Cuộc sống ô-kê

Tình cờ gặp người quen cũ ở giữa đám đông xa lạ trong một khu thương xá. Anh ta lịch sự tới gần tôi nói bằng tiếng Anh: “Xin tha lỗi nếu tôi nhầm. Cô có phải cô Lan không?” Tôi nghĩ ngay đây có thể là một học trò cũ. Nếu là bà con hay hàng xóm ở cùng quê, họ sẽ gọi tôi theo thứ hay tên tục thường dùng ở nhà. Nếu là độc giả, họ quen gọi bút danh gồm cả hai từ Lý-Lan. Hồi tôi đi dạy, trong thời khóa biểu học trò thường chỉ ghi “cô Lan”.
Tôi đoán đúng, nhưng chỉ một nửa. Anh ta tự giới thiệu: “Tôi không học với cô, nhưng là bạn của bé Cam mà cô dạy kèm tại nhà hồi năm tám mươi mấy.” Tôi nhớ những năm tám mươi mấy ấy. Tôi vẫn còn đi một chiếc xe đạp cũ kỹ và te tua hơn mười năm (hai năm trung học, bốn năm đại học, bốn năm dạy ở tỉnh, và vẫn tiếp tục dùng nó làm phương tiện đi dạy sau khi chuyển về thành phố). Nó hay sút sên, nhứt là khi tôi đạp vội vã, mà lúc đó tôi luôn vội vã.
Bé Cam học kèm Anh văn ở nhà vì gia đình đã tính cho bé một tương lai ở nước ngoài. Từ khi Cam xuất cảnh tôi không còn liên lạc. Bạn của Cam nhắc lại là anh thường giúp tôi mắc lại sên chiếc xe đạp khi tôi dắt xe ở nhà bé Cam ra và vội vã chạy đến một chỗ dạy kèm khác. Tôi nhớ ra một thanh niên đầy nhiệt huyết, và đầy lý tưởng. Khi giới thiệu vợ mình, anh ta nói tôi là “người quen cũ”. Tôi tạm gọi anh ta là A.
A đang làm việc cho một hãng bảo hiểm y tế. Vợ A cũng làm cùng hãng. Tôi đoán tổng thu nhập của hai vợ chồng chắc đủ để họ sống phong lưu. Quả thực chiếc xe của họ to và đẹp, nhà của họ nằm trong một khu trung lưu có trường học tốt và cảnh quan đẹp. Để hoàn hảo bức tranh hạnh phúc, họ có hai đứa con trai trên dưới mười tuổi, đều khỏe mạnh thông minh.
Đất khách gặp người quen cũ cũng mừng. Giữa thời mọi thứ suy thoái, biết được một con người thành đạt với gia cảnh mỹ mãn cũng vui. Nỗi mừng vui đó là thật, nhưng không sâu sắc cũng chẳng kéo dài. Chia tay ở cửa thương xá, hai bên trao đổi số điện thoại, nhưng không có một cam kết mặn mòi trong tương lai, chẳng hạn một lời mời đến nhà có ngày giờ cụ thể. “Có gì cần, cô gọi nhé!” Như một lời chào khách hàng. Tôi vui vẻ ừ, làm sao biết chắc tương lai mình sẽ cần đến cái gì hay cần đến ai?
Trong phần còn lại của ngày hôm đó tôi làm những việc bình thường khác, sắp xếp các thứ vừa mua sắm, nấu ăn, ăn, dọn dẹp nhà cửa, nhổ cỏ ngoài vườn, tưới cây, đi dạo. Và bây giờ ngày sắp hết, trước khi đi ngủ tôi mở nhật ký ghi chép theo thói quen. Và hình ảnh cùng câu chuyện với A sống lại.
Trong câu chuyện, tôi có hỏi A những điều thông thường: có hay về Việt Nam không? (Không, hai đứa nhỏ không chịu được nóng bức.) Cha mẹ hai bên vẫn mạnh giỏi? (Cụ bà mất cách đây một năm – Thành thật chia buồn.) Mấy bữa nay có xem đá banh không? (Chỉ xem một hai trận đấu cuối tuần.) Mấy đứa nhỏ làm gì nhân kỳ nghỉ hè? (Tuần sau tụi này lấy vacation đưa chúng đi châu Âu thăm bà dì.) Nói chung, cuộc sống ô-kê, như A nói.
Bây giờ tôi bắt đầu lật ngược lật xuôi cái tiếng ô-kê đó. Mấy năm gần đây tôi đã tự tháo gỡ cho mình những trách nhiệm lớn lao đối với nhân quần xã hội. Những “việc đời” mà mình không thể thay đổi hay có ảnh hưởng gì thì chấp nhận nó như nó tồn tại. Những việc mình làm được, thường là chuyện vụn vặt, nhỏ, xoàng, thì làm được cái nào hay cái nấy. Những hoài bão phụng sự và những tham vọng sáng tạo vẫn còn ôm ấp đó, nhưng năm tháng qua, mình dần biết sức mình và hiểu hoàn cảnh của mình. Mỗi ngày có niềm vui nào đến (như tình cờ gặp người quen cũ) thì vui lấy ngày đó. Vì sức khỏe, huyết áp luôn lăm le trồi sụt, thôi không buồn không giận gì nữa. Và ráng hiểu rằng cái gì đang có thì hãy tận hưởng, vì ngày mai, hay chốc nữa, có thể cái đó không còn, vạn vật biến đổi mà.
Và tôi đã sống, không hẳn vô can với xã hội, không hẳn thờ ơ với cuộc đời, nhưng có lẽ cũng chẳng có tác động tích cực gì đến thế giới chung quanh. Đôi khi tôi nghĩ nếu mọi người trên thế gian đều có thể sống cuộc đời mình một cách bình lặng, bình thường, có lẽ hơi khiêm tốn, tầm thường, có thể nhạt nhẽo… biết đâu thiên hạ thái bình?
Nhưng dường như những cuộc sống “ô-kê” vẫn ngầm chứa những yếu tố bất ổn. Hàng trăm ngàn người đang sống như vậy, bỗng mất việc, rồi mất nhà, có khi mất cả gia đình, mất luôn nhân cách. Hàng trăm ngàn người khác bỗng nhiên bị tai nạn hay bệnh tật. Rồi hàng trăm ngàn người khác nữa, bước vào đời ngơ ngác, loay hoay, trầy trật, không biết sống như thế nào.
Nhiều khi đối diện với một bạn trẻ đang bức xúc những suy tư lớn lao, đang khao khát những điều phi thường vĩ đại, đang tìm cách bứt phá, vượt thoát, hay cải tạo hiện tại bất như ý, tôi cảm thấy cơn sóng ngầm cuộn lên trong lòng mình, nhưng rồi tự hỏi: hai ba chục năm sau, tuổi trẻ qua đi, họ đổi thay gì được thế giới này, hay thành tựu bản thân là một cuộc sống ô-kê?
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222