Biết rồi, khổ lắm…

Ông chồng tôi cứ nói mãi: chím trăm ngàn tấn với một triệu chín trăm ngàn tấn, vị chi là hai triệu tám trăm ngàn tấn khí điôxít cạcbon sẽ bị thải vào khí quyển trái đất nội trong một tháng World Cup sẽ khiến trầm trọng thêm hiệu ứng nhà lồng kín vốn đã rất trầm trọng. Khổ lắm, đường đường là một sử gia môi trường, ý thức “xanh” ăn sâu trong cốt tủy, nên ổng xung phong rửa chén bằng tay (hai người ăn thì có mấy cái chén!) chứ máy rửa chén cứ bấm nút là tiêu hao cả khối nước, máy giặt máy sấy cũng vậy, nên hôm nào trời nắng là ổng nhắc vợ giăng dây phơi quần áo ở sân sau, xài năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện. Trời ơi, tôi biết rồi, mỗi người ý thức bảo vệ môi trường một chút xíu, hay mỗi người vô tư phá hoại môi trường một chút xíu, là trái đất khác đi đáng kể.
Mấy con số ổng càm ràm là kết quả ước lượng của một nghiên cứu do đại sứ quán Na Uy ở Nam Phi và chính quyền nước này hổ trợ : 900.000 tấn điôxít cạcbon sẽ thải ra tại Nam Phi từ các hoạt động xây dựng sửa chữa cơ ngơi cho vận động viên và người hâm mộ tham dự World Cup luyện tập, thi đấu, đi lại, ăn ở, nhậu nhẹt… Còn 1.900.000 tấn kia chủ yếu là do máy bay thải ra bầu trời chung khi hàng chục hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới cùng đổ xô đến Nam Phi. Nhưng 4 năm mới có một World Cup chứ bộ, vả lại đây là lần đầu tiên châu Phi có được cơ hội này. (Mỹ thèm chết cha, huy động cả siêu sao Brat Pitt đi lobby để được đăng cai World Cup 2018, hay 2022 cũng được, mà chưa chắc được!)
Đúng ra Nam Phi cũng có hành động tích cực: nhân dịp này nhà nước phát triển một hệ thống vận chuyển công cộng xanh để (hy vọng) giải quyết nạn kẹt cứng giao thông trên đường phố khi có các trận đấu. Vì hệ thống này trước tiên phục vụ cho du khách và tầng lớp trung lưu trở lên (chứ dân nghèo làm sao mua nổi vé coi World Cup!) nên chất lượng phương tiện và dịch vụ được đặc biệt chú trọng. Người ta hy vọng là sau khi du khách về hết, nhà giàu lại lái xe hơi riêng, các xe buýt tiêu chuẩn quốc tế ấy sẽ được dân chúng sung sướng sử dụng, làm thay đổi một cách sáng sủa hình ảnh dân nghèo đô thị. Âu cũng là chút nắng hửng lên sau hai triệu tám tấn khí độc được thải vào bầu trời.
Vậy mà ông môi trường cứ nói mãi: rằng thì là Nam Phi vừa vay của Ngân hàng Thế giới 3 tỉ USD để xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt bằng than lớn nhứt thế giới. (Thì cũng phải để cho người ta ngóc mặt lên tầm thế giới mà tự hào dân tộc chứ! Như ở nước tôi, sắp có đường tàu cao tốc nhanh nhứt thế giới nè, cho thiên hạ biết IQ dân nước tôi đâu có thấp!) Ổng vẫn lầu bầu: cái nhà máy nhiệt điện đó sẽ xì ra hai mươi lăm tấn khí điôxít cạcbon mỗi năm. Ối dào, ông thấy một mà không thấy hai, hiệu ứng nhà lồng kính thì toàn cầu chịu chung ảnh hưởng, cha chung hơi đâu khóc! Hãy nghĩ mặt tích cực là dân Nam Phi sẽ có thêm điện xài, sẽ mua thêm nhiều thiết bị điện và hàng hóa điện tử, chẳng phải giúp bọn tư bản xứ ông giàu thêm sao? Mà khổ lắm, nói chi chuyện xa xôi cho mau già. Để yên tôi coi người ta đá bóng kìa!

Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222