Những vé tàu

Hẻm số 5 tương đối cụt, nhà cửa thấp lè tè, trừ căn nhà ở khúc giữa, nơi tẻ ra một con hẻm khác hẹp hơn nhưng dài, ăn ra tận đường Trần Hưng Đạo. Căn nhà đó cũng vách ván mái tôn như phần lớn nhà cửa ở khu này, nhưng có một cái gác nhô lên, giống như một cái chuồng bồ câu. Theo chuẩn chuồng bồ câu thì đây là một cái khổng lồ. Còn làm phòng trọ cho người ta thì thực tế nó chỉ đủ cho một người lớn chui vào và duỗi chân tay trên cái sàn gỗ trống trải. Có thể có vài chồng sách dồn sát vách hay vài thứ đồ dùng cá nhân hơi bừa bãi trong góc.
Thực sự thì tôi chỉ tưởng tượng chứ chưa bao giờ được leo lên “trên đó”. Tôi chỉ là một con nhỏ chín mười tuổi qua chơi nhà bạn. Mẹ của bạn dễ dãi, để tụi tôi chạy lung tung khắp nhà, nhưng cấm ngặt không được lên gác phá đồ của anh Tín, thậm chí không được cười giỡn lớn tiếng khi có ảnh “trên đó”. Ảnh là sinh viên trọ học. Tôi thấy ảnh vài lần, lần nào ảnh cũng mặc một cái quần tây đen và một áo sơ mi ngắn tay màu vàng lợt, hay màu trắng ngã sang vàng lợt. Ảnh thường đeo một cái túi nặng, chắc đựng đầy sách, xệ một bên vai, đi nghiêng nghiêng ra vô con hẻm lầy lội nhung nhúc trẻ con.
Bạn tôi rất tự hào về người khách trọ, khoe rằng nhờ anh Tín chỉ làm bài tập nên nó được mười điểm. Nhà tôi ở hẻm khác, hồi đó không có ai là sinh viên, cho đến khi chính tôi vào đại học, trở thành sinh viên đầu tiên trong xóm. Khỏi nói tôi tự hào như thế nào. Khỏi nói cha tôi hãnh diện như thế nào. Và điều khiến tôi nhiều lúc đi trên mây là bọn trẻ xóm tôi khi “kênh xì po” với trẻ xóm khác, chúng liệt kê tôi vào danh mục “Xóm tao có”, như “Xóm tao có cậy trứng cá” (chỗ trẻ con tụ tập đấu võ mồm trong bóng râm), để đối với xóm nhỏ Mí có “cây phông tên”(chỗ dân khắp vùng lân cận đến hứng nước), và “Xóm tao có sinh viên” để đối với xóm thằng Tèo có thầy võ và đoàn múa lân (đại khái là người đặc biệt, chứ không phải dân đen lèng èng chạy xích lô, bán hàng rong như hầu hết dân cư trong xóm.
Ấy là thời cách nay hơn ba chục năm. Vừa rồi tôi trở lại hẻm số 5 (bây giờ có dựng tấm bảng to là khu phố văn hóa số 5), cảnh trí đã hoàn toàn khác: nhà cửa đều được xây dựng khang trang, xóm coi rộng rãi, có vẻ phong lưu. Nhà bạn tôi vẫn nằm ngay ngã ba hẻm, vẫn nhô cao hơn các nhà khác. Năm tầng. Có bảng hiệu: “Nhà trọ”. Bạn tôi than việc làm ăn đang khó khăn, chắc phải gỡ bảng hiệu dẹp tiệm cho yên thân. Chị nói: “Tụi sinh viên ở trọ quậy quá, tổ dân phố phản ánh, phê bình hoài, mình nói cũng chẳng khác nước đổ lá môn, khổ nỗi là bây giờ đuổi tụi nó vẫn chưa chịu đi.” Tôi ở xa về nhưng không đến nỗi từ cung trăng rớt xuống, nên không bình luận gì khi bạn thở dài: “Sinh viên bây giờ phức tạp lắm.”
Ừ thì đã qua rồi cái thời sinh viên là thành phần “ưu tú” được ưu đãi (tất cả sinh viên đều được học bỗng, tiêu chuẩn mỗi tháng 16 kí gạo, so với 13 kí của công nhân viên chức và 9 kí của dân thường). Vì hồi đó còn quan niệm sinh viên là trụ cột tương lai của nước nhà, được đào tạo để chấn hưng kinh tế và văn hóa, trở thành những kẻ tiên phong cải cách xã hội, phục vụ nhân dân. Làm sinh viên hồi đó là lãnh trọng trách của người vác cờ lý tưởng, đeo huy hiệu đạo đức, phất cao niềm hy vọng của dân chúng vào một tương lai tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn.
Khoảng mười năm lại đây, đại học ở Việt Nam có nhiều thay đổi, số lượng sinh viên tăng gấp bội, mục tiêu học tập thay đổi, còn mấy người chân thành “học vì nhân dân, học để cống hiến cho quốc gia dân tộc”? Nếu còn, xin chỉ dùm tôi. Học trò và em cháu tôi bây giờ thẳng thừng xác định: lấy bằng cấp để kiếm việc làm, để thăng quan tiến chức, làm giàu càng nhanh càng tốt. Những kẻ vô tư nhứt làm sinh viên cho vui, vô đại học như lên một chuyến tàu khác sau khi qua con đò trung học. Hoặc “lấy tiếng” sinh viên để tiện bề mưu cầu danh lợi ở những chỗ khác. Sinh viên bây giờ, như bạn tôi nói, cũng có ba bảy (chục) đường.
Tại bạn tôi chỉ tiếp xúc với sinh viên trong cái nhà trọ của mình nên cảm thấy bi quan. Sự thực là sinh viên ở đâu trên thế giới cũng vậy, cũng là những cá thể khác nhau với muôn vàn chí hướng khác nhau, chứ không là một tập thể thuần nhất được lý tưởng hóa. Trong xã hội bình thường thì sinh viên là một thành phần dân chúng như mọi thành phần dân chúng khác (có trách nhiệm và nghĩa vụ như nhau).
Bạn chất vấn: Vậy bây giờ là sinh viên thì vinh hay nhục? Tôi không biết cách trả lời những câu hỏi cực đoan. Sinh viên là người đang đi học, đang chuẩn bị tiềm năng. Cái bạn chuẩn bị, trang bị, cho mình ở đại học có thể là hành trang trên con đường dài của đời bạn sau này. Bạn muốn đi đâu đến đâu là điều quan trọng nhứt phải được xác định lúc này, để biết thu nhặt và trang bị cái gì. Đó là những cái vé tàu mà tùy theo loại theo hạng bạn sẽ lên những toa tàu khác nhau, đến những sân ga khác nhau, một ga xép tỉnh lẻ hay một sân ga quốc tế, đưa bạn vào những thế giới khác nhau. Mục tiêu khoa học, ích lợi quốc gia, hay tham vọng cá nhân, đều có vé. Chọn lựa là quyền của bạn.
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222