Luận về bóng
Trong các môn bóng, tôi biết chơi duy nhứt món bóng chuyền. Nói “chơi” cho oai, nói chính xác là tôi bị / được đưa vô sân cho đủ đội hình, đúng một lần, hồi là sinh viên đại học Sư Phạm. Hoàn cảnh éo le như vầy: Tôi thuộc thành phần “cán bộ lớp”, có nhiệm vụ phát động phong trào văn thể mỹ chào mừng lễ gì đó. Phần “thể” diễn nôm là tham gia “thể dục giữa giờ” và chơi một môn thể thao. Không biết bây giờ còn trường đại học nào ở Việt Nam duy trì “thể dục giữa giờ” không? Chứ thời tôi đi học (1976-1980) phong trào được gây dựng trầy trật. Một phần do đa số sinh viên suy dinh dưỡng ngại hoạt động, một phần do quan điểm: ta là sinh viên, chứ có phải học sinh phổ thông đâu, thể dục giữa giờ coi … ngố hết sức (dịch sang ngôn ngữ 30 năm sau là “chuối bà cố”).
Dĩ nhiên sinh viên khi bước chân vào đại học đều muốn được độc lập tự do, trong khi nhà trường ra sức rèn những thầy cô giáo tương lai thành tấm gương ngoan ngoãn cho đàn em noi theo. Thế hệ tôi còn coi thể dục là chuyện riêng tư, giống như vệ sinh cá nhân, con gái phải kín đáo, đoan trang, chứ cúi gập người chổng mông vào mặt người khác giữa sân trường là thô tục không chấp nhận được. Tụi tôi tin chắc là nam sinh viên mà nói chuyện thì chỉ bình phẩm mông của con này con kia. Hôm nào gặp tiết học sát giờ chơi, không trốn kịp, bị lùa ra sân, bọn con gái lớp tôi đứng tít tận cuối sân, yểu điệu nhúc nhích cánh tay cho có. Con gái mà chơi thể thao là coi như có … nam tính.
Nhưng phong trào phát động mỗi lớp phải có một đội bóng chuyền nữ. Điều bất ngờ là những buổi “tập huấn” sau giờ học chiều được duy trì đều đặn, có khi kéo dài tới tối! Vì tôi không tham gia từ đầu nên không thể nói chính xác điều gì ngoài suy đoán là các huấn luyện viên đồng thời là thành viên đội bóng chuyền nam của lớp rất kiên nhẫn và kiên quyết hình thành đội bóng nữ, huấn luyện theo phương pháp cầm tay chỉ việc, lại rất ga lăng và hào phóng, đưa đón từng học viên, và bồi dưỡng sữa đậu nành căn tin sau buổi tập. Tập đã rồi phải đi thi đấu với đội của lớp bạn, khoa bạn. Lịch đấu đã công bố, tiếng đồn râm ran là đội bóng nữ của lớp mình chơi nhịp nhàng điệu nghệ lắm, không bỏ công các bạn nam ráo riết giúp tập dợt.
Bỗng dưng trước ngày trọng đại, “huấn luyện viên trưởng” đón đường tôi với vẻ mặt táo bón, nhăn nhó bảo tôi tính sao thì tính, đội bóng nữ bây giờ thiếu một người, ngày mai không thể thi đấu. Tôi chưng hửng. Không thi thì thôi chứ. Nhưng mà các chị còn lại trong đội vẫn muốn thi. Vậy thì thi. Nhưng mà thiếu một người, chị phải trám vô mới đủ số. Trời đất, sao lại tôi? Chị là “cán bộ lớp”, hoặc chị thuyết phục ai đó, hoặc chị thế mạng. Vấn đề không ở chỗ tôi hay ai “thế mạng”, vì trừ mấy người đã tham gia luyện tập bí mật từ đầu, có ai khác biết ất giáp mô tê về bóng chuyền hè?
Dù vậy, ngay buổi chiều đó tôi được tập huấn cấp tốc, mục đích là để ngày mai đội bóng nữ lớp mình ra sân đủ số quân. Huấn luyện viên của tôi là anh X. Bây giờ bạn cũ đã tứ tán khắp nơi, có người đã thành ông nội bà ngoại, có người mới bắt đầu nếm hương vị cuộc sống lứa đôi, chuyện gì từng là bí mật thì thôi cứ để cho nó là bí mật. Chuyện tiếp theo có những chi tiết không bao giờ quên nhưng được bỏ qua. Diễn tiến chính là X dạy tôi cách đỡ bóng. Đứng trong tư thế này: hai bàn chân cách nhau sáu tấc (ngó miếng gạch lát sân mà ước lượng), lưng thẳng đầu gối khuỵu xuống như lấy tấn, hai tay phía trước sẵn sàng (quan trọng là hai cánh tay, phải thế này, thế này, bàn tay trái đỡ bàn tay phải, như vầy, như vầy nè – theo phương pháp cầm tay chỉ việc). Khi tôi đã ở tư thế sẵn sàng, X lùi lại mấy bước, thảy trái banh về phía tôi, nó chạm vào cổ tay tôi nhẹ nhàng bật ra, tôi hầu như không cần phản ứng gì cả. X lùi thêm mấy bước, lại thảy banh cho tôi, trái banh va chạm mạnh hơn nên bật ra xa hơn. Yêu cầu là đỡ, đánh, đập banh sao cho nó qua được tấm lưới giăng giữa hai đội là được.
Khi X đứng bên kia tấm lưới đánh banh qua, tôi thấy trái banh bay thẳng vào mặt mình, hoảng hồn, tôi phản ứng theo bản năng là né sang một bên, nhưng không kịp. Trái banh dộng vô mặt tôi một cái ình. (Tự kiểm duyệt diễn tiến trong năm phút sau đó). Bài học lại bắt đầu từ đầu, thầy cẩn thận hơn, trò dạn dĩ dần. Những trái banh lao vào tôi chính xác hơn, nhưng cũng mỗi lúc một nhanh hơn và mạnh hơn. Nói nào ngay, tôi không phải là đứa nhút nhát hay lù đù, sau chục lần đỡ banh, tôi tự động biết ước lượng đường bóng bay và chân cẳng di chuyển đủ nhanh để đánh trúng bóng. Chỉ có điều trái banh chạm tay tôi rồi là trở nên rối loạn, bật ra ở bất kỳ tư thế nào và văng ra bất kỳ nơi đâu, có lần nó xoay tít như bông vụ rồi rớt xuống ngay sau lưng tôi.
Bữa đó tụi tôi tập đến tối mịt. Thú thật là càng tập tôi càng hào hứng, quên béng thời gian. Đỡ banh rồi chụp banh, đánh banh. Dần dà trái nào tôi cũng đỡ được, lỡ hụt trái nào tôi tức lắm. X bảo: “Thấy chưa, dễ ợt,. Cũng như nhiều thứ cuộc đời ném vào mình, phải biết cách chụp, đỡ, cái nào lỡ hụt thì thôi.”
Tôi chơi bóng chuyền chỉ một lần đó, nhưng áp dụng lời X suốt cuộc đời.
Lý Lan
Dĩ nhiên sinh viên khi bước chân vào đại học đều muốn được độc lập tự do, trong khi nhà trường ra sức rèn những thầy cô giáo tương lai thành tấm gương ngoan ngoãn cho đàn em noi theo. Thế hệ tôi còn coi thể dục là chuyện riêng tư, giống như vệ sinh cá nhân, con gái phải kín đáo, đoan trang, chứ cúi gập người chổng mông vào mặt người khác giữa sân trường là thô tục không chấp nhận được. Tụi tôi tin chắc là nam sinh viên mà nói chuyện thì chỉ bình phẩm mông của con này con kia. Hôm nào gặp tiết học sát giờ chơi, không trốn kịp, bị lùa ra sân, bọn con gái lớp tôi đứng tít tận cuối sân, yểu điệu nhúc nhích cánh tay cho có. Con gái mà chơi thể thao là coi như có … nam tính.
Nhưng phong trào phát động mỗi lớp phải có một đội bóng chuyền nữ. Điều bất ngờ là những buổi “tập huấn” sau giờ học chiều được duy trì đều đặn, có khi kéo dài tới tối! Vì tôi không tham gia từ đầu nên không thể nói chính xác điều gì ngoài suy đoán là các huấn luyện viên đồng thời là thành viên đội bóng chuyền nam của lớp rất kiên nhẫn và kiên quyết hình thành đội bóng nữ, huấn luyện theo phương pháp cầm tay chỉ việc, lại rất ga lăng và hào phóng, đưa đón từng học viên, và bồi dưỡng sữa đậu nành căn tin sau buổi tập. Tập đã rồi phải đi thi đấu với đội của lớp bạn, khoa bạn. Lịch đấu đã công bố, tiếng đồn râm ran là đội bóng nữ của lớp mình chơi nhịp nhàng điệu nghệ lắm, không bỏ công các bạn nam ráo riết giúp tập dợt.
Bỗng dưng trước ngày trọng đại, “huấn luyện viên trưởng” đón đường tôi với vẻ mặt táo bón, nhăn nhó bảo tôi tính sao thì tính, đội bóng nữ bây giờ thiếu một người, ngày mai không thể thi đấu. Tôi chưng hửng. Không thi thì thôi chứ. Nhưng mà các chị còn lại trong đội vẫn muốn thi. Vậy thì thi. Nhưng mà thiếu một người, chị phải trám vô mới đủ số. Trời đất, sao lại tôi? Chị là “cán bộ lớp”, hoặc chị thuyết phục ai đó, hoặc chị thế mạng. Vấn đề không ở chỗ tôi hay ai “thế mạng”, vì trừ mấy người đã tham gia luyện tập bí mật từ đầu, có ai khác biết ất giáp mô tê về bóng chuyền hè?
Dù vậy, ngay buổi chiều đó tôi được tập huấn cấp tốc, mục đích là để ngày mai đội bóng nữ lớp mình ra sân đủ số quân. Huấn luyện viên của tôi là anh X. Bây giờ bạn cũ đã tứ tán khắp nơi, có người đã thành ông nội bà ngoại, có người mới bắt đầu nếm hương vị cuộc sống lứa đôi, chuyện gì từng là bí mật thì thôi cứ để cho nó là bí mật. Chuyện tiếp theo có những chi tiết không bao giờ quên nhưng được bỏ qua. Diễn tiến chính là X dạy tôi cách đỡ bóng. Đứng trong tư thế này: hai bàn chân cách nhau sáu tấc (ngó miếng gạch lát sân mà ước lượng), lưng thẳng đầu gối khuỵu xuống như lấy tấn, hai tay phía trước sẵn sàng (quan trọng là hai cánh tay, phải thế này, thế này, bàn tay trái đỡ bàn tay phải, như vầy, như vầy nè – theo phương pháp cầm tay chỉ việc). Khi tôi đã ở tư thế sẵn sàng, X lùi lại mấy bước, thảy trái banh về phía tôi, nó chạm vào cổ tay tôi nhẹ nhàng bật ra, tôi hầu như không cần phản ứng gì cả. X lùi thêm mấy bước, lại thảy banh cho tôi, trái banh va chạm mạnh hơn nên bật ra xa hơn. Yêu cầu là đỡ, đánh, đập banh sao cho nó qua được tấm lưới giăng giữa hai đội là được.
Khi X đứng bên kia tấm lưới đánh banh qua, tôi thấy trái banh bay thẳng vào mặt mình, hoảng hồn, tôi phản ứng theo bản năng là né sang một bên, nhưng không kịp. Trái banh dộng vô mặt tôi một cái ình. (Tự kiểm duyệt diễn tiến trong năm phút sau đó). Bài học lại bắt đầu từ đầu, thầy cẩn thận hơn, trò dạn dĩ dần. Những trái banh lao vào tôi chính xác hơn, nhưng cũng mỗi lúc một nhanh hơn và mạnh hơn. Nói nào ngay, tôi không phải là đứa nhút nhát hay lù đù, sau chục lần đỡ banh, tôi tự động biết ước lượng đường bóng bay và chân cẳng di chuyển đủ nhanh để đánh trúng bóng. Chỉ có điều trái banh chạm tay tôi rồi là trở nên rối loạn, bật ra ở bất kỳ tư thế nào và văng ra bất kỳ nơi đâu, có lần nó xoay tít như bông vụ rồi rớt xuống ngay sau lưng tôi.
Bữa đó tụi tôi tập đến tối mịt. Thú thật là càng tập tôi càng hào hứng, quên béng thời gian. Đỡ banh rồi chụp banh, đánh banh. Dần dà trái nào tôi cũng đỡ được, lỡ hụt trái nào tôi tức lắm. X bảo: “Thấy chưa, dễ ợt,. Cũng như nhiều thứ cuộc đời ném vào mình, phải biết cách chụp, đỡ, cái nào lỡ hụt thì thôi.”
Tôi chơi bóng chuyền chỉ một lần đó, nhưng áp dụng lời X suốt cuộc đời.
Lý Lan