Bài đăng

Đang hiển thị bài đăng từ 2007

Giã từ Bellingham

Chiều nay Bellingham hửng chút nắng, ấm lên một cách bất bình thường, ngày mùa đông như vầy được kể là ngày đẹp trời, bèn ra biển dạo chơi để hít thở khí trời. Và để ngắm biển. Xa xứ này mình sẽ nhớ biển nhứt. Bây giờ hành lý đang chờ khuân ra xe. Năm ngoái mình đón giao thừa ta trên máy bay. Năm nay mình đón giao thừa tây trên máy bay. Cho nên cái kiếp mình cứ bồng bềnh, lơ lửng. Nhưng hăm mấy tiếng đồng hồ nữa thì mình về tới Sài Gòn, về tới nhà! Chúc mừng năm mới!

dọn dẹp

Lúc xe chạy trên đường giữa rừng thông trên đồi mưa bắt đầu chuyển thành tuyết. Những bông tuýêt ban đầu còn to và nặng, rơi xiên xiên như mưa, chạm mặt đường là tan. Rồi trời lạnh hơn, tuyết không tan được, trông như nước đá bào rơi rắc trên mặt đất. Rồi lạnh hơn nữa, bông tuyết nhỏ như bụi, bay mịt mù trắng xoá, bám đầy cành lá, lớp tuyết đọng trên mặt đường dày hơn, con đường ngoằn ngoèo đẹp lạ lùng, và trở nên nguy hiểm. Chiếc xe cẩn thận chạy xuống đồi. Tới chân đồi thì hết tuyết. Không biết tại sao chân đồi lại ấm hơn đỉnh đồi. Chạy về phía biển. Ngoảnh lại nhìn đỉnh đồi bây giờ trắng xoá, trông như cái bánh bông lan vừa được rắc bột đường trắng. Cảnh trí thay đổi ngoạn mục trong vòng một giờ đồng hồ. Mấy bữa nay thời tiết cứ cà giựt, khi mưa khi tuyết, chỗ nào cũng ướt mem, lúc nào cũng lạnh ớn óc, vườn tược úng nước, đường hẻm lầy lội . Đi chơi thì chỗ nào cũng giống nhau, mờ mịt mưa hoặc tuyết, đi mua sắm thì tới khu thương xá nào cũng kẹt xe. Ở nhà soạn đồ đạc, dọn dẹp nhà cử...

đêm giáng sinh làm thơ

Hình ảnh
ngoảnh lại bảy ngày thoắt qua khi bần thần ngoảnh lại: cuối tuần! mười hai tháng cũng thoát nhanh giờ ngoảnh lại: cuối năm! ngoảnh lại: bảy năm! ở một nơi khác sống một cuộc đời khác ngoảnh lại đã mười năm trở về từ chuyến đi xa thứ nhứt trở về từ mép vực sâu nhứt trong khát vọng trở về từ cánh đồng rộng bồi bằng dòng máu phiêu lưu và trở về từ những thành phố, những rừng thu, những không gian tuyết, nơi mình ròng rã tìm kiếm, rượt bắt, đối diện, ngộ nhận, từ chối chính mình. ngoảnh lại năm mươi năm hành trình khởi từ tiếng khóc đi tới nụ cười người dạy mình nỗi sợ đã vội vã bỏ thế gian đánh rơi ba đứa trẻ thơ bên rìa cuộc đời mình lớn lên trật chỗ mình lớn lên lạc lỏng vẫn lớn lên không thể nào đừng trong dưỡng dục bằng ý chí sống còn của kẻ phiêu lưu lấy tình người tự trói của kẻ tha hương coi nhân nghĩa là nhà ngoảnh lại hành trình nửa thế kỷ khởi từ tiếng khóc vỡ lòng đến nỗi đau cạn nước mắt mĩm cười. Mến tặng nụ cười của cây ngọc bích cho ai đó tình cờ rảo qua đây. Cầu cho năm mớ...

đông chí

Cuối tuần này về Portland, bên nhà chồng có truyền thống sum họp đại gia đình vào cuối tuần trước lễ Giáng sinh trong một buổi tiệc cháo (hay gọi là tiệc canh cũng được - soup feast) Những thành viên trong đại gia đình (đều đã có gia đình riêng, thậm chí đại gia đình riêng) đem đến bữa tiệc món ngon của mình cùng quà của mình cho những thành viên khác, mọi người thưởng thức món ngon của nhau, trao đổi quà, và thông tin về nhau trong năm qua - nhiều người cả năm mới gặp nhau một lần vào dịp này. Món chủ yếu trong tiệc này là cháo/canh vì thành phần tham dự có các cụ cao tuổi lẫn các bé chưa có răng, và tiệc trưa xong khoảng 3-4 giờ chiều, người già và trẻ con không đến nỗi mệt mỏi, người ở cách vài trăm dặm còn kịp lái xe về nhà. Trứơc Noel cũng giống trứơc tết bên mình, người có gia đình rất bận rộn. Mà lúc này ngày lại ngắn, ngắn nhứt trong năm. Đông tây hình như gặp nhau ở những ngày này: Những xã hội chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa thì mừng lễ Đông chí, là dịp để gia đình đoàn tụ đ...

lời

Hình ảnh
Chỉ trong 0.17 giây Google tìm ra 468.000 hình ảnh (chỉ riêng hình ảnh)cho từ "mona lisa". Mình lượm ra một số dán lên đây để minh hoạ. Ví dụ một người chưa bao giờ nhìn thấy bức tranh Mona Lisa (La Gioconda) của Leonardo da Vinci trước khi vào internet để tìm thông tin thì kiến thức người đó tiếp thu trong , thí dụ 17 phút cho rộng rãi thời gian lướt qua như mình thử làm, là gì? Thứ nhứt: cái này rất nổi tiếng! Thứ hai: cái này hết sức đa dạng phong phú! Thứ ba: cái này quen quen, có nét giống tướng cướp biển Caribean, có nét giống Michael Jackson, có nét giống Mr. Bean; hình như có bà con với Monica bồ tổng thống Clinton? Thứ tư: Hình như tác giả là nhân vật tiểu thuyết của Dan Brown! Ngừơi khác có thể không ấm ớ loạn thông tin như mình (nhưng mấy đứa tuổi cấp hai ngồi đầy các quán cafe internet chưa chắc hiểu biết hơn mình!) Người ta có thể dễ dàng nhận ra những hình ảnh đã bị "biên tập" cố tình, lộ liễu, có thú nhận. Nhưng còn lại hàng trăm ngàn "nguyên bản...

những ngày ngắn ngủn

Mấy ngày nay tuyệt nhiên không thấy mặt trời đâu, chỉ thấy trong dự báo thời tiết ghi giờ mặt trời mọc ngày càng trễ, bữa nay 7:55am, và giờ mặt trời lặn ngày càng sớm, hôm nay 4:14pm. Biết là đêm đông dài ra, nhưng thời tiết xấu khiến cho cái khúc ngày ngắn càng thêm ngắn ngủn: đứng ngọ mà trời như mới hưng hửng sáng, chưa kịp làm gì thì trời đã ui ui, bóng tối đã sụp xuống - mà đồng hồ mới chỉ tới ba giờ mấy. Không có nắng, chắc chắn là cơ thể mình thiếu vitamin D rồi, nên hỗm nay xương cốt nhưng nhức, uống cả đống vitamin mà chẳng thấy hiệu quả gì cả. Năm xưa bị té lọi tay, chụp hình thấy xương cánh tay bể như xà bần và nứt lan ra như mạng nhện, sư phụ Lưu Kiếm Xương vuốt xương cho phẳng phiu đâu vô đó rồi cho uống thuốc tể, uống vô ăn ngon ngủ yên, cánh tay lành lặn, nhiều năm qua không hề có vấn đề gì, mà mấy bữa nay cánh tay ấy cũng nhõng nhẽo: gõ máy tính bằng mấy ngón tay mà cánh tay cũng nhức. Hiện giờ chỉ gõ cầm hơi bằng một ngón của tay phải. Xương chân cũng giở chứng, chỉ ...

một ngàn hột gạo

Mấy em cháu hay hỏi mình làm sao giỏi từ vựng tiếng Anh, thì đây: mỗi ngày chỉ cần 5 phút vào đây , sẽ thấy ngay giữa trang là một trắc nghiệm từ vựng tiếng Anh, từ in đậm có một đồng nghĩa trong số 4 từ liệt kê bên dưới, cứ rà con chuột vô đại một từ nào đó, nếu không biết chính xác từ nào, rồi nhấp chuột một cái, đáp án hiện ra ngay cùng kết quả đúng / sai. Nếu đúng thì mình sẽ hiến được 20 hột gạo cho chương trình thực phẩm thế giới của Liên Hiệp quốc (UN World Food Program). Nếu sai thì sẽ được khuyến khích thử tài tiếp với trình độ dễ hơn. Mỗi lần mình bấm một cái như vậy thì phía dưới trang web đó hiện ra một quảng cáo. Cái hãng được hiện ra trong bảng quảng cáo sẽ trả tiền cho 20 hột gạo mà người trả lời đúng góp vào quĩ cứu đói thế giới. Đơn giản như vầy: Freerice.com là một website quảng cáo. Mà quảng cáo trên mạng thì có người coi mới có trả tiền. Nên website này dụ người ta vô bằng cách bày ra trò chơi đố chữ để cho người ta thấy vừa được trau giồi ngôn ngữ vừa được tích đứ...

hàng rong

Hình ảnh
Buổi sáng tuyết rơi như dự báo. Êm đềm, trắng xoá. Khi tuyết ngớt, mình mặc đồ ấm, đi ra đường, vẫn còn lớt phớt bông tuyết bay, nhưng khi chúng táp vào mặt mình thì tan ngay. Đi trên tuyết mới rất êm. Còn hai tuần nữa là Noel. Giống như rằm tháng chạp bên mình người ta bắt đầu đi sắm mai sắm tắc, ở đây người ta sắm thông. Đi ngoài đường thấy xe mấy người đi sắm thông về chở cây thông trên nóc hay trong thùng xe. Tụi này cũng sắm một cây ở góc đường gần nhà. Chỗ đó là nơi mấy trại chủ trong vùng đem thông ra bán, giống như hồi xưa còn làng hoa Gò Vấp, dân làm vườn trong vùng gần Tết bày hoa bán ở mấy góc đường, lề đường. Cây thông tụi này chọn mua bị để ngoài trời nên bám đầy tuyết, mua về phải để dưới hầm chờ tuyết tan rồi mới đem lên nhà trang hoàng. Để "ăn theo" mấy hàng bán thông, một cái xe hàng rong bán bánh mì kẹp xúc xích, kêu là hotdog, cũng đậu ngay góc đường, vừa trương bảng là hotdog "địa phương", ý là hotdog làm tại chỗ, mùi xúc xích nướng bốc lên giữa...

khoảnh khắc

Ngày ngắn quá. Nắng ráo và lạnh. Ngày mai có thể tuyết rơi. Bông tuyết bay đẹp. Tuyết mới rơi phủ trắng vạn vật. Ánh sáng tuyết phản chiếu huyễn hoặc và bình yên. Những lúc thanh thản nhứt của mình là lúc nhìn tuyết rơi. Không biết tại sao. Lần đầu tiên trong đời mình thấy tuyết cách đây đúng 10 năm. Hình như mình có kể chuyện này rồi. Lúc đó trên đường từ phi trường về khách sạn ở Denver. Mình nhìn ra xe đang chạy thấy những mảng trắng loá bên sườn đồi, hỏi K cái đó là gì, ông nói tuyết, mình chưng hửng. Sáng hôm sau mình đi ra khỏi khách sạn một mình để tìm tuyết. Thấy tuyết bị xúc dồn bên lề, mình thử dẫm chân lên, cảm giác như đạp lên một đống nước đá bào. Ở những chỗ tuyết đã bị dẫm đạp trước đó, bước đi trơn trợt, cứ phải ghìm chân giữ thăng bằng. Vừa thích vừa sợ. Ba hôm sau về đến Iowa nhằm lúc tuyết đang rơi. Tuyết rơi suốt từ phi trường đến ký túc xá May Flower. Phòng của mình ở tầng 8 và cửa sổ nhìn ra công viên bên sông, chỗ dòng sông uốn khúc rất đẹp. Từ đó mình nhìn ra bầ...

đạo tỏi

Bão qua. Tuyết tan hết. Mưa còn rơi rớt. Gió không chừng được, khi lặng khi lộng. Nhưng nhiệt độ "ấm" lạ lùng: bây giờ hàn thử biểu ngoài cửa sổ đo được 58F, tin nỗi không? Kiểm tra lại trên weather.com thì thấy 53F. Dự báo trời tiếp tục sụt sịt trong 36 tiếng đồng hồ tới, nhiệt độ trồi sụt trong khoảng 40F-50F, rồi thứ năm trời ráo, lạnh trở lại. Hơi hoảng hốt vì thời gian trôi vút qua chóng mặt. Cứ nhủ mình "bình tĩnh, từ từ, gấp lắm rồi." Việc đâu còn đó, việc qua rồi thôi, việc chưa tới khoan lo. Mà sáng nào thức dậy cũng thấy hoảng khi nghĩ đến việc cần làm cứ nhiều ra mà thời gian thì đang ít lại. Nhưng thôi, không nói chuyện này nữa. Nói chuyện đạo tỏi cho vui. Mình không khoái tỏi lắm, nhưng năm kia tình cờ phát hiện ra việc trồng tỏi mùa đông dễ ợt: khi thu hái hết rau cỏ hè thu, mình vùi mấy tép tỏi xuống đất trứơc khi phủ lá khô cho đất nghỉ đông. Tép tỏi sẽ âm thầm mọc rễ suốt mùa đông và đầu xuân, trước khi bất cứ rau cỏ gì mọc nổi, tỏi đã vươn lên khỏ...

ngỗn ngang

Hình ảnh
Bây giờ đang có bão. Gió thổi suốt đêm. Cửa nẻo kín bưng mà vẫn nghe tiếng gió gào thét. Thức nhiều lần, nghĩ ngợi lung tung. Đọc bốn năm cuốn sách một lúc. Có lẽ vì tâm không yên nên không tập trung hứng thú vào một cái gì cho trọn vẹn. Đầu giường một cuốn, dưới chân sofa một cuốn, trên bàn nhà bếp một cuốn, bên cạnh máy tính một cuốn... Loanh quanh trong không gian giới hạn, cầm cuốn này đọc dăm bảy trang, bỏ xuống đi làm việc gì đó, rồi cầm cuốn khác lên đọc tiếp. Đầu óc ngỗn ngang thập cẩm. Tấm hình này chụp hôm nọ, lúc tuyết mới rơi, ban đêm. Sáng sớm mình mở cửa nhà bếp ra vườn, thấy đôi đép bỏ quên bên ngoài bị tuyết phủ, sẵn máy bèn chụp cái hình. Lúc đó thấy buồn cười. Bây giờ nhìn cái hình, lại buồn buồn vô cớ

lắc chuông

Hình ảnh
Tuyết rơi suốt ngày hôm qua. Sáng và đẹp. Nhằm ngày cuối tuần, trẻ con hớn hở vọc tuyết, người lớn cũng thong thả trang hoàng nhà cửa. Hàng xóm mình đã đem đèn giăng mắc trên cây và viền theo khung cửa , nóc nhà. Đèn màu nhấp nháy coi vui mắt. Bây giờ đi tới khu thương mại nào cũng tưng bừng không khí mua sắm mùa Giáng sinh. Đại khái như mọi năm. Nhưng mình có cảm tưởng người lắc chuông nhiều hơn năm ngoái. Những người này thường là kẻ tự nguyện đứng ở bên cửa mấy khu thương mại lớn lắc chuông để người ta cho tiền - cho mấy tổ chức từ thiện chứ không phải cho cá nhân người lắc chuông. Mình có quen một bà bảy chục tuổi, mùa hè ngày nào cũng ... cỡi xe đạp một vòng thành phố, mùa này thì cuối tuần đi lắc chuông. Mình đã thử đứng bên cạnh bà chơi một lát, nhưng không quá 10 phút là chạy tọt vô tiệm. Cho dù không nhằm lúc tuyết rơi thì ngoài trời vẫn rất lạnh, bị gió táp còn lạnh khủng khiếp hơn. Nhưng bà đứng cả giờ động hồ, tay lắc chuông liên tục, và gương mặt rạng rỡ tươi cười với ông...

hội thảo mộc thực

A! tháng mười hai rồi! Bèn dọn mình ăn chay, lý do: vừa đọc bài Ăn Chay ở đây . Thông tin ở cuối bài này ghi: Người soạn THUẦN ÐỨC In tại nhà in TAM THANH 108-110, PLACE MARÉCHAL FOUCH. DAKAO-SAIGON 1928 Thánh Thất New South Wales - Australia Tái ấn hành năm Quí Mùi 2003 Cơ duyên dẫn đến sự này là có một ông Mỹ học tiếng Việt từ hồi ở VN trong thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Ông này đạo Tin Lành chứ không phải đạo Cao Đài. Ổng ăn chay nhưng ổng cứ chối đây đẩy là ổng không phải người ăn chay, mà là người thuộc "hội thảo mộc thực." Hồi đầu, mình không hiểu ổng nói cái gì, cũng không bận tâm. Cuộc chuyện trò đại khái như vầy: "Hé lố!" "Cháo cố!" "Ủa? ông là người Việt à?" "Tôi là người Mỹ." "Ông biết nói tiếng Việt hả?" "Tôi không biết nói tiếng Việt." "Ông đang nói tíêng Việt mà!" Ổng bèn chuyển qua nói tíêng Mỹ. Ổng nói bằng tiếng Mỹ rằng ổng thích tiếng Việt lắm, mấy chục năm nay ổng vẫn ... tự học tí...

bàng hoàng

Mới tình cờ đọc bài 'phong vũ biểu' trên Tuổi Trẻ, sáng nay định tìm lại, bèn đánh cái tên tác giả Hàng Chức Nguyên vào hộp tìm kiếm, và tìm ra được một loạt bài, bèn đọc luôn. Cảm động. Mấy chục năm nay biết anh vẫn làm báo, thỉnh thoảng cũng đọc anh, nhưng không còn liên hệ, có lần về Sài Gòn gặp anh tình cờ đâu đó, hỏi thăm vài câu trong lúc vội vàng, rồi yên tâm - có vẻ công việc, bản thân , gia đình của anh không có "vấn đề nổi cộm" nào để mình phải khắc khoải lo dùm! Điều mình biết chắc chắn là một người làm báo ở TT hăm mươi mấy năm (không chừng ba chục năm!) như anh thì về mặt vật chất và địa vị mình không ganh không thèm thì thôi, khỏi nói chuyện so bì! Nên đọc bài 'phong vũ biểu' hơi bàng hoàng. Như hồi tháng ba vừa rồi về SG nghe chị bạn nói chuyện nắng bụi ngoài đường khiến con nít ăn xin bán vé số ... đen thui (Bàng hoàng vì ngôi nhà của chị 'AC" đến cả cái bếp! Mà nếu nhiệt độ ở SG lên quá 30C thì chị ... bay lên Đà lạt - nhà nghỉ của ...

đi dạo

Hình ảnh
Tuyết chỉ rơi chút xíu hồi khuya, sáng ra tan mất tiêu, nhưng lối đi bãi cỏ đều ướt và lạnh. Nghe nói trên núi tuyết rơi rất nhiều suốt đêm qua, đủ để bắt đầu mùa trượt tuyết vào cuối tuần. Đêm nay lại doạ có tuyết nữa, nhưng có lẽ sườn đồi Sunnyland chỗ mình ở tuyết không đọng lại lâu. Trong tinh thần "trùm chăn" mình đã trữ một đống sách để kế bên cái sofa. Nhưng chiều nay đi khám sức khỏe, bị bác sĩ nhắc tập thể dục, nên trùm áo khoác đi dạo. Đây là con đường mòn gần nhà mình vẫn thường đi. Mùa hè cây cối um tùm xanh tốt, blackberries mọc đầy, bây giờ thì trụi lũi, quang đãng! Đường chạy qua một công viên nằm sát sân trường tiểu học. Phần lớn cây trong công viên cũng trơ cành, nhưng cây tùng già vẫn xanh vẫn hiên ngang ngạo nghễ. Chịu khó đi một đỗi nữa thì tới khu đầm lầy được bảo tồn cho các cây cỏ gọi là "native plants", cây cỏ bản xứ, mọc tự nhiên. Một hôm M đi dạo về nói là anh gặp ba con raccoon ở vùng đầm lầy này. Từ đó mình cứ đi dạo quanh vùng đó để c...

trùm chăn

Hình ảnh
Dự báo tời tíêt là đêm nay tuyết bắt đầu rơi. Bèn đem mấy tấm chăn gọi là crop blanket ra trùm mấy mảnh vườn rau lại. Loại chăn này làm bằng vật liệu gì không biết, có thể để ánh sáng và không khí lọt vào (cây cỏ vẫn cần thở), chăn cũng có khả năng ngăn giá tuyết và giữ nhiệt (trời nắng phải giở chăn ra kẻo cây bị nóng). Chăn này mắc, nên chỉ sắm nỗi 2 tấm, trùm lên hai mảnh vườn đang trồng rau xanh, còn mấy mảnh vườn kia trồng leek với tỏi có bị tuyết phủ cũng không chết. Có thể dự báo thờ tíêt vậy chứ chưa chắc có tuyết. Nhưng mình cứ phòng hờ, với lại mùa đông đến rồi, tuyết có rơi hay không thì trời cũng đã lạnh lắm, nhiệt độ ban đêm dạo này luôn tụt dưới độ đóng băng. Mình chỉ mới ra trùm chăn hai mảnh vườn mà đã lạnh cóng rồi. Bây giờ ngừng blog để trùm chăn bản thân mình coi.

máy bay và xe cộ

Bữa nay báo The New York Times có một bài về mâu thuẫn hạng vé/giai cấp trong ngành hàng không Mỹ. Từ sau vụ 9/11 thì đi máy bay ở Mỹ quả là ác mộng, và đó là kết luận từ kinh nghiệm bản thân mình (trong 6 năm gần đây, tính trung bình bay 4 chuyến nội địa mỗi năm, không kể ít nhất 2 chuyến bay quốc tế) Nay đọc báo mới té ra là tại mình đi vé rẻ, chứ đi vé hạng nhứt hay "business" thì mỗi chuyến bay ắt đã là một giấc mơ kỳ thú. Bài báo này có kèm hai cái hình minh hoạ hay ho, trong đó hành khách hãng máy bay Mặckệnó được súc vật hoá thành bò, có sừng có đuôi hẳn hoi, được các tiếp viên đẹp như người mẫu chiêu đãi, món được phục vụ tùy sự lựa chọn của quí khách là "rơm hay cỏ khô?" Nhưng mình viết cái này không để hùa theo hay phản đối ý kiến về kỳ thị hạng vé /giai cấp của bài báo, chẳng qua nói tới chuyện đi máy bay mình nghĩ nên ghi lại sự cố máy bay (và xe bus) trong chuyến đi Arkansas vừa rồi để người khác có thể rút kinh nghiệm. Bellingham có một cái phi trườ...

vô cùng thương tiếc

Hình ảnh
Bây giờ mất bò rồi thì lại canh cánh lo đóng chuồng. Việc thứ nhứt khi thức dậy vào sáng sớm là coi nhiệt độ ngoài cửa sổ bao nhiêu và vô weather.com để coi dự báo thời tiết từng giờ trong 36 tiếng đồng hồ sắp tới. Coi để coi vậy thôi, chứ dự báo không đúng gì hết. Hôm kia dự báo nhiệt độ thấp nhất khoảng 37 độ F, nhưng thực tế đêm hôm đó nhiệt độ xuống tới dưới 20F, ngay như bây giờ đây, weather.com đo được 25F nhưng hàn thử biểu ngoài cửa sổ ngưng ở vạch 22F. Hay là không khí ngoài cửa sổ nhà mình bị gì đó mà lạnh hơn toàn vùng? Xứ này đồi núi sông hồ biển phố xá đồng bằng xen lẩn nhau, khiến cho có nhiều vùng tiểu khí hậu, ở trên đồi nhiệt độ có thể chênh 10F so với lòng thung lũng. Mà có khi do khuất nắng mà bên này đường lạnh hơn hẳn bên kia đường cả chục độ. Và có khi nhằm chổ bị luồng gió lạnh quét qua, nhiệt độ đột ngột hạ thấp, khiến cây cỏ lẫn người ta không trở tay kịp. Tuần rồi thấy weather.com dự báo trong 10 ngày sắp tới nhiệt độ thấp nhứt vẫn còn trên độ đóng băng, nên v...

lạnh hiểm

Hình ảnh
Mùa đông lẻn về đêm qua, lặng lẽ, hiểm ác. Buổi trưa đi chợ trời còn hửng nắng, khi mua đồ xong thì nắng tắt, bầu trời xanh trong nổi bật một mảnh trăng non, cây cỏ trong vườn có vẻ mừng là năm nay không bị mưa dầm và bão tuyết hành hạ như năm ngoái. Vậy mà sáng nay tất cả đều chết cóng. Đến hơn 8 giờ sáng mà hàn thử biểu gắn ngoài kiếng cửa sổ chỉ nhích lên tới 20F, chắc hồi khuya còn lạnh dữ hơn nữa. Cái lạnh này kêu là lạnh hiểm. Và một lần nữa mình bị thời tiết lừa! Những rau cỏ mình để dành ngoài vườn cho bữa cơm đặc biệt vào lễ Tạ Ơn hôm nay đã bị lớp sương giá dày ăn hỗn trước rồi. Nhìn đám arugula mà đau lòng. Đây là thứ rau lì lợm nhứt với cái lạnh, năm ngoái rau bị vùi trong tuyết cả tuần lễ mà vẫn sống nhăn. Mình cầu trời cho nắng lên, giá tan, cây hồi sinh, để còn có được dĩa salad cây nhà lá vườn mà khoe với khách! May mà hôm qua đã hái celery vô nhà, chứ không thì món "dressing" gia truyền má chồng dạy cho năm ngóai có nguy cơ khuyết tật. Công thức món này gồm...

chè

Lạnh. Mưa. Trầm cảm. Thèm ăn chè. Tuần trước mua được đậu xanh cà, ở đây gọi là split mung bean, hiếm nơi bán lắm à. Chợ Tàu chợ Việt ở Seattle bán đậu xanh đã trẫy võ và có lẽ nhuộm vàng trước khi phơi khô lại nên hột đậu vàng khè, ngâm ra màu vàng như nước tiểu đặc, nấu lên không có mùi thơm đặc biệt của đậu xanh. Tìm mãi mới mua được một bao "split mung bean" này, mừng lắm, mỗi lần chỉ nấu nửa chén, còn lại cất kỹ trong hủ để dưới hầm. Bữa nay thèm chè bưng hủ ra coi thì đã vơi gần hết. Tảng thần hồn, vì có ba khả năng đều đáng báo động: một, trí nhớ của mình khủng hoảng tới nơi rồi, chứ chẳng lẽ đã ăn gần hết mà cứ đinh ninh còn cả hủ đậu? Khả năng thứ hai là không phải mình ăn mà là chuột ăn, với mình suy luận này là tất yếu, nhưng ông chủ nhà này mà nghe nói chuột là bủn rủn, phải gọi cơ quan vệ sinh gì đó của thành phố để báo cáo và thế nào họ cũng tới nơi điều nghiên tình hình tìm cách đánh bẫy hay xịt thuốc, phiền toái, nhưng tệ hơn nữa là xấu mặt (có bà vợ ở dơ nê...

cỏ và rau

Hình ảnh
Phong trào biến thảm cỏ thành vườn rau đang lan trong xóm. Bữa nay đi ngang nhà Carol thấy bà đã chất những bánh cỏ khô kín mặt bãi cỏ xanh trước nhà. Kế hoạch của bà là để cho cỏ khô đè chết cỏ tươi trong suốt mùa đông, xuân sang bà sẽ đấp thêm một lớp cứt ngựa, rồi xới đất biến nó thành vườn rau vào mùa hè. Bà đã có một mảnh vườn rau nhỏ và trồng rau xanh ăn gần quanh năm, mùa đông vườn rau của bà vẫn xanh tốt các thứ cây chịu lạnh như kale , leek, parsley, corn salad. Người ta nói bà có “ngón tay cái xanh” tức là mát tay, trồng gì mọc nấy. Bà khoái lắm nên quyết biến toàn bộ bãi cỏ trước nhà thành vườn rau để mùa hè trồng khoai, bắp, bí, đậu. Bà nói bà chán cắt cỏ rồi. Với lại không có gì ngon bằng cây nhà lá vườn mới hái và mình chắc chắn rau trái mình trồng là “organic”. Về vụ này thì ông môi trường nhà này đi tiên phong trong xóm, nhưng tụi này còn yêu cỏ lắm, nên chỉ làm một khoảng vườn rau ở giữa bãi cỏ, cũng trồng rau xanh quanh năm, Vườn rau của tụị này hơi te tua mấy bữa...

sợ

Đêm lạnh. Tối hôm qua đi ăn cơm ở nhà bạn, đậu cái xe ngoài đường chừng ba tiếng đồng hồ, ăn xong, nói dóc xong, mặc áo khoác xong, ôm hôn từ giả xong, ra khỏi căn nhà ấm cúng là rùng mình, tai (i ngắn) ù, tay (y dài) cóng, chân cẳng run muốn sụm, đã vậy nước đá đóng trên mặt kính xe khiến cho phải ngồi run tiếp trong xe một hồi chờ xe ấm lên, đá tan, thấy đường chạy. May là xứ này 10 giờ đêm chỉ còn mỗi chiếc xe của tụi này chạy ngoài đường, nên về nhà an toàn dù tài xế đã uống ít nhất cũng nửa tá ly. Ngủ chập chờn, mộng mị linh tinh, thức giấc lo sợ vẩn vơ, sợ lạnh quá rau cỏ chết hết, sợ rủi cúp điện mình cũng sẽ chết lạnh luôn, sợ nhức đầu như vầy không ngủ được mà cứ nghĩ ngợi linh tinh thì điên. Không muốn nghĩ nữa, rồi lại sợ ngày mai không biết ra sao. Sợ tới đây thì hết nước sợ. Dậy, mở máy tính nhưng không tập trung đầu óc làm việc được, blog bậy bạ coi có lấy trớn viết được không. Nếu không chắc phải đọc cái gì đó như "Hortus" để ráng ngủ lại. (Sâu thẳm trong lòng ...

đáng đọc

"Chừng nào đất nước còn cần đến tôi và tôi còn đáp ứng được, tôi nghĩ tôi sẽ luôn sẵn lòng" là câu cuối trong bài phỏng vấn bà Tôn Nữ thị Ninh về việc thành lập trường ĐH tư thục Trí Việt. Dù trường mới ở giai đoạn "trình lên Bộ Giáo dục - Đào tạo" nhưng tin này khiến mình vui lên một chút giữa những ngày âm u xám xịt này. Dù quan điểm chính trị thế nào, mình nghĩ ai cũng có thể đồng ý bài phỏng vấn này đáng đọc (nghĩa là đáng viết, đáng đăng, đáng nghĩ và đáng bàn) hơn rất nhiều bài báo / phỏng vấn khác đầy dẫy trên các phương tiện truyền thông VN gần đây. Bạn bè (làm bộ) hỏi mình cứ quanh quẩn với mảnh vườn con ở cái xó Bellingham này, không biết gì tới Vàng Anh, Trà - Chanh, ngoại cảm, phỏng vấn - hỏi cung, dịch thuật - bản quyền - sách lậu (và v.v.) Ngày nào cũng có người gởi cho mình links tới những chuyện đang "hot" ở SG-HN , phần lớn là "hot" trong giới giang hồ - báo chí - văn nghệ, vì những người bạn này phần lớn đều hoạt động trong g...

tiếng nói

Bữa nay nhận được bộ DVD của phim Journey from the Fall. Phim này đã được khởi chiếu từ tháng ba, nhưng cái xứ Bellingham này không có rạp nào chiếu, nên mình phải chờ đến khi nó được phát hành ở dạng DVD mới đặt mua về coi. Cũng là do dư luận ồn ào, mình phải coi rồi mới biết dở hay phải trái ra sao. Toàn bộ phim dài hơn 2 tiếng nằm trong dĩa 1, dĩa 2 là những phần râu ria, như đạo diễn và những người tham gia làm phim nói về việc làm phim, những đoạn phim đã cắt, hay kết thúc khác, vv. Có một phần "người thật việc thật", gồm một bà cụ người Tiều kể lại chuyện vượt biên và một ông người Việt kể chuyện cải tạo, hai người này trước đây đều ở Việt Nam và bây giờ ở Mỹ. Trong câu chuyện kể bằng tiếng Tiều của bà cụ, thỉnh thoảng bà nói chêm những từ tiếng Việt rất tự nhiên; còn câu chuyện kể bằng tiếng Việt của ông người Việt thì thỉnh thoảng xen mấy tiếng Anh ngập ngừng. Bà già Tiều có lẽ sinh trưởng ở Việt Nam, tiếng Việt trở thành một phần vốn liếng ngôn ngữ của bà, cho dù bà ...

nhồi bông

Hình ảnh
Thực ra thì mình không biết chắc là nhồi cái gì, nhưng dùng từ "nhồi bông" để chỉ chung những động vật đã ... quá cố, nhưng xác phàm còn được người ta giữ làm kỷ niệm bằng cách thức bảo quản nào đó để trưng bày (hay triễn lãm). Như con cá hồi này, cái bảng nhỏ hình chữ nhật gắn ở bụng nó có ghi ngày và nơi đánh bắt cùng trọng lượng lúc đó. Toàn bộ ngoại hình con cá là đồ thật, nhưng bên trong nhồi gì đó chứ chắc chắn không phải thịt xương cá. Nó tròn trịa, màu sắc tươi rói, dáng vẻ sinh động, ngó y như còn sống. Con sói này thì không được đẹp lắm, nhưng có lẽ trong tự nhiên hoang dã nó vốn lông lá te tua như vậy, chứ không phải tại kỷ thuật nhồi bông dở. Còn con gà tây này là gà rừng, chứ không phải gà tây công nghiệp được gói thành những cục tròn ú đang chất đống ở các siêu thị. Lúc mình chụp cái hình này, có hai mẹ con đang đứng xem, bà mẹ nói nó là con gà tây, con bé con không tin, hồi nào giờ nó chỉ biết con gà tây không có lông, không có đầu. Mình cũng không tin đây l...

dọn vườn vô nhà

Hình ảnh
Đang ngồi bên cửa sổ thì nghe tiếng lanh canh, ngước nhìn ra thì thấy những hột nước đá bự bằng đầu ngón tay út rớt lộp độp bên ngoài. Trời vẫn còn trên nhiệt độ đóng băng nên chỉ lát sau là đá tan. Bèn lấy bao ni lông bọc cái bàn bên cửa sổ lại rồi bưng các thứ cây kiểng vô nhà. Tuy tháng 11 này không lạnh bằng năm ngoái, nhưng bây giờ đêm đã lạnh lắm, cây ngọc bích (jade plant) có vẻ ớn lạnh rồi, chậu cyclamen có vẻ khoái lạnh, tuy lá bị sên ăn lỗ chỗ, nhưng nụ hoa bắt đầu nhú lên. Còn chậu quỳnh (Christmas cactus) thì đang nở hoa. Mọi năm nó nở vào tháng 12 (nên gọi là xương rồng Giáng sinh)năm nay bỗng nhiên nở sớm. Hồi xưa, có lần mình đi Hà Nội vào mùa đông, gặp người bán rong hoa kiểng bằng xe đạp có bán loại quỳnh này, họ kêu nó bằng một cái tên rất lạ, không nhớ. Không biết vì lý do gì các thứ cây trong nhà xúm nhau trổ bông! Kể cả chậu lan cỏ.

tên đường

Hình ảnh
Hình như thành phố lớn nào ở nước Mỹ cũng có một con đường Martin Luther King, Jr. Chắc chắn là những con đường chỉ mang tên MLK sau khi ông bị giết. Hình như đó là cách đối xử thông thường xưa nay: giết phứt (hay kiên nhẫn chờ cho chết) rồi vinh danh. Ngoại lệ đối với các tổng thống Mỹ là có tên đường, thư viện, bảo tàng viện mang tên mình khi chưa chết. Ở thành phố Little Rock, Arkansas, đương nhiên có đường Tổng thống Clinton. Con đường này nhỏ, cũ kỹ, có xe điện chạy kính coong trên đường rầy, phố song song với một đoạn sông có cái chợ cá dưới bến và nhà lồng chợ nông dân sát bờ. Căn cứ nhà hàng tiệm quán san sát hai bên đường thì biết chắc con đường này gần đây kinh doanh du lịch là chính - ai đến hay đi ngang xứ này nếu tiện đường và rảnh rỗi thường ghé qua cho biết. Bữa tụi này chạy ngang qua, hàng cây phong bên đường ửng màu thu rực rỡ, tiệm ăn Flying Fish đầy nhóc thực khách, khiến thời gian chờ được phục vụ lấn gần hết thời gian tụi này định đi thăm thú khu này. (Tụi này c...

tiễn thu

Hình ảnh
Những cây rụng lá trong vườn đã rụng hết lá, chỉ còn những cây mãi mãi xanh như thông, vài loại đỗ quyên...vẫn xum xuê xanh tốt. Nhân kỳ nghĩ cuối tuần dài vì liền ngày lễ, tụi này dọn vườn cho nó nghỉ đông. Hốt hết lá rụng trên cỏ cho vô thùng để ở góc vườn ủ làm phân (compost). Nhìn lá đầy vườn, vun lại thành mấy đống to, nhưng khi dồn lại và nén xuống thì chỉ mới đầy nửa thùng. Mà tụi này có tới hai thùng, mỗi thùng (bằng gỗ) dung tích cỡ một mét khối. Bèn đi một vòng các tiệm cà phê trong phố gom bã cà phê về trộn vô lá khô, không được bao nhiêu, vì hình như chí lớn giống nhau, có tay làm vườn nào đó đã nhanh chân hơn tụi này. Năm nào vào dạo này cũng bị khủng hoảng nguyên liệu cho hai thùng ủ phân. Thường thì giải quyết bằng cách xin vụn cỏ của hàng xóm ngoài cách thu gom bã cà phê. Lúc này trời lạnh quá cỏ mọc chậm người ta không cắt cỏ nữa. Còn lại hai biện pháp là ra biển gom rong tấp vào bờ (mùa này nhiều vô số kể) và về vùng nông thôn xin/mua cỏ khô, cứt bò. Hôm qua tiêu n...

cà phê dịch

Hôm kia vì lo lắng về dịch tả ở Việt Nam nên mình tìm thông tin trên mạng. Lẫn trong kết quả tìm kiếm dịch tả lọt ra những trang về dịch tễ, dịch vụ, dịch cân kinh, dịch thuật. Tò mò đọc một bài về dịch thuật rồi từ đó theo các đường dẫn và thông tin mà tìm ra cả xâu cả chuỗi cả đống bài viết liên quan hay xoay quanh hay đào sâu hay móc kẽ đề tài này. Hoá ra thiên hạ quan tâm vụ này dữ à! Lấp lánh khắp các trang viết những tên tuổi quen quen lạ lạ. Đọc một hồi thấy vui, bèn nảy ra mấy ý đồ: 1. Về Sài Gòn (tháng sau) tìm một quán cà phê gần nhà, giá cả phải chăng, không gian yên tĩnh, rồi rao lên cho bạn bè, học trò, đồng nghiệp, độc giả và những ai đó quan tâm, rằng ngày giờ đó tui sẽ ngồi tại cái bàn đó, sẵn sàng thảo luận về dịch thuật, mỗi buổi một đề tài cụ thể, chẳng hạn “dịch đại từ nhân xưng trong tác phẩm văn học từ tiếng Anh qua tiếng Việt”. Ai đến sớm thì ngồi kế tui, ăn uống gì tự kêu tự trả, để không cảm thấy ngại ngùng áy náy, hay sợ há miệng mắc quai, vì có độc lập kinh ...

về nhà

Hình ảnh
Về đến nhà, lá rụng đầy thềm, trời mưa nhè nhẹ. Việc nhà nhiều và đều gấp, nhưng muốn ghi vắn tắt ngay vài điều, để khi nào rảnh coi lại mà còn hứng thì viết thêm. - hôm đi, lúc ngồi chờ máy bay ở phi trường đọc báo thấy các nhà văn Hollywood đình công, hôm về cũng trong lúc ngồi đợi máy bay đọc báo thấy vụ đình công vẫn còn và hứa hẹn nhiều tập. - hôm đi gặp sự cố máy bay, hôm về gặp sự cố airporter shuttle. - gặp 3 người Việt ở Conway, Ar. - những phi trường mình đã từng qua - những đồng lúa và ruộng catfish (cá trê, cá tra, cá mèo?) ở Arkansas. - Little Rock và Clinton và Bush và ... - lượm lặt ở các báo địa phương - giáo dục của mình và của người - người Mỹ dạy và học văn học Việt Nam ở một trường đại học Mỹ - mùa thu phương nam Vừa xem qua thư từ và coi qua những "vấn đề nóng" được bạn bè gởi cho links. Chắc là lúc nào đó sẽ phải viết ra những suy nghĩ của mình về cái quyền ăn nói của người ta người mình. Nhưng bây giờ lo làm công việc cụ thể trước mắt , xong rồi hẵng l...

ở đâu có người ta

Cuối tuần này sẽ đi Arkansas, sáng mai khởi hành sớm. Tánh người ham vui, thích ngao du, nên có dịp đi là mình không sao cưỡng được, bất chấp cái thân già phản đối âm thầm nhưng liên tục. Hồi xưa có câu rằng 'ở đâu có khói là ở đó có người Tàu'. Sau này ở đâu có người ta là có người Việt. Nhớ năm kia năm kìa tụi này lái xe băng ngang nước Mỹ, chạy qua một vùng hoang vắng, vắng tới nỗi tấm bảng chỉ dẫn bự tổ bố dựng bên đường ghi dân số là 12, nhưng con số 12 đó bị gạch chéo và ghi lại bên trên là 11. Mình thắc mắc là sự hao hụt gần 8 phần trăm dân số đó là do người ta chết hay bỏ đi. M nói là kiếm tờ báo địa phương đọc là biết ngay, vì sự kiện giảm dân này nhứt định là biến cố trọng đại nhất của xứ này! Dĩ nhiên vấn đề là kiếm ra tờ báo địa phương! Trong hai lần đi vòng quanh nứơc Mỹ, khi đến một thị trấn nào tụi này cũng kiếm một quán ăn địa phương, nơi có thể kiếm được một hay mấy tờ báo địa phương. Mấy báo đó thì tất nhiên chỉ có đến xứ đó mới có mà đọc. Và tụi này thường gi...

gỗ đỏ ban mai

Hình ảnh
Mỗi lần đi xuống phố, dù không việc gì đến toà án, mình vẫn cố tình đi ngang nơi đó để thăm cây gỗ đỏ ban mai - mình dịch nôm na cái tên thường gọi Dawn Redwood, tên khoa học của nó là Metasequoia glyptostroboides. Sở dĩ biết rành rọt họ tên nó vì dưới gốc cây có cắm tấm bảng ghi sự tích rằng: giống cây này vốn chỉ được biết đến qua di tích hoá thạch xưa cở 70 triệu năm. Ngờ đâu năm 1944 dòng dõi nó được phát hiện là vẫn còn ở tận xứ Trung Hoa. Năm 1947 hột cây được đem qua Mỹ và được ươm trồng. Ông Freimann của xứ Bellingham này được bạn tặng cho một cây con. Ông biết là tương lai cây sẽ rất cao lớn nên đem nó trồng trong sân toà án. Khi thành phố qui hoạch và xây dựng lại toà án, cây súyt bị đốn để trống chỗ xây dựng. Nhưng người làm vườn trông coi cây kiểng công viên trình bày với Hội đồng thành phố sự độc đáo của cây này. Hội đồng bèn quyết định là thay vì dời cây để xây nhà thì ... dời nhà cho cây mọc. Kiến trúc sư phải thay đổi đồ án, lấy cây này làm cảnh chính để thiết kế lại t...

con mèo về nhà cũ

Hình ảnh
Lúc mình còn học ở Wake Forest, M được một cái bổng nghiên cứu ở National Humanities Center, tụi này ở tuốt bên North Carolina cả năm, nên cái nhà này được cho một cô sinh viên cao học mướn. Cô này có một đứa con gái nhỏ và cô bé này có một con mèo con. Trẻ con và mèo con đang lớn thì quậy khỏi nói. Khi tụi này về đây nhận lại nhà thì thiệt là hỡi ơi! Tiền sửa sang nhà gần bằng tiền cho mướn nhà. Mà khổ nhứt là mùi cứt đái mèo dai dẳng mấy tháng trời dù tụi này làm đủ cách, kể cả cạo rửa và đánh vẹc ni lại sàn nhà. M thề là sẽ không cho ai mướn nhà nữa. Và chó mèo thì xin miễn. Nhưng một hôm mình phát hiện một con mèo dưới hầm! Thì ra con mèo tuy phải theo chủ đi chỗ khác nhưng rốt cuộc đã tìm được đường về nhà này và đã canh lúc mình sơ ý để cửa sau mở mà lẻn vào và trốn dưới hầm. Lại phải một phen dọn dẹp cạo rửa nữa sau khi tụi này hè nhau đuổi được con mèo ra ngoài. Không biết cô sinh viên cao học đó còn ở xứ này hay đã đi xứ khác rồi, không biết con mèo có được trao cho chủ mới kh...

sỏi, đá, lá và hoa

Hình ảnh
Giàn hoa hồng tàn vào cuối xuân được cắt tỉa, mùa hè cành cụt đâm chồi mới, và bây giờ đang nở hiệp hai. Đây là một cuộc đánh bài liều. Đầu thu nhiệt độ và ánh sáng có thể từa tựa như vào xuân, nhưng trời xuân ấm dần, còn trời thu lạnh dần, lại mưa dây dưa, nếu không mưa thì cũng âm u hay lộng gió. Nên hoa thu mong manh, nở đó mà đâu biết còn đó chăng. Hôm trước canh được chút nắng hửng lên ra vườn chụp mấy bông hồng đang nở. Hoa mừng ghê. Bữa nay ra vườn không dám nhìn hoa, nhìn xuống đất thấy lả tả cánh hoa lẩn trong lá trong sỏi và đá. À, cái cột 3 trong cái blog này không biết vì cớ gì chạy tọt xuống cuối trang. Mình không làm sao lôi nó về vị trí bên tay phải, đành xoá phứt. Hôm nào gió mưa lạnh lẽo sẽ vọc máy sửa sang lại.

những người lính

Hình ảnh
Mấy ngày nay có thì giờ đọc lại mấy cuốn sách cũ mua lại của thư viện hồi hè. Mấy cuốn này thư viện không lưu trữ nữa, đem bán xôn, bìa cứng 1 đô, bìa mềm nửa đô. Mình đã rinh về gần 20 cuốn, để một thùng trong hầm. Bữa nay đọc xong cuốn "Giai Phong! The Fall and Liberation of Saigon" tác giả là Tiziano Terzani, một nhà báo Ý thiên tả, một trong số những ký giả ngoại quốc ở lại Sài Gòn để chứng kiến sự chuyển giao quyền lực và kết thúc cuộc chiến. Ông viết cuốn này ngay sau đó, và bản dich tíêng Anh được in vào năm sau, 1976. Ba mươi mấy năm sau đọc lại có nhiều điều đáng ngẫm nghĩ. Đây là bìa cuốn sách. Trong sách có nhiều hình chụp vào thời gian giữa năm 1975. HÌnh này chụp tượng đài chiến sĩ (Việt Nam Cộng Hoà) trong công viên trước toà nhà Quốc Hội thời VNCH (nay là nhà hát thành phố)Theo ghi chú thì ảnh do tác giả chụp khi bức tượng sắp bị đập. Mình scan hình này dán lên đây để mấy em cháu sanh sau thời điểm đó xem cho biết. Còn hình này, nguyên văn ghi chú là "bo d...