Thành phố của sôi động khẽ khàng.

Hiếm khi có được một ngày đẹp trời, buổi sáng có mây và mưa chút đỉnh, nhiệt độ tăng dần đến khoảng 22 độ khi nắng lên rực rỡ lúc 11 giờ. Trời này đi bộ dọc bờ biển hay đi xe đạp quanh hồ là kể như “đạt cảnh giới”. Nhưng trận đấu bóng giữa Anh và Mỹ sắp bắt đầu. Sau một phút do dự ông chồng tôi quyết định nên xem trận này, dù sao ổng cũng là sử gia và nhà Hoa kỳ học. Chưa đầy 5 phút, ổng đứng dậy, mang giày, đội nón, bảo rằng ngày đẹp trời như vầy mà ngồi nhà ôm cái tivi xem một lũ ngố không giữ nỗi trái banh quá 4 phút chẳng phải khùng cũng phát khùng.
Thế là bước chân uỳnh uỵch của ổng xa dần ngoài ngõ. Tôi đành để ổng ra khỏi bài viết này. (Xin lỗi bạn đọc đang ngấy lên, nhưng có ba lý do nên thông cảm: một là phụ nữ đến một lúc nào đó trong đời chỉ còn chuyện chồng con để nói, hai là đối với những vấn đề nhạy cảm, và mọi sự đời nói chung, nhà văn cứ gán hết cho nhân vật chồng mình là an toàn nhứt, cuối cùng, và nói cho cùng, chi tiết tôi vừa kể trên là cần thiết để minh họa cho câu chuyện này.)
Thế là còn lại một mình tôi ngồi ngó mấy bóng người chạy lung tung trên màn hình, một hồi đâm … nhớ nhà. Nhớ bình luận viên truyền hình của mình, khi bóng vào chân Ricardo chẳng hạn, ảnh sẽ gào lên “Ricardo!” Khi Ricardo mất bóng, ảnh nói “Mất bóng rồi!” Khi trên màn ảnh Ricardo lao lên sút bóng, ảnh sẽ gào lên: “Sút!” Và khi mình thấy trái banh bay mút chỉ mù khơi , ảnh sẽ bình luận: “Bóng đã bay ngoài khung thành!”
Buồn quá tôi vừa xem vừa ăn vừa làm việc linh tinh, có lúc chạy ra vườn vì ông hàng xóm tỉa bụi cây làm hàng rào giữa hai nhà, muốn tham khảo ý kiến. Đến khi tôi trở vào xem tiếp thì trận đấu vừa kết thúc. Vẫn là cảnh thường diễn ra: kẻ thì mặt ủ mày ên, kẻ thì hò reo hớn hở. Màn hình chiếu đi chiếu lại cảnh thủ môn sẩy tay vuột trái banh, cố bò theo chụp lại mà không được. Tội nghiệp Tim… Ủa mà không phải, đây là Rob thủ môn của Anh mà. Chẳng lẽ Mỹ cũng đá lọt lưới Anh sao ta?
Mừng quá tôi chạy ra cửa nhìn suốt con đường vắng teo. Ôi, nhớ năm nào đội tuyển Việt Nam hòa với đội nào đó trong giải bóng khu vực, mà thiên hạ ùn ùn đổ ra đường hò hét. Nhớ bọn trẻ con ở xóm cũ mấy mùa World Cup, cứ bóng tung lưới , bất kể lưới đội nào, chúng cũng ùa ra khỏi nhà, hè nhau một lũ, chạy rần rần từ đầu hẻm tới cuối hẻm, vừa hát Ôla ôlế ôlê, niềm vui hồn nhiên trọn vẹn.
Xóm này, trưa thứ bảy mùa hè, người thì cắt cỏ, làm vườn, người thì mở tiệc thịt nướng trong sân, trẻ con hiếm như lá mùa thu… Tôi muốn loan tin mừng mà chẳng biết nói với ai. Đợi tới khi ông chồng (lại ông chồng!) đi dạo về, tôi hí hửng nói với ổng: Mỹ hòa Anh 1-1. Ổng tỉnh bơ nói là biết rồi, ông mới ở quán café về. Tôi hỏi tới: Ở đó có tivi chiếu bóng đá? Không, nhưng có Wifi và thằng cha ngồi bàn bên cạnh theo dõi trên máy tính rồi viết kết quả lên tấm bảng ghi thực đơn hôm nay. Tôi tiu nghỉu. Chứ không có reo hò, khui bia rượu trong quán hay bấm còi xe ngoài đường phố như ở New York? Không, thành phố này được gọi là “the city of subdued excitement”, thành phố của sôi động khẽ khàng.
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222