước khi hắn chạy về “mức” thì kẻ đó “bị làm” thay, mình được về mức đứng tạt lon.
Không biết làm sao mà em tôi nhập bọn chơi với đám trẻ xóm bên lanh như quỷ đó. Lon bị tạt liên tục, em tôi vừa đặt banh vô ô chưa kịp đứng thẳng lên thì cái lon đã bị tạt văng xa cả thước. Em tôi bị làm đừ đến nỗi không còn sức chạy hay đi, mà gần như bò theo cái lon lăn lông lốc. Tôi nhìn em tôi bị lượm lon tức muốn khóc, nhưng luật chơi là đứa “bị làm” không được bỏ ngang khi đứa tạt lon còn muốn chơi, dù trời bắt đầu mưa.
Rất nhiều năm sau này, có lẽ đến hết đời này, nỗi buồn côi cút, yếu thế, bị lấn át, chèn ép, đeo đẳng tâm hồn tôi, khiến cho khi thấy cảnh tương tự, hay hơi tương tự, là tôi dễ mũi lòng. Hôm xem thủ môn đội Bắc Triều Tiên bị lượm banh lia lịa trong mưa, tôi muốn khóc như hồi xưa thấy em mình bị lượm lon.
Từ đầu mùa World Cup tới giờ ông chồng thấy tôi coi trận nào xong cũng cười nói râm ran, ổng bảo cũng tốt, đỡ tốn khoản tiền “tâm lý trị liệu”. Nhưng sau trận Bắc Triều Tiên – Bồ đào nha, ổng hơi hoảng vì tôi lại đâm ra trầm uất. Tôi buồn cả ngày. Đêm ngủ chiêm bao thấy mình đi kiếm em mình trong sân bóng đầy người hò hét nhảy múa. Và thấy Ri Myong Guk ngồi trên nắp miệng cống buồn hiu.
Lý Lan
Nhiều đêm trong chiêm bao tôi thấy mình lạc mất em mình, đứa lên năm đứa lên bảy. Tôi cũng mới mười tuổi. Xóm bên có nhà nọ sắm một cái máy chiếu bóng, biến căn nhà nhỏ của mình thành rạp chiếu bóng cho con nít, chuyên chiếu phim sạc-lô. Ba tôi đi làm sớm, để tiền lẻ cho ba đứa con mồ côi mẹ tự mua đồ ăn sáng ở đầu hẻm. Nhưng có bao nhiêu tiền tụi tôi đem nạp hết cho “rạp chiếu bóng.”
Con nít không có nhiều tiền, nên “rạp” chỉ thu năm cắc hay một đồng gì đó, tôi không nhớ chắc, mỗi suất chiếu chừng mười lăm hai chục phút. Hết suất, chủ “rạp” lùa hết khán giả ra rồi đứa nào muốn vô coi tiếp thì nộp thêm tiền. Tôi mê phim quá, bị lùa ra tới cửa là đứng tấn lại, cầm sẵn năm cắc để được là người đầu tiên trở vô, xí được chỗ tốt trước màn ảnh.
Ngồi xếp bằng trên nền gạch bông xong, tôi sực nhớ tới hai đứa em, tụi nó bị lùa ra rồi nhưng chưa thấy trở vô. Nhưng lúc đó đèn tắt tối thui, phim được chiếu tiếp, tôi lại dán mắt vào màn ảnh, cười ngã nghiêng theo mỗi động tác của Sạc-lô. Hết suất, tôi bước ra cửa, mắt lóa vì ánh sáng, thấy em út ngồi khóc trên nắp miệng cống.
Còn em kế thì đang bị lượm lon. Trò chơi phổ thông trong xóm hồi đó là “tạt lon”. Chỉ cần một khoảnh đất vài thước và một cái lon đặt trong một cái ô vuông vẽ trên mặt đất. Luật chơi là dùng chiếc dép “tạt” trúng cái lon cho nó văng xa khỏi cái ô vuông. Người “bị làm” phải lượm lon đặt lại vị trí đứng trong ô, rồi ví theo kẻ vừa tạt lon, nếu “bắt” được kẻ đó trước khi hắn chạy về “mức” thì kẻ đó “bị làm” thay, mình được về mức đứng tạt lon.
Không biết làm sao mà em tôi nhập bọn chơi với đám trẻ xóm bên lanh như quỷ đó. Lon bị tạt liên tục, em tôi vừa đặt banh vô ô chưa kịp đứng thẳng lên thì cái lon đã bị tạt văng xa cả thước. Em tôi bị làm đừ đến nỗi không còn sức chạy hay đi, mà gần như bò theo cái lon lăn lông lốc. Tôi nhìn em tôi bị lượm lon tức muốn khóc, nhưng luật chơi là đứa “bị làm” không được bỏ ngang khi đứa tạt lon còn muốn chơi, dù trời bắt đầu mưa.
Rất nhiều năm sau này, có lẽ đến hết đời này, nỗi buồn côi cút, yếu thế, bị lấn át, chèn ép, đeo đẳng tâm hồn tôi, khiến cho khi thấy cảnh tương tự, hay hơi tương tự, là tôi dễ mũi lòng. Hôm xem thủ môn đội Bắc Triều Tiên bị lượm banh lia lịa trong mưa, tôi muốn khóc như hồi xưa thấy em mình bị lượm lon.
Từ đầu mùa World Cup tới giờ ông chồng thấy tôi coi trận nào xong cũng cười nói râm ran, ổng bảo cũng tốt, đỡ tốn khoản tiền “tâm lý trị liệu”. Nhưng sau trận Bắc Triều Tiên – Bồ đào nha, ổng hơi hoảng vì tôi lại đâm ra trầm uất. Tôi buồn cả ngày. Đêm ngủ chiêm bao thấy mình đi kiếm em mình trong sân bóng đầy người hò hét nhảy múa. Và thấy Ri Myong Guk ngồi trên nắp miệng cống buồn hiu.
Lý Lan