Trò chơi đẹp

Trái banh có thể làm “nổ tung cầu trường”, như kiểu nói của bình luận viên bóng đá trên truyền hình. Sự thực là hãng Adidas bảo đảm trong bất cứ tình huống nào trái banh họ chế tạo để chánh thức sử dụng cho World Cup 2010, có tên chánh thức là Jabulani, không bao giờ nổ, xì, xẹp, hay méo mó. Họ thậm chí khẳng định rằng banh của họ tròn nhứt so với tất cả banh trong thiên hạ từ trước tới nay. (Nhân tiện nói luôn, mỗi trái banh này giá 150 đô la Mỹ, phẩm chất quốc tế, Made-in-China.)
Truyền thống World Cup là thủ môn các đội luôn càm ràm về banh bóng. Thủ môn của đội quốc gia Mỹ là Tim Howard, sau khi nhăn nhó rằng anh không đặc biệt thích Jabulani, đã tỏ ra là người có óc hài hước và triết lý khi hóm hỉnh nói thêm rằng: “Dĩ nhiên là tôi không thích ôm banh, mà tôi nghĩ cũng không có nhiều thủ môn khoái ôm banh đâu. Nhưng bây giờ tôi nghĩ tôi hiểu bản chất của trò chơi, và công việc tiến hành như thế nào.” Tính chất bóng bẩy và bí hiểm của lời anh nói khiến tôi tin tưởng anh là người có đầu óc chứ không chỉ có tứ chi. Tôi vốn lo anh sẽ vất vả trong vùng cấm địa, nay thấy anh còn khả năng thọt lét thiên hạ, tôi yên tâm mà phớt tỉnh bọn Ăng lê.
Thực ra mối lo chính của tôi cho đội Mỹ ở xứ Nam Phi không phải đội Anh, mà là Algeria. Lý do thì ai-cũng-biết-rồi đó. This time for Africa, phen này vì châu Phi, như lời bài hát chính thức của World Cup 2010 do Shakira hát. (Một blogger phàn nàn rằng Shakira tóc vàng mắt xanh, quá trắng ở lục địa đen. Anh ta thích bài Cờ bay, Wavin’ Flag, của K’Naan người gốc Somali hơn.) Shakira là người gốc châu Mỹ Latin, cô hát bài Waka Waka bằng tiếng Anh lẫn tiếng Tây Ban Nha, bài Wavin’ Flag cũng được hát bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Có vẻ FIFA ưu ái châu Phi và Nam Mỹ, vuốt ve thế giới đang phát triển, bóng đá là thể thao bình dân mà. Thử nghe lời bài Waka Waka, vốn là bài hát xưa của một dân tộc châu Phi nổi dậy chống thực dân: Đứng lên khi anh ngã xuống. Đứng lên nếu anh ngã xuống. Còn bài Wavin’ Flag bắt đầu bằng câu Cho tôi tự do, cho tôi lửa. Ai bảo World Cup phi chánh trị?
Trong phim Invictus, tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã khởi động một chiến dịch cổ động dân chúng ủng hộ đội bóng quốc gia giành chức vô địch World Cup (bóng bầu dục) để hàn gắn một đất nước đã bị te tua vì kỳ thị chủng tộc. Đội bóng Nam Phi đã chiến thắng, đem lại niềm vui và niềm tự hào quốc gia cho cả người da trắng lẫn da đen, người giàu lẫn người nghèo. Đó là kết thúc đep trong phim. Chắc là Clint Eastwood làm phim Invictus cũng canh trước canh sau cho vừa thời điểm World Cup 2010 này, cũng ở Nam Phi. Không rõ ổng có ngụ ý các quốc quốc gia đang có vấn đề nội bộ nên học tập gương Mandela? Hay là FIFA muốn dùng World Cup để hàn gắn thế giới chớm chỡ những cách biệt như non cao vực thẳm này?
Mà thôi, ngẫm nghĩ linh tinh chơi, chứ phim ảnh là phim ảnh, chánh trị là chánh trị, bóng đá là bóng đá. Cứ nhảy múa reo hò và ca hát như K’Naan: Lets rejoice in the beautiful game. Chúng ta cứ vui lên trong trò chơi đẹp này.
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222